Đồng rupee suy yếu ảnh hưởng đến phần lớn những người trong danh sách giàu nhất Ấn Độ. Bù lại, tỉ phú Gautam Adani đạt mức tăng tài sản kỷ lục, giúp ông bước lên vị trí số một của danh sách.
Nhu cầu từ thị trường phục hồi sau đại dịch COVID-19 tạo sức bật giúp Ấn Độ vượt qua Anh để trở thành nền kinh tế lớn thứ năm thế giới. Nhờ đó, mặc dù thị trường chứng khoán giảm nhẹ so với một năm trước, với tác nhân lớn nhất là đồng nội tệ rupee giảm 10% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng tổng tài sản của 100 người giàu nhất Ấn Độ vẫn tăng thêm 25 tỉ đô la Mỹ, chạm mốc 800 tỉ đô la Mỹ.
Kết quả nói trên đạt được phần lớn nhờ mức tăng giá trị tài sản kỷ lục của tỉ phú cơ sở hạ tầng Gautam Adani, phá vỡ trật tự dẫn đầu trong bảng xếp hạng những người giàu nhất Ấn Độ lần đầu tiên kể từ năm 2008. Sau khi tăng gần ba lần vào năm 2021, khối tài sản ròng của ông Adani trong năm 2022 tiếp tục tăng gấp đôi lên 150 tỉ đô la Mỹ và đưa ông lên vị trí số một, đồng thời giữ danh hiệu người giàu thứ hai thế giới trong thời gian ngắn.
Gautam Adani, có mức tăng tài sản lớn nhất ở cả tỉ lệ phần trăm lẫn đồng đô la, thông báo sẽ đầu tư 100 tỉ đô la Mỹ trong vòng một thập niên tới, với 70% trong số đó vào lĩnh vực năng lượng xanh.
Mukesh Ambani, chủ tịch tập đoàn Reliance Industries kinh doanh trong nhiều lĩnh vực từ dầu khí đến viễn thông, giữ vị trí thứ hai với khối tài sản ròng 88 tỉ đô la Mỹ, giảm 5% so với năm 2021. Tài sản của Gautam Adani và Mukesh Ambani hiện chiếm 30% trong tổng giá trị tài sản của 100 người giàu nhất Ấn Độ.
Ông hoàng ngành bán lẻ Ấn Độ, Radhakishan Damani, sở hữu chuỗi siêu thị DMart, vào tốp ba người giàu nhất Ấn Độ, mặc dù tài sản của ông giảm 6% xuống còn 27,6 tỉ đô la Mỹ.
Thêm một năm ghi nhận lợi nhuận bùng nổ từ vaccine COVID-19 của viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) đưa tỉ phú vaccine Cyrus Poonawallalên vị trí thứ tư với giá trị tài sản 21,5 tỉ đô la Mỹ.
Danh sách năm 2022 xuất hiện chín thành viên mới, với ba cái tên ghi nhận giá trị tài sản tăng nhờ IPO gồm Falguni Nayar, cựu giám đốc ngân hàng đầu tư trở thành nữ tỉ phú tự thân giàu nhất Ấn Độ sau khi đưa thương hiệu bán lẻ mỹ phẩm và thời trang Nykaa lên sàn; nhà sản xuất trang phục truyền thống Ravi Modi và tỉ phú ngành giày Rafique Malik, niêm yết Metro Brands vào tháng 12.2021.
Ba thành viên nổi bật trong danh sách 100 người giàu nhất Ấn Độ năm 2021 đã qua đời trong năm 2022 gồm Rahul Bajaj, tỉ phú đứng đầu gia tộc Bajaj; Rakesh Jhunjhunwala, thường được mệnh danh là Warren Buffet của Ấn Độ, qua đời ngay sau khi ra mắt hãng hàng không mới Akasa Air vào tháng 8.2022.
Thay thế vị trí của ông trong danh sách này là người vợ Rekha Jhunjhunwala. Người còn lại là tỉ phú ngành xây dựng Pallonji Mistry, có con út Cyrus Mistry (54 tuổi) cũng qua đời sau đó ba tháng do tai nạn giao thông. Người con cả Shapoor Mistry hiện quản lý khối tài sản ròng 14,2 tỉ đô la Mỹ của gia đình.
Trong số bốn gương mặt quay trở lại danh sách 100 người giàu nhất Ấn Độ sau một năm vắng bóng có Anand Mahindra, sở hữu tập đoàn Mahindra & Mahindra đã tạo tiếng vang lớn khi ra mắt mẫu xe điện SUV XUV 700.
Số tỉ phú bị giảm giá trị tài sản chiếm áp đảo trong danh sách năm 2022 (60 trên 100 người), với cái tên đáng chú ý nhất là Vijay Shekhar Sharma, chứng kiến giá cổ phiếu của One97 Communications – công ty mẹ của fintech Paytm – sụt giảm trong bối cảnh diễn ra làn sóng bán tháo cổ phiếu công nghệ.
Giá trị tài sản ròng tối thiểu để vào danh sách 100 người giàu nhất Ấn Độ là 1,9 tỉ đô la Mỹ, không thay đổi nhiều so với mức 1,94 tỉ đô la Mỹ của năm 2021.
Gia đình nhà Bajaj: Di sản còn mãi
Tập đoàn Bajaj đang phát triển từ di sản của người đứng đầu gia tộc Rahul Bajaj, đã qua đời vào tháng 2.2022 ở tuổi 83. Gia tộc này lên vị trí thứ 10 trong danh sách 100 người giàu nhất Ấn Độ với tổng giá trị tài sản ròng 14,6 tỉ đô la Mỹ. Sự tăng trưởng của tập đoàn, hiện bao gồm 40 công ty trong các lĩnh vực như xe hai bánh, dịch vụ tài chính và thiết bị điện, một phần nhờ xây dựng được kế hoạch kế thừa vững chắc.
Tập đoàn Bajaj được ông nội của Rahul, Jamnalal Bajaj, thành lập năm 1926. Sau khi tốt nghiệp trường Kinh doanh Harvard, Rahul trở về nhà vào năm 1964 để tham gia tập đoàn, thời điểm đó do cha ông lãnh đạo và sau đó là người chú.
Quyền điều hành được trao cho Rahul vào năm 1994. Năm 2005, ông chuyển giao các hoạt động hằng ngày của công ty flagship Bajaj Auto cho con trai mình là Rajiv, sau đó giao cho cậu con trai nhỏ Sanjiv quản lý Bajaj Finserv và Bajaj Finance.
Gia tộc khăng khít này từng bị chia rẽ vào năm 2008 khi em trai của Rahul là Shishir rời tập đoàn, mang theo một số công ty sản xuất đường và hàng tiêu dùng. Rahul đã thực hiện các bước để đảm bảo sự kế nhiệm suôn sẻ đối với những công ty còn lại, hoàn tất một thỏa thuận gia đình trong đó bao gồm quyền kiểm soát các công ty thuộc tập đoàn.
Năm ngoái, người đàn ông ốm yếu đã từ chức chủ tịch Bajaj Auto, nhường lại vị trí cho người anh họ Niraj Bajaj, chủ tịch công ty thép Mukand. Con trai của Niraj, Nirav, làm việc tại Mukand, trong khi các anh trai của Niraj là Shekhar, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Bajaj Electricals và Madhur là phó chủ tịch Bajaj Auto. Họ đều là những thành viên chủ chốt khác của thế hệ thứ ba.
Khi Rahul rút lui, hội đồng gia đình gồm sáu người đã được thành lập để tiếp tục họp với nhau hằng tháng. Các thành viên của thế hệ thứ năm, Rishabh, con trai Rajiv và con gái Sanjali của Sanjiv, làm việc trong các công ty của tập đoàn. Niraj nói: “Các thành viên trong gia đình phải chứng minh năng lực bản thân. Rahul tin rằng họ của bạn không mang lại cho bạn đặc quyền. Chúng tôi đều nhớ ông ấy mỗi ngày.”
Kumar Birla: Cạnh tranh để phát triển
Kumar Birla đang đặt cược lớn vào các mảng kinh doanh mới để phát triển đế chế của gia đình mình, đồng thời cố gắng giữ vững vị thế ở các lĩnh vực khác. Chủ tịch tập đoàn dệt may – xi măng Aditya Birla Group chứng kiến giá trị tài sản ròng của mình giảm xuống còn 15 tỉ đô la Mỹ vì đồng rupee giảm giá, mặc dù doanh số tại Grasim Industries đang tăng lên. Sự bùng nổ hậu đại dịch đẩy doanh thu tăng mạnh 41% lên 280 tỉ rupee (3,5 tỉ đô la Mỹ) trong quý đầu tiên, sau khi tăng 25% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3.2022.
Việc Birla tham gia mảng kinh doanh sơn trị giá tám tỉ đô la Mỹ của Ấn Độ thông qua Grasim, được công bố vào năm ngoái, là động thái khuấy động ngành công nghiệp được thống trị từ những doanh nghiệp lâu đời, chẳng hạn như Asian Paints, do các tỉ phú Ashwin Dani, Mahendra Choksi và gia đình Vakil kiểm soát, và Berger Paints, được anh em nhà tỉ phú Dhingra hậu thuẫn.
Grasim đang chi 100 tỉ rupee (khoảng 1,2 tỉ đô la Mỹ) để xây dựng năm nhà máy với tổng công suất 1,3 tỉ lít sơn mỗi năm, đồng thời lên kế hoạch tận dụng mạng lưới phân phối khổng lồ từ hoạt động kinh doanh xi măng của tập đoàn.
Ngoài ra, tập đoàn này dự kiến đầu tư 250 triệu đô la Mỹ trong vòng năm năm tới vào nền tảng thương mại điện tử cho vật liệu xây dựng – thị trường tiềm năng trị giá 100 tỉ đô la Mỹ nhưng chỉ 2% hoạt động kinh doanh được giao dịch kỹ thuật số.
Birla, người thừa kế tập đoàn 75 năm tuổi ở tuổi 28 sau khi cha qua đời năm 1995, đang phải đối mặt với thách thức tương tự thời điểm đó với vị thế là nhà sản xuất xi măng lớn nhất Ấn Độ. Gần đây, Gautam Adani, người giàu nhất Ấn Độ, trở thành nhà sản xuất xi măng lớn thứ hai của đất nước sau khi mua lại hoạt động kinh doanh xi măng tại Ấn Độ của tập đoàn Holcim có trụ sở ở Thụy Sĩ với giá 10,5 tỉ đô la Mỹ.
Trong khi đó, Birla đang ổn định mảng kinh doanh viễn thông của mình bằng việc rót vốn mới. Vodafone Idea, liên doanh của tập đoàn với Vodafone của Anh, hiện tìm cách triển khai các dịch vụ 5G ngay cả khi đang gặp khó khăn trong việc mở rộng phạm vi 4G. Công ty viễn thông này phải đối mặt với sự cạnh tranh từ những doanh nghiệp năng nổ như Reliance Jio của Mukesh Ambani và Bharti Airtel của Sunil Mittal.