ForbesWomen

Phụ nữ hiện có mục tiêu nghề nghiệp cao hơn trước kia

6 tháng trước
Tác giả Maggie McGrath

Một nghiên cứu gần đây cho thấy phụ nữ rất xem trọng sự nghiệp cũng như muốn thăng chức lên vị trí cao.

Share
this:

Thuật ngữ “lazy girl jobs” trở thành một đề tài thảo luận phổ biến trên TikTok trong nhiều tháng gần đây khi những nhân viên thuộc gen Z tiếp tục phản đối văn hóa làm việc kiệt sức tại các công ty ở Hoa Kỳ.

“Lazy girl jobs” đề cập đến những công việc văn phòng nhẹ nhàng, không căng thẳng. Nhưng theo báo cáo mới của McKinsey và Lean In, không có gì nhẹ nhàng đối với những phụ nữ cân bằng tốt giữa công việc và cuộc sống.  

Trên thực tế, dữ liệu cho thấy ở mọi cấp bậc trong công ty, phụ nữ đều cam kết làm việc hết sức như đồng nghiệp nam, ngay cả khi nam giới tiếp tục chiếm ưu thế quá lớn ở những vị trí lãnh đạo cao nhất trong công ty.  

Phụ nữ có tham vọng sự nghiệp cao hơn so với trước đây. Ảnh: Getty/ Forbes

Theo nghiên cứu thường niên lần thứ 9 Women in the Workplace đánh giá lớn, toàn diện nhất về tình trạng của phụ nữ trong các công ty ở Hoa Kỳ và Canada, phụ nữ có tham vọng sự nghiệp cao hơn so với trước đại dịch. 81% phụ nữ nói họ muốn được thăng chức lên cấp cao hơn trong năm 2023, tăng so với 70% của năm 2019.

Trong hơn 27.000 người được khảo sát, 96% phụ nữ cho biết sự nghiệp rất quan trọng đối với họ, giống như nam giới. 97% phụ nữ nói rằng mặc dù họ đang thực hiện các bước tích cực để ưu tiên hơn cuộc sống cá nhân nhưng cũng muốn được thăng chức cao.

Theo Alexis Krivkovich, đối tác cấp cao tại McKinsey, chế độ làm việc từ xa và linh hoạt tạo điều kiện cho nhân viên đạt đến tham vọng cao trong sự nghiệp. Cả nhân viên nam lẫn nữ đều nói làm việc từ xa và kết hợp (hybrid) giúp họ tăng hiệu quả lẫn năng suất.

Trong khi cả nhân viên nam và nữ đều nói với McKinsey rằng làm việc từ xa và linh hoạt là lợi ích hàng đầu mà nhân viên đang tìm kiếm, thì dữ liệu mới cho thấy sự khác biệt trong đó nhân viên nam được hưởng lợi nhiều hơn khi làm việc tại văn phòng so với nhân viên nữ.

Trong khi đó, phụ nữ – đặc biệt những người thuộc các cộng đồng yếu thế – đều đối mặt với những hành vi phân biệt đối xử khi làm việc tại văn phòng.  

Gần 1/3 phụ nữ da màu và thuộc cộng đồng LGBTQIA cho biết họ luôn bị nghi ngờ về khả năng làm việc, trong khi 35% phụ nữ khuyết tật cho biết họ bị ngắt lời hoặc bị nói nhiều hơn các đồng nghiệp khác. Gần 3/4 phụ nữ bị đối xử như thế này đã chọn cách im lặng, cảm thấy áp lực phải thay đổi ngoại hình hoặc hành vi, và mặt khác ép mình phải thích ứng.

Nghiên cứu Women in the Workplace cho thấy phụ nữ xem trọng sự nghiệp và muốn được thăng chức cao hơn. Nguồn: McKinsey và Lean In

Rachel Thomas, CEO của Lean In, cho biết khi phụ nữ làm việc từ xa, họ không phải đối mặt với nhiều hành vi đó nữa nên cảm thấy thoải mái làm việc, phát triển sự nghiệp.

“Chúng tôi biết những phụ nữ này có thể cảm thấy cần phải trở nên hoàn hảo. Điều đó cản trở họ thể hiện năng lực cũng như lên tiếng tại nơi làm việc,” Thomas nói. “Các công ty thực sự đang bỏ lỡ những đóng góp tích cực của phụ nữ.”

Nhiều công ty cũng đang bỏ lỡ những cống hiến của phụ nữ khi tiếp tục thăng chức cho nam giới lên các vị trí lãnh đạo cao nhất. Tuy nhiên, số lượng phụ nữ hiện nay đảm nhận vị trí lãnh đạo cấp cao nhiều hơn trước đây, với tỉ lệ 28%.

Trong đó, tỉ lệ phụ nữ da màu chỉ chiếm 6%. Cứ 100 nam giới được thăng chức lên quản lý thì chỉ có 87 phụ nữ và 73 phụ nữ da màu cũng được thăng chức như vậy.

“Đây là một trong những vấn đề lớn nhất công ty nên thay đổi và tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo,” Thomas nói.

Công ty cần thực hiện nhiều biện pháp như theo dõi dữ liệu tuyển dụng và thăng chức, đầu tư vào các chương trình đa dạng, công bằng và hòa nhập, thiết lập các tiêu chí giúp loại bỏ sự thiên vị trong quá trình tuyển dụng cũng như thăng chức để giảm khoảng cách giới trong lãnh đạo.

Biên dịch: Gia Nhi

———————–

Xem thêm:

Tin tưởng vào chính mình thúc đẩy thành công của nhà lãnh đạo
Gần 50% nhân viên thuộc thế hệ Millennials sợ mất việc vì tiến bộ công nghệ