Công nghệ

Bluezone truy vết khẩn cấp

2 năm trước
Tác giả Tuyết Ân

Ứng dụng Bluezone cảnh báo tiếp xúc gần với người nhiễm COVID-19 do Bkav phát triển trở thành một trong những sản phẩm công nghệ sử dụng cho chương trình quốc gia phòng chống dịch COVID-19.

bluezone

Share
this:

Ứng dụng Bluezone ra mắt ngày 18.4.2020, sau hai tuần bộ Thông tin và Truyền thông họp với các công ty công nghệ Việt Nam để bàn về các giải pháp truy vết ca nghi nhiễm COVID-19 bằng công nghệ bluetooth. Lúc đó trên thế giới mới có Đức và Anh ứng dụng công nghệ này để truy vết tiếp xúc và khoanh vùng dịch bệnh. Bốn nhóm công nghệ trong nước được triệu tập triển khai, Bluezone được cục Tin học hóa lựa chọn với các đánh giá cao về khả năng truy quét, tiết kiệm năng lượng và năng lực triển khai quy mô lớn. 

Ông Trần Việt Hải, phó chủ tịch Bkav và  là trưởng dự án Bluezone, nhớ lại ngay từ tháng 1.2020 khi bắt đầu có dịch, Bkav đã lập đội nghiên cứu dữ liệu và giải pháp để phản ứng nhanh với đại dịch. Giai đoạn đầu, họ huy động gần 100 nhân sự tham gia là các kỹ sư phát triển ứng dụng, nhân viên hỗ trợ kỹ thuật, thu thập dữ liệu, truyền thông… “Tuy nhiên cách làm thêm việc, thêm người của chúng tôi thật khó đáp ứng yêu cầu khi dịch bùng phát,” ông Hải nói.

Chính vì vậy từ đợt dịch thứ hai, Bkav và bộ Thông tin và Truyền thông đã thiết lập đội điều hành tập trung để hỗ trợ các địa phương truy vết, khai báo y tế. Thông điệp ban đầu của Bluezone “Bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng” cũng đã đổi thành “Vì một Việt Nam an toàn”.

Đầu tháng 6.2021, bộ Thông tin và Truyền thông quyết định thành lập trung tâm Công nghệ phòng chống COVID-19 quốc gia, ông Nguyễn Tử Quảng, chủ tịch Bkav đảm nhận vai trò kiến trúc sư trưởng của trung tâm này. Đây sẽ là đầu mối điều phối các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia hỗ trợ và hợp tác về kỹ thuật công nghệ để phòng chống dịch trên cả nước. 

Bluezone hiện là một trong năm giải pháp công nghệ được khuyến khích sử dụng nhằm phòng chống lại sự lây lan COVID-19. Đến thời điểm hiện tại có gần 40 triệu lượt tải ứng dụng. Nhà phát triển sản phẩm cũng hoàn thiện tính năng check mã QR để người dân thuận tiện ra vào các địa điểm công cộng và giám sát tiêm chủng.

Nhờ sẵn có nền tảng nhân lực, công nghệ và mạng lưới hỗ trợ trên cả nước, đội ngũ Bkav trực tiếp triển khai hỗ trợ các địa phương ứng dụng Bluezone trong truy vết, khai báo y tế như tại Đà Nẵng ở đợt dịch thứ hai, Hải Dương ở đợt dịch thứ ba, Bắc Giang và Bắc Ninh ở đợt dịch thứ tư…

Bluezone
Trung tâm Công nghệ phòng chống COVID-19 quốc gia điều phối chung các hoạt động công nghệ liên quan.

Chia sẻ về quá trình triển khai, ông Hải cho biết ngay từ đầu thiết kế Bluezone đã hướng đến các nguyên tắc như “ẩn danh, minh bạch, bảo mật dữ liệu, không thu thập vị trí”. Để đảm bảo nguyên tắc này, Bkav công khai mã nguồn để cộng đồng cùng giám sát, nhờ vậy có được sự tin tưởng và hưởng ứng của người dân. Cũng nhờ những nền tảng Bkav đã có như kinh nghiệm phát triển phần mềm đóng gói quy mô lớn (phần mềm Bkav Pro), sự hiểu biết trong lĩnh vực di động (nhà sản xuất smartphone) đã giúp họ tối ưu ứng dụng Bluezone để tiết kiệm năng lượng và tăng trải nghiệm người dùng. 

Trong suốt năm qua, trung bình 50 nhân sự Bkav hằng tháng được phân nhiệm thực hiện các công việc chống dịch như liên tục cải tiến phần mềm, tham gia các đội truy vết, các nghiên cứu về dịch bệnh và thực hiện các giải pháp công nghệ khác liên quan. “Tất cả những việc chúng tôi làm khó có thể đo đếm cụ thể bằng tiền,” đại diện Bkav nói.

Tuy nhiên, công sức đầu tư của họ đã được ghi nhận và hỗ trợ khi cục Viễn thông (bộ Thông tin và Truyền thông) cho phép các doanh nghiệp viễn thông di động miễn cước data (dữ liệu) cho tất cả thuê bao khi truy cập, sử dụng ứng dụng Bluezone. Bluezone đã được hỗ trợ rất nhiều về hạ tầng vật lý từ hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông như Viettel, Vinaphone, MobiFone, CMC, Vietnamobile…

Năm 2020, trên kho ứng dụng Apple ghi nhận Bluezone của Bkav nằm trong tốp ứng dụng miễn phí được tải về nhiều nhất tại Việt Nam, xếp sau Messenger, TikTok, Facebook và Zalo. Trong công văn đề nghị doanh nghiệp viễn thông di động hỗ trợ cho thuê bao cài đặt sử dụng Bluezone, cục Viễn thông nêu rõ, các nhà mạng xem xét, triển khai các biện pháp hỗ trợ, khuyến khích các thuê bao đăng ký kích hoạt và sử dụng Bluezone trong thời gian chống dịch COVID-19 như hỗ trợ dung lượng truy cập, sử dụng ứng dụng, tăng lưu lượng dữ liệu…

Bluezone ra mắt tháng 4.2020, thống kê của riêng Viettel cho thấy trong bốn tháng đầu tiên có gần 8 triệu khách hàng của nhà mạng này cài đặt. Lập tức Viettel lên chính sách tặng 5GB data sử dụng trong năm ngày cho người cài đặt thành công. Dữ liệu của các nhà mạng lớn ghi nhận, chỉ trong vòng ba tuần kể từ ngày 23.5.2021, hệ thống Callbot của VNPT đã thực hiện gần 660 ngàn cuộc gọi đến các thuê bao tại hai địa phương Bắc Giang và Bắc Ninh, là hai điểm nóng của dịch COVID-19 để tuyên truyền, yêu cầu người dân toàn tỉnh cài đặt và sử dụng Bluezone. Trong khi hệ thống robot call của nhà mạng Viettel Telecom cũng gọi đến gần 1,4 triệu thuê bao tại hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh chưa cài Bluezone, nhắn tin hướng dẫn chi tiết các bước cài đặt ứng dụng Bluezone.

Các sản phẩm của người sáng lập Bkav Nguyễn Tử Quảng thường nhận nhiều phản hồi trái chiều của cộng đồng, kể cả các bình luận ác ý. Bluezone cũng vậy. Nhưng ông Trần Việt Hải cho biết một ứng dụng gần 40 triệu người tải trong thời gian ngắn tất nhiên có nhiều khen chê.

Ông cho biết sự quan tâm đó là tín hiệu rất tích cực và là nguồn cảm hứng cho đội ngũ của họ không ngừng cải tiến. Những ý kiến ‘chê’ được họ quan tâm trước và liên tục cải tiến để thỏa mãn đa dạng người dùng, đa dạng thiết bị. Có những ý kiến ‘chê’ do người dùng chưa nắm bắt thông tin chính xác lại càng trở nên hữu ích “giúp chúng tôi trăn trở thay đổi cách thức công bố thông tin và hướng dẫn người dùng,” ông Hải nói.

Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam số 95, phát hành tháng 6.2021.