multi-media / Megastory

Danh sách 20 Phụ nữ Việt Nam truyền cảm hứng 2021: Nguyễn Linh Chi chạy bộ vì “những điều lớn lao hơn chính mình”

Sau mười năm, chạy bộ giờ đây
không chỉ đơn thuần là cách giúp Nguyễn Linh Chi cân bằng cuộc sống, mà đã trở thành con đường để cô tạo ra thêm nhiều giá trị khác cho cộng đồng.

Ở Sala, quận 2, TP.HCM – nơi ưa thích của cộng đồng chạy bộ, hình ảnh cô gái vóc dáng mảnh mai với làn da nâu giòn luyện tập đều đặn đã không còn xa lạ. Nguyễn Linh Chi, hay Chi Nguyễn, được cộng đồng chạy bộ gọi thân mật là Chi Kenya, hiện là nữ vận động viên chạy bộ phong trào có thành tích tiệm cận với vận động viên chuyên nghiệp ở Việt Nam.

Linh Chi tình cờ đến với chạy bộ khi cô nghĩ phải tìm một môn thể thao nào đó giúp cải thiện sức khỏe, cân bằng cuộc sống do công việc trong ngành marketing của cô vốn căng thẳng. Trùng hợp, giải chạy Angkor Wat International Half Marathon (chạy bộ đường trường dài 21km) ở Siem Reap, Campuchia thông báo mở bán vé, Chi đăng ký “chạy cho vui”, xem như thêm một hoạt động cho chuyến du lịch. Với đôi giày thể thao và một lần tập duy nhất khoảng 10km ở quận 7, nhưng cô hoàn thành “half marathon” đầu đời dưới hai tiếng, một thành tích đáng nể với người lần đầu tham dự.

Sau lần “chạy cho vui” đó, Chi nhận ra cơ thể mình khá phù hợp với môn chạy bộ. Việc chủ động được thời gian khi chơi môn thể thao này khiến cô hứng thú. Trong 6 năm tiếp theo, cô chọn những giải chạy địa hình (trail) với quãng đường tương đối dài, như Vietnam Mountain Marathon ở Sa Pa hay Angkor Ultra Trail ở Angkor Wat…

“Tôi hướng tới những giải trail đường dài để có thời gian đối diện và trò chuyện với bản thân hơn là coi trọng tốc độ,” Chi nói. Dù vậy, thành tích của nữ vận động viên “ngẫu hứng” này rất ấn tượng: Á quân Vietnam Mountain Marathon 2016 cự ly 100km.

Cùng năm đó cô về thứ năm ở nội dung nữ cự ly 128km của giải Angkor Ultra Trail. Cô cũng trở thành người Việt đầu tiên hoàn thành cự ly 100km tại giải Ultra Trail du Mont-Blanc ở Thụy Sĩ, một trong những giải chạy địa hình uy tín nhất thế giới ở châu Âu.

Cột mốc khiến Chi chuyển từ sở trường chạy trail sang các giải marathon là khi dự giải chạy được tổ chức chuyên nghiệp – Techcombank International Marathon 2017. Với hơn 10 năm trong ngành marketing cùng với những quan sát cá nhân khi chạy bộ, Chi nhận ra “sẽ có một hệ sinh thái hình thành xoay quanh hoạt động này” và muốn là một người tiên phong trong hệ sinh thái đó.

Hệ sinh thái mà cô nói được nhìn ở góc độ một doanh nhân. Để hình thành được cần nhiều yếu tố: số lượng và chất lượng các giải chạy, trình độ vận động viên tham gia, các thương hiệu đồng hành, dù vẫn cần thêm thời gian để thị trường đủ trưởng thành.

Chi bắt đầu gặp gỡ các doanh nghiệp/nhà tài trợ, công ty tổ chức giải, các vận động viên… để tìm hiểu và dần vẽ ra chân dung của từng tác nhân trong đó. Chi tập luyện nghiêm túc hơn, tham gia các giải chạy lớn trong nước và tìm cơ hội ra ngoài xem thế giới đang làm gì ở những giải chạy chuyên nghiệp nhất.

“Thay đổi lớn nhất kể từ ngày đầu tiên xỏ giày chạy bộ là bây giờ tôi chạy vì những điều lớn lao hơn vì bản thân mình,” Nguyễn Linh Chi nói về kết quả của hành trình mười năm kể từ thời điểm cô sải những bước chạy đầu tiên trong chuyến du lịch tại Angkor Wat (Campuchia).

Chi liên tục đạt thành tích mới ở cự ly 42 km: Từ vị trí thứ ba ở Techcombank International Marathon 2017, cô thành nữ quán quân Long Biên Marathon 2018 và tiếp tục đứng trên bục cao nhất ở giải này năm 2020. Tháng 4.2019, Nguyễn Linh Chi trở thành người Việt đầu tiên đến Boston Marathon 2019 bằng tấm vé chính thức, và đạt thành tích 3 giờ 9 phút.

Quan trọng hơn là những ghi chép bên lề giải marathon danh giá nhất thế giới để tìm kiếm kinh nghiệm. Chi tới Boston với hai vai trò: người chạy và người quan sát để tìm hiểu cách vận hành giải chạy lớn hàng đầu này.

Mỗi ngày Chi dành hai tiếng từ 5g30 sáng để hoàn thành bài tập trước khi đến văn phòng. “Chi Kenya rất kỷ luật trong tập luyện, kiên quyết không bao giờ bỏ dở bài tập,” Hứa Thuận Long, quán quân nội dung nam phong trào của giải Tiền Phong Marathon 2020-2021 chia sẻ sau ba tháng tập luyện cùng Chi – khi cô đặt mục tiêu quán quân Long Biên Marathon 2020. Theo Quang Thế Quyền, một người biết Chi từ giải Techcombank International Marathon 2017: “Chi Nguyễn ở năm 2020 nghiêm túc hơn, bớt lãng đãng và ‘tuân thủ theo giáo án’ hơn ngày xưa.”

Dự án mới nhất của Chi là cùng với một số người bạn mở lớp huấn luyện ba môn bơi – đạp xe – chạy dành cho trẻ em (Iron Kids). Chi nói, mình đặc biệt hứng thú với mô hình một học viện huấn luyện vận động viên, mục tiêu xa hơn là đào tạo ra thế hệ vận động viên Việt Nam đẳng cấp thế giới, không chỉ giỏi chuyên môn mà có phong cách, kiến thức và đạo đức thể thao.

Trong sự nghiệp, cô cũng dần chuyển hướng, quyết định thử sức ở một lĩnh vực khác, với vị trí mới mẻ mà cô miêu tả “có thể quan sát, học hỏi được nhiều thứ để sau này áp dụng khi vận hành hệ sinh thái chạy bộ.”

Chi giải thích mình không thể làm nhiều thứ cùng lúc mà đều đạt kết quả tốt nên phải tối giản nhiều thứ để tập trung vào một vài điều quan trọng. Nữ vận động viên 39 tuổi lựa chọn đơn giản hóa nhiều thói quen trong cuộc sống. “Tôi biết ơn ba mẹ vì họ hiểu và chấp nhận, dù rất khó để hiểu được động lực của con gái cho môn thể thao đòi hỏi sức bền này,” Chi nói.

Nguyễn Linh Chi đã có mười năm chạy bộ, kể từ thời điểm cô sải những bước chạy đầu tiên trong chuyến du lịch tại Angkor Wat (Campuchia). Ảnh: Thông Hoàng chụp cho Forbes Việt Nam.

Nguyễn Linh Chi không nhận tài trợ từ bất kỳ thương hiệu nào, Facebook cá nhân của cô chỉ chia sẻ những thông tin về giải chạy, clip hay các bài tập chạy… Chi nói cô không nhìn chạy bộ dưới góc độ thương mại để kiếm tiền khi trở thành người có ảnh hưởng (KOL). Cô  xem chạy bộ như một hệ sinh thái, chỉ được hình thành khi cô tập trung vào hiệu quả.

Môn chạy bộ có lợi thế quy mô, khi nhiều người cùng chạy sẽ lan tỏa được các thông điệp giá trị đến cộng đồng. Đó cũng là lý do Chi quyết định đồng hành cùng Newborns – tổ chức phi chính phủ của Anh có mục tiêu giảm thiểu tỉ lệ trẻ sơ sinh thiếu tháng ở Việt Nam, và VietSeeds – một tổ chức phi lợi nhuận cam kết mang lại cơ hội để tiếp cận bình đẳng giáo dục đại học cho sinh viên Việt Nam, để tạo ra những giá trị lớn hơn cho cộng đồng.

Ở giải Ironman 70.3 (giải ba môn phối hợp: bơi, đạp xe, chạy), cô mặc áo Newborns Vietnam dự thi, ở các giải chạy marathon cô mặc áo thun in chữ VietSeeds tham gia gây quỹ cho hai tổ chức này.

Chi cho biết, cô tham gia bốn mùa Ironman trong màu áo Newborns, vì có thể rủ những bạn bè cùng lập đội dự thi nhằm gây quỹ, dù đó là những người “chưa từng chạy bộ hay đạp xe”. Năm 2018, cô và hai đồng đội trở thành nhà vô địch ở sân chơi Ironman.

Một năm sau, Chi mời các thành viên mà cô miêu tả là “chưa bao giờ chạy quá 5km”, và người còn lại là “dân văn phòng suốt ngày chỉ ôm máy tính chạy theo deadline”. Dù đội của cô chỉ về trước thời gian tối đa được quy định một chút, nhưng Chi vui khi có thể lôi kéo bạn bè cùng tập luyện, thi đấu để gây quỹ và quan trọng hơn là không bỏ cuộc.

Với VietSeeds, Chi không chỉ là một đại sứ trong các giải chạy gây quỹ cho tổ chức này, cô còn là một nhà tài trợ, một cố vấn trong hơn 5 năm qua. “Ngoài gây quỹ từ chạy bộ, Chi còn hỗ trợ giới thiệu VietSeeds tới các nhà tài trợ khác, mở rộng mạng kết nối của quỹ,” chị Cát Tường – giám đốc vận hành VietSeeds cho biết.

Quen biết nhiều năm, là bạn trước khi cùng làm việc với Chi, chị Tường nói sự nhiệt tình của Chi, đặc biệt trong việc hỗ trợ và đào tạo thế hệ kế cận là điều khiến cô thấu hiểu và hết mình cho các hoạt động của quỹ.

Cuộc gặp phóng viên Forbes Việt Nam ở một quán cà phê ngay trung tâm quận 1, Chi nói cô hay tới đây để ủng hộ đồng nghiệp cũ. Tóc cắt ngắn sát da đầu, để lại một nhúm nhỏ búi lên đỉnh đầu như một chiến binh Mohicans, làn da nâu giòn, khuôn mặt lấm tấm đồi mồi, thân hình săn chắc và đôi mắt sáng, Chi dễ thu hút sự chú ý vì dáng vẻ thể thao và thần thái khỏe mạnh. Khi trò chuyện, nữ vận động viên 39 tuổi toát ra sự điềm đạm, đầy năng lượng và chân thành.

Ảnh: Thông Hoàng

Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam số 92, phát hành tháng 4.2021