multi-media / Megastory

World Cup Qatar đưa Đại Dũng đến sân chơi toàn cầu

Kỳ World Cup 2022 sôi động tại Qatar vừa khép lại mở ra cơ hội cho một công ty Việt Nam bước vào sân chơi toàn cầu.

Sân vận động Lusail (Qatar) đêm 18.12.2022 vỡ òa trong tiếng hò reo chiến thắng của cổ động viên màu áo sọc xanh trắng. Đội tuyển Argentina đánh bại đội tuyển Pháp, nâng cao chiếc cúp vô địch chờ đợi 36 năm sau cuộc rượt đuổi tỉ số nghẹt thở và loạt đá luân lưu đầy may rủi trong sự cổ vũ cuồng nhiệt của gần 89 ngàn khán giả trên sân.

Cách sân vận động Lusail hơn 6.000km, trong căn biệt thự ở Thảo Điền, TP.HCM, một cổ động viên trung lập cũng đứng ngồi không yên theo từng đường bóng của Messi, hò reo khi Mbappe ghi bàn. “Coi World Cup lần này nhiều cảm xúc hơn, vì chúng tôi có phần trong đấy,” cổ động viên trung lập đó, ông Trịnh Tiến Dũng, chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc công ty cổ phần Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng (DDC) nói với Forbes Việt Nam.

Suốt mùa World Cup, ông Dũng chủ yếu xem lại các trận đấu thay vì xem trực tiếp vì bận rộn. Cuộc phỏng vấn diễn ra giữa giờ trưa khi ông vừa tiếp đoàn khách tại văn phòng nằm trên đường Bạch Đằng, quận Tân Bình. Tòa nhà tám tầng xây dựng từ năm 2009, thang máy nhỏ chỉ chứa chừng sáu, bảy người một lượt, nhà để xe không còn chỗ trống, các phòng họp dùng vách ngăn tạm… rất khác với hình ảnh đồ sộ của những công trình mà công ty này đã tạo dựng.

Đại Dũng cung cấp 6.000 tấn cấu kiện thép, chiếm 1/4 khối lượng làm nên sân vận động Lusail diễn ra trận chung kết Pháp – Argentina kể trên và cung ứng toàn bộ khối lượng cấu kiện thép với 28.000 tấn để làm nên sân vận động Ras Abu Aboud, sau đó được đổi tên thành sân 974 theo mã vùng quốc tế của nước chủ nhà World Cup 2022. Là một trong những nhà cung cấp công trình sử dụng kết cấu thép hàng đầu Việt Nam, với sự khẳng định vị thế này, Đại Dũng rộng cửa bước vào sân chơi toàn cầu.

Ông Dũng cho biết, nhiều năm qua, Đại Dũng không còn xem các doanh nghiệp cùng ngành trong nước là đối thủ mà tìm hướng vươn ra thế giới, nhìn vào các tập đoàn lớn để học hỏi. Các công trình ở Qatar giúp DDC “ngẩng cao đầu”, tạo dựng thương hiệu và chất xúc tác để tiếp tục nhận hàng loạt công trình mới.

Ông Trịnh Tiến Dũng – sáng lập, chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc công ty cổ phần Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng (DDC). Ảnh: Duy Lê

DDC có tên trong danh sách nhà thầu của liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA), hiệp hội Đầu tư xây dựng Trung Đông hay các công ty, chuyên gia tư vấn, thiết kế, quản lý dự án. Đại Dũng tiếp tục được Qatar giao thực hiện dự án khí đốt lớn nhất thế giới North Field East. Công ty cũng trúng thầu dự án sân bay quốc tế Phnom Penh (Campuchia), nhà máy khai thác quặng đồng Manyar Smelter của Mỹ tại Indonesia, Powerhouse Parramatta, biểu tượng mới của nước Úc…

Theo báo cáo doanh nghiệp thép tiền chế và kết cấu thép tại Việt Nam 2021 của Houselink, nền tảng kết nối chuỗi cung ứng trong ngành xây dựng, thị trường thép tiền chế và kết cấu thép là cuộc đua thị phần của những tên tuổi như ATAD, Đại Dũng, BMB, PEB, Zamil, Seico…

Trong đó, ATAD nắm giữ 17% thị phần, Đại Dũng xếp thứ hai với 15%, kế đến là BMB và PEB với lần lượt 14% và 13%. Các vị trí đã thay đổi khá nhiều trong ba năm, từ 2018 đến 2020 khi Đại Dũng gia tăng thị phần khá nhanh trong khi một số doanh nghiệp khác sụt giảm.

Houselink dự báo thị trường nhà thép tiền chế, kết cấu thép từ nay tới 2027 sẽ tiếp tục theo xu hướng tăng mạnh với tỉ lệ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) đạt 13,6%. Giá trị ngành trên toàn cầu đạt 30 tỉ đô la Mỹ vào năm 2027, trong đó khu vực chiếm thị phần lớn nhất vẫn là châu Á – Thái Bình Dương với 43–52%, mức độ tăng trưởng năm xấp xỉ 16%.

Với giọng nhỏ nhẹ còn rõ ngữ âm Thanh Hóa, ông Dũng kể, cơ duyên Đại Dũng tham gia xây dựng hai trong tám sân vận động World Cup đến khá bất ngờ. Công ty này tham gia đấu thầu dự án sân vận động phục vụ vòng chung kết World Cup 2022 từ năm 2017, thời điểm đã có nhiều công trình lớn ở Bắc Mỹ.

Nước chủ nhà khi đó lựa chọn các nhà thầu đến từ châu Âu và Trung Quốc, không để ý công ty đến từ một đất nước xa xôi như Việt Nam. Dự án sân vận động Lusail giao cho một nhà thầu đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng sự cố xảy ra khi các cấu kiện lắp ráp lại không thành hình. Đại Dũng được lựa chọn thay thế ở “phút 89” sau khi vượt qua thẩm định của ủy ban Chuyển giao và Di sản tối cao Qatar.

Nhà máy An Hạ, một trong sáu cơ sở sản xuất của Đại Dũng. Ảnh: Đại Dũng

“Họ đến đánh giá nhà máy gần 10 lần, họp bàn về phương án sản xuất, vận chuyển không biết bao nhiêu lần,” và “công nhân làm suốt ngày đêm, các kỹ sư họp bàn giải pháp đến 11–12 giờ khuya,’’ ông Dũng nhớ lại. Thời gian thực hiện dự án chỉ trong vòng một năm cho tất cả mọi việc, từ nhập vật tư, nguyên liệu đến thiết kế, sản xuất. Chuyến hàng cuối cùng xuất đi cũng là lúc COVID-19 bùng phát trên thế giới khiến cước vận chuyển tăng vọt.

974 – sân vận động mà Đại Dũng được giao thực hiện toàn bộ phần kết cấu thép sau khi chứng minh được năng lực với sân Lusail, được thiết kế theo nguyên lý của trò chơi Lego, không mối hàn, không ốc vít. Được tạo nên bởi 974 container, sân vận động này có thể tháo ra và biến hình thành bệnh viện, trường học hay sân vận động nhỏ hơn. Các cấu kiện do vậy phải bảo đảm độ chính xác cao, sai số cho phép chỉ là 2mm.

“Mình phải hiểu về độ co giãn của vật liệu trong điều kiện thời tiết như Qatar, về hình học không gian ba chiều… Nói chung là phải quản lý được chất lượng sau khi đề xuất được giải pháp kỹ thuật và đảm bảo năng lực sản xuất,” ông Dũng nói về những lý do cốt lõi mà Qatar chọn tập đoàn này.

Tham gia xây dựng sân vận động cho giải bóng đá lớn nhất hành tinh ở Qatar, theo ông Dũng, là một trong những cột mốc quan trọng của DDC. Các cột mốc lớn khác là việc xây dựng các nhà máy. Xuất phát điểm của DDC là xưởng cơ khí do ông Dũng thành lập năm 1995 nằm trên đường Hùng Vương, huyện Bình Chánh khi 26 tuổi. Sau hai năm, ông Dũng mở nhà máy trong khu công nghiệp Lê Minh Xuân với chiến lược “nhất cự ly”, hiện diện ngay bên khách hàng.

Năm 2000, Đại Dũng có nhà máy thứ hai cũng tại khu công nghiệp Lê Minh Xuân để đáp ứng nhu cầu đơn hàng ngày càng nhiều. Giai đoạn 2001–2006, cơ sở sản xuất tại Long An ra đời rồi đến nhà máy tại Quảng Ngãi bốn năm sau đó. Hiện tại, DDC có sáu nhà máy với tổng quy mô hơn 50 héc ta, tổng công suất sản xuất 150 ngàn tấn sản phẩm mỗi năm; hơn 2.000 cán bộ – công nhân làm việc.

Trong đó 500 kỹ sư là tài sản lớn. “Chúng tôi đầu tư nghiêm túc cho cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị cùng nền tảng quản trị, đội ngũ nhân sự. Nhờ vậy, Đại Dũng đáp ứng được tiêu chuẩn quản lý chất lượng của các nước tiên tiến,” ông Dũng nói. Đây là cơ sở quan trọng để DDC được các đơn vị tư vấn quốc tế đề xuất với nhà đầu tư, mở ra cơ hội tham gia đấu thầu.

Nhưng việc trúng thầu nằm ở lợi thế cạnh tranh của Đại Dũng, là đưa ra các giải pháp vượt trội, tiết kiệm được chi phí đầu tư cho khách hàng, không chỉ bằng tuổi thọ, độ bền vững mà còn ở kiến trúc, thẩm mỹ của công trình. Còn để khách hàng quay trở lại thì chữ tín, dịch vụ bảo hành sản phẩm 10–20 năm, đảm bảo tiến độ giao hàng trong suốt thời gian thi công.

Đại Dũng cung cấp cấu kiện thép của nhiều công trình công nghiệp nặng như nhà máy nhiệt điện, lọc hóa dầu… Ảnh: Đại Dũng

Danh mục dự án của DDC hiện trải dài từ công trình công cộng như sân bay Tuy Hòa, Nội Bài, Tân Sơn Nhất mở rộng… đến nhà xưởng của các công ty tư nhân lớn như TBS, Masan Group tại nhiều tỉnh thành. Đặc biệt, DDC hiện là nhà thầu kết cấu thép hiếm hoi thực hiện được các công trình ngành công nghiệp nặng như nhiệt điện, lọc hóa dầu… đòi hỏi kỹ thuật và tính thẩm mỹ cao. Đại Dũng đã thực hiện các công trình nhiệt điện như Jawa (Indonesia), lọc dầu Nghi Sơn, nhiệt điện Long Phú, kho than Hòa Phát.

Kết quả kinh doanh năm 2022 của DDC được vực dậy sau năm 2021 bị ảnh hưởng bởi đại dịch, và tốt nhất từ trước đến nay với tổng doanh thu đạt 4.000 tỉ đồng, tăng hơn 20%. Nhưng theo ông Dũng, cũng nhờ đại dịch DDC có cơ hội dừng lại và tập trung xây dựng hệ thống, củng cố đội ngũ và đào tạo nhân lực. Mỗi năm công ty này chi ra hàng triệu đô la Mỹ cho phần đào tạo, nâng cao trình độ cho nhân sự; đầu tư lớn cho việc chuẩn hóa quy trình tại các nhà máy, lấy các chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế và chăm chút xây dựng văn hóa doanh nghiệp.

Ông Dũng gọi đó là củng cố nội lực, tạo ra một hệ thống tốt, quản trị tốt để từ đó tạo ra những sản phẩm tốt, làm hài lòng khách hàng. “Nhiều khách hàng muốn nâng tầm quan hệ, muốn Đại Dũng trở thành đối tác chiến lược. Họ nhìn thấy khả năng đối phó, thích ứng của chúng tôi với đại dịch,” ông Dũng nói và cho biết, mỗi tuần tiếp hai, ba đoàn khách nước ngoài đến thăm, đánh giá hoặc đặt hàng.

Đại Dũng cũng đã tham gia đấu thầu, tư vấn, thiết kế cũng như ký kết nhiều công trình. Đây là cơ sở để CEO DDC tự tin kết quả kinh doanh năm 2023 “chắc chắn tốt” và “Đại Dũng bận rộn từ nay đến 2030”, với mục tiêu tăng trưởng trung bình hơn 20% mỗi năm.

Nhà sáng lập DDC cho biết công ty đang có những tham vọng mới và cơ hội mới. Kế hoạch lớn đặt ra là xây một đại nhà máy cơ khí, chế tạo theo mô hình khép kín. Những việc làm trước mắt là tăng quy mô nhân sự, gia tăng sản lượng và có thêm sản phẩm mới như thiết bị cẩu tháp, cẩu cảng trong ngành logistics hay trụ điện gió. Văn phòng cũng sẽ chuyển về địa điểm mới ở Thủ Đức.

“Tuy nhiên, cần quản lý được sự tăng trưởng đó. Yếu tố quan trọng của một đội bóng là mỗi người phải  làm tốt vai trò của mình, tuân thủ kỷ luật và có tinh thần đồng đội. Công ty cũng làm được vậy thì chắc chắn sẽ tốt,” ông Dũng nói.

Bài viết đăng trên Tạp chí Forbes 113, chuyên đề “Sự kiện kinh doanh nổi bật” phát hành tháng 1.2023.