multi-media / Megastory

Ươm mầm kiện tướng dancesport

Bộ đôi kiện tướng khiêu vũ thể thao Khánh Thi – Phan Hiển (Nguyễn Hồng Thi và Nguyễn Đoàn Minh Trường) lập câu lạc bộ đào tạo, từng bước đưa môn thể thao mới mẻ này phát triển sâu rộng và bước vào môi trường chính quy.

Cách nay hai năm, Khánh Thi – Phan Hiển, bộ đôi vận động viên – huấn luyện viên hàng đầu của môn khiêu vũ thể thao (dancesport) chuyển cơ sở đào tạo về một tòa nhà năm tầng tại quận Bình Thạnh (TP.HCM). Trung tâm này mang tên KTA (King the Art), với bốn tầng tập trung cho việc giảng dạy các môn dancesport, nhảy hiện đại, hiphop, ballet và âm nhạc, phần còn lại dành cho sinh hoạt gia đình.

Trong cuộc phỏng vấn với Forbes Việt Nam vào giữa tháng 4.2023 tại căn hộ của mình, nơi có những bức vẽ chân dung khổ lớn cặp đôi đại kiện tướng trong tư thế bay bổng là quà tặng của người hâm mộ, nữ kiện tướng dancesport đang mang bầu con thứ ba.

Đặt tên trung tâm King the Art, Khánh Thi nói mình có tham vọng đào tạo những kiện tướng thể thao và những ngôi sao sáng nhất trong giới biểu diễn giải trí. “Từ ‘King’ không có nghĩa mình ước ao thành vua mà hàm ý đào tạo ai, người đó phải trở thành vô địch. Mình xác định đó là đào tạo thể thao đỉnh cao, có mục đích rõ ràng, còn nếu cho vui thì đó chỉ là thể thao phong trào,” cô nói với Forbes Việt Nam.

Khánh Thi trong vai trò cựu kiện tướng, huấn luyện viên, nhà quản lý và Phan Hiển trong vai trò vận động viên thi đấu dưới sự huấn luyện của người bạn đời, bộ đôi số một của làng dancesport đang gầy dựng những bước đầu để mở ra tương lai mà họ gọi là “hậu đỉnh cao” của vận động viên dancesport.

Phan Hiển hướng dẫn cặp bạn nhảy Kubi và May.

Không có nhiều vận động viên đỉnh cao của Việt Nam có được lối đi rõ ràng về nghề nghiệp sau rất nhiều năm khổ luyện, thi đấu để ghi tên mình vào bảng vàng thành tích quốc gia.

Thông thường, sau khi dừng thi đấu, họ chuyển nghề hoặc đi học để trở thành huấn luyện viên, giáo viên với mức thu nhập hạn chế vì không khai thác tốt được tên tuổi. Nhưng Khánh Thi – Phan Hiển đang cố gắng thử cách đi khác, giúp kéo dài tuổi nghề vận động viên, góp phần tìm kiếm và đào tạo những thế hệ vận động viên đỉnh cao kế cận.

Môn khiêu vũ thể thao vừa được đưa vào làm môn học chính quy của khoa Thể dục, trường đại học Kinh tế – Tài chính TP.HCM từ năm 2023. Các giáo viên giảng dạy bộ môn này đều có bằng cấp chuyên môn. Khánh Thi cũng đang bàn bạc về việc đưa bộ môn này vào một hệ thống trường song ngữ quốc tế.

“Tôi đào tạo ra người có thành tích, có bằng cấp để họ có nơi làm việc. Gọi là hậu đỉnh cao. Tôi bắt đầu từ đại học chính quy, tôi không ngại việc này,” Khánh Thi tự tin nói.

Cho đến nay, số vận động viên vẫn duy trì hoạt động tích cực sau thành tích đỉnh cao không nhiều. Một vài ví dụ nổi bật: vận động viên nhảy cao Nguyễn Thị Ngọc Tâm và kỷ lục gia nhảy cao Nguyễn Duy Bằng mở trung tâm Thể dục Bằng Tâm tập trung vào phát triển chiều cao, giảm cân, vóc dáng cân đối đã có 10 năm hoạt động; vận động viên thể hình Giáp Trí Dũng phát triển hệ thống phòng gym; võ sĩ Nguyễn Trần Duy Nhất mở phòng tập Muay Thái để đào tạo, tập luyện và quảng bá hình ảnh tới người hâm mộ trong lúc vẫn thi đấu ở đội tuyển quốc gia.

“Hậu đỉnh cao” là điều ít vận động viên nghĩ đến hay làm được vì những hạn chế từ tầm nhìn, sự năng động, dám lăn xả. Việc tạo ra môi trường giảng dạy là tạo ra hệ sinh thái dành cho nhiều vận động viên cùng tham gia, trong đó có cả những vận động viên mà Khánh Thi – Phan Hiển đang huấn luyện.

Tính đơn giản với một nội dung thi đấu dancesport người lớn có 12 bộ huy chương, ít nhất 12 cặp với 24 vận động viên. “Họ đều là những người có đẳng cấp, đã đầu tư rất nhiều và kiên trì nỗ lực. Vậy mà chỉ thi đấu năm năm rồi dừng à? Họ sẽ làm gì? Họ cần tiếp tục đào tạo những thế hệ tiếp theo,” Khánh Thi nói.

Khánh Thi cùng Chí Anh là hai gương mặt đầu tiên có công mang bộ môn dancesport về Việt Nam sau thời gian du học, biểu diễn và thi đấu ở Pháp từ năm đầu những năm 2000. Năm 2005, ông Nguyễn Hồng Minh, khi đó là vụ trưởng vụ Thể thao thành tích cao, nhận Chí Anh – Khánh Thi là vận động viên quốc gia, đại diện cho Việt Nam lần đầu dự SEA Games 23 ở Philippines và họ trắng tay.

Thành tích cao nhất của đôi bạn nhảy là ở vị trí thứ 4 tại SEA Games 2007. Nhưng đến năm 2022, tại SEA Games 31, dưới sự dẫn dắt của Khánh Thi, đại diện Việt Nam là Phan Hiển và Thu Hương đã đạt đủ ba huy chương vàng bộ môn dancesport, một mốc lịch sử mới cho bộ môn này của thể thao Việt Nam.

Trước đó, tại SEA Games 2019, cũng dưới sự huấn luyện của Khánh Thi, Phan Hiển và Nguyễn Trọng Nhã Uyên giành huy chương vàng nội dung Jive (điệu nhảy nhanh nhất trong năm điệu nhảy Latin và người nhảy cứ bật lên hạ xuống liên tục theo điệu nhạc).

Sự kết hợp Khánh Thi – Phan Hiển mang đến những thành tích mới cho dancesport Việt Nam, năm 2009 họ cùng nhau đoạt huy chương vàng hai nội dung Jive và Rumba tại Đại hội thể thao trong nhà châu Á, đưa Việt Nam vào vị trí á quân.


Khánh Thi – Phan Hiển tiếp tục đặt mục tiêu đào tạo ra những vận động viên đỉnh cao trong môn dancesport. Ảnh: Danny Bach

Sau khi giải nghệ vai trò vận động viên chuyên nghiệp, Khánh Thi tham gia showbiz và trong vai trò huấn luyện viên đã góp phần tạo nên những gương mặt có thành tích cao như Phan Hiển, Mỹ An (em họ của Phan Hiển), Nhã Uyên, Thu Hương và gần đây nhất là Nguyễn Minh Cường (Kubi), con trai tám tuổi của họ cùng bạn nhảy đã trở thành nhà vô địch thế giới hạng thiếu nhi 1 ở cuộc thi Syllabus World Championship 2023 tại Ý hồi tháng 3.2023.

Chị Mai Trần, mẹ của May (tên thật là Linh San), bạn nhảy của Kubi, kể lại chị cho May học ở trung tâm từ năm 2019 rồi trở lại giữa năm 2021 sau dịch COVID-19. Việc học ban đầu để giải trí và có thêm kỹ năng đã trở thành niềm vui của May và mang về cho em huy chương đầu tiên. Giờ đây, May đi tập bốn buổi mỗi tuần thay vì hai buổi như trước, sau khi đã thể hiện được những tố chất và niềm ham thích với bộ môn này.

Song song đó, Phan Hiển vẫn tiếp tục dưới sự dẫn dắt của Khánh Thi thực hiện những đợt huấn luyện ở nước ngoài, liên tục thi đấu các giải lớn. Anh đang là vận động viên bán chuyên nghiệp, thành tích gần nhất là ở vị trí thứ 9 châu Á, với lộ trình trong hai năm tới lọt vào tốp 6.

Kubi và May là ví dụ về việc Khánh Thi – Phan Hiển tiếp tục tìm kiếm và đào tạo những tài năng từ độ tuổi nhỏ thông qua câu lạc bộ của họ. Để đào tạo được những vận động viên đỉnh cao, những nhà vô địch thế giới, nếu ở nước ngoài sẽ cần đội ngũ hỗ trợ và kế hoạch đào tạo trong mười năm.

Ở Việt Nam chưa có điều kiện như vậy nên Phan Hiển thường xuyên ra nước ngoài để học hỏi cách làm, từ đó tạo ra hệ thống phương pháp phù hợp. “Trong tương lai, quan trọng nhất là tìm được người thay thế vị trí của tôi, để từ đó đi lên chứ không phải tụt xuống,” Phan Hiển cho biết.

Dancesport là bộ môn dễ tiếp cận, nếu xét về những hình ảnh khiêu vũ phổ biến ở các câu lạc bộ, không gian công cộng, ở đủ mọi lứa tuổi, trình độ đang diễn ra ở khắp Việt Nam. Ở các cuộc thi trước đây cho các vận động viên chỉ kéo dài một buổi, nay kéo dài đến ba ngày, số lượng vận động tham dự có thể lên tới hai ngàn người.

Gần đây nhất, vào tháng 3.2023, giải vô địch các câu lạc bộ Khiêu vũ thể thao quốc gia và Cúp câu lạc bộ Khiêu vũ thể thao quốc gia năm 2023 đã quy tụ hơn 500 vận động viên từ 26 tỉnh thành, câu lạc bộ, trung tâm khiêu vũ cùng tranh tài ở 182 nội dung.

Khánh Thi và các học trò tại trung tâm.

Nhưng để đào tạo được vận động viên đỉnh cao thì cần đầu tư rất lớn. Phan Hiển cho biết chi phí tập luyện, thi đấu để duy trì phong độ và đạt những cột mốc tiếp theo trong sự nghiệp trung bình khoảng một tỉ đồng mỗi năm.

KTA là mô hình được nâng cấp từ Khánh Thi Dancesport, Khánh Thi Dancing Center và Khánh Thi Academy, dựa theo khả năng mở rộng của hai vợ chồng. Trước đại dịch, mỗi khóa kéo dài ba tháng, câu lạc bộ thường đón khoảng 300-400 người theo học các môn như dancesport, nhảy hiện đại, hip hop, ballet, hát. Vào những tháng hè có thể lên tới 700 học viên từ thiếu nhi cho tới người cao tuổi.

Ngoài việc đào tạo, quảng cáo cho các nhãn hàng, Khánh Thi – Phan Hiển cũng làm nội dung cho các kênh mạng xã hội, livestream bán hàng từ đồ tập chuyên môn tới thời trang để có thu nhập trang trải các khoản chi phí lớn. Một bộ trang phục thi đấu có thể đến vài ngàn euro trong khi thu nhập của một vận động viên như Phan Hiển tương đương với mức lương công chức. “Không ai có thể hy sinh như chúng tôi khi việc đầu tư cho hoạt động huấn luyện và thi đấu chủ yếu từ tiền túi,” Khánh Thi cho biết.

Trong khi đó, các giải đấu dancesport do nhà nước tổ chức chưa thương mại hóa được vì những vướng mắc trong quản lý. Bên cạnh đó, thách thức lớn hiện nay với các vận động viên đỉnh cao là thiếu những người quản lý giúp quảng bá tên tuổi và tìm kiếm hợp đồng thương mại.

Công chúng đôi khi không đủ kiên nhẫn để hiểu và trân trọng những phẩm cách để làm nên một vận động viên xuất chúng. Từ vận động viên thành huấn luyện viên, tham gia showbiz như Khánh Thi là rất hiếm. “Với showbiz, gặp scandal là lên báo, lên mạng xã hội, nhưng với vận động viên chuyên nghiệp mà gặp scandal là bị đuổi việc,” Khánh Thi nói.

Sự tập trung cao độ để cải thiện thành tích và duy trì phong độ thi đấu đỉnh cao không có chỗ cho những “drama”. Cô nói: “Đầu tư cho thể thao là phải có thành tích cao chứ không chỉ là phong trào. Muốn thế phải đầu tư, suy nghĩ thông minh và có chiến lược cụ thể.”

Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam số 117, tháng 5.2023, chuyên đề Đầu tư cho thể thao.