multi-media / Megastory

Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa: Hi vọng trổ trên hoang vu

Nhà văn Kim Hòa

Vượt qua nghịch cảnh, nhà văn Kim Hòa chuyển tải niềm tin cuộc sống trong các sáng tác của mình.

Nắng không thấy vàng, không lóa mắt, không nóng, mà chỉ ngột. Cái ngột thít không khí vón cục, khô rốc trước mũi người.” Kim Hòa viết về nắng quê hương như thế trong truyện ngắn Nắng quái Tây Nam Thành. Trong các đoạn văn thấm đẫm tình yêu thương, sự gắn bó, nỗi nhớ quê của nhà văn sinh năm 1984 ấy không có dòng nào mô tả cái ngột ngạt của cuộc đời cô.

Gần tuổi lên hai, sau cơn sốt bại liệt, cô không còn cử động được, người mềm oặt khi ba mẹ bồng bế. Vượt trên nghịch cảnh cuộc sống, nữ nhà văn quê Phan Rang này đang miệt mài sáng tác, dù cô sống chủ yếu từ thù lao dạy học đám trẻ nhỏ ở quê.

15 đầu sách, đoạt nhiều giải thưởng, Kim Hòa muốn người đọc thưởng thức văn chương của cô một cách trọn vẹn, thay vì một phần nào đó cảm thương cho hoàn cảnh vượt khó. “Tôi thích điều ấy, văn chương nên được đọc toàn vẹn như văn bản. Tôi đã lo sợ người ta biết đến ‘hoàn cảnh tác giả’ rồi đọc trong một tâm thế không thoải mái, nhưng như bây giờ thì cũng vui. Tôi đã nhận được sự chia sẻ thân tình, sự cảm mến đi từ trang sách đến tác giả.”

Dáng người thấp nhỏ, Kim Hòa hơi trầm lặng trong buổi chụp hình có nhiều gương mặt nữ của Forbes Việt Nam. Cô trở nên hoạt bát hơn khi gặp Nguyễn Thụy Anh, người sáng lập câu lạc bộ Đọc sách cùng con. Cũng như vậy trong đời sống hằng ngày, cô thầm lặng tích tụ năng lượng sau các giờ dạy học và giải phóng nó qua các trang sách. Một mặt nào đó, viết cũng tạo ra năng lượng cho Kim Hòa.

Đó là năng lượng giúp Hòa có thể nằm nghiêng cho đỡ cơn đau cột sống, ba ngón tay lần từng phím, gõ từng âm tiết. Từng âm tiết ghép thành chữ, chữ gọi câu, câu chảy tràn, những ngón tay cố chạy cho kịp ý nghĩ. “Tôi nghĩ mình như một ngọn nến sắp tàn, để bùng cháy hết mức có thể với thời gian. Tôi gắng từng chút để khỏe hơn, khỏe để có thể viết”, cô nói.

Những bài viết theo nhiều thể loại, tản văn, truyện ngắn, truyện dài giới thiệu với độc giả một cây bút trẻ nhiều nội lực. Câu chuyện về “sự vượt khó” của cô chỉ được biết đến sau khi những bài viết ấy đăng tải, rất lâu.

Sau hai năm kể từ sáng tác đầu tay ra mắt bạn đọc năm 2009 trên các ấn phẩm Áo Trắng, Mực Tím, Kim Hòa có truyện dài thiếu nhi đầu tiên có tên Tay chị tay em do nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành. Một năm sau, cô trình làng tập truyện ngắn Nho đắng (nhà xuất bản Văn Nghệ). 

Nguyễn Thiên Hương, biên tập viên NXB Kim Đồng cho biết: “Tôi thích Kim Hòa qua những câu chuyện về trẻ con hồn nhiên với chất văn trong trẻo, gần gũi làm cho người đọc có cảm giác được sống trong thế giới bé thơ ấy. Những câu chuyện Hòa viết luôn có cái dịu dàng, ấm áp của đôi mắt một người mẹ, người chị hiền từ nhìn cuộc sống.”

Năm 2014, cô đoạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn nghệ Quân đội, 2013–2014. Nhà văn Nguyễn Bình Phương nhận xét: “Đó là tác giả có kỹ thuật viết rất tốt, nhuần nhuyễn, không khiên cưỡng. Mỗi truyện có một lối khai thác và cách đề cập tới thân phận con người riêng, sâu sắc mà cũng rất dữ dội.”

Kim Hòa có một tuổi thơ dữ dội theo đúng nghĩa đen. Ký ức tuổi thơ của Kim Hòa in đậm hình ảnh các cây kim châm cứu dài của các lương y, của các vị sư thầy trong khắp tỉnh mà ba mẹ cô biết đến và nhờ cậy. Tuổi thơ của cô lưu dấu không phải bằng các trò chơi nít nhỏ trong xóm, không phải chạy băng bãi cát sông trắng rợn mùa nước cạn mà cô đưa vào trong trang sách của mình sau này, mà là cố gắng nhích từng chút một trong tiếng cổ vũ, theo sự chỉ dẫn của các thầy vật lý trị liệu.

Tình thương của ba mẹ, những miệt mài xoa bóp của các thầy thuốc, cộng với nỗ lực của một đứa trẻ ước được giẫm chân bước như bao đứa trẻ khác cuối cùng cũng được đền đáp một phần. Tay phải không điều khiển được, cô sử dụng bàn tay trái, với ba ngón tay có thể hoạt động tốt, co duỗi được. 12 năm học, viết bằng tay trái, ba ngón tay bấu chặt vào cán bút, cô luôn là học sinh giỏi. Ý thức sự thua thiệt thể chất đẩy mạnh hơn ý chí học tập, cô đoạt giải thưởng ở kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn văn.

nhà văn Kim Hòa

“Văn chương ư? Lúc ấy tôi không nghĩ đến. Như mọi đứa trẻ nhà nghèo và có nhiều nỗi buồn, tôi muốn học đại học gì đó có thể cho tôi một cơ hội kiếm ra tiền,” cô nhớ lại. Cơn đau đổ xuống ngay ngày cô chuẩn bị thi đại học, “tiêu tan mơ ước.” “Nhờ giải thưởng quốc gia, tôi được tuyển thẳng vào trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại,” cô kể. Ba năm học ở Sài Gòn, cô dồn sức cho việc học và làm thêm. Ba năm ấy cho cô các kiến thức về kinh tế và kế toán, một vốn liếng Anh văn đủ đầy.

“Tôi nghĩ rằng mình cần kiến thức để đảm bảo một công việc mà tôi có thể làm hiệu quả, một công việc không đòi hỏi sức lực và sự di chuyển nhiều,” cô nhớ lại. Ra trường, cô làm cho một đơn vị bán điện thoại di động, quản lý cửa hàng và kế toán ở Sài Gòn. “Lương 600 ngàn đồng/tháng, tôi được cho ở lại ngay trong cửa hàng. Ba năm trời, Sài Gòn của tôi đóng kín trong khuôn viên ấy,” cô kể.

Năm 2009, ông ngoại cô, người nâng đỡ cô từ tinh thần đến thể chất ngày nhỏ qua đời. Trước khi mất, ông nhắn rằng cô về quê, để “có một đời sống ổn ngay giữa quê hương và người thân”. Những ngày đầu về lại quê nhà, Kim Hòa cố gắng nhưng không tìm được công việc phù hợp với chuyên môn và sức khỏe. Để đỡ trống thời gian, cô nhận dạy kèm tại nhà môn văn và Anh văn cho những đứa trẻ trong xóm.

Với sự tiến bộ của những đứa trẻ, dạy học trở thành nghề chính của cô cho đến hiện nay. Những đứa trẻ yêu các giờ học nhiều màu sắc và chuyện kể. Những đứa trẻ thấy yên tâm khi ở bên cô giáo nhỏ nhắn. “Thật kỳ lạ, tôi trở thành người dạy học, điều tôi không bao giờ hình dung. Những đứa trẻ đã cho tôi biết bao nhiêu điều, chúng cũng tìm thấy điều gì đó từ phía tôi, có lẽ.”

Những buổi dạy diễn ra ngay cả khi sức khỏe Kim Hòa, với di chứng từ trận sốt năm xưa, nhiều khi xấu đi. “Tôi có vấn đề về cột sống, hệ khung xương yếu hơn bình thường, không đủ sức khỏe để tập vật lý trị liệu, có lúc tôi không thể xoay đầu hay đi đứng sinh hoạt bình thường được,” cô kể. Nghe bạn khuyên “viết để giải tỏa bên trong, như một phương tiện trị liệu,” cô bắt đầu sáng tác. Những trang viết đầu tiên của cô được đăng tải trên các ấn phẩm Áo Trắng, Mực Tím, đem lại cho cô niềm vui khác lạ. Viết như đẩy một cánh cửa nặng nề, mở ra một thế giới khác, nhiều người, nhiều giao cảm.

Kim Hòa đoạt nhiều giải thưởng văn học. Cô cười: “Ở thời kỳ trước, tôi thường tham dự các cuộc thi” vì “giá trị các giải thưởng không nhỏ.” Sau khi xuất bản hơn mười đầu sách, cô nghĩ mình phải viết cho một điều gì lớn hơn, riêng tư hơn. Các tác phẩm của cô như Sa mạc và những vệt nhớ mang “nỗi nhớ quê với sự yêu thương, gắn bó” như lời ông Nguyễn Đức Thạch, giáo viên văn trường chuyên Lê Quý Đôn (Ninh Thuận).

Sáng tác của cô cũng biểu đạt nỗi vất vả của cuộc nhận diện mình của cô gái trẻ gặp nhiều trắc trở. “Điểm chung của điều tôi viết ra là hi vọng. Tôi tin sức mạnh của hi vọng, như luôn tin vào ánh sáng của thiện lương. Trong đa số sáng tác, tôi gởi gắm hi vọng của chính tôi: Hi vọng vượt thoát khó khăn và hi vọng về con người”.

nhà văn Kim Hòa
Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa. Ảnh: Hoàng Thông

Cảm hứng truyền từ tác phẩm của Kim Hòa đến người đọc chính là sự không nguôi hi vọng về con người như thế, dù là cô bé chăn cừu ở tít một mình trong chân núi xa đến những người phụ nữ bước trên đỉnh sóng lừng lịch sử. “Tôi quan tâm đến thân phận của người phụ nữ, trong đời sống hôm nay lẫn trong những biến động lịch sử, những biến động đã đóng đinh họ, tách họ ra khỏi những bi phẫn, đau xót, tâm trạng, hoàn cảnh riêng tư”. Trong tập truyện dã sử Con chim phụng cuối cùng với các nhân vật chính đều là nữ, Kim Hòa đã để những phụ nữ như Tuyên phi Đặng Thị Huệ, Tống Thị… cao giọng kể những điều bảo vệ thân phận nữ của mình.

Những phụ nữ oan khuất như công nữ Ngọc Khoa, Tống Thị Quỳnh, nàng Chiêm nữ vô danh tuẫn tiết… thì thầm về những thua thiệt, đổi chác trên danh nghĩa họ. Người kiệt hiệt như Bùi Thị Xuân cũng có nỗi niềm riêng giữa chiến thắng và khi án tử lừng lững đến. “Tôi muốn nhìn họ với đôi mắt nữ, cái nhìn cho một thế giới sinh sôi. Cách nhìn có hi vọng về con người và để cả những bất hạnh cũng biết cách mỉm cười”.

Kim Hòa sống nhờ thu nhập của nghề tay trái, theo cả nghĩa đen lẫn bóng, “là tay tôi dạy trẻ con học.” Nhưng nghề văn cho cô được sống, được tham gia vào chuyến phiêu lưu lớn nhất của đời Kim Hòa. “Đó chính là chuyến phiêu lưu hạnh phúc mà tôi chờ đợi, chỉ là tôi mất khá nhiều thời gian để biết về nó. Muốn hạnh phúc, người ta cần cảm hứng để hạnh phúc. Sẽ mất nhiều thời gian để biết rằng cảm hứng ấy ở gần thôi, nhỏ thôi, sát bên cạnh. Năng lực để tìm thấy hạnh phúc trong hoàn cảnh và điều kiện riêng của bản thân cũng là điều cần truyền đạt,” Kim Hòa ngày càng có xu hướng chuyển đề tài về những gì gần gũi nhất mà cô biết.

“Tôi muốn nhiều người biết rõ hơn về những niềm hạnh phúc, những nỗ lực, những hi vọng dành cho hạnh phúc ở nơi tôi đang hạnh phúc này. Tôi cũng muốn viết nhiều hơn cho thiếu nhi-những độc giả luôn cho tôi hi vọng và cảm hứng.”

Xếp lại giấy tờ của buổi phỏng vấn, Kim Hòa chia sẻ: “Tôi vừa phát hiện có phần mềm chuyển giọng đọc thành văn bản, điều mà tôi khát khao trong những đêm lần từng phím gõ. Tôi biết đến điều đó hơi chậm, nhưng không sao, điều đó cho thấy hi vọng sẽ thành hiện thực vào lúc bất ngờ nhất.”

Niềm hi vọng của cô không đơn lẻ khi nó theo từng trang sách lan tỏa trong lòng người đọc. “Ngọn lửa đam mê của cô đối với văn chương vẫn đang cháy sáng và còn truyền lửa cho nhiều thế hệ sau,” cô học sinh Bảo Như, lớp 11 chuyên văn trường trung học phổ thông Nguyễn Trãi, Ninh Thuận, nói như vậy về Kim Hòa.

Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam số 92, Danh sách 20 phụ nữ truyền cảm hứng, phát hành tháng 4.2021.