multi-media / Megastory

De Heus nuôi tham vọng gì sau khi mua mảng thức ăn chăn nuôi của Masan

Tập đoàn Hà Lan củng cố vị thế tốp đầu ngành thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam sau 14 năm gia nhập thị trường khi thực hiện thương vụ M&A đình đám với tập đoàn Masan.

Giữa năm 2022, các nhân viên văn phòng của công ty TNHH De Heus chuyển về trụ sở làm việc mới ở tầng 12 của tòa nhà Sofic nằm trên đại lộ Mai Chí Thọ (TP Thủ Đức). Ông Gabor Fluit, tổng giám đốc De Heus khu vực châu Á, cho biết trụ sở mới này giúp việc di chuyển thuận lợi nhất cho nhân viên và đối tác của họ từ các tỉnh miền Tây và Đông Nam bộ. Đặc biệt, nơi làm việc mới này “tạo cảm giác công bằng” cho tất cả nhân viên De Heus Việt Nam và Masan MEATLife sau khi tiến hành thương vụ sáp nhập đình đám trong ngành thức ăn chăn nuôi diễn ra vào cuối năm ngoái.

De Heus – tập đoàn hoàng gia Hà Lan, là nhà cung ứng các loại thức ăn chăn nuôi cùng các giải pháp chăn nuôi với bề dày lịch sử hơn 110 năm đã chi khoảng 700 triệu đô la Mỹ mua lại mảng thức ăn chăn nuôi Masan MEATLife của Masan Group, đưa Việt Nam thành căn cứ địa quan trọng bậc nhất của họ trên toàn khu vực châu Á.

Sau thương vụ, 14 nhà máy tiếp quản từ đối tác đưa tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi của De Heus tăng lên gấp đôi với độ rộng hoạt động của hơn 20 nhà máy, tám trang trại giống, hai nhà máy ấp trứng, ba trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), hai trung tâm khuyến học và sáng tạo và một nhà máy giết mổ.

Những thương hiệu thức ăn chăn nuôi nổi tiếng quen thuộc với thị trường Việt Nam từ Proconco và Anco gia nhập vào “đội hình” thương hiệu của tập đoàn Hà Lan với De Heus, Windmill, Koudijs… với hệ thống đại lý phân phối rộng khắp sau sáp nhập. Ông Gabor nói “chúng tôi không mất khách hàng đại lý nào nhưng bốn nhà máy trong tổng 24 nhà máy của De Heus tại Việt Nam phải ngừng hoạt động để cấu trúc lại vì nằm ở vị trí gần nhau, trong đó hai nhà máy cho đơn vị khác thuê và một chuyển thành nhà kho.”

Mua lại các nhà cung cấp địa phương để mở rộng vị thế được De Heus thực hiện ở các thị trường họ hoạt động. Từ khi gia nhập thị trường Việt Nam năm 2008, De Heus mở đầu bằng việc mua lại hai nhà máy ở Bình Dương và Hải Phòng. Sau 14 năm, Việt Nam đóng góp 25% tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi của tập đoàn trên toàn cầu.

Dữ liệu từ Vietdata cho thấy quy mô doanh thu của tập đoàn nằm vào tốp 3 của năm 2021, sau hai tập đoàn toàn cầu tham gia thị trường Việt Nam trước đó hàng chục năm là C.P Việt Nam (1993) và Cargill Việt Nam (1995). Đại  diện De Heus cho biết doanh thu năm 2021 tại thị trường Việt Nam đạt 20.000 tỉ đồng.

Ông Gabor Fluit, tổng giám đốc De Heus khu vực châu Á (Ảnh: NVCC).

Nhưng tổng giám đốc De Heus châu Á khẳng định họ đang đứng đầu thị trường thức ăn chăn nuôi thuần túy. Ông lý giải điều này đến từ mô hình khác biệt với các doanh nghiệp cùng ngành, họ không tự mở trại nuôi, không cạnh tranh với nông dân, thay vào đó thiết lập các mắt xích bằng cách liên kết với các đối tác trong chuỗi giá trị theo mô hình 3F (Feed, Farm, Food) và tập trung sản xuất thức ăn cho các loại vật nuôi.

“Tại châu Á, Việt Nam là sân nhà của De Heus, chiếm đến 25% tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi của chúng tôi trên toàn cầu, với công suất khoảng ba triệu tấn/năm,” ông Gabor Fluit nói với Forbes Việt Nam tại văn phòng làm việc.

Ông Gabor Fluit chia thị trường thức ăn chăn nuôi dành cho heo thành ba nhóm. Nhóm đầu là các công ty theo đuổi mô hình 3F, bằng cách tự sản xuất thức ăn, tự mở trang trại cho đến giết mổ, chế biến, phân phối ra thị trường như CP, Japfa, CJ, Dabaco… Nhóm thứ hai là các trại lớn tự nuôi hoặc thuê quản lý, mỗi trang trại quy mô từ 400-1.000 con. Thứ ba là nhóm hộ nuôi nhỏ lẻ nằm rải rác trên cả nước với “vài chục con heo thịt, vài con nái”.

Hai nhóm cuối đang được De Heus nhắm đến bằng cách hợp tác với những đơn vị khác để cung cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật, thức ăn và thậm chí kết nối đầu ra thông qua hệ thống 5.000 đại lý trên toàn quốc hoặc cung cấp trực tiếp cho các trại lớn.

Người đứng đầu De Heus châu Á so sánh, ở nhiều quốc gia chỉ có bộ Nông nghiệp (Ministry of Agriculture), còn ở Việt Nam là bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Điều này thể hiện vai trò của nông thôn rất quan trọng. Đây là một trong những lý do De Heus quyết tâm mua lại mảng thức ăn chăn nuôi của Masan MEATLife với hai thương hiệu Anco và Proconco đã quen thuộc với hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

“Thương vụ hoàn thành cũng chứng minh chúng tôi không đi theo xu hướng các công ty 3F là sản xuất thức ăn rồi dần xây dựng hệ thống trang trại, chế biến thực phẩm,” ông Gabor nói. Nếu một doanh nghiệp theo mô hình 3F mua 14 nhà máy của Masan MEATLife thì cán cân thị trường sẽ nghiêng về các công ty theo mô hình từ trang trại đến bàn ăn.

Nhóm công ty này giúp ổn định thực phẩm, chuyên nghiệp hóa ngành chăn nuôi, nhưng để đảm bảo sự phát triển bền vững cho nông thôn, Gabor nói thị trường cần có sự đối trọng, đó là sự phát triển của các hộ nuôi gia đình thay vì triệt tiêu.

2021 là năm thách thức với ngành chăn nuôi khi dịch tả heo châu Phi bùng phát, giá nguyên liệu tăng đẩy giá thành sản xuất tăng cao. Song đây là năm bước ngoặt với De Heus, làm thay đổi cục diện ngành thức ăn chăn nuôi Việt Nam.

Gabor kể, đầu năm 2021 ông nhận cuộc gọi từ Masan MEATLife tiết lộ họ dự tính bán mảng thức ăn chăn nuôi. Tám tháng sau, thương vụ hoàn tất. Ngày 1.12.2021, De Heus chính thức nhận chuyển nhượng 13 nhà máy thức ăn chăn nuôi và một nhà máy premix từ Masan MEATLife, bao gồm sáu nhà máy thuộc Proconco và phần còn lại thuộc Anco.

Ban đầu hàng loạt công ty lớn nhỏ trong ngành tham gia thương vụ này nhưng sau vòng một còn lại khoảng bốn doanh nghiệp. Tình hình nan giải là thời điểm đó TP.HCM bước vào giai đoạn giãn cách xã hội.

“Trong rủi có may khi Việt Nam là cơ sở chính của De Heus tại châu Á nên các chuyên gia từng mảng đều sẵn sàng tham gia thẩm định trực tiếp mà không bị rào cản về khoảng cách địa lý và thời gian,” ông Gabor nói và nhớ lại cảnh ký hợp đồng chuyển nhượng giữa Masan MEATLife và De Heus Việt Nam diễn ra tại nhà riêng của mình, sau quá trình thẩm định trực tiếp, còn đàm phán chi tiết hợp đồng, giá cả thông qua trực tuyến. “Nếu không bị giãn cách vì đại dịch, chưa chắc De Heus thắng,” ông nhớ lại.

Vị này đã quan sát từ rất lâu trước khi thương vụ diễn ra, một công ty trong ngành hàng tiêu dùng nhanh như Masan có cách làm không giống các doanh nghiệp trong ngành thức ăn chăn nuôi, khi họ mua Anco và Proconco năm 2015. Điều này khiến Gabor từng đề nghị Masan: “Nếu thay đổi chiến lược trong mảng thức ăn, De Heus sẽ tham gia.” Đến khi Masan thay đổi chiến lược, thành lập CrownX và mua lại chuỗi siêu thị Vinmart (nay là Winmart), lời đề nghị của De Heus thành hiện thực.

Ông Gabor cao hơn hai mét, thành thạo tiếng Việt Nam và cưới vợ người Việt. Trước khi đảm nhận nhiệm vụ khai thác thị trường địa phương cho De Heus, ông là giám đốc các chi nhánh của ngân hàng ABN Amro ở Hà Lan. Trong năm năm đầu thành lập De Heus Việt Nam, nhân viên hiếm khi thấy ông có mặt ở văn phòng vì phần lớn thời gian đi thực tế, tham gia các hội thảo lớn nhỏ với nông dân, đại lý ở các tỉnh thành. Càng trao đổi với nông dân và đại lý khi ngồi uống trà, thậm chí cả nhậu, Gabor càng thiết lập mối quan hệ thân thiết và nhìn thấy khả năng học hỏi nhanh của họ.

Thời điểm De Heus vào Việt Nam, ông ước tính chi phí nuôi một ký heo hay gà tại Việt Nam cao hơn ở Thái Lan khoảng 30%. Hiện nay tình trạng này không còn, thậm chí một số vùng nuôi đạt mức thấp hơn cả ở Indonesia, Malaysia hay Philippines. Ngoài ra, trung bình một heo nái tại các trại lớn có thể đẻ 30 con, gấp ba lần mức trung bình của 14 năm trước.

“Giờ chúng tôi mời một số đại diện ra nước ngoài tham quan, họ thấy thua hệ thống ở Việt Nam. Người Việt rất chịu học hỏi và tìm hiểu,” ông Gabor nói đồng thời cho biết, không tính các trại lớn, trên cả nước có hơn 90 ngàn hộ chăn nuôi sử dụng sản phẩm thuộc những thương hiệu De Heus, góp phần đưa doanh thu De Heus lên 10 triệu đô la Mỹ chỉ sau một năm thành lập. Ông tiết lộ con số này năm nay sẽ là hai tỉ đô la Mỹ.

Chuỗi giá trị đạm động vật đa dạng bao gồm nhiều mắt xích từ giống, thức ăn, chăn nuôi đến giết mổ, chế biến và phân phối. Đi qua các giai đoạn thăng trầm sau hơn 110 năm trong ngành thức ăn chăn nuôi, các lãnh đạo De Heus tin rằng, điều họ có thể làm tốt nhất là xoay quanh sản xuất dinh dưỡng động vật và hỗ trợ người chăn nuôi tại trang trại.

Điều này đồng nghĩa với việc muốn thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển, bán được thức ăn nhiều hơn, họ phải liên kết các đối tác khác trong chuỗi giá trị. Trong chuỗi này, De Heus đóng vai trò kết nối, điều phối, truy xuất và đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Ở Việt Nam, De Heus hợp tác với đối tác chiến lược là Hùng Nhơn, tập đoàn có khoảng 15 công ty thành viên, chuỗi nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN (liên doanh với De Heus) với hàng loạt trang trại chăn nuôi tại khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Gần đây nhất vào tháng 5.2022, tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai có tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng được khánh thành. Đây là tổ hợp thứ tư tại Việt Nam của De Heus và Hùng Nhơn.

Trong mảng giống, De Heus tự nghiên cứu hoặc hợp tác cùng đối tác như Hùng Nhơn (giống heo), Bel Gà (giống gia cầm)… Ông cho rằng việc tham gia khâu này “không phải vì lợi nhuận cao” mà nhằm cung cấp giống tốt cho người chăn nuôi tự do.

Nhân viên làm việc tại kho hàng của De Heus Việt Nam (Ảnh: NVCC).

Ở khâu trang trại, Gabor khẳng định De Heus sẽ không tham gia. Mắt xích còn lại trong chuỗi 3F là giết mổ và chế biến, De Heus chọn cách kết nối các trang trại với bên mua như cách làm hiện nay với Masan. Theo đó, De Heus cung cấp thức ăn chăn nuôi cho các trại của MEATLife và liên kết các trang trại cung cấp tối thiểu 2,8 triệu con heo cho mảng sản xuất thịt mát của Masan trong năm năm tới.

“Lợi thế của De Heus không phải ở khâu nuôi, chế biến hay phân phối nên các đối tác như Vinamilk, Sơn Hà, Koyu&Unitex không nhìn De Heus như đối thủ,” ông Gabor nói.

Theo số liệu của cục Chăn nuôi, Việt Nam có khoảng 265 công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi, tổng công suất thiết kế hơn 41 triệu tấn. Trong đó, 60% thị phần thuộc về 89 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2021, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng từ 16-38% so với năm 2020, khiến các đơn vị quy mô nhỏ gặp khó khăn, dần thu hẹp hoạt động rồi chuyển sang đầu tư mạnh hơn cho trang trại nuôi. Ở khâu chăn nuôi và phân phối bán lẻ, theo ông Gabor, doanh nghiệp và người dân Việt Nam làm tốt hơn. “Đó là lý do vì sao De Heus hài lòng với vai trò cung cấp thức ăn,” ông chia sẻ.

Trong danh sách 144 doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới năm 2021 do Watt Global Media công bố, CP Group (Thái Lan) ở vị thế dẫn đầu với hơn 28 triệu tấn, theo sau là New Hope Group, Haid Group (Trung Quốc) và Cargill (Mỹ).

De Heus ở vị trí thứ 16, với khoảng tám triệu tấn và 66 nhà máy. De Heus công bố chính thức cán mốc sản lượng 10 triệu tấn thức ăn chăn nuôi từ đầu năm đến nay và dự kiến đến cuối năm nay sẽ đạt 12 triệu tấn. Trong đó, khu vực châu Á chiếm 70% tổng lượng của tập đoàn.

So sánh trong toàn khu vực ASEAN, ông Gabor cho biết Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Philippines và Malaysia là năm quốc gia sản xuất lượng thức ăn chăn nuôi lớn nhất. Trong đó, tổng sản lượng ở Việt Nam tăng trưởng mạnh nhất suốt 10 năm qua. Dự báo Indonesia sẽ là thị trường phát triển mạnh nhất khu vực trong hai thập niên tới. Tuy nhiên, dư địa thị trường Việt Nam vẫn còn lớn, với dự báo tăng trưởng 5% đến năm 2025 và đạt quy mô hơn 12 tỉ đô la Mỹ, đặc biệt trong mảng thức ăn thủy sản.

 “De Heus có kế hoạch đầu tư để củng cố vị thế chiến lược của mình cho thị trường tôm đầy tiềm năng tại Việt Nam. Bước đầu tiên trong chiến lược này là đầu tư vào một nhà máy Anco chuyên biệt sản xuất thức ăn cho tôm tại tỉnh Vĩnh Long vào năm 2023, với công suất 100 ngàn tấn/năm,” ông Gabor chia sẻ và nói rằng, đây sẽ là một trong những nhà máy sản xuất thức ăn cho tôm hiện đại nhất khu vực.­

Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam số 112, tháng 12.2022