Công nghệ

Nhiều hãng điện thoại thông minh chạy đua tích hợp AI tạo sinh vào sản phẩm

10 tháng trước
Tác giả Nina Xiang

Hiện các hãng sản xuất điện thoại ở nhiều quốc gia lên kế hoạch tích hợp AI tạo sinh vào sản phẩm để cạnh tranh thu hút người tiêu dùng.

Share
this:

Chẳng hạn, Apple cho biết hãng sẽ tích hợp AI tạo sinh vào iPhone vào cuối năm 2024. Samsung tạo thêm tính năng AI tạo sinh cho điện thoại Galaxy mới. Công ty dự kiến ra mắt mẫu này vào khoảng đầu năm 2024.

Trong khi đó, các hãng sản xuất điện thoại của Trung Quốc như Xiaomi, Oppo, Vivo và Huawei muốn “tích hợp” AI tạo sinh vào các thiết bị mới nhất nhanh hơn Apple và Samsung vì những hãng này xem đây là cơ hội để giành chiến thắng trước các đối thủ trên thị trường điện thoại thông minh có tính cạnh tranh cao.

Lôi Quân, nhà sáng lập kiêm CEO của Xiaomi, phát biểu trong buổi ra mắt sản phẩm tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Shawn Koh/ Bloomberg/ Forbes

Các hãng sản xuất điện thoại thống trị ở Trung Quốc đã tiết lộ sản phẩm tích hợp AI sau nhiều năm xây dựng năng lực trí tuệ nhân tạo. Ngoài ra, các hãng này còn phát triển nhanh hơn để phục vụ chiến lược dài hạn hướng tới thị trường cao cấp. 

Nhưng liệu các hãng sản xuất này có thành công?

Người dùng có thể truy cập các ứng dụng AI tạo sinh mới và mạnh nhất trên điện thoại. Vậy việc tích hợp những công cụ này vào điện thoại sẽ tạo ra sự khác biệt như thế nào?

Các hãng sản xuất điện thoại thông minh của Trung Quốc đang tập trung vào ba lĩnh vực chính để tích hợp AI tạo sinh vào thiết bị: nâng cấp trợ lý AI, bổ sung các chức năng đa phương thức và kích hoạt chức năng đa thiết bị.

Hồi tháng 8, nhà sáng lập kiêm CEO của Xiaomi, Lôi Quân (Lei Jun), công bố rằng trợ lý ảo Xiao Ai của công ty bắt đầu nâng cấp để tích hợp các khả năng AI tạo sinh. Xiao Ai có thể nhận dạng bài hát và đồ vật, ngăn chặn cuộc gọi quấy rối, gợi ý tuyến đường di chuyển và nhắc nhở dùng thuốc. Được tích hợp vào các thiết bị nhà thông minh của Xiaomi, Xiao Ai còn có thể thực hiện những nhiệm vụ khác như điều khiển nồi cơm điện, máy điều hòa.

Khả năng chuyển văn bản, giọng nói thành hình ảnh trong điện thoại đang được mở rộng cho các dòng thiết bị thông minh còn lại của Xiaomi. Lôi Quân hi vọng các chức năng – nhiều chức năng đã có sẵn – sẽ trở nên trực quan cũng như thông minh hơn trong tương lai với sự trợ giúp của AI tạo sinh.

Công ty thực hiện chiến lược đầu tư dài hạn vào AI, nhờ đó tạo điều kiện để “nâng cấp” Xiao Ai. Kể từ năm 2016, Xiaomi đã phát triển một đội ngũ chuyên về AI. Hiện đội ngũ này có hơn 3.000 người. Với hơn 110 triệu người dùng hằng tháng, Xiao Ai có thể phát triển nhanh để có thêm nhiều khả năng.

Khách hàng mua điện thoại di động tại một cửa hàng Huawei ở Yên Đài, tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc vào ngày 25.8.2023. Ảnh: CFOTO/ Future Publishing/ Getty Images/ Forbes

Các đối thủ trong nước của Xiaomi cũng đưa ra một loạt thông báo tương tự. Ví dụ, hồi tháng 8 , Huawei cho biết trợ lý AI, Xiao Yi, sẽ được các mô hình Huawei Cloud Pan Gu hỗ trợ. Gã khổng lồ viễn thông cho biết Xiao Yi sẽ cung cấp các chức năng đa phương thức và được tích hợp trên bộ sản phẩm của công ty, từ điện thoại đến máy tính xách tay và thậm chí có thể cả ô tô thông minh.

Trong khi đó, Oppo cho biết sẽ sớm ra mắt trợ lý ảo đã được nâng cấp Xiaobu. Trợ lý này được xây dựng trên mô hình ngôn ngữ lớn AndesGPT do nhóm Andes Intelligent Cloud của Oppo phát triển. Vivo cũng thông báo phát hành Blue LM do công ty tự phát triển để hỗ trợ Xiao V vào tháng 11.

Theo nhà nghiên cứu thị trường Canalys, doanh số điện thoại thông minh toàn cầu giảm 12% xuống còn khoảng 525 triệu chiếc trong nửa đầu năm 2023. Doanh số điện thoại thông minh ở Trung Quốc chiếm 124 triệu chiếc trong 6 tháng đầu, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2022. Ngoài ra, Xiaomi, Oppo và Vivo – ba hãng sản xuất điện thoại lớn nhất Trung Quốc – mất 1-2% thị phần toàn cầu kể từ năm 2021.

Doanh số giảm đang thúc đẩy các hãng sản xuất điện thoại của Trung Quốc tìm kiếm cách bán hàng mới và AI tạo sinh dường như là nhân tố kích thích hoàn hảo có thể khơi dậy niềm say mê của người dùng.

Một trong những thách thức lớn nhất là làm thế nào để “tích hợp” AI vào điện thoại vốn có kích thước nhỏ gọn. Ngoài ra, chạy mô hình ngôn ngữ lớn trên điện thoại có thể hao pin nhanh.

Tuy nhiên, chạy mô hình ngôn ngữ lớn trên đám mây sẽ không thể cá nhân hóa trợ lý AI và khó đảm bảo quyền riêng tư cũng như bảo mật. Chi phí để chạy các mô hình này trên đám mây cũng rất cao.

Các hãng sản xuất điện thoại của Trung Quốc đang chọn sử dụng cả hai cách triển khai để hỗ trợ các trường hợp dùng khác nhau, với những mô hình “nhẹ” được triển khai trên các thiết bị xử lý các nhu cầu ít sử dụng máy tính hơn của người dùng, chẳng hạn như viết email và tối ưu hóa lịch. Các nhu cầu tính toán chuyên sâu hơn như hình ảnh và âm thanh sẽ được xử lý bằng các mô hình lớn hơn được lưu trữ trên đám mây.

Những hạn chế như vậy có thể được giảm bớt khi các nhà sản xuất chip điện thoại thông minh chạy đua để cung cấp các giải pháp tốt hơn. MediaTek đặt mục tiêu xây dựng các sản phẩm điện toán biên để thúc đẩy ứng dụng AI trên điện thoại cũng như các thiết bị khác. Qualcomm cũng tăng cường các giải pháp điện toán biên.

Biên dịch: Gia Nhi

———————–

Xem thêm:

Thị trường điện thoại thông minh Trung Quốc tiếp tục u ám trong quý 2
Lỗ hổng chip MediaTek khiến 1/3 điện thoại thông minh bị nghe trộm

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/nhieu-hang-dien-thoai-thong-minh-chay-dua-tich-hop-ai-tao-sinh-vao-san-pham)