multi-media / Megastory

Danh sách tỉ phú thế giới: Có đến 39 tỉ phú đến từ kinh doanh thể thao

Hoạt động kinh doanh thể thao đang bùng nổ. Các đội ở một số giải đấu đổi chủ ở mức giá kỷ lục và thu hút các vận động viên nhiều hơn bao giờ hết, cả trong và ngoài sân cỏ. Có 39 tỉ phú có tài sản chủ yếu đến từ thể thao, tăng so với con số 16 của một thập niên trước, bao gồm cả chục người mới trong năm qua. Dưới đây là một số nhân vật đáng chú ý nhất.




TỈ PHÚ NGÔI SAO THỂ THAO





LeBron James.

Lebron James
$1 tỉ • Bóng rổ • Mỹ


James, người đã phá kỷ lục ghi bàn mọi thời đại của NBA vào tháng 2.2023, vẫn tiếp tục mở rộng khối tài sản của mình. Là người đứng đầu danh sách cầu thủ được trả lương cao nhất của Forbes trong gần một thập niên, anh sẽ kiếm được khoảng 124,5 triệu đô la Mỹ trong và ngoài sân đấu mùa này từ hợp đồng với L.A. Lakers và các hợp đồng quảng cáo với những công ty như Nike, AT&T và Pepsi.

James đã đầu tư vào bất động sản, công ty giải trí SpringHill và cổ phần trong Blaze Pizza, công ty thể hình Tonal, nhượng quyền thương mại của giải đấu Major League Pickleball và Fenway Sports Group, chủ sở hữu đội Boston Red Sox.

Larry Tanenbaum
$2 tỉ • Xây dựng, các đội thể thao • Canada

Là chủ tịch của Maple Leaf Sports & Entertainment, Tanenbaum sở hữu một phần của gần như tất cả các đội thể thao của Toronto – Maple Leafs (NHL), Raptors (NBA), Toronto FC (MLS) và Argonauts (giải bóng bầu dục Canada). Ông cũng là chủ sở hữu và CEO lâu năm của công ty xây dựng Kilmer Van Nostrand Co. và tự hào có danh mục đầu tư bất động sản lớn.

Mark Davis
$1,9 tỉ • Las Vegas Raiders • Mỹ


Bóng bầu dục là lĩnh vực kinh doanh duy nhất mà Davis từng biết. Ông lớn lên cùng với Raiders vì cha của ông, Al, từng là huấn luyện viên, sau đó là tổng giám đốc và cuối cùng là chủ sở hữu chính của đội nhượng quyền thương mại thuộc giải NFL. Mark tiếp quản sau khi cha mình qua đời vào năm 2011 và giám sát việc di dời đội đến Las Vegas vào năm 2020.

Amy Adams Strunk
$1,7 tỉ • Tennessee Titans • Mỹ


Adams Strunk giành quyền kiểm soát Tennessee Titans vào năm 2015, hai năm sau khi cha bà, Bud Adams qua đời. 50% cổ phần của bà đã tăng gấp đôi giá trị kể từ khi bà tiếp quản.

Irving Grousbeck
$1,6 tỉ • Cable, Boston Celtics • Mỹ


Là người đồng sáng lập của Continental Cablevision (sau này là MediaOne), Grousbeck đã giúp lãnh đạo một nhóm đầu tư mua Boston Celtics với giá 360 triệu đô la Mỹ vào năm 2003. Năm năm sau, đội bóng rổ lâu đời này đã giành được chức vô địch NBA đầu tiên sau hai thập niên. Ngày nay, chỉ riêng 30% cổ phần của ông đã trị giá 1,1 tỉ đô la Mỹ.

Hal Steinbrenner,
Jennifer Steinbrenner Swindal,|
Jessica Steinbrenner
$1,3 tỉ, $1,3 tỉ, $1,3 tỉ • New York Yankees • Mỹ


Đội Yankees, trị giá 1,6 tỉ đô la Mỹ khi George Steinbrenner qua đời năm 2010, hiện có giá trị 7,1 tỉ đô la Mỹ. Ba người con của Steinbrenner, mỗi người sở hữu một phần của đội có giá trị nhất giải đấu MLB, cộng với các cổ phần của đài truyền hình YES Network và đội New York FC thuộc giải bóng đá MLS.

Tiger Woods
$1,1 tỉ • Golf • Mỹ


Huyền thoại golf được cho là đã từ chối số tiền hàng triệu đô la Mỹ để tham gia giải đấu LIV Golf do Saudi Arabia hậu thuẫn. Ông không cần tiền: Trong sự nghiệp kéo dài ba thập niên của mình, Woods đã kiếm được hơn 1,7 tỉ đô la Mỹ tiền quảng cáo, tiền thắng giải đấu và các khoản thu nhập khác – đủ để ông cùng LeBron James trở thành hai vận động viên tỉ phú duy nhất còn thi đấu.

Toto Wolff
$1 tỉ • Formula 1 • Áo


Là ngôi sao của loạt phim Drive to Survive trên Netflix, Wolff là trưởng nhóm và CEO của đội đua F1 Mercedes-AMG Petronas. Từng là tay đua, ông mua lại đội Công thức 1 vào năm 2013, rất lâu trước khi giá trị của đội tăng vọt, và đã đưa Mercedes đến tám chức vô địch Constructors liên tiếp.


DẪN ĐẦU CÁC CỬA HÀNG




Lạm phát đang ăn mòn tiền lương và thị trường hỗn loạn gây ảnh hưởng đến tiết kiệm hưu trí, nhưng người tiêu dùng vẫn tiếp tục chi tiêu. Không ai giàu có hơn các tỉ phú bán hàng hóa cho người dân, bao gồm cả những thành viên mới của câu lạc bộ sở hữu tài sản tỉ đô này.





Tom Ford.

Tom Ford
$2,2 tỉ • Thời trang • Mỹ

Nhà thiết kế thời trang sinh ra ở Texas đã hồi sinh Gucci trong vai trò giám đốc sáng tạo của hãng vào những năm 1990, sau đó tách ra riêng vào năm 2005.

Ông sở hữu khoảng 64% cổ phần của thương hiệu thời trang Tom Ford International – cộng với một công ty kinh doanh nước hoa, mỹ phẩm và chăm sóc da riêng – trước khi ông bán cả hai cho công ty mỹ phẩm khổng lồ Estée Lauder theo thỏa thuận trị giá 2,8 tỉ đô la Mỹ vào tháng 11.2022.

Thỏa thuận đó làm khối tài sản của ông tăng lên, trong đó bao gồm một bộ sưu tập nghệ thuật có các tác phẩm của Andy Warhol cùng những ngôi nhà ở Los Angeles, New York, London, Palm Beach và Santa Fe.

Claudio Del Vecchio
$3,5 tỉ • Luxottica • Mỹ


Del Vecchio – cựu CEO kiêm chủ sở hữu đa số của hãng bán lẻ quần áo Brooks Brothers cho đến khi công ty này nộp đơn phá sản vào năm 2020 – được thừa kế cổ phần của công ty kính mắt khổng lồ Luxottica sau khi cha ông, Leonardo Del Vecchio, qua đời vào tháng 6.2022. Sáu anh chị em và mẹ kế của ông đều có số tài sản ngang bằng nhau.

Fan Daidi
$3,5 tỉ • Chăm sóc da • Trung Quốc


Fan là đồng sáng lập, giám đốc điều hành và giám đốc khoa học của Giant Biogene Holding, công ty sản xuất collagen và các sản phẩm chăm sóc da khác. Công ty được niêm yết trên thị trường chứng khoán Hong Kong vào tháng 11.2022. Bà cũng là trưởng khoa kỹ thuật hóa học tại đại học Tây Bắc ở Tây An.

Andrey Krivenko
$2,1 tỉ • Bán lẻ • Nga


Năm 2012, Krivenko mở bốn cửa hàng mang tên VkusVill (tên tiếng Anh là Taste Town) để bán các sản phẩm tươi sống có hạn sử dụng ngắn. Hiện là một trong những nhà bán lẻ phát triển nhanh nhất của Nga, công ty có hơn 1.300 cửa hàng. Ông dự định niêm yết công ty thì xảy ra cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Aleš Zavoral
$2 tỉ • Thương mại điện tử • Cộng hòa Czech


Công ty Alza.cz có trụ sở tại Praha của ông – nổi tiếng với linh vật người ngoài hành tinh màu xanh lá cây, “Alzak” – đã bán được khoảng hai tỉ đô la Mỹ (doanh thu ước tính) máy tính, ti vi, thiết bị gia dụng và các hàng hóa khác trên khắp châu Âu vào năm 2021. Zavoral thành lập doanh nghiệp này vào năm 1994.

Hari Krishan Agarwal
$1,1 tỉ • Giày • Ấn Độ


Ông sở hữu 74% cổ phần của hãng đóng giày giá rẻ Campus Activewear, công ty bán hàng triệu đôi giày thể thao nam, nữ và trẻ em cho 20 ngàn nhà bán lẻ trên 650 thành phố ở Ấn Độ. Một phần ba sản phẩm của công ty tại Delhi này có giá dưới 13 đô la Mỹ.

Tsao Ter-fung
$1,1 tỉ • Thực phẩm • Đài Loan (TQ)


Sau khi mua lại tài sản của Quaker Oats tại Đài Loan và thành lập Standard Foods vào năm 1986, Tsao đã biến hãng này thành nhà cung cấp chính về ngũ cốc, dầu ăn và đồ uống làm từ sữa. Người đàn ông 77 tuổi đã trao lại vai trò giám đốc điều hành cho con trai Arthur Tsao vào năm 2019 nhưng vẫn giữ chức chủ tịch.

David Tran
$1 tỉ • Tương ớt  • Mỹ


Là người Việt Nam, David Tran bắt đầu bán tương ớt Sriracha của mình ở Los Angeles vào năm 1980. Giờ đây, những chai tương ớt có logo con gà trống và nắp màu xanh lá cây của công ty có doanh thu ước tính 130 triệu đô la Mỹ là sản phẩm ưa thích của các hộ gia đình trên khắp nước Mỹ.

Xie Bingzheng
$1 tỉ • Dệt may • Trung Quốc


Người tiêu dùng Trung Quốc có thiện cảm với các thương hiệu thời trang quốc tế, vì vậy Xie đặt cho doanh nghiệp quần áo chơi golf của mình cái tên nghe có vẻ nước ngoài: Biem.L.Fdlkk Garment. Cổ phiếu của công ty đã tăng vọt trong những tháng gần đây khi các lệnh hạn chế vì COVID được dỡ bỏ.


GIỚI TÀI CHÍNH



Trong năm thứ chín liên tiếp, có nhiều tỉ phú từ thế giới tài chính và đầu tư hơn bất kỳ nhóm nào khác: 372 người. Và số lượng vẫn tiếp tục tăng lên: Năm nay, 24 người mới trong lĩnh vực tài chính đã gia nhập hàng ngũ tỉ phú, nhiều hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác. Dưới đây là một số thành viên mới của câu lạc bộ:







Nikhil Kamath
$1,1 tỉ • Dịch vụ tài chính • Ấn Độ


Anh bỏ học sau khi xong lớp 10, làm việc tại trung tâm chăm sóc khách hàng qua điện thoại, sau đó bắt đầu giao dịch trên thị trường chứng khoán. Năm 2010, ở tuổi 23, anh đồng sáng lập công ty môi giới giảm giá trực tuyến Zerodha cùng với anh trai mình, Nithin (xem cột bên trái).

Doanh nghiệp này hiện là nhà môi giới chứng khoán lớn nhất Ấn Độ, với gần 6,5 triệu khách hàng đang hoạt động. Năm 2019, anh thành lập True Beacon, công ty quản lý tài sản dành cho những cá nhân siêu giàu. Năm 2021, anh đồng sáng lập Gruhas, công ty đầu tư hỗ trợ các công ty trong lĩnh vực xây dựng giảm lượng khí thải carbon.

Arthur Dantchik
$7,2 tỉ • Thương mại, đầu tư • Mỹ


Dantchik đồng sáng lập công ty thương mại Susquehanna International Group với tỉ phú kiêm người bạn thân thời trung học Jeff Yass. Hiện là giám đốc điều hành, Dantchik đã giám sát chi nhánh liên doanh của công ty tại Trung Quốc vào thời điểm doanh nghiệp này là một trong những công ty đầu tiên đầu tư vào ByteDance, công ty mẹ của TikTok (ông ngồi trong hội đồng quản trị) vào năm 2012.

Alexander Gerko
$5 tỉ • Thương mại • Vương Quốc Anh


Từng là nhà giao dịch định lượng FX của Deutsche Bank, Gerko thành lập và điều hành công ty giao dịch thuật toán XTX Markets. Nhà tài chính sống tại London, người đã từ bỏ quốc tịch Nga vào năm 2022, kiếm được hơn một tỉ đô la Mỹ tiền cổ tức và là người nộp thuế lớn nhất của vương quốc Anh vào năm 2022.

Hayes Barnard
$3,7 tỉ • Công nghệ tài chính  • Mỹ


Ông tài trợ 26% cho tất cả các công trình lắp đặt năng lượng mặt trời tại nhà ở Hoa Kỳ – khoản vay gần 800 triệu đô la Mỹ/tháng – thông qua ứng dụng GoodLeap của mình, ứng dụng kết nối chủ nhà với người cho vay lắp đặt tấm pin mặt trời, pin gia đình và các phương pháp cải tiến bền vững khác. Barnard thành lập công ty vào năm 2018 và sở hữu 40%.

Stephen Deckoff
$3 tỉ • Vốn cổ phần tư nhân  • Mỹ


Deckoff thành lập và điều hành Black Diamond Capital Management trị giá chín tỉ đô la Mỹ (tài sản quản lý), chuyên về các khoản nợ có lợi suất cao, nợ khó đòi, tái cơ cấu và phục hồi tài chính. Hồi tháng 8.2022, ông chi ra 13,2 triệu đô la Mỹ cho dinh thự ở Beverly Hills mà trước đó rapper Diddy đã thuê.

Nithin Kamath
$2,7 tỉ • Dịch vụ tài chính • Ấn Độ


Từng bỏ học đại học kỹ thuật, ông trải qua hơn mười năm làm giao dịch viên trước khi đồng sáng lập công ty môi giới giảm giá trực tuyến Zerodha cùng với em trai mình, Nikhil (xem hình bên phải), ở tuổi 30. Ông là CEO.

Samuel Chen
$2,3 tỉ • Đầu tư • Đài Loan (TQ)


Là nhà đầu tư ban đầu của Zoom, Chen đã đặt cược vào hơn sáu công ty công nghệ sinh học và điện tử ở Đài Loan. Trong số đó có tập đoàn Polaris, lên sàn vào năm ngoái và có một loại thuốc trị ung thư được cấp bằng sáng chế đã hoàn tất thành công các thử nghiệm lâm sàng.

Rajiv Jain
$2 tỉ • Tài chính • Mỹ


Jain lãnh đạo GQG Partners, công ty quản lý tài sản có trụ sở tại Florida trị giá 9,1 tỉ đô la Mỹ (tài sản quản lý), được giao dịch công khai tại Úc. GQG đã đầu tư 1,9 tỉ đô la Mỹ vào tập đoàn Adani đang gặp khó khăn của Ấn Độ vào tháng 3.2023.

Jahm Najafi
$1,3 tỉ • Đầu tư • Mỹ

Ông điều hành công ty cổ phần tư nhân Najafi Companies có trụ sở tại Phoenix. Một trong số các khoản đầu tư tốt nhất của ông là số cổ phần ước tính 10% của đội Phoenix Suns thuộc giải đấu NBA, được mua năm 2009 với giá khoảng 43 triệu đô la Mỹ. Hồi tháng 2.2023, tỉ phú Mat Ishbia đã mua phần lớn đội bóng với mức định giá kỷ lục bốn tỉ đô la Mỹ.


TỈ PHÚ TRẺ NHẤT




Độ tuổi trung bình của các tỉ phú năm nay là 65, mặc dù danh sách có số tuổi đa dạng từ doanh nhân ngành bảo hiểm 101 tuổi George Joseph cho đến những người ở độ tuổi thanh thiếu niên. Dưới đây là 15 thành viên của danh sách Tỉ phú thế giới từ 30 tuổi trở xuống, trong đó có chín gương mặt mới.





Ben Francis
$1,2 tỉ • Gymshark • LH Anh. • 30


Thời điểm Francis thành lập nhà sản xuất quần áo thể thao Gymshark vào năm 2012 ở tuổi 19, anh đang vừa học đại học vừa giao bánh pizza.

Anh đã may những sản phẩm đầu tiên tại nhà để xe của cha mẹ mình ở Birmingham, vương quốc Anh và dùng phương pháp tiếp thị tương tác bất ngờ để tiến vào lĩnh vực dụng cụ tập luyện, thuê những người có ảnh hưởng trong môn cử tạ để quảng bá thương hiệu của mình.

Gymshark đạt doanh thu hơn 500 triệu đô la Mỹ vào năm 2021. Francis đã bán 21% doanh nghiệp cho công ty cổ phần tư nhân General Atlantic vào năm 2020 với giá 300 triệu đô la Mỹ nhưng vẫn sở hữu 70%.

Clemente Del Vecchio, Luca Del Vecchio &
Leonardo Maria Del Vecchio
$3,5 tỉ, $3,5 tỉ, $3,5 tỉ • Luxottica • Ý • 18, 21, 27


Thế giới có một tỉ phú tuổi thiếu niên mới sau khi ông lớn ngành mắt kính Leonardo Del Vecchio qua đời vào tháng 6.2022, để lại tài sản cho vợ góa và sáu người con. Clemente, Luca và Leonardo – ba người trẻ nhất – mỗi người được thừa hưởng 12,5% cổ phần của Luxottica, công ty sở hữu các thương hiệu bao gồm Sunglass Hut và Ray-Ban.

Kim Jung-youn & Kim Jung-min
$1,7 tỉ, $1,7 tỉ •
Trò chơi trực tuyến • Hàn Quốc • 19, 21


Mỗi chị em được thừa kế 15% cổ phần của nhà sản xuất trò chơi Nexon sau khi cha của họ, Kim Jung-ju, người sáng lập công ty, qua đời vào tháng 2.2022.

Kevin David Lehmann
$2,3 tỉ • Hiệu thuốc • Đức • 20


Cha của anh đã trao cho anh 50% cổ phần của chuỗi hiệu thuốc Đức dm-drogerie markt ở tuổi 14, và số tài sản này được giám hộ cho đến khi anh đủ 18 tuổi. Cả Lehmann và cha anh đều không tham gia điều hành công ty có doanh thu 14 tỉ đô la Mỹ.

Alexandra Andresen, Katharina Andresen
$1,5 tỉ, $1,5 tỉ • Đầu tư • Na Uy • 26, 27


Hai chị em là chủ sở hữu thế hệ thứ sáu của Ferd, công ty đầu tư trị giá hơn bốn tỉ đô la Mỹ (vốn chủ sở hữu) mà cha của họ, Johan, đang điều hành. Katharina làm việc cho một công ty xây dựng ở Oslo; Alexandra là vận động viên đua ngựa chuyên nghiệp.

Wang Zelong
$1,4 tỉ • Sản xuất hóa chất  • Trung Quốc • 26


Tài sản của Wang chủ yếu đến từ cổ phần trong công ty CNNC Hua Yuan Titanium Dioxide được niêm yết tại Thâm Quyến, nhà sản xuất hóa chất được sử dụng để tạo ra sắc tố trắng cho những thứ như sơn và giấy.

Ryan Breslow
$1,1 tỉ • Thương mại điện tử • Mỹ • 28


Chàng trai bỏ học đại học Stanford đã thành lập ba công ty khởi nghiệp, mỗi công ty cách nhau bốn năm: Bolt (2014), công ty giúp anh trở nên nổi tiếng, Eco (2018) và Love (2022). Cả ba công ty đều đặt mục tiêu loại bỏ những khâu trung gian trong quá trình xử lý thanh toán, tài chính cá nhân và dược phẩm.

Gustav Magnar Witzoe
$2,7 tỉ • Trang trại nuôi cá  • Na Uy • 29


Anh thừa kế gần một nửa công ty nuôi cá hồi SalMar ASA nhưng không tham gia điều hành. Thay vào đó, anh chọn trở thành nhà đầu tư khởi nghiệp công nghệ và bất động sản.

Palmer Luckey
$1,7 tỉ • Thực tế ảo • Mỹ• 30


Cựu thành viên danh sách tỉ phú tuổi thiếu niên này thành lập hãng sản xuất kính thực tế ảo (VR) Oculus và bán cho Facebook với giá hai tỉ đô la Mỹ vào năm 2014, sau đó bắt đầu chế tạo vũ khí. Công ty khởi nghiệp công nghệ quốc phòng của anh, Anduril, đã huy động được 1,5 tỉ đô la Mỹ với mức định giá 8,5 tỉ đô la Mỹ vào tháng 12.2022.

Mark Mateschitz
$34,7 tỉ • Red Bull • Áo • 30


Gương mặt mới giàu nhất năm nay được thừa hưởng 49% cổ phần của công ty nước tăng lực khổng lồ Red Bull sau khi cha anh, nhà đồng sáng lập Dietrich Mateschitz, qua đời vào tháng 10.2022. Anh nhanh chóng từ chức trưởng bộ phận hữu cơ của công ty để “tập trung vào vai trò cổ đông của mình.”

Michal Strnad
$2 tỉ • Vũ khí • Cộng hòa Czech • 30


Tập đoàn Czechoslovak của anh là một trong những nhà cung cấp đạn dược và pháo lớn nhất cho quân đội Ukraine, nhờ đó tăng gấp đôi doanh thu lên 620 triệu đô la Mỹ trong nửa đầu năm 2022. Anh nắm toàn quyền kiểm soát doanh nghiệp do cha mình thành lập vào năm 2018.


RỜI DANH SÁCH




Số lượng tỉ phú trên toàn cầu đã giảm trong năm thứ hai liên tiếp, khi cả thị trường công lẫn tư đều rung chuyển. Tổng cộng, 254 người đã bị loại khỏi danh sách năm 2023 và có 33 thành viên khác đã qua đời. Dưới đây là một số người nổi tiếng nhất đã mất chỗ trong câu lạc bộ tỉ phú.




Sam Bankman-Fried • Quốc tịch: Mỹ
Tài sản ròng: ít hơn $10 triệu (giảm từ $24 tỉ)

“Thần đồng” tiền mã hóa đã thuyết phục khách hàng, nhà đầu tư và cả Forbes rằng sàn giao dịch FTX của anh là tương lai của tiền mã hóa. Chiêu bài của anh sụp đổ vào cuối năm 2022, và giờ đây Sam Bankman-Fried phải đối mặt với cáo buộc liên bang về gian lận, rửa tiền và vi phạm luật vận động tranh cử (anh phủ nhận các tội danh này).

Anh và đồng sáng lập Gary Wang – người đã nhận tội lừa đảo và được cho là đang hợp tác với chính quyền – là hai trong số bảy nhà đầu tư tiền mã hóa bị loại khỏi danh sách năm nay.



Zhao Weiguo • Quốc tịch: Trung Quốc
Tài sản ròng: ít hơn $100 triệu (giảm từ $2,8 tỉ)


Trong bối cảnh cuộc điều tra sâu rộng về ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc, một cơ quan quản lý Trung Quốc đã buộc tội tham nhũng đối với cựu chủ tịch của tập đoàn bán dẫn Tsinghua Unigroup do chính phủ hậu thuẫn.

Việc phá sản theo hướng tái cơ cấu khiến Zhao, người được cho là đã “biến mất” vào năm ngoái, không còn bất kỳ cổ phần nào trong các công ty của Tsinghua Unigroup. Forbes không thể liên lạc với Zhao.




Alex Atallah • Quốc tịch: Mỹ
Tài sản ròng: ít hơn $600 triệu (giảm từ $2,2 tỉ)


Tình trạng bong bóng đối với các NFT được bán trên thị trường OpenSea, do Atallah và Devin Finzer đồng sáng lập, đã bùng nổ. Doanh số bán NFT – các tệp máy tính được sử dụng để theo dõi quyền sở hữu các tài sản kỹ thuật số độc đáo bao gồm nghệ thuật và âm nhạc – đã giảm mạnh, làm giảm giá trị của OpenSea từ 13,3 tỉ đô la Mỹ xuống còn ước tính 3,1 tỉ đô la Mỹ. Hồi tháng 7.2022, OpenSea đã sa thải 20% nhân viên của mình.



Yvon Chouinard • Quốc tịch: Mỹ
Tài sản ròng: ít hơn $100 triệu (giảm từ $1,2 tỉ)


Chouinard – từ lâu đã phàn nàn về việc ông vào danh sách những người giàu của Forbes và từng viết rằng hoạt động kinh doanh “phải gánh chịu phần lớn trách nhiệm vì là kẻ thù của tự nhiên” – đã từ bỏ vị trí của mình vào tháng 9.2022 khi tặng đi cửa hàng bán lẻ quần áo và dụng cụ ngoài trời của mình, Patagonia, cho một quỹ tín thác và một tổ chức phi lợi nhuận chống khủng hoảng môi trường. Doanh nghiệp do Chouinard thành lập năm 1973 dành 1% doanh thu để tài trợ cho các nhóm hoạt động vì môi trường.



Henrique Dubugras • Quốc tịch: Brazil
Tài sản ròng: khoảng $900 triệu (giảm từ $1,5 tỉ)


Cơn sốt tài trợ cho các công ty khởi nghiệp đã thất bại, gây ảnh hưởng đến việc định giá các kỳ lân. Tổng cộng, có 51 nhà sáng lập kỳ lân có giá trị sụt giảm so với chưa đầy một năm trước. Ít nhất 19 người không còn là tỉ phú nữa, bao gồm Dubugras và đồng sáng lập Pedro Franceschi, những người sáng lập công ty fintech về thẻ tín dụng Brex. Công ty của họ hiện có giá trị ước tính khoảng 6,4 tỉ đô la Mỹ, giảm từ 12,3 tỉ đô la Mỹ vào đầu năm 2022.




Niraj Shah • Quốc tịch: Mỹ
Tài sản ròng: khoảng $600 triệu (giảm từ $1,6 tỉ)


Nhu cầu đối với ghế sofa, giường và thảm từ nhà bán lẻ hàng gia dụng trực tuyến Wayfair của ông đã giảm mạnh, khiến cổ phiếu – tăng 90% trong thời kỳ đại dịch – giảm 75% kể từ năm ngoái. Hồi tháng 1.2023, Shah (CEO kiêm đồng chủ tịch) và đồng sáng lập Steve Conine (đồng chủ tịch; cũng là một người bị loại khỏi danh sách) thông báo Wayfair đang cắt giảm 10% lực lượng lao động như một phần của kế hoạch tiết kiệm chi phí 1,4 tỉ đô la Mỹ.





TƯỞNG NHỚ






Dietrich Mateschitz 78 (1944–2022)


 Là công dân Áo, Mateschitz đã phát hiện ra nước tăng lực khi đi du lịch đến châu Á lúc còn là giám đốc tiếp thị. Sau đó vào năm 1987, ông hợp tác với một doanh nhân Thái Lan để tạo ra nước uống Red Bull của riêng họ và phát triển thành thương hiệu toàn cầu đồng hành cùng các môn thể thao mạo hiểm. Con trai của Mateschitz, Mark, được thừa kế 49% cổ phần của ông trong doanh nghiệp có doanh thu 10 tỉ đô la Mỹ này.







Lily Safra • 87 (1934–2022)

Safra được thừa kế phần lớn tài sản của mình từ người chồng thứ tư, chủ ngân hàng người Brazil Edmond Safra, người đã chết trong vụ hỏa hoạn năm 1999 tại căn hộ ở Monaco của họ, do y tá của ông đốt. Là công dân Monaco sinh ra ở Brazil, Safra đã chủ trì quỹ Edmond J. Safra, tổ chức hỗ trợ các hoạt động bao gồm giáo dục, khoa học và y học.







Ted Lerner97 (1925–2023)

Lerner mượn vợ 250 đô la Mỹ vào năm 1952 để bắt đầu kinh doanh bất động sản, cuối cùng trở thành một trong những nhà phát triển lớn nhất của khu vực Washington, D.C.. Năm 2006, ông mua đội bóng chày Washington Nationals, hiện do con trai Mark điều hành, với giá 450 triệu đô la Mỹ. Đội này hiện trị giá hai tỉ đô la Mỹ.










———————————-

Biên dịch: Quỳnh Anh

Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam số 117, tháng 5.2023