multi-media / Megastory

Sòng bạc, cảng biển và cơ sở hạ tầng – kiềng ba chân của tỉ phú Enrique Razon Jr.

Enrique Razon Jr. không bị ảnh hưởng vì những rào cản quan liêu vốn hay làm chệch hướng các dự án của Philippines. Cơ sở hạ tầng là chiếc “chân kiềng” thứ ba củng cố đế chế kinh doanh của ông, cùng hai mảng vững chắc khác là cảng và sòng bạc.

Hồi cuối tháng 10.2022, một đường ống quan trọng thuộc dự án đập mà công ty tư nhân Prime Infrastructure Capital đang xây cách Manila 30km về phía đông bắt đầu cung cấp 80 triệu lít nước mỗi ngày cho thủ đô, nơi thỉnh thoảng lại bị thiếu nước.

Đến năm 2025, dự án Wawa trị giá 26,7 tỉ peso (gần 458 triệu đô la Mỹ) – bao gồm một con đập cao 84m – sẽ cung cấp 518 triệu lít nước mỗi ngày, tương đương 30% nguồn cung hiện tại cho nửa phía đông của Metro Manila.

Đồng thời, Razon, 62 tuổi, có kế hoạch niêm yết công ty cơ sở hạ tầng của mình (sở hữu 80% dự án đập) trên sàn Chứng khoán Philippines – mặc dù đợt IPO với mục tiêu huy động lên tới 28 tỉ peso (hơn 480 triệu đô la Mỹ) đã bị hoãn lại đến năm 2023, do thị trường toàn cầu hỗn loạn.

Eduardo Francisco, chủ tịch của BDO Capital & Investment, một trong hai công ty bảo lãnh phát hành tại địa phương, cho biết: “Các thị trường hiện nay không dễ tiếp nhận giao dịch lớn. Chúng tôi đang chờ thị trường ổn định.”

Nổi tiếng với các hoạt động kinh doanh cảng và sòng bạc, trong những năm gần đây, Razon đã đẩy mạnh mảng cơ sở hạ tầng để bổ sung thêm lĩnh vực kinh doanh lớn thứ ba mà ông nắm rõ. Đợt IPO của Prime Infrastructure do ông làm chủ sẽ đánh dấu cột mốc quan trọng trong nỗ lực được bắt đầu cách đây năm năm.

Năm 2017, Razon hợp tác với một trong những công ty kỹ thuật lớn nhất của Úc, tập đoàn BMD, để thành lập công ty Philippines chuyên xây dựng công trình dân dụng cho dự án của ông và các bên thứ ba. Năm tiếp theo, ông lấy được nhượng quyền từ cơ quan lập pháp để phân phối điện tại thành phố Iloilo, miền trung Philippines.

Năm 2020 và 2021, ông bắt đầu đầu tư vào điện mặt trời, chi 3,5 tỉ peso (hơn 60 triệu đô la Mỹ) mua 50% cổ phần của các công ty trực thuộc Solar Philippines Power Project Holdings Inc. (SPPPHI) có tổng công suất năng lượng mặt trời lên tới 300MW ở Luzon.

Hồi tháng 6.2022, đơn vị kinh doanh năng lượng tái tạo của ông công bố kế hoạch liên doanh với SPPPHI, do Leandro Leviste đứng đầu, với mục tiêu trở thành trang trại năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới, với tổng công suất từ 2.500MW đến 3.500MW, chi phí dự kiến khoảng ba tỉ đô la Mỹ.

Hiện tại, Razon có hai công ty niêm yết, bao gồm nhà điều hành cảng International Container Terminal Services Inc. (ICTSI), có 34 cảng và dự án ở 20 quốc gia cùng Bloomberry Resorts, điều hành Solaire Resort & Casino ở Manila. Cả hai công ty này đóng góp phần lớn cho khối tài sản ước tính 5,4 tỉ đô la Mỹ của Razon (tính đến đầu tháng 10.2022).

Razon hi vọng đập Wawa sẽ làm dày thêm thành tích của mình với các dự án cơ sở hạ tầng đầy thách thức. Hồ chứa của đập sẽ là hồ chứa lớn nhất được xây dựng để cung cấp nước uống cho Manila kể từ năm 1967, khi nguồn cung cấp chính của khu vực được hoàn thành.

Phần đập tích nước đã xây xong vào tháng 6.2022, trước thời hạn mục tiêu là tháng 10. Không giống như các đập lớn khác, dự án Wawa không cần chính phủ phải trả bất cứ chi phí nào vì đây là giao dịch giữa các doanh nghiệp với nhau.

Dự án này lần đầu được đề xuất vào đầu những năm 1990, nhưng vẫn mãi không được xem trọng, một phần do chính phủ nghi ngờ tính khả thi của dự án. Tình hình thay đổi vào năm 2018 sau khi Razon mua lại cổ phần kiểm soát trong liên doanh đang tìm cách xây dựng dự án.

Một năm sau, ông thiết lập thỏa thuận dài hạn – và được chính phủ phê duyệt – để bán nước cho Manila Water, một trong hai công ty tiện ích đã tiếp quản hệ thống nước tư nhân hóa ở khu vực thủ đô.

Razon nói Manila Water đồng ý với thỏa thuận bao tiêu “bởi vì họ thấy đây có lẽ là con đường dễ dàng nhất để cung cấp nước.” Vào giữa năm 2019, Razon nhớ lại, “mọi người đều lo lắng về tình trạng thiếu nước.”

Prime Infrastructure đã mua 25% cổ phần của Manila Water vào tháng 2.2020, không lâu sau khi cổ phiếu của công ty này giảm gần 50% trong một ngày do lời đe dọa tức giận của tổng thống khi đó là ông Rodrigo Duterte, cảnh cáo sẽ chấm dứt nhượng quyền cấp nước trước khi hết hạn vào năm 2037.

Đến giữa năm 2021, Razon đã đầu tư 15,5 tỉ peso (gần 266 triệu đô la Mỹ) vào Manila Water, nơi ông hiện nắm quyền kiểm soát và giữ chức chủ tịch, với 36% cổ phần và 52% quyền biểu quyết.

Ở Philippines, các dự án cơ sở hạ tầng thường bị đình trệ trong nhiều năm do các phê duyệt quy định phức tạp hoặc các tranh chấp pháp lý. Điều này không làm Razon nản lòng.

“Chúng tôi được cơ cấu và tổ chức để ứng phó với bộ máy quan liêu của chính phủ. Điều đó nằm trong DNA của chúng tôi,” ông nói trong cuộc gọi video từ văn phòng của mình tại Solaire Resort & Casino ở Manila. “Chúng tôi rất kiên trì, rất năng nổ. Chúng tôi không đưa ra những đề xuất điên rồ. Chúng tôi nghiên cứu mọi thứ rất kỹ lưỡng.”

Bản cáo bạch được chuẩn bị cho đợt IPO đang bị hoãn lại của Prime Infrastructure khẳng định họ và các công ty cùng tập đoàn “có thành tựu đã được chứng minh trong các thị trường được giám sát.” Công ty cho biết thêm rằng các thành viên trong tập đoàn “có nguồn lực và nhân sự chuyên dụng để giám sát, nghiên cứu và tác động đến việc hoạch định chính sách trong các ngành tương ứng của họ ở Philippines và các nơi khác.”

Jonathan Ravelas, nhà tư vấn và cựu chiến lược gia thị trường tại BDO Unibank, nói rằng IPO sẽ là cơ hội để các nhà đầu tư đặt cược vào các dự án cơ sở hạ tầng tương lai mà đất nước đã cần từ lâu. Và ông thích thành tích của Razon trong việc vận hành các cảng ở những nơi khó khăn.

Ravelas nói: “Ông ấy biết rõ những điểm cần thiết trong việc ứng phó với những rủi ro chính trị và quy định ở trong nước cũng như ở nước ngoài. Đó là thương hiệu của ông ấy.”

Khi Philippines bắt đầu phục hồi sau COVID-19, Prime Infrastructure chứng kiến doanh thu và lợi nhuận tăng vọt, trong đó khoản đầu tư vào Manila Water của Razon là nguyên nhân lớn thúc đẩy mức tăng này.

Prime Infrastructure công bố lãi ròng cho năm 2021 là 10,8 tỉ peso (hơn 185 triệu đô la Mỹ), gấp gần 25 lần so với 443 triệu peso (gần 7,6 triệu đô la Mỹ) của năm trước, trên doanh thu tăng gần gấp năm lần lên 15,2 tỉ peso (gần 260,6 triệu đô la Mỹ).

Không giống như một số người khác, Razon vẫn tiếp tục đầu tư trong thời gian đại dịch. Ngoài việc đầu tư vào Manila Water, ông còn thiết kế một thỏa thuận để mua (với số tiền không được tiết lộ) phần lớn cổ phần trong hai công ty thuộc Udenna Group, tập đoàn sở hữu nhượng quyền khai thác mỏ khí đốt tự nhiên lớn ngoài khơi Malampaya.

Trước đó, Udenna mua lại cả hai với tổng giá trị một tỉ đô la Mỹ. Khu vực khai thác này cung cấp nhiên liệu cho năm nhà máy điện sản xuất 20% điện năng của Luzon. (Gần đây, chính phủ đã phê duyệt một phần quan trọng của thỏa thuận, là tiền đề cho việc một chi nhánh của Prime Infrastructure đảm nhận toàn bộ quyền sở hữu và kiểm soát nhà điều hành dự án Malampaya vào ngày 1.11)

Việc mua lại cổ phần kiểm soát trong dự án chuyển khí đốt thành điện Malampaya diễn ra khi Udenna bắt đầu bán tài sản để trả các khoản nợ phát sinh nhằm cấp vốn cho quá trình mở rộng mạnh mẽ kéo dài sáu năm.

Một số công ty con của Udenna, do Dennis Uy, bạn thân của cựu tổng thống Duterte thành lập, hiện đang đàm phán với chủ nợ để đảo nợ hoặc chuyển đổi các khoản tín dụng ngắn hạn thành khoản vay dài hạn.

“Một số trong đó là cơ hội,” Razon giải thích về các thương vụ mua lại của mình vào thời điểm nhiều người khác né tránh đầu tư trong bối cảnh triển vọng kinh tế chậm chạp và nợ nần chồng chất. “Chúng tôi cảm thấy ngay bây giờ là nơi thích hợp và thời điểm thích hợp cho một số việc nhất định. Khi có nhiều nỗi sợ hãi là lúc bạn phải quyết liệt hơn một chút.”

Ông nội và cha của Razon – đều tên là Enrique – cũng làm quản lý cảng. Trước 18 tuổi, tin rằng mình không có gì để học trong lớp, Razon nghỉ học để làm việc tại cảng Manila do cha ông quản lý. Cha ông đã cố gắng ngăn con trai mình, giao cho ông những công việc khó nhất trên bến cảng. Nhưng Razon không thấy nản trước công việc bốc xếp hàng hóa khó khăn hay những cuộc ẩu đả thường xuyên giữa các công đoàn và băng đảng đối thủ cạnh tranh nhau.

Năm 1978, trong thời gian thiết quân luật, cha của ông mất công việc quản lý cảng vào tay anh rể của tổng thống khi đó là Ferdinand Marcos, nhưng đã giành lại quyền kiểm soát sau khi Marcos bỏ trốn vào năm 1986. Cha của Razon thành lập ICTSI và vào năm 1988, đấu thầu thành công để được chính phủ cấp quyền điều hành dài hạn cảng container duy nhất của Manila.

Razon kế nhiệm cha mình làm chủ tịch vào năm 1995 và giám sát việc mở rộng toàn cầu của ICTSI. Ông mở rộng sang lĩnh vực game khi giành được một trong bốn giấy phép của chính phủ cấp vào năm 2008 cho các khu nghỉ dưỡng tích hợp sòng bạc ở Manila. Ông khai trương khu nghỉ dưỡng sòng bạc Solaire vào năm 2013.

“Đó thời điểm hoàn toàn khác,” Razon nói về hành trình của cha mình dưới sự cai trị độc tài của Marcos. “Mọi thứ đã phát triển. Tất nhiên, bạn cũng học được những bài học trên đường phát triển.” Kể từ khi tiếp quản ICTSI, Razon đã tìm cách vun đắp mối quan hệ tốt đẹp với các tổng thống bằng cách hỗ trợ các chương trình của họ.

“Bạn luôn phải giúp đỡ chính phủ vì đó chính là bạn đang tự giúp mình bằng cách cải thiện môi trường, môi trường đầu tư,” ông giải thích và nêu ví dụ về vai trò của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp lớn trong việc mua và phân phối vaccine miễn phí để giúp chính phủ đối phó với đại dịch.

Cách làm đó dường như thành công đến mức một số thành tích kinh doanh cơ sở hạ tầng của Razon thường được cho là nhờ sự gần gũi của ông với các lãnh đạo hàng đầu. “Đó là cách nhìn từ bên ngoài. Nhưng thực sự, trong nội bộ, ứng phó với bộ máy hành chính và bất kỳ chính phủ nào cũng là công việc khó khăn,” ông khẳng định.

Phủ nhận thành công của mình là nhờ vào mối quan hệ cá nhân với các tổng thống và nhà lãnh đạo chính trị, ông cho rằng các dự án cơ sở hạ tầng của mình thành công nhờ đối thoại liên tục với những người lập pháp.

“Chúng tôi ứng phó với chính phủ, cơ quan quản lý hằng ngày. Chúng tôi thực sự rất tập trung vì họ là đối tác trong kinh doanh. Mọi việc nên được giải thích hằng ngày ở các cấp khác nhau trong bộ máy hành chính để mọi người hiểu nhau. Mối quan hệ này là chìa khóa để có được thành công trong ngành hạ tầng và tiện ích.”

Ông cũng bác bỏ cái mác mà một số phương tiện truyền thông ở Manila gán cho mình là “hiệp sĩ áo trắng,” có thể giải cứu các ông lớn gặp nạn. “Nhìn này, tôi không mặc bộ áo giáp và cưỡi trên con ngựa trắng,” Razon nói. “Chỉ là đến lúc mọi thứ phục hồi.”

Razon hi vọng việc ông tham gia vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng sẽ thúc đẩy việc chuyển đổi chất thải thành nhiên liệu. Ông mua lại 7,7% cổ phần của WasteFuel Global có trụ sở tại California, được thành lập để sử dụng các công nghệ biến chất thải đô thị và nông trại thành nhiên liệu phát thải carbon thấp, với Net-Jets của Warren Buffett là một trong số các nhà đầu tư.

Razon đã thành lập một chi nhánh địa phương hợp tác với WasteFuel Global nhằm xây dựng một nhà máy lọc dầu để biến chất thải rắn từ các bãi chôn lấp thành nhiên liệu cho máy bay và tàu thủy. “Chúng tôi đang dự kiến việc này sẽ mất từ 5–7 năm nhưng tiềm năng là rất lớn,” ông nói. “Ý tưởng này đang được chú ý nhiều trên toàn cầu.”


Biên dịch: Quỳnh Anh
Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam số 112, tháng 12.2021