Doanh nghiệp

Tạo ra giá trị chia sẻ là nền tảng phát triển bền vững

Tích hợp các giá trị tạo ra cho cộng đồng vào bài toán kinh doanh theo mô hình tạo ra giá trị chia sẻ (Creating Shared Value) là nền tảng để doanh nghiệp phát triển bền vững và tiếp tục tạo ra những giá trị mới lớn hơn. Ông Phùng Tuấn Đức – Tổng Giám đốc Gojek Việt Nam chia sẻ về kim chỉ nam trong hơn một thập niên phát triển của Gojek.

Share
this:

“Một doanh nghiệp tạo ra tác động xã hội tích cực không chỉ hướng tới việc hạn chế các tác động tiêu cực, mà còn chủ động tìm cách tạo ra các giá trị tích cực hơn nữa để mang tới lợi ích lớn hơn cho thế giới xung quanh,” người điều hành Gojek Việt Nam, ông Phùng Tuấn Đức, cho biết. Tạo ra giá trị chia sẻ (Creating Shared Values – CSV) là mô hình kinh doanh mà Gojek đang thực thi hàng ngày, lấy công nghệ làm phương tiện nền tảng tạo ra giá trị cộng hưởng cho các bên liên quan, từ đối tác, khách hàng tới nhà cung cấp, người lao động và cộng đồng.

Có thể nói mô hình kinh doanh Gojek đang theo đuổi thể hiện rõ nhất mối quan hệ không thể tách rời giữa tăng trưởng kinh doanh và tạo ra tác động xã hội tích cực. Ông Phùng Tuấn Đức ví cách thức hoạt động của mô hình CSV tựa hình xoắn ốc, tác động tạo ra cho xã hội và cho doanh nghiệp là liên tục và tương hỗ. Đó là một vòng tròn không ngừng mở rộng khi doanh nghiệp kinh doanh giải quyết bài toán cộng đồng.

Nói cách khác, doanh thu hay lợi nhuận của Gojek được tạo ra từ việc doanh nghiệp có thể giải quyết được bao nhiêu bài toán của xã hội. “Từ việc tạo ra giá trị tích cực cho xã hội, chúng tôi có thể tạo ra doanh thu và lợi nhuận, nhờ đó doanh nghiệp tiếp tục mở rộng, đổi mới, xây dựng sản phẩm mới để tạo ra nhiều giá trị mới tích cực hơn nữa, với một đích đến giá trị hơn cả lợi nhuận,” ông Đức chia sẻ.

Mô hình CSV đã được Gojek áp dụng ngay từ ngày đầu thành lập, với mục tiêu tạo ra tác động tích cực đa chiều cho tất cả các đối tác trong hệ sinh thái. Khi phần lớn đối tác là những người không có nhiều sự lựa chọn và cơ hội phát triển kinh tế, Gojek hướng tới chia sẻ các cơ hội và giá trị cho họ. Quá trình phát triển đó dựa trên 3 trụ cột chính, là phương châm của ứng dụng gọi xe ngay từ khi ra đời cách đây 12 năm: Speed (tốc độ), Innovation (đổi mới), Social Impact (tác động xã hội).

Gojek đưa ra các giải pháp cho các vấn đề trong cuộc sống hàng ngày thông qua dịch vụ của mình. Để giải quyết bài toán di chuyển trong bối cảnh kẹt xe ở các thành phố lớn, Gojek tìm thấy lời giải ở chiếc xe mô tô hai bánh. Năm 2010, startup Đông Nam Á này ra đời, dưới hình thức ban đầu là một tổng đài kết nối những người có nhu cầu di chuyển với các tài xế xe ôm truyền thống (từ “ojek” trong tên Gojek có nghĩa là “xe ôm”, theo tiếng Bahasa).

Dần dần, Gojek đã phát triển thành siêu kỳ lân, dùng giải pháp công nghệ để điều phối các nguồn lực nhàn rỗi trong xã hội, vừa tạo thêm việc làm cho hàng trăm ngàn người, hỗ trợ họ được tiếp cận công nghệ và các chương trình đào tạo bài bản, vừa giảm ùn tắc giao thông và giảm phát thải.

Lấy tài xế làm gốc, Gojek tiếp tục tạo ra các dịch vụ tận dụng tính linh động của chiếc xe hai bánh, mở rộng từ chở khách sang vận chuyển hàng hóa và giao nhận đồ ăn. Dịch vụ đặt món trực tuyến GoFood cũng xoay quanh chiếc xe hai bánh nhưng mở rộng sự hỗ trợ tới các đối tác là nhà hàng, hộ kinh doanh, giúp họ tiếp cận được nguồn khách hàng mới trên nền tảng số, học cách marketing chuyên nghiệp hơn.

Từ đó, lớp tác động tích cực tiếp theo được tạo ra, gỡ bỏ các rào cản trong việc sử dụng công nghệ của các đối tác kinh doanh, đồng thời đáp ứng nhu cầu hàng ngày về vận chuyển, đi lại, ăn uống của người dân và duy trì sự liền mạch của chuỗi cung ứng. Việc tạo cơ hội thu nhập ổn định cho hàng trăm ngàn đối tác tài xế và cơ hội phát triển cho hàng chục ngàn quán ăn, nhà hàng tại Việt Nam đã trở thành động lực phát triển của cả nền kinh tế, không chỉ riêng của Gojek.

‘‘Mô hình CSV là điểm xuất phát và cũng là điểm tựa cho doanh nghiệp trong các hoàn cảnh khó khăn,” ông Đức chia sẻ. Tại Gojek, CSV là kim chỉ nam cho tất cả các quyết định kinh doanh, từ việc lên chiến lược hoạt động đến thiết kế sản phẩm, vận hành bộ máy. Trong năm 2021, thời điểm làn sóng COVID-19 lần thứ tư căng thẳng nhất tại TPHCM và Hà Nội là lúc đội ngũ Gojek phải căng mình nhất để đảm bảo hoạt động, nhưng cũng là khoảng thời gian mọi người cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc khi thấy công việc của mình tạo ra giá trị cho cộng đồng.

Để hỗ trợ các đối tác tài xế duy trì hoạt động giữa những hạn chế nghiêm ngặt của đợt giãn cách xã hội kéo dài, Gojek đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để đẩy nhanh việc triển khai tiêm vaccine cho đối tác tài xế, hỗ trợ xét nghiệm nhanh cho tài xế, tận dụng công nghệ để trang bị đầy đủ điều kiện thông hành cho họ.

Ở phạm vi rộng hơn, các đối tác tài xế được hoạt động đã giúp duy trì sự liền mạch của chuỗi cung ứng, đảm bảo nhịp sinh hoạt bình thường của người dân trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng từ dịch bệnh. Gojek cũng ra mắt quỹ 4,15 tỉ đồng để hỗ trợ hàng chục ngàn tài xế bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Đây được xem là chương trình hỗ trợ bằng tiền mặt đầu tiên và có số lượng người hưởng lợi lớn nhất trong lĩnh vực gọi xe ở Việt Nam trong đợt dịch này.

Dự án “Để không ai bị bỏ lại phía sau – mùa 2” là một sáng kiến khác của Gojek, hướng tới một nhóm yếu thế khác trong xã hội là những người thân của các đối tác tài xế Gojek. Dự án đã đào tạo nghề, kỹ thuật nấu ăn và kiến thức chuyên môn, và hỗ trợ họ khởi nghiệp kinh doanh trên nền tảng công nghệ, từ đó tạo ra cơ hội thu nhập mới cho họ, giúp họ cải thiện sinh kế và giảm bớt các rào cản tăng trưởng kinh tế – xã hội.

Với khách hàng, Gojek cam kết không tăng giá dịch vụ trong giai đoạn giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Đồng thời, doanh nghiệp cũng nhanh chóng đưa hàng ngàn cửa hàng tiện lợi, siêu thị lên nền tảng để hỗ trợ cung cấp nhu yếu phẩm, đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hóa thiết yếu của người dân thành phố.

“Hệ sinh thái số của Gojek được xây dựng nhằm hỗ trợ các cá nhân, cộng đồng và doanh nghiệp phát triển và lớn mạnh. Do đó, việc hỗ trợ các đối tác trong hệ sinh thái Gojek, đặc biệt là các đối tác tài xế và các cửa hàng vừa, nhỏ, và siêu nhỏ luôn là một trong những trọng tâm hoạt động của Gojek,” ông Đức cho biết.

Một trong những điểm nhấn thể hiện rõ việc tích hợp CSV vào hoạt động kinh doanh là câu chuyện ra mắt GoCar Protect ngay trong giai đoạn cao điểm dịch bệnh. ​​GoCar là một kế hoạch lớn trong chiến lược phát triển năm 2021 của Gojek nhưng đã phải tạm gác lại khi làn sóng COVID-19 thứ tư ập đến. Nhưng vào đầu tháng 8.2021, nhận thấy nhu cầu di chuyển lớn của lực lượng y tế tuyến đầu tại TPHCM đang chưa được đáp ứng trong bối cảnh các phương tiện vận tải bị hạn chế, Gojek quyết định khởi động lại dự án GoCar nhằm chung tay cùng thành phố chống dịch.

Những chuyến xe GoCar đầu tiên lăn bánh để vận chuyển các y, bác sĩ cũng là những chuyến xe đầu tiên ở Việt Nam mang theo những tiêu chuẩn cao nhất về an toàn phòng dịch, nhằm đảm bảo sức khỏe cho hành khách và các bác tài trên xe. Sau chiến dịch này, dựa trên phản hồi tích cực của người dùng, Gojek đã chính thức triển khai dòng sản phẩm GoCar Protect phòng dịch với đông đảo người dùng tại TPHCM vào tháng 11.2021 và Hà Nội vào tháng 1.2022. GoCar Protect được coi là đã đưa ra chuẩn mực mới về an toàn sức khỏe cho ngành gọi xe công nghệ nói riêng và vận tải công cộng nói chung.

Để đạt được sứ mệnh đặt ra từ những ngày đầu là giúp tạo ra thu nhập, cải thiện sinh kế và mang lại cơ hội phát triển cho hàng triệu lao động, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cho đến siêu nhỏ, từ đó góp phần cân đối nguồn lực hiệu quả hơn cho nền kinh tế, Gojek đã vận hành mô hình kinh doanh trên cơ sở nền tảng công nghệ và xây dựng hệ sinh thái. Các thành viên trong hệ sinh thái Gojek, đến lượt họ, lại trở thành các “đại sứ” giúp lan tỏa những giá trị tích cực từ Gojek đến cộng đồng.

“Không ngừng tìm kiếm điểm giao thoa giữa những gì tốt đẹp mang lại cho xã hội và sự tăng trưởng của công ty là một phần ADN của chúng tôi và cũng là lý do thu hút và giữ chân nhân sự tại Gojek Việt Nam,” ông Đức nói.

Trong bản “Báo cáo Bền vững Hàng năm” năm 2021, Gojek đã đưa ra cam kết đạt được“Ba không” (Three Zeros) vào năm 2030: Không khí thải – Không rác thải – Không rào cản. Cam kết này tập trung vào những lĩnh vực có thể tạo ra tác động tích cực nhất cho tất cả các bên về môi trường và xã hội, xoay quanh ba chủ đề cụ thể: Môi trường bền vững (GoGreener) để đạt mục tiêu không khí thải và không rác thải; Tiến bộ kinh tế – xã hội (GoForward); Bình đẳng và hòa nhập (GoTogether). Đây là báo cáo về Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) đầu tiên do một công ty hoạt động trên nền tảng công nghệ ở Đông Nam Á thực hiện, tuân thủ theo các tiêu chuẩn quốc tế.

1. Ưu tiên các tính năng bảo vệ an toàn sức khoẻ
2. Duy trì dịch vụ đáp ứng nhu cầu hàng ngày của người dân, qua đó duy trì chuỗi cung ứng
3. Chương trình hỗ trợ giúp giảm nhẹ ảnh hưởng từ dịch bệnh cho đối tác
4. Hỗ trợ cộng đồng vượt qua và thích ứng với đại dịch
5. Hỗ trợ người dân duy trì nếp sống, làm việc hiệu quả ngay tại nhà