Công nghệ

Tỉ phú tiền mã hóa Jihan Wu huy động thêm 200 triệu USD

1 năm trước
Tác giả Emily Mason

Share
this:

Mặc cho thị trường tiền mã hóa đang bước vào giai đoạn tồi tệ, Bitdeer Technologies Holdings của tỉ phú Jihan Wu vẫn huy động thêm 200 triệu USD để đầu tư vào khai thác tiền mã hóa.

Bitdeer Technologies Holdings, công ty về khai thác tiền mã hóa của tỉ phú tiền mã hóa Jihan Wu, chuẩn bị huy động 200 triệu USD từ các nhà đầu tư bên ngoài để mua thiết bị giá rẻ mặc cho lĩnh vực khai thác tiền mã hóa đang gặp phải những thách thức lớn và triển vọng ảm đạm từ Wall Street.

Jihan Wu là nhà đồng sáng lập của Bitmain – công ty chuyên sản xuất vi mạch thiết kế riêng cho khai thác tiền mã hóa. Sau khi giải quyết bất đồng quan điểm trong thời gian dài với nhà đồng sáng lập khác là Micree Zhan, Jihan Wu chuyển sang điều hành công ty được tách ra từ Bitmain là Bitdeer. Bitdeer sẽ tiến hành kế hoạch mua lại với vốn đầu tư 50 triệu USD và đặt mục tiêu huy động thêm 200 triệu USD từ các nhà đầu tư bên ngoài như văn phòng gia đình, công ty đầu tư mạo hiểm và quỹ đầu tư, Bloomberg đưa tin.

Huy động tài chính cho việc khai thác tiền mã hóa là mục tiêu đầy tham vọng, có lẽ là táo bạo khi lĩnh vực này đang mất đi sức hút với các doanh nghiệp tài chính truyền thống.

Trong năm 2021, danh sách các công ty khai thác tiền mã hóa niêm yết cổ phiếu tăng lên nhanh chóng, với 16 cái tên giao dịch trên sàn Nasdaq vào cuối năm đó. Tuy vậy, giá cổ phiếu của nhóm ba công ty đại chúng hoạt động trong lĩnh vực khai thác tiền mã hóa hàng đầu tính theo vốn hóa thị trường, gồm Marathon, Riot và Core Scientific từ đầu năm đến nay lần lượt giảm 70%, 69% và 87%.

Khai thác bitcoin là quy trình yêu cầu hiệu suất máy tính lớn để dẫn đầu trong việc giải các thuật toán phức tạp, giành lấy cơ hội xử lý giao dịch trên mạng lưới và được thưởng bằng bitcoin. Hoạt động này nổi lên từ việc giá điện rẻ và giá bitcoin ở mức cao kỷ lục. Do vậy, việc khai thác tiền mã hóa rất dễ mang về lợi nhuận từ việc xử lý giao dịch trên mạng lưới và nhận phần thưởng là bitcoin. Bitdeer có hai cơ sở khai thác tại Mỹ và Na Uy.

Khi giá bitcoin chạm ngưỡng cao lịch sử vào năm 2021, các thợ đào đã áp dụng chiến lược tăng trưởng mạnh mẽ và đặt hàng cho nhiều máy đào hơn. Tuy vậy, quá trình vận chuyển thường mất ít nhất nửa năm và có 3 đợt thanh toán. Với việc bitcoin từ đầu năm đến nay bốc hơi 56% giá trị và chi phí năng lượng trên toàn thế giới tăng cao, nhiều thợ đào ghi nhận biên lợi nhuận giảm xuống và không còn đủ tiền để hoàn thành hợp đồng.

“Khó khăn nằm ở lần thanh toán cuối vì rất nhiều công ty đã dành toàn bộ số tiền cho hai đợt thanh toán đầu tiên. Nhưng rồi họ không còn đủ nguồn vốn khi đến kỳ hạn thanh toán cuối cùng. Điều này thu hút các công ty tham gia mua lại hợp đồng để tránh tình trạng vỡ nợ,” Chris Brendler, nhà phân tích của D.A. Davidson, nhận định.

Nhà đồng sáng lập Bitdeer Technologies Holdings, Jihan Wu. Ảnh: © 2017 Bloomberg Finance Lp

Kể từ năm 2021, giá trị băm (Hash), chỉ số ghi nhận doanh thu hằng ngày trên mỗi đơn vị khai thác, giảm hơn 57% và đẩy giá trị của máy đào tiền mã hóa xuống. Giá trị băm giảm, chi phí năng lượng tăng cao và thợ đào vội vàng bán máy đào cho thấy giá trị của những bộ máy tính này sẽ còn giảm xuống hơn nữa. Không những vậy, việc bán tháo máy đào sẽ cung cấp ra thị trường hạ tầng khai thác tiền mã hóa hiệu suất cao cho các công ty có nguồn tài chính tốt với cơ hội phát triển khi thị trường củng cố.

“Những công ty này có nguy cơ rớt giá từ việc tính cạnh tranh giảm xuống, không chỉ từ chi phí năng lượng tăng lên và giá bitcoin lao dốc, mà còn nằm ở vốn hóa thị trường khi bạn không thể huy động vốn để khai thác bitcoin vào thời điểm hiện nay. Bạn có thể thử nếu tham gia Bitdeer, những khá khó khăn để thuyết phục các nhà đầu tư rót vốn,” Brendler cho biết.

Một ví dụ khác về công ty khai thác bitcoin đầu tư vào trang thiết bị giá rẻ là CleanSpark. Từ tháng 8-9.2022, CleanSpark đã mua lại hai cơ sở khai thác tiền mã hóa của Mawson Infrastructure Group và Waha Technologies đặt tại Georgia, Mỹ, với tổng giá trị 67,6 triệu USD.

Vào tháng 11.2021, Bitdeer lên sàn chứng khoán thông qua thỏa thuận sáp nhập với công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC) Blue Safari Group Acquisition Corp.

Tuy vậy, thỏa thuận đã tạm hoãn hai lần và dời thời gian hoàn tất sang ngày 14.12. Tuy lùi lịch hoàn tất thỏa thuận, giá cổ phiếu của Blue Safari kể từ đầu năm 2022 ghi nhận mức tăng trưởng ổn định, điều khác biệt trong thị trường có thành kiến về các thương vụ SPAC và đang trải qua giai đoạn “mùa đông tiền mã hóa”. Trong khoảng thời gian chốt lại thỏa thuận, cổ phiếu Blue Safari giao dịch ở mức 10,26 USD/cổ phiếu, tăng 3% qua từng năm.

Biên dịch: Minh Tuấn

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/ti-phu-tien-ma-hoa-jihan-wu-huy-dong-them-200-trieu-usd)