Công nghệ

Phượng Hoàng Xanh vào tâm dịch

2 năm trước
Minh Thiên

Phenikaa mang đến hai sáng kiến robot khử khuẩn và bản đồ dịch tễ, giúp công tác phòng chống COVID-19 hiệu quả và giảm nguy cơ lây nhiễm.

Share
this:

Cuối tháng 5.2021, trong thời tiết oi bức, bác sĩ Trần Trọng Dương, phó trưởng khu Kiểm soát nhiễm khuẩn đi đi lại lại giữa bệnh viện Dã chiến số 2 tỉnh Bắc Giang vừa gấp rút xây dựng trên nền nhà thi đấu thể thao tỉnh Bắc Giang. 500 bệnh nhân mắc COVID-19 dọn vào ngay trong đêm khiến ông lo lắng về nguy cơ lây nhiễm chéo dịch bệnh trong khu vực cách ly.

Thông tin từ bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang cho hay có một công ty Việt Nam có thể sản xuất robot khử khuẩn hiệu quả tương tự robot khử khuẩn thường thấy tại sân bay Changi (Singapore). Lập tức, đại diện tỉnh Bắc Giang liên lạc với nhà sản xuất, kêu gọi sự hỗ trợ đưa robot khử khuẩn tới tâm dịch.

Robot khử khuẩn là sản phẩm do tập đoàn Phenikaaa, tên gọi khác là Phượng Hoàng Xanh, sáng tạo để phòng chống COVID-19 tại khu cách ly lớn nhất phía Bắc. Trên sàn chứng khoán, cái tên Phenikaa không xa lạ với giới đầu tư khi là cổ đông lớn nhất nắm giữ hơn 81% cổ phần của Vicostone, công ty tốp 3 thế giới về xuất khẩu đá thạch anh nhân tạo, một loại vật liệu đá ốp cao cấp dùng trong xây dựng. Ngoài việc kiểm soát Vicostone, công ty nhiều lần nằm trong Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất của Forbes Việt Nam, gần đây Phenikaa mở rộng đầu tư sang giáo dục và đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ sáng tạo. Công ty tư nhân này đang nỗ lực ghi dấu ấn ở việc gắn kết giữa nghiên cứu khoa học và các sản phẩm ứng dụng thực tiễn.

“Năm 2020, khi đợt bùng dịch đầu tiên xảy ra, chúng tôi đã nghĩ đến việc phát triển robot khử khuẩn và vận chuyển hàng để hỗ trợ y bác sỹ trong khu cách ly,” ông Lê Anh Sơn, giám đốc công ty cổ phần Phenikaa-X, đơn vị thuộc tập đoàn Phenikaa kể. Ngoài robot khử khuẩn, Phenikaa còn cung cấp bản đồ dịch tễ giúp người dân nhận diện các ca bệnh tại 10 tỉnh bùng phát dịch bệnh.

Robot Phenikaa-X đang khử khuẩn tự động

Từ cuối tháng 4.2021, khi đợt bùng phát COVID-19 lần thứ tư xuất hiện sau đó lan rộng tại Việt Nam. Ở phía Bắc, Bắc Giang trở thành địa phương có diễn biến dịch bệnh phức tạp nhất với hàng trăm ca nhiễm mới phát hiện mỗi ngày. Tính đến ngày 22.6, sau tám tuần 5.500 ca lây nhiễm đã được phát hiện.

Những ngày đầu, số ca nhiễm mới tăng liên tục gây áp lực lên hệ thống y tế và nguy cơ mất kiểm soát nếu dịch bệnh lan rộng khiến địa phương phải thần tốc xây dựng các bệnh viên dã chiến giải tỏa áp lực cho các khu cách ly và hệ thống y tế. Bệnh viện Dã chiến số 1 rồi số 2 lần lượt mọc lên.

Từ lời kêu gọi của tỉnh Bắc Giang, robot của Phượng Hoàng Xanh được đưa đến tâm dịch không có cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nhằm tránh cho người này phải cách ly 21 ngày. Trong trang phục bảo hộ y tế trùm kín người, giày bít chân, bác sĩ Dương tiến đến đón “người bạn mới”.

Trước mắt bác sĩ là robot có thiết kế gọn gàng, chiều cao tương đương một người trưởng thành kèm tấm giấy giới thiệu là một tài liệu hướng dẫn vận hành. Robot này được đặt theo tên của công ty sản xuất ra nó: robot khử khuẩn Phenikaa-X. Sau khi thử các nút bấm vận hành đơn giản, Phenikaa-X tự di chuyển theo đường đi được bác sĩ Dương dán trên sàn nhà.

Theo bác sĩ Dương, khử khuẩn tại khu cách ly là công việc vừa độc hại vừa cực nhọc với nhân viên y tế. Gần ba tuần có mặt, robot Phenikaa-X phun khử liên tục cả ngày và đêm trên toàn bộ bề mặt bệnh viện Dã chiến số 2 được thiết kế theo hình bàn cờ. Trừ thời gian sạc pin, “nhân viên” này làm việc từ sáng đến tối, điều không thể với con người.

“Điều này con người không thể,” bác sĩ Dương nhận xét. Nếu dùng sức người năng suất tối đa chỉ có thể thực hiện hai lần mỗi ngày, chưa kể, chính họ phải chịu nguy cơ lây nhiễm do tiếp xúc với môi trường truyền nhiễm bệnh. Chị Nguyễn Thị Minh, trưởng phòng điều dưỡng bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, phụ trách công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện Dã chiến số 2 gọi robot khử khuẩn Phenikaa-X là ‘lá chắn bảo vệ bệnh viện’.

Về cấu tạo, Phenikaa-X gồm hai đơn vị cấu thành chính (module). Module phía trên gồm trụ đèn UVC, thiết bị phun dung dịch khử khuẩn và một khoang chứa các thiết bị vận chuyển như thuốc men hay nhu yếu phẩm. Module phía dưới có thể tách rời, đóng vai trò như một xe tự hành (AGV) giúp robot di chuyển, tương tự xe tự hành hàng hóa được dùng trong các kho xưởng và bệnh viện tại Việt Nam nhưng được thiết kế hiện đại, gọn gàng hơn. Sau khi khử khuẩn, có thể tháo rời module phần trên, biến module phía dưới thành xe tự hành vận chuyển thuốc men hoặc thực phẩm.

Robot khử khuẩn Phenikaa-X gửi đến Bắc Giang là phiên bản thứ ba của Phượng Hoàng Xanh. Phiên bản đầu tiên được chế tạo vào đợt bùng dịch thứ nhất năm 2020 vận hành theo công nghệ line từ. Công ty đã tài trợ các phiên bản đầu cho một số trường học để khử khuẩn trước đó.

Ở phiên bản thứ hai, robot vận hành được nâng cấp dựa trên điều hướng tự nhiên nhờ máy tính trung tâm tự lập bản đồ, thiết kế đường đi có khả năng tự tránh vật cản. Đầu năm 2021, phiên bản cải tiến thứ ba kết hợp cả hai tính năng line từ và điều hướng tự nhiên bằng công nghệ mắt thần laser, có thể vừa phun thuốc hoặc khử khuẩn bằng chiếu tia UV.

Trong khu vực cách ly, robot khử khuẩn chủ yếu sử dụng tính năng line từ để đạt công suất khử khuẩn tối đa theo lịch trình định sẵn. Trên hành trình này, robot phun dung dịch khử khuẩn hoặc diệt khuẩn bằng tia UV đối với những khu vực có đồ ăn, nước uống.

Ông Sơn cho biết chi phí sản xuất Phenikaa-X phiên bản thứ ba với đầy đủ tính năng là hơn một tỉ đồng, nếu chỉ chạy với chỉ một tính năng chạy bằng đường định trước (line) thì giá khoảng 200 triệu đồng/robot. Robot khử khuẩn Phenikaa-X được nghiên cứu và chế tạo bởi nhóm kỹ sư khoa Cơ khí Điện tử, trường đại học Phenikaa.

Tiền thân đại học Phenikaa là đại học Thành Tây được chủ tịch tập đoàn Phenikaa, ông Hồ Xuân Năng đầu tư từ năm 2017. Ngày ra mắt tên mới, doanh nhân tuyên bố đầu tư 1.000 tỉ đồng trích từ lợi nhuận sau thuế để hỗ trợ các ý tưởng đổi mới sáng tạo và công nghệ trong kinh doanh và phát triển khoa học.

Năm 2021, đại học Phenikaa là đại học tư thục duy nhất của Việt Nam có mặt trong top 10 đại học được tạp chí Nature Research xếp hạng về lĩnh vực khoa học tự nhiên giai đoạn 1.2.2020-31.1.2021. Thông thường cái tên đứng đầu trong danh sách thuộc về các đại học kỹ thuật lâu đời của Việt Nam như đại học Quốc gia Hà Nội, đại học Bách khoa Hà Nội, đại học Quốc gia TP.HCM.

Phenikaa–X, công ty thành viên của tập đoàn Phenikaa là nơi hiện thực hóa các nghiên cứu từ đội ngũ các nhà khoa học thuộc trường đại học Phenikaa cùng tên. Tập đoàn cũng thành lập công ty con là công ty Cổ phần Điện tử Phenikaa chuyên về các vi mạch điện tử tại khu công nghệ cao Hòa Lạc, tạo thành hệ sinh thái doanh nghiệp – nghiên cứu – khoa học – giáo dục đào tạo, thúc đẩy các nghiên cứu vào ứng dụng thực tiễn.

“Hệ sinh thái này nhằm giúp các ứng dụng mới được phát triển nhanh nhất. Đội ngũ nhà khoa học với kiến thức sâu rộng đề ra giải pháp, còn công ty hiện thực hóa chúng,” ông Sơn nói. Một trong những ứng dụng mới nhất của Phenikaa là xe tự hành cấp độ 4 “made in Vietnam” ra mắt đầu năm 2021. Hiện tại đây là cấp độ cao nhất của xe vận hành tại Việt Nam, với hệ thống trợ lái sử dụng phần mềm và áp dụng AI (trí tuệ nhân tạo) di chuyển trên đường. Theo ông Sơn, nhờ nghiên cứu về xe tự hành, họ không gặp khó khi chế tạo robot Phenikaa-X với module tự hành phía dưới.

Bên cạnh xe tự hành, Phenikaa còn là đơn vị cung cấp bản đồ dịch tễ cho thành phố Đà Nẵng. Tháng 8.2020, các ca lây nhiễm trong cộng đồng tăng vọt, chính quyền Đà Nẵng cần giải pháp bản đồ số để thông tin về tình hình dịch bệnh cho người dân một cách nhanh nhất. Phenikaa đã cung cấp miễn phí bản đồ dịch tễ COVID-19 để người dân chủ động truy cập theo dõi và phòng tránh.

Bản đồ hiển thị như một bản đồ thông thường với những chấm tròn thể hiện vị trí khu vực các ca bệnh COVID-19, được xây dựng trên cơ sở dữ liệu do ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Đà Nẵng cung cấp. Sau khi bệnh nhân hết bệnh, thông tin về khu vực lây nhiễm của ca bệnh cũng sẽ biến mất theo thời gian được cài đặt.

Cao điểm, có trên 50 ngàn lượt truy cập cùng lúc vào bản đồ dịch tễ khi Đà Nẵng bùng dịch năm ngoái. Hiện nay bản đồ chống dịch này được Đà Nẵng tích hợp thêm bản đồ tiêm chủng giúp người dân tra cứu các địa điểm tiêm chủng. Sau Đà Nẵng, Phenikaa cũng đã cung cấp miễn phí bản đồ dịch tễ cho chín tỉnh thành khác bùng phát dịch COVID-19 như Hải Dương, Quảng Ninh, Gia Lai, Bắc Giang, Phú Yên.

Giống robot, bản đồ dịch tễ được phát triển bởi đội ngũ kỹ sư công nghệ của Phenikaa có kinh nghiệm xây dựng BusMap, ứng dụng tra cứu bản đồ xe buýt nội thành miễn phí trên nền tảng công nghệ lõi về bản đồ số, tích hợp trí tuệ nhân tạo giúp người dùng xe buýt tìm được phương án di chuyển ngắn nhất. Ứng dụng có hơn 2 triệu lượt tải, hiện là ứng dụng giao thông công cộng được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam, theo tự bạch.

“Cứ ba người đi xe buýt ở TP.HCM, có một người cài Busmap,” sáng lập của BusMap, tổng giám đốc công ty cổ phần Công nghệ Phenikaa MaaS Lê Uyên Thanh, kỹ sư từng thực tập tại Google (Mỹ) chia sẻ. Tập đoàn Phenikaa đã đầu tư 1,5 triệu đô la Mỹ từ quỹ 1.000 tỉ đồng vào BusMap năm ngoái, giúp họ có thêm nguồn lực phát triển. Theo Thanh, nhờ kinh nghiệm xây dựng bản đồ Busmap nhiều năm, anh không thấy khó khăn khi xây dựng bản đồ dịch tễ.

Sáng kiến robot khử khuẩn và bản đồ dịch tễ là những đóng góp ý nghĩa trong công tác phòng chống COVID-19 của các tỉnh thành có dịch. Không chỉ dừng lại ở đó, tập đoàn Phenikaa còn tích cực đóng góp hiện kim cho quỹ Vaccine phòng chống COVID-19 của chính phủ và các hoạt động hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 với tổng giá trị gần 50 tỉ đồng, tính đến ngày 20.6.2021. Ông Sơn cho biết dựa trên thế mạnh công nghệ, Phenikaa sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển các sản phẩm để giúp Việt Nam phòng chống COVID-19 thời gian tới hiệu quả hơn.

Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam số 95, phát hành tháng 6.2021


Đọc thêm:
Zalo truyền thông khẩn cấp giữa đại dịch
Đưa truyền hình lên mạng xã hội chinh phục streamer
Các ứng dụng hữu ích trong mùa dịch
Bluezone truy vết khẩn cấp
Viettel kích hoạt y tế từ xa