Dịch vụ

Nền kinh tế chia sẻ: Thay đổi cho hậu dịch

2 năm trước
Tác giả Giang Lê

Dịch bệnh đang chỉ ra những thách thức mới khiến các nhà cung cấp dịch vụ phải củng cố hệ sinh thái để thích ứng cho cả giai đoạn hậu dịch.

Share
this:

S

áu giờ chiều một ngày cuối tháng sáu, tài xế Nguyễn Minh Ngọc đứng chờ vị khách cuối cùng trong ngày trên đường Lê Duẩn (TP.HCM). Chiếc xe Nouvo của bác tài tóc hoa râm, gắn cùng màu áo xanh của Grab đã bốn năm, lướt qua tuyến đường trung tâm giờ tan tầm, nay vắng lặng vì giãn cách xã hội do đợt COVID-19 nghiêm trọng nhất tại thành phố 10 triệu dân.

“Giờ này chạy thêm cũng không có khách. Dạo này tôi chạy được tầm 200 ngàn mỗi ngày, bằng khoảng một nửa trước đây. Hôm qua đội mưa cả ngày mới hiếm hoi được 500 ngàn,” ông cho biết.

Ông Ngọc là một trong những mắt xích tạo nên Grab – siêu kỳ lân đang nắm khoảng 60% thị phần xe công nghệ tại Việt Nam, theo số liệu của công ty nghiên cứu thị trường Q&Me cập nhật vào tháng 6.2021.

Suốt thập niên qua, mô hình kinh tế chia sẻ, với những cái tên như Grab, Airbnb, WeWork… đã làm thay đổi cách thức người tiêu dùng di chuyển, ăn uống và làm việc. Mô hình vốn được xây dựng trên nền tảng cơ bản: người dùng sẵn sàng chia sẻ và dùng chung tài nguyên để giảm chi phí. Tuy nhiên đại dịch COVID-19 khiến nền tảng này bắt đầu bị chao đảo.

Các biện pháp giãn cách xã hội đang tạo nên một môi trường kinh tế mới, mang tên “nền kinh tế cô lập”, khiến các hoạt động làm việc, giải trí, ăn uống, lưu thông… của người tiêu dùng bị co cụm trong những không gian nhất định. Điều này đặt ra những thách thức mới cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.

“Nhu cầu đi lại giảm rất nhiều đã ảnh hưởng tới mảng gọi xe,” theo ông Phùng Tuấn Đức, CEO Gojek Việt Nam.

….

Ứng dụng Gojek với 200 ngàn tài xế và hàng chục ngàn đối tác nhà hàng phải xoay xở để thích nghi. Trong khi dịch vụ gọi xe bị suy giảm ở giai đoạn “nền kinh tế cô lập” thì mảng dịch vụ gọi thức ăn của Gojek ghi nhận tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tháng tư đến tháng sáu.

Các món trà và cà phê, vốn trước đây được chuộng uống tại chỗ và tự mua mang đi, nay chiếm tốp đầu các món được các tài xế mua hộ. Trước đó, tốp đầu thuộc về các món phục vụ các bữa ăn chính trong ngày. “Không phải tất cả mọi người đều có thể tự chu toàn các bữa ăn hằng ngày, cộng với nhu cầu ăn vặt, nên mảng giao thức ăn trực tuyến vẫn tăng nhanh,” ông Đức nói.

Trong khi đó, Baemin, nền tảng cung cấp dịch vụ giao thức ăn đến từ Hàn Quốc đã hoạt động hai năm tại Việt Nam, nhận thấy nhu cầu của người tiêu dùng biến động theo từng đợt sóng COVID-19. “Khi giãn cách diễn ra, nhu cầu tăng cao trong những ngày đầu, sau đó trở về mức gần như bình thường chứ không tăng 2-3 lần như các thị trường khác,” ông Nguyễn Trung Thành, COO của Baemin cho biết.

Ông Nguyễn Trung Thành, COO của Baemin. Ảnh: Baemin cung cấp.

Giai đoạn đặc thù của nền kinh tế khiến người dùng thay đổi, có thể cả trong lâu dài, các doanh nghiệp sở hữu các siêu ứng dụng vốn đã tích hợp nhiều dịch vụ cũng buộc phải thay đổi chiến lược.

Các OOH (quảng cáo ngoài trời), quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội và các chương trình khuyến mãi của Gojek, doanh nghiệp hiện cung cấp các dịch vụ xe ôm công nghệ, giao hàng và giao thức ăn, đã chuyển hướng tập trung vào dịch vụ giao đồ ăn. Giao diện của siêu ứng dụng Grab cũng hiển thị hàng loạt nhà hàng và quán ăn trên trang chủ, ngay dưới các lựa chọn dịch vụ của công ty.

Việc duy trì hệ sinh thái là bài toán thách thức khi đội ngũ tài xế và các quán ăn, nhà hàng đối tác – hai đối tượng hoạt động chính trên nền tảng cũng là những thành phần dễ bị tổn thương nhất. Gojek cam kết trong trường hợp tài xế bị cách ly hay vào viện vì COVID-19, họ được hỗ trợ tối đa 200 ngàn mỗi ngày trong 21 ngày.

Gojek cũng hợp tác với một hệ thống máy bán hàng tự động để tặng khẩu trang vải cho các bác tài nhằm hạn chế tiếp xúc trong mùa dịch. Grab cũng cho biết hỗ trợ một triệu đồng cho mỗi đối tác tài xế dương tính với COVID-19. Baemin cho biết tài trợ 50% thu nhập cho tài xế khi họ phải cách ly hoặc mắc bệnh trong 21 ngày.

Việc duy trì hệ sinh thái là bài toán thách thức khi đội ngũ tài xế và các quán ăn, nhà hàng đối tác – hai đối tượng hoạt động chính trên nền tảng cũng là những thành phần dễ bị tổn thương nhất. Ảnh: Baemin cung cấp.

Baemin ghi nhận hai xu hướng trái ngược đang diễn ra với nhóm đối tác nhà hàng. Trong khi nhiều quán ăn hoạt động lâu nay phải tạm đóng thì nhiều đơn vị kinh doanh thức ăn khác bắt đầu tìm đến nền tảng để mở rộng kênh bán hàng khi các kênh bán hàng tại chỗ và khách hàng tự mua mang đi bị thu hẹp.

“Xu hướng chung là số đối tác nhà hàng tăng nhẹ chứ không tăng đột biến,” COO Baemin cho biết. Trong khi đó báo cáo ra mắt tháng 3.2021 do công ty tư vấn Cardas thực hiện trên 1.275 đối tác quán ăn của Grab tại các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, cho thấy khoảng 33% đối tác GrabFood đã lên kênh bán hàng trực tuyến lần đầu tiên trong mùa dịch.

Diễn biến thị trường hiện tại cho thấy các nhà cung cấp đang nghiêng về dịch vụ gọi thức ăn, họ tận dụng các nguồn lực để giữ vững vị thế trong mảng dịch vụ này.

Báo cáo thị trường dịch vụ giao thức ăn trực tuyến Việt Nam năm 2020 của Reputa – nền tảng thu thập, phân tích thông tin trên mạng xã hội của Viettel, cho thấy mảng giao thức ăn GrabFood dẫn đầu, chiếm 33,38% thị phần thảo luận. Theo sau đó là Now với 23,16%, Baemin với 21,95%. Xét về tỉ lệ tham gia thảo luận, Baemin phổ biến nhất với giới trẻ tại TP.HCM, trong khi GrabFood, GoFood và Loship còn phổ biến với những người từ 36-45 tuổi.

Tháng 5.2021, Baemin thu hút sự chú ý của mạng xã hội nhờ các biển quảng cáo ngoài trời với nội dung được tinh chỉnh theo từng quận (chẳng hạn “Tân Bình, nhà anh đó. Đặt là có, anh giao”). Đầu tháng 6.2021, Grab công bố mở rộng dịch vụ GrabExpress siêu tốc dành cho thức ăn, với chi phí tiết kiệm đến 27% so với dịch vụ GrabExpress thông thường.

“Với dịch vụ GrabExpress, chúng tôi hi vọng hỗ trợ các nhà hàng, quán ăn địa phương nhanh chóng thích ứng với quy định giãn cách, cung cấp những bữa ăn ngon và chất lượng kịp thời đến tận nhà người dùng,” bà Nguyễn Thái Hải Vân, giám đốc điều hành Grab Việt Nam, cho biết.

Trong khi đó, Gojek cũng triển khai chiến dịch Vùng freeship, áp dụng chính sách giao hàng miễn phí tại các khu vực có mật độ nhà hàng cao tại TP.HCM và Hà Nội. “Với mục tiêu quán còn mở, Gojek còn freeship, chương trình đã giúp nhiều quán ghi nhận doanh thu tăng trưởng lên tới 300% chỉ trong vài tuần, từ đó giúp cải thiện doanh thu cho nhà hàng và tài xế,” CEO của Gojek Việt Nam cho biết.

Ngoài ra doanh nghiệp này cũng thực hiện số hóa quy trình đăng ký cho các đối tác nhà hàng, giúp họ tiết kiệm nguồn nhân lực, tối ưu chi phí và đảm bảo an toàn trong mùa dịch.

Đại dịch cũng là thời điểm các doanh nghiệp tìm phương án phù hợp chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng và duy trì dịch vụ. Gojek triển khai chương trình ưu đãi 1,6 triệu chuyến xe, mỗi chuyến 40 ngàn đồng, để đưa đón người dân đến và từ các điểm tiêm chủng vaccine được chỉ định trên địa bàn TP.HCM. Theo ông Đức, sáng kiến này được triển khai chỉ trong 24 giờ kể từ khi ra ý tưởng.

Cùng thời gian này, Grab Việt Nam đóng góp hai tỉ đồng ủng hộ TP.HCM phòng chống dịch, đồng thời công bố dự án GrabConnect kết nối nông sản và đặc sản địa phương từ nông dân đến người tiêu dùng thông qua ứng dụng công nghệ.

Dự án đã khởi động chương trình đầu tiên hỗ trợ tiêu thụ 300 tấn vải thiều Lục Ngạn tại tâm dịch Bắc Giang. Tiếp theo, nền tảng này đang có kế hoạch làm việc với các bộ ngành và địa phương để hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ nông sản, trong bối cảnh ngành nông nghiệp chuẩn bị vào mùa thu hoạch một số loại nông sản chính ở miền Bắc và Nam Trung bộ.

Ông ông Phùng Tuấn Đức, CEO Gojek Việt Nam. Ảnh: Gojek cung cấp.

Báo cáo Kinh tế số Đông Nam Á năm 2020 do Google, Temasek và Bain thực hiện cho thấy đại dịch cũng là cơ hội cho các nền tảng cung cấp dịch vụ trực tuyến phát triển, nhờ số người tiếp cận mua sắm trực tuyến gia tăng trong các giai đoạn giãn cách xã hội. Theo đó, cứ ba người thì có hơn một người bắt đầu sử dụng một loại hình dịch vụ trực tuyến mới vì COVID-19.

Nghiên cứu cũng ước tính nền kinh tế số Việt Nam đạt tổng giá trị 14 tỉ USD năm 2020, với số người dùng thử các dịch vụ kỹ thuật số mới chiếm đến 41% tổng số người sử dụng dịch vụ số trong khu vực. Đáng chú ý, 94% số người dùng mới này cho biết sẽ tiếp tục sử dụng dịch vụ kể cả sau đại dịch.

Trước khi dịch bệnh xuất hiện, người Việt Nam thường dành 3,1 giờ/ngày để truy cập Internet cho mục đích cá nhân. Trong khoảng thời gian giãn cách xã hội, con số này có lúc tăng vọt lên 4,2 giờ/ngày và hiện tại ở mức 3,5 giờ/ngày.

“Dịch vụ số từ một trải nghiệm tiện lợi, nay đã trở thành dịch vụ thiết yếu,” ông Nguyễn Trung Thành nhận định. Ông chia sẻ, doanh nghiệp tận dụng được cơ hội đến từ đại dịch lần này là đơn vị biết cách phối hợp sáng tạo với các đối tác nhà hàng để tạo ra những món ăn, mô hình kinh doanh mới.

Hiện tại Baemin đang nỗ lực xây dựng cộng đồng đối tác bán hàng và hỗ trợ họ thông qua nền tảng trực tuyến như blog, Facebook, truyền tải kiến thức và kinh nghiệm cho đối tác thông qua chia sẻ của các chuyên gia. Đây là một phần trong kế hoạch xây dựng Baemin Academy (học viện Baemin) tại Việt Nam, vốn là một chương trình đã được Woowa Brothers, công ty mẹ của Baemin triển khai tại Hàn Quốc.

Trong khi đó CEO Gojek Việt Nam cho biết, sau khi thay đổi thương hiệu GoViet thành Gojek hồi năm ngoái, hằng tháng họ triển khai ít nhất một tính năng mới và đã phát triển hai mảng quan trọng nhất trong năm 2021 là dịch vụ xe hơi công nghệ GoCar và dịch vụ thanh toán không tiền mặt GoPay.

“Chúng tôi kỳ vọng mang đến nhiều giá trị hơn cho đối tác và khách hàng. Để làm được điều này, chúng tôi tận dụng sức mạnh công nghệ của công ty mẹ, và đại dịch đã trở thành động lực giúp Gojek tăng tốc đón làn sóng kinh tế số phát triển ở Việt Nam,” ông Phùng Tuấn Đức nói.