Doanh nhân

Anthony Tan và những tỉ phú “ngắn hạn” nhất năm 2021

Năm 2021 ghi nhận làn sóng của những vị tỉ phú mới sau đợt IPO thông qua hình thức SPAC, nhưng nhiều người chỉ giữ danh hiệu trong khoảng thời gian ngắn.

tỉ phú

Share
this:

Không phải tỉ phú nào cũng giàu mãi, thường danh hiệu này kéo dài hơn vài giờ đồng hồ. 2021 là năm thế giới kinh doanh gián đoạn liên tục do đại dịch COVID-19 và những đợt IPO diễn ra dồn dập – đã tạo ra làn sóng của những tỉ phú mới gia nhập câu lạc bộ tỉ phú trong vài tháng, vài ngày hay thậm chí chỉ vài phút.

Nguyên do cho sự xáo trộn của những vị tỉ phú trong năm 2021 từ kết quả kinh doanh kém của những công ty sau khi ra mắt thị trường chứng khoán. Sự bùng nổ của SPAC – những công ty mua lại có mục đích đặc biệt, trong thời điểm đại dịch COVID-19 có vai trò mở ra làn sóng các công ty phát hành cổ phiếu không theo quy trình IPO truyền thống.

Trong nhiều trường hợp, khởi đầu hứa hẹn tiếp nối bằng cổ phiếu rớt giá. 4 trong 10 cái tên nổi bật đã IPO thông qua SPAC: Anothny Tan (Grab), JoeBen Bivert (Joby Aviation), Carl Daikeler (BeachBody) và Anne Wojcicki (23andMe) đều trở thành tỉ phú từ quá trình sáp nhập SPAC. Tuy vậy, cổ phiếu giảm kéo theo giá trị cổ phần của họ mất ngưỡng 1 tỉ USD.

Nhưng năm biến động 2021 không chỉ từ SPAC, kể từ tháng 11.2021, một nửa số công ty huy động hơn 1 tỉ USD từ đợt IPO đã giao dịch thấp hơn mức giá niêm yết, theo dữ liệu từ Dealogic trích dẫn trong Financial Times.

Trong số những cổ phiếu theo xu hướng sụt giảm này có chủ sở hữu của ứng dụng hẹn hò Bumble, huy động 2,2 tỉ USD để định giá công ty ở mức 8,6 tỉ USD vào tháng 2.2021. Kể từ ngày 14.12, giá cổ phiếu đã giảm 50%.

Đại dịch COVID-19 tiếp tục có tác động sâu rộng, với các lệnh hạn chế và thái độ trái ngược từ dư luận dành cho những ngành công nghiệp khác nhau. Những nhà sáng lập của Peloton và Beachbody, hai công ty về trang thiết bị thể hình (cũng là tỉ phú trong thời gian ngắn) là minh chứng cho điều đó.

Dưới đây là những cái tên từng trở thành tỉ phú trong năm 2021. Danh sách sẽ bắt đầu từ người giữ danh hiệu tỉ phú ngắn nhất (khối tài sản ròng tính từ thời điểm phiên giao dịch chốt lại vào ngày 15.12.2021):

1. Anthony Tan
Nhà đồng sáng lập và CEO của Grab
Quốc tịch: Singapore
Thời gian trở thành tỉ phú: Dưới một ngày
Khối tài sản ròng: 600 triệu USD

Nhà sáng lập và CEO của Grab, Anthony Tan. Ảnh: © 2021 Bloomberg Finance Lp

Vào ngày 2.12, Anthony Tan đã trở thành tỉ phú trong một vài giờ đồng hồ sau đợt IPO từ doanh nghiệp khổng lồ dịch vụ gọi xe của ông, Grab. Grab đã phát hành cổ phiếu thông qua sáp nhập SPAC, trong thỏa thuận định giá “siêu ứng dụng” (công ty cũng cung cấp dịch vụ ngân hàng số, đặt phòng khách sạn và bảo hiểm) mức 40 tỉ USD. Qua đó, lập kỷ lục về thương vụ sáp nhập SPAC lớn nhất thế giới.

Cổ phần của Tan tại công ty 6 năm tuổi đã chạm đỉnh 1 tỉ USD, khi cổ phiếu được giao dịch ở mức 13,06 USD. Tuy vậy, cổ phiếu của Grab lại nhanh chóng gặp biến động, thâm hụt khoảng 1/3 giá trị đến cuối phiên giao dịch và chốt ở mức 8,75 USD. Kể từ đó, cổ phiếu liên tục giảm và chốt ở 7,14 USD vào ngày 15.12.

2. Tim Chen
Nhà sáng lập và CEO của Nerdwallet
Quốc tịch: Mỹ
Thời gian trở thành tỉ phú: Dưới một ngày
Khối tài sản ròng: 499 triệu USD

Tim Chen đã có khoảng thời gian rất ngắn sở hữu khối tàn sản ròng tỉ USD, khi công ty của ông, Nerdwallet lên sàn giao dịch vào ngày 4.11. Công ty tài chính cá nhân được tin dùng từ những ai muốn tham khảo về thẻ tín dụng, thế chấp và hơn thế đã mở giao dịch với mức 23,50 USD/cổ phiếu trước khi tăng lên 34,44 USD/cổ phiếu.

Ở mức đỉnh, 31,7 triệu cổ phiếu được Tim Chen tích lũy trong vai trò nhà sáng lập và CEO đã tăng giá trị lên 1,09 tỉ USD. Nhưng kể từ đó, cổ phiếu đã dừng lại ở mức 23,40 USD/cổ phiếu và không vượt qua con số 30 USD/cổ phiếu. Vào ngày 15.12, cổ phiếu của Nerdwallet chốt lại ở mức 15,46 USD/cổ phiếu, giúp công ty có giá trị vốn hóa thị trường 1 tỉ USD.

3. Jean Qing Liu
Chủ tịch của DiDi Global
Quốc tịch: Trung Quốc
Thời gian trở thành tỉ phú: Dưới một tuần
Khối tài sản ròng: 466 triệu USD

Chủ tịch đương nhiệm của DiDi Global, Jean Qing Liu. Ảnh: Visual China Group Via Getty Images

Jean Qing Liu, chủ tịch doanh nghiệp khổng lồ dịch vụ gọi xe DiDi Global và chồng Will Wei Cheng, CEO của công ty đều đã trở thành tỉ phú, khi DiDi niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE) vào tháng 6.2021, với khối tài sản ròng lần lượt ước tính 1,1 tỉ USD và 4,4 tỉ USD.

Chưa đầy một tuần sau, giá cổ phiếu của DiDi giảm 27%—ảnh hưởng từ tin tức giới chức Trung Quốc mở cuộc điều tra lên công ty. Do đó, đẩy khối tài sản của Liu xuống dưới 1 tỉ USD. Vào tháng 11.2021, tình hình của DiDi trở nên tồi tệ hơn, khi các quan chức Trung Quốc yêu cầu công ty lên kế hoạch hủy niêm yết tại NYSE do lo ngại về việc rò rỉ dữ liệu nhạy cảm. Sau đợt IPO, giá cổ phiếu của DiDi giảm khoảng 60% (Cheng vẫn là tỉ phú, với khối tài sản ròng ước tính 1,9 tỉ USD).

4. JoeBen Bevirt
Nhà sáng lập và CEO của Joby Aviation
Quốc tịch: Mỹ
Thời gian trở thành tỉ phú: Dưới 3 tháng
Khối tài sản ròng: 670 triệu USD

JoeBen Bevirt có khoảng thời gian ngắn ngủi là tỉ phú từ đợt IPO thông qua sáp nhập SPAC của Joby Aviation, công ty về taxi bay điện đặt tại California tháng 8.2021. Giá cổ phiếu tăng 6%, chốt ở mức 10,90 USD trong phiên giao dịch đầu tiên, đưa Bevirt (47 tuổi) trở thành tỉ phú ngành hàng không điện đầu tiên, với khối tài sản ròng ước tính 1,1 tỉ USD.

Đó là trước khi công ty ra mắt sản phẩm đầu tiên. Mặc dù JoeBen Bevirt đã phát triển mẫu máy bay có thể cất cánh và hạ cánh theo chiều thẳng đứng từ năm 2009, nhưng taxi bay điện vẫn còn nhiều năm nữa mới ra mắt thị trường. Joby cho biết có kế hoạch đạt chứng nhận cho phương tiện bay từ cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) vào năm 2023. Thời gian đã khiến cho những nhà đầu tư không còn giữ được sự hào hứng, đẩy giá cổ phiếu xuống 42% trong đợt IPO từ ngày 15.12.

Nhà sáng lập và CEO của Joby Aviation, JoeBen Bevirt. Ảnh: © 2021 Bloomberg Finance Lp

5. Carl Daikeler
Chủ tịch và CEO của BeachBody
Quốc tịch: Mỹ
Thời gian trở thành tỉ phú: Dưới bốn tháng
Khối tài sản ròng: 320 triệu USD

Vào tháng 6.2021, Daikeler đã niêm yết công ty về tập thể hình tại nhà, Beachbody thông qua sáp nhập SPAC với hi vọng nắm bắt cơ hội từ đại dịch. Thương vụ sáp nhập với công ty sản xuất xe đạp, Myx Fitness nhằm xây dựng doanh nghiệp 23 năm tuổi này trở thành cái tên cạnh tranh mạnh mẽ với Peloton.

Với tốc độ tăng trưởng nhanh từ kinh doanh gói đăng ký và các khóa tập luyện theo nhu cầu, những nhà đầu tư đã đặt niềm tin vào tầm nhìn từ Beachbody và nâng giá trị cổ phần của Daikeler lên 1,7 tỉ USD. Tuy vậy, cổ phiếu đã giảm hơn 80% kể từ sau đợt sáp nhập SPAC, khi các lệnh hạn chế phòng ngừa COVID-19 lấy đi phần lớn những nhà đầu tư của công ty thiết bị thể hình.

Doanh thu của Beachbody trong quý 3.2021 giảm 17%, xuống 208,1 triệu USD so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, khoản lỗ tăng từ 13,8 triệu USD năm 2020 lên 39,9 triệu USD. Theo ước tính của Forbes, Daikeler đã không còn là tỉ phú vào tháng 9.2021.

Chủ tịch và CEO của BeachBody, Carl Daikeler. Ảnh: Forbes 2012

6. Anne Wojcicki
Nhà sáng lập của 23andMe
Quốc tịch: Mỹ
Thời gian trở thành tỉ phú: Dưới 6 tháng
Khối tài sản ròng: 765 triệu USD

Sau khi chứng kiến công ty xét nghiệm DNA, 23andMe trở thành hiện tượng, nhà đồng sáng lập Anne Wojcicki đã cho công ty 15 năm tuổi này phát hành cổ phiếu vào tháng 6.2021 và biến bản thân thành tỉ phú. Wojcicki sở hữu 99,4 triệu cổ phiếu có giá trị xấp xỉ 1,3 tỉ USD, khi công ty lên sàn giao dịch thông qua sáp nhập SPAC. Trong ngày đầu giao dịch, giá cổ phiếu tăng lên 21%, ở mức 13,32 USD.

Tuy vậy, tài sản của Wojcicki đã giảm xuống dưới 1 tỉ USD trong tháng 7.2021 khi cổ phiếu 23andMe giảm, các đợt giảm tiếp sau đó vào đầu tháng 10 và tháng 11.2021. Cổ phiếu 23andMe mất giá trong bối cảnh doanh thu chững lại, khoản lỗ lớn và gặp khó khăn trong việc chuyển đổi sang phát triển thuốc.

Sau khi sáp nhập, cổ phiếu 23andMe đã giảm 43% (Lưu ý: Forbes chưa thể xác định khối tài sản khác của Anne Wojcicki ngoài cổ phiếu trong 23andMe sau khi ly hôn với nhà đồng sáng lập Google, Sergey Brin vào năm 2015).

Nhà sáng lập của 23andMe, Anne Wojcicki. Ảnh: © 2020 Bloomberg Finance Lp

7. Anthony Hsieh
Nhà sáng lập và CEO của LoanDepot
Quốc tịch: Mỹ
Thời gian trở thành tỉ phú: Dưới 8 tháng
Khối tài sản ròng: 649 triệu USD

5 năm sau khi hủy đợt IPO đầu tiên, Anthony Hsieh một lần nữa thử sức và ghi nhận công ty về khoản vay thế chấp của ông, LoanDepot chào sân thị trường chứng khoán vào tháng 1.2021. Mặc dù giá trị giảm xuống vào cuối phiên giao dịch, với chỉ 3,2% cổ phiếu được niêm yết, song đợt IPO đã nâng khối tài sản ròng của chủ tịch và CEO LoanDepot lên ước tính 2 tỉ USD từ 54% cổ phần.

Từ giữa tháng 12.2021, Anthony Hsieh (56 tuổi) mất một nửa giá trị tài sản, khi cổ phiếu của LoanDepot giảm gần 80% dưới mức giá IPO.

Công ty đã vấp phải bình luận tiêu cực từ truyền thông, nhưng chủ yếu gặp khó khăn từ xu hướng mở rộng thị trường bất động sản. Đó là nỗi lo về lãi suất tăng cao, mà LoanDepot chịu tác động nặng nề hơn những đối thủ cạnh tranh lớn hơn khác. Rocket Companties, công ty mẹ của đối thủ cạnh tranh Quicken Loans và Rocket Mortgage đã ghi nhận mức giảm 30% cho cổ phiếu kể từ đợt IPO vào tháng 8.2020.

8. Whitney Wolfe Herd
Nhà đồng sáng lập và CEO của Bumble
Quốc tịch: Mỹ
Thời gian trở thành tỉ phú: Dưới 7 tháng
Khối tài sản ròng: 970 triệu USD

Nhà đồng sáng lập và CEO của Bumble, Whitney Wolf Herd. Ảnh: Getty Images For Fast Company

Nhà đồng sáng lập và CEO của Bumble, Whitney Wolf Herd trở thành nữ tỉ phú tự thân trẻ tuổi nhất thế giới, khi đưa công ty ứng dụng hẹn hò lên sàn giao dịch vào tháng 2.2021. Đây là đợt IPO thứ hai của một ứng dụng hẹn hò, sau khi Match Group ra mắt vào năm 2015. Qua đó, nâng giá trị cổ phần của Wolfe Herd lên 21%, tới 1,5 tỉ USD sau khi cổ phiếu được giao dịch ở mức 76 USD.

Tuy vậy, “tuần trăng mật” đã bị gián đoạn bởi báo cáo thu nhập hằng quý vào tháng 11.2021 ghi nhận tổng số lượng người dùng của ứng dụng hẹn hò khác, Badoo phổ biến bên ngoài nước Mỹ suy giảm. Dấu hiệu cảnh báo trong báo cáo đẩy các nhà đầu tư vào thế khó và khiến cho khối tài sản ròng của Wolfe Herd xuống dưới 1 tỉ USD, mặc dù cô đã gần với ngưỡng này, còn có thời điểm vượt qua nó.

9. John Foley
Nhà sáng lập và CEO của Peloton
Quốc tịch: Mỹ
Thời gian trở thành tỉ phú: Dưới một năm
Khối tài sản ròng: 707 triệu USD

Nhà đồng sáng lập và CEO của Peloton, John Foley lần đầu góp mặt trong danh sách tỉ phú của Forbes vào tháng 4.2021, với khối tài sản ròng 1,5 tỉ USD. Công ty về dụng cụ thể thao, xe đạp tập và máy chạy bộ kèm theo gói đăng ký tập thể dục tại nhà đã hưởng lợi từ đợt gia tăng từ lãi xuất trong giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19, với doanh thu trong quý 1.2021 tăng 250%.

Tương tự như những ngành nghề tác động bởi đại dịch, việc kinh doanh của Peloton gặp khó khăn để mở cửa lại phòng tập. Vào đầu tháng 11.2021, CEO của Peloton đã mất danh hiệu tỉ phú, sau khi cổ phiếu giảm 30% sau báo cáo doanh thu với mức dự báo không khả quan.

Từ ngày 15.12, giá cổ phiếu giảm thêm 30%, khiến cho Foley thâm hụt hơn một nửa số tài sản.

Nhà sáng lập và CEO của Peloton, John Foley. Ảnh: © 2019 Bloomberg Finance Lp

10. Jack Schuler
Nhà đầu tư lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và nhà từ thiện
Quốc tịch: Mỹ
Thời gian trở thành tỉ phú: Dưới 1 năm
Khối tài sản ròng: 757 triệu USD

Là “tân binh” gia nhập vào danh sách Tỉ phú Toàn cầu của Forbes vào tháng 4.2021, Jack Schuler, cựu chủ tịch của Abbott Laboratories với một thập kỷ đầu tư vào ngành chăm sóc sức khỏe đã thành công rất lớn trong thời điểm đại dịch COVID-19.

Ông sở hữu khối tài sản ròng 1,1 tỉ USD sau khi đặt cược vào công nghệ mới, như bộ xét nghiệm COVID-19 phát triển bởi Quidel Corp. (một trong những công ty đầu tiên có chứng nhận từ FDA) và Inspirotec, thiết bị có khả năng truy vết virus trong không khí.

Tuy vậy, việc cổ phiếu từ những công ty được Jack Schuler đầu tư, gồm Accelerate Diagnostics, Biodesix và Aspira Women’s Health giảm xuống khiến cho ông mất hơn 300 triệu USD trong tài sản.

Đọc thêm: Bill Gates, Gautam Adani và Sergey Brin: Những tỉ phú kiếm tiền nhiều nhất năm 2021

Biên dịch: Minh Tuấn