Sau khi tăng 300% trong năm 2020, Bitcoin đột nhiên nhận được sự chú ý của các lãnh đạo cấp cao. Bài viết này nói về cách PayPal, Square và 48 doanh nghiệp lớn khác trong danh sách Blockchain 50 thường niên lần thứ ba của Forbes vượt qua các đối thủ cạnh tranh nhờ sử dụng Bitcoin và công nghệ chuỗi khối (blockchain) cơ bản.
Giám đốc điều hành của PayPal, Dan Schulman, tuân thủ lệnh ở yên tại nhà trong thời gian phong tỏa ở Palo Alto, California vào tháng ba năm ngoái, khi dịch bệnh COVID-19 hoành hành khắp Hoa Kỳ. Ông biết rằng đại dịch là cơ hội kinh doanh chỉ có một lần trong đời.
Công ty thanh toán điện tử tiên phong mà ông tiếp quản vào năm 2014 đã và đang hoạt động hướng tới một thế giới không dùng tiền mặt trong suốt hai thập niên qua, nhưng gần đây tốc độ tăng trưởng của công ty bắt đầu chậm lại.
Trong hơn mười năm sau khi eBay mua lại doanh nghiệp này năm 2002, doanh thu của PayPal tăng trưởng với tốc độ trung bình hằng năm là 38%. Công ty này trở nên độc lập lần nữa, lại đang tăng trưởng với tốc độ chỉ bằng một nửa con số đó. Giờ đây, khi mọi người ở yên tại nhà, thương mại trực tuyến và thanh toán kỹ thuật số đột nhiên trở thành nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày – để mua sắm tạp hóa, giao dịch ngân hàng và còn nhiều hơn thế nữa.
Gần như ngay lập tức, các tài khoản hoạt động của PayPal bắt đầu tăng – tăng hơn 50 triệu, lên 361 triệu tài khoản, vào cuối năm 2020. Cổ phiếu của công ty đã tăng giá, cùng với các cổ phiếu khác của nền kinh tế số, từ 86 đô la Mỹ vào tháng 3.2020 lên 247 đô la Mỹ trong thời gian gần đây.
Tháng 4.2020, có khoảng 269 tỉ đô la Mỹ tiền kích cầu cần được phân phối và PayPal gia nhập hành trình chuyển tiền mặt cho bảy triệu hộ gia đình Mỹ không có tài khoản ngân hàng. Trong thời gian PayPal tham gia điều tiết tiền, Schulman nhận thấy sự cấp bách của nhu cầu này. “Bạn đang chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng, trong vòng 3-5 tháng, của các xu hướng thường mất từ 3-5 năm,” Schulman, 63 tuổi nói. “Tôi nghĩ điều quan trọng là PayPal phải giúp định hình tương lai đó như thế nào và xuôi theo tình hình đó.”
Công nghệ hiện có của PayPal, được tích hợp với các ngân hàng truyền thống, rất nặng nề và chậm chạp, cần đến mười ngày để hoàn thành một giao dịch. Đầu tiên, PayPal nhờ công ty khởi nghiệp Ingo Money có trụ sở tại Georgia tải lên và xác minh hình ảnh của các tấm séc kích cầu, sau đó một ngân hàng ở Georgia sẽ thanh toán và giải quyết chúng.
Năm đến mười ngày sau, tiền mặt xuất hiện trong tài khoản tại PayPal hoặc tại công ty con thân thiện với thế hệ Thiên niên kỷ của PayPal là Venmo. Nếu khách hàng sẵn sàng trả khoản phí 1%, tiền mặt sẽ được ghi có trong vài phút, nhưng phía ngân hàng sẽ chịu rủi ro nếu tấm séc không thanh toán được.
Schulman, người đã quen thuộc với blockchain, công nghệ nền tảng của Bitcoin, biết có cách thực hiện tốt hơn. Công nghệ blockchain có thể phân phối tiền mã hóa như Bitcoin trực tiếp vào ví điện tử dễ dàng và nhanh chóng hơn nhiều. Chắc chắn, những người không có tài khoản ngân hàng sẽ cần kết nối Internet để sử dụng số tiền đó – hoặc chuyển đổi số tiền đó trở lại thành những đồng bạc xanh – nhưng điều đó cũng phù hợp với giải pháp hiện tại của PayPal.
Trong tương lai, có lẽ chính phủ liên bang – nơi cung cấp các khoản tiền kích cầu – sẽ sớm trở thành đối thủ cạnh tranh của ông. Các loại tiền kỹ thuật số được các ngân hàng trung ương phát hành trực tiếp, gọi là CBDC, đang trên đà phát triển; nhờ sự phát triển đó, chính phủ có thể chuyển các khoản tiền kích cầu trực tiếp đến công dân.
Theo ngân hàng Thanh toán quốc tế, 70% các ngân hàng trung ương đã khám phá công nghệ mới và một số ngân hàng của các nước như Trung Quốc, Thụy Điển và Uruguay sẽ sớm đưa ra các loại tiền kỹ thuật số của riêng họ.
Dưới sự chỉ đạo của Schulman, PayPal lập tức bắt đầu tuyển nhân viên có chuyên môn về Bitcoin và blockchain. Vào tháng 10, Schulman thông báo sẽ cho phép khách hàng mua, giữ và bán tiền mã hóa trực tiếp thông qua tài khoản PayPal.
Giờ đây, tiền mã hóa được chấp nhận thanh toán tại bất kỳ nơi bán hàng nào trong số 26 triệu người bán liên kết của PayPal trên toàn thế giới. Không phải hầu hết mọi người đều muốn tiêu số tiền mã hóa mà mình có: Kể từ khi đại dịch bùng phát, giá Bitcoin đã tăng từ 4.803 đô la Mỹ lên hơn 36 ngàn đô la Mỹ vào giữa tháng một.
Schulman không phải là người duy nhất tin tiền mã hóa là tương lai của tiền tệ. Hàng trăm công ty lớn đang sử dụng Bitcoin và công nghệ cơ bản của Bitcoin để hoạt động hiệu quả hơn – và lợi nhuận phi thường của Bitcoin giúp tăng lợi nhuận cho họ. Từ JPMorgan đến Boeing, Honeywell đến Aramco, chưa bao giờ số doanh nghiệp đủ điều kiện lọt vào danh sách Blockchain 50 thường niên của Forbes về các công ty lớn đang thực hiện các dự án có ý nghĩa sử dụng công nghệ lại nhiều đến thế.
Danh sách năm nay có 21 doanh nghiệp mới, trong đó có 5 doanh nghiệp từ châu Á, một từ Úc và một từ châu Phi. Ví dụ, ứng dụng nhắn tin đình đám của Hàn Quốc, KakaoTalk, có tiền mã hóa của riêng mình, Klay, có thể giao dịch và cho người khác vay làm tài sản thế chấp để đổi lấy phần thưởng. Tech Mahindra, công ty CNTT lớn ở Ấn Độ, sử dụng công nghệ blockchain để giúp hàng triệu khách hàng sử dụng điện thoại di động tránh các cuộc gọi rác.
Ngân hàng Công thương Trung Quốc, ngân hàng lớn nhất thế giới, với tài sản 4,9 ngàn tỉ đô la Mỹ, đang giúp các nhà xuất nhập khẩu nhận được nguồn tài chính trong vòng ít nhất là hai ngày, khác với quy trình bảy ngày thông thường.
Đáng chú ý, có hai cái tên vắng mặt trong danh sách năm nay: Google vẫn chưa có gì nhiều ngoài một công cụ tìm kiếm blockchain còn hạn chế và Facebook, công bố token tham vọng mang tên Libra mùa hè năm 2019, nhưng rồi bị phản ứng dữ dội trên diện rộng. Đồng tiền mã hóa này, kể từ khi được đổi tên thành Diem, vẫn chưa được ra mắt.
Ngược lại, Square của Jack Dorsey đã phát triển rất nhanh. Bên cạnh công việc kinh doanh đang phát triển nhanh chóng giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua bán và giao dịch tiền mã hóa trên ứng dụng phổ biến Cash App, Square cũng chuyển khoảng 50 triệu đô la Mỹ tiền mặt thành Bitcoin hồi tháng 10.
Boeing đang sử dụng ứng dụng dựa trên blockchain mang tên SkyGrid, hoạt động như trạm điều khiển không lưu cho các chuyến bay bằng máy bay không người lái. Người sở hữu thẻ Visa sẽ sớm tiêu được tiền mã hóa qua thẻ nhựa này và kiếm điểm thưởng bằng Bitcoin.
Tại Chicago, Northern Trust, ngân hàng có thâm niên 131 năm phục vụ các tập đoàn và cá nhân siêu giàu, gần đây đã mở rộng dịch vụ, phục vụ cả ví điện tử dùng tiền mã hóa.
PayPal bắt đầu tham gia vào lĩnh vực tiền mã hóa từ năm 2016, nộp bằng sáng chế cho loại ví điện tử mới giúp tăng tốc các giao dịch tiền mã hóa. Năm 2019, PayPal Ventures đã thực hiện khoản đầu tư blockchain đầu tiên vào công ty Cambridge Blockchain có trụ sở tại Massachusetts, đang phát triển ví tiền mã hóa cho phép các cá nhân chứng minh họ là ai mà không làm rò rỉ thông tin cá nhân không cần thiết.
PayPal Ventures cũng mua cổ phần trong TRM Labs, công ty khởi nghiệp chuyên giúp các tổ chức tài chính ngăn chặn gian lận tiền mã hóa và tội phạm tài chính, và TaxBit, công ty ở thành phố Salt Lake tự động hóa các khoản thanh toán thuế tiền mã hóa.
Với sự thúc đẩy của các nhà đầu cơ nhỏ lẻ, nhu cầu về các dịch vụ tiền mã hóa dễ mua của PayPal đã lớn đến mức có cả danh sách chờ và giới hạn mua (ở mức 20 ngàn đô la Mỹ/ tuần vào thời điểm tháng 3.2021). Điều tương tự cũng diễn ra tại Square.
Pantera Capital, công ty đầu tư blockchain tại Menlo Park, California, ước tính PayPal và Square đang mua phần lớn trong số 900 Bitcoin mới được đào mỗi ngày. Schulman cho biết, trong năm nay PayPal sẽ mở rộng dịch vụ tiền mã hóa của mình cho 40 triệu khách hàng của Venmo. “Đó không chỉ là công cụ đầu tư,” ông nói thêm. “Đó là cách chúng tôi kích hoạt thương mại.”
Một công ty tiếp nhận Bitcoin khác đã bắt đầu khởi sắc từ khi đại dịch bùng phát là công ty phần mềm trí tuệ doanh nghiệp MicroStrategy có trụ sở tại Tysons Corner, Virginia, với doanh số 483 triệu đô la Mỹ.
Michael Saylor, 55 tuổi, giám đốc điều hành của công ty đại chúng này, đã chi 1,1 tỉ đô la Mỹ để mua Bitcoin vào năm 2020, trong số đó có 650 triệu đô la Mỹ là tiền vay.
Số tài sản kỹ thuật số này, hiện trị giá 2,6 tỉ đô la Mỹ, thể hiện trong bảng cân đối kế toán của công ty, cùng với các kho lưu trữ giá trị khác như tín phiếu Kho bạc. Saylor, là người thẳng thắn và gây tranh cãi kể từ khi nhanh chóng trở thành tỉ phú trong giai đoạn bong bóng Internet đầu tiên vào năm 1999, coi Bitcoin là hàng rào chống lại chính sách tài khóa lỏng lẻo của chính phủ liên bang, mà ông cho rằng đang phá giá đồng đô la với tỉ lệ 15% mỗi năm.
Saylor nói: “Khi đồng đô la thiếu sức hút, giá trị của tiền tệ sẽ giảm xuống. Điều đó nghĩa là mọi cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản hoặc tài sản khác dựa trên nền tảng của đồng tiền pháp định đều bị giảm theo.”
Vì MicroStrategy không thể tạo ra sự tăng trưởng tự thân như Amazon hay Netflix, Saylor đã biến công ty phần mềm trí tuệ doanh nghiệp của mình thành quỹ ETF Bitcoin sử dụng đòn bẩy hiệu quả. Cổ phiếu của công ty tăng 270% trong 12 tháng. Theo thống kê của Forbes, có ít nhất 25 công ty đại chúng bổ sung đồng Bitcoin vào bảng cân đối kế toán của họ.
Tuy nhiên, hầu hết các công ty thuộc danh sách Blockchain 50 không phải là nhà đầu cơ Bitcoin mà đang tìm cách vận dụng sáng tạo công nghệ nền tảng của đồng tiền mã hóa này. Ví dụ, công ty Honeywell có trụ sở tại Bắc Carolina đang sử dụng blockchain để kết nối người mua và người bán các bộ phận máy bay cũ.
Cho đến nay, có 117 nhà cung cấp đăng ký sử dụng dịch vụ, gồm Boeing và Lufthansa và vào năm 2020, giá trị kinh doanh các bộ phận máy bay cũ khoảng 65 triệu đô la Mỹ. Đối với gã khổng lồ có doanh thu 37 tỉ đô la Mỹ, đây là con số nhỏ bé. Tuy nhiên, các giám đốc điều hành của Honeywell hi vọng một ngày nào đó nền tảng độc quyền của họ có thể thúc đẩy toàn bộ ngành kinh doanh các bộ phận cũ trực tuyến.
Gã khổng lồ nghiền bột gỗ Sappi của Nam Phi sử dụng blockchain để theo dõi các sản phẩm của mình từ lúc còn ở trong những khu rừng bền vững mà họ trồng trọt đến khi đi vào các nhà máy sản xuất tiến hành quay bột giấy thành vải may quần áo. Blockchain tiếp tục theo dõi hàng may mặc đến tận tay các nhà bán lẻ, họ có thể tính giá bán cao hơn nhờ chứng minh được họ không khai thác rừng tự nhiên để làm áo thun và đồ lót.
Công ty CONA Services của Atlanta, gương mặt mới trong danh sách Blockchain 50, cung cấp các dịch vụ công nghệ cho 12 công ty đóng chai Coca-Cola lớn nhất ở Bắc Mỹ. Trước khi áp dụng công nghệ blockchain, các đơn đặt hàng và chuyến hàng giữa những công ty đóng chai sử dụng các mẫu bảng tính cũ, ghi chép thực tiễn không nhất quán và các quy định rườm rà đôi khi khiến những công ty này tranh cãi về sản phẩm bị mất và chi phí phát sinh. Khi sử dụng hệ thống mã hóa mới, việc xác nhận đơn hàng, bằng chứng giao nhận hàng được thêm vào blockchain trong thời gian thực.
Trong số các blockchain được sử dụng thường xuyên nhất trong danh sách năm nay, có bốn blockchain nổi bật. Có 25 công ty sử dụng một trong những phiên bản phần mềm miễn phí của Hyperledger, dự án blockchain của tổ chức phi lợi nhuận Linux Foundation. 22 công ty khác sử dụng Ethereum, blockchain cung cấp tiền mã hóa Ether trị giá 160 tỉ đô la Mỹ.
Ngoài ra, có chín công ty sử dụng Quorum, phiên bản doanh nghiệp của Ethereum do JPMorgan phát triển và được bán cho công ty khởi nghiệp blockchain ConsenSys ở New York; và sáu công ty dùng Corda do R3, một công ty khởi nghiệp blockchain đã huy động được 112 triệu đô la Mỹ vốn đầu tư mạo hiểm, phát triển. Sau đó, tất nhiên là Bitcoin, đang được khoảng 11 thành viên trong danh sách sử dụng.
Theo tập đoàn Gartner, có hơn 1.000 dự án blockchain doanh nghiệp đang được tiến hành ở Mỹ tính đến tháng 11.2020. Hầu hết đang ở giai đoạn đầu và thử nghiệm, nhưng 14% đang trong quá trình sản xuất hoặc sẽ sớm ra mắt. Forrester Research thậm chí còn lạc quan hơn, dự đoán có tới 30% dự án blockchain đang hoạt động sẽ sẵn sàng để đưa vào sử dụng trong năm nay.
Một xu hướng quan trọng trong bối cảnh phấn khích đối với tài sản kỹ thuật số là việc hàng loạt các công ty lớn tham gia các dịch vụ lưu ký tiền mã hóa. Thực tế cho thấy, Saylor của MicroStrategy và các nhà đầu tư tổ chức khác sẽ không tiết lộ cách họ lưu trữ Bitcoin của mình. Nhiệm vụ khó khăn này – số Bitcoin trị giá rất lớn đã bị mất tích trong nhiều năm – từ lâu đã trở thành một rào cản khiến Bitcoin khó được các tổ chức chấp nhận.
Có những vấn đề khác ngoài gian lận và trộm cắp. Nếu chủ sở hữu tài khoản ngân hàng quên mật khẩu của mình, ngân hàng chỉ cần đặt lại mật khẩu. Với Bitcoin, việc mất mật khẩu, được gọi là khóa riêng tư, giống như mất tài sản đó mà không thể khôi phục được.
Hồi tháng bảy, văn phòng Kiểm soát tiền tệ Hoa Kỳ công bố một lá thư nêu rõ hiện giờ các ngân hàng sẽ được phép cung cấp dịch vụ lưu ký cho các tài sản tiền mã hóa.
Không có gì ngạc nhiên khi các tổ chức tài chính, vì chuẩn bị cho tương lai khi mà quyền sở hữu tài sản kỹ thuật số trở nên phổ biến, đang đổ xô vào kinh doanh lưu ký tiền mã hóa. Có khoảng sáu tổ chức, bao gồm ngân hàng Tây Ban Nha BBVA, ngân hàng Hà Lan ING và công ty chứng khoán Thụy Sĩ SIX, hiện là những nhà giám sát tiền mã hóa.
Hồi tháng 12, quỹ đầu cơ One River tiết lộ họ đang sử dụng các dịch vụ lưu ký của Northern Trust để quản lý lượng tiền mã hóa trị giá 600 triệu đô la Mỹ và đang tìm cách tăng số tiền này lên một tỉ đô la Mỹ. Cùng tháng đó, Northern Trust đã đầu tư vào công ty khởi nghiệp Zodia Custody, nhà giám sát tiền mã hóa có trụ sở tại London.
Các công ty như Northern Trust và Fidelity, đang cung cấp dịch vụ lưu ký tiền mã hóa, có lợi thế hoàn hảo để kết nối với tài sản kỹ thuật số thực tế được quản lý. Northern Trust đã hợp tác với một công ty khởi nghiệp công nghệ tài chính của Singapore mang tên BondEvalue, nhằm đóng vai trò đại lý bảo trì và lưu ký trong doanh nghiệp sử dụng công nghệ blockchain để tạo ra và bán các phần lãi trong trái phiếu doanh nghiệp.
Hồi tháng tám, họ đã thực hiện giao dịch trái phiếu dựa trên blockchain đầu tiên trên thế giới, một phần nhỏ trị giá 8.000 đô la Mỹ trong tổng số 300 triệu đô la Mỹ, 4,375% trái phiếu coupon ban đầu được tập đoàn nông nghiệp khổng lồ Olam của Singapore phát hành. Giao dịch này, thường mất hai ngày để giải quyết, chỉ cần vài giây để thực hiện.
Justin Chapman, phó chủ tịch điều hành Northern Trust cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào các chương trình liên quan đến tài sản kỹ thuật số trên toàn thế giới. Chúng tôi nghĩ rằng ở đó có công nghệ, và cũng có sự hiểu biết. Khách hàng đã sẵn sàng.”
Xem thêm Danh sách Blockchain 50 năm 2021
Ảnh: Christie Hemm Klok và Jamel Toppin chụp cho Forbes.
Biên dịch: Quỳnh Anh
(Bài viết đăng trên Forbes Việt Nam số 93, tháng 5.2021. Mời xem đầy đủ danh sách Bitcoin 50 trên số báo này)
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/doanh-nghiep-va-con-cuong-ma-hoa)
10 tháng trước
Yat Siu nhận định về tương lai của tiền mã hóa2 năm trước
Zipmex đệ đơn xin bảo hộ phá sản tại Singapore2 năm trước
Startup tiền mã hóa RockX huy động 6 triệu USD