Một vài nhà đầu tư vào dự án GRAM coin trước đó của Telegram mất tiền trong khi Toncoin thu hút nhiều người dùng.
Một vài năm trước, ứng dụng nhắn tin Telegram thông báo tạo ra một blockchain (công nghệ khối) có tên là Telegram Open Network (TON). Ứng dụng phát hành đồng tiền riêng gọi là Gram. Bạn có thể sử dụng Gram để mua và bán mọi thứ trên Telegram. Điều này sẽ trở nên thú vị như sử dụng đồng Libra mua và bán mọi thứ trên Facebook, nếu những dự định này được hiện thực hóa. Nhưng đó lại điều không thể thực hiện.
Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) cho biết những đồng tiền đó có thể cạnh tranh với đồng đô la trong hoạt động thương mại. Ngoài ra, cục Dự trữ Liên bang không muốn có thêm bất kỳ đồng tiền mã hóa nào ngoại trừ đồng đô la kỹ thuật số do Ngân hàng Trung ương phát hành nên ngăn chặn sáng kiến phát hành tiền mã hóa Diem Association của Facebook.
Facebook đã thất bại.
Nhưng Telegram dường như không gặp phải tình trạng giống như vậy. Ứng dụng phát hành được đồng tiền riêng như những gì Facebook muốn.
Sau khi SEC ra lệnh ngừng bán Gram, Toncoin lập tức ra đời để thay thế cho Gram như một lựa chọn mới. Toncoin hoàn toàn khác với Gram, vốn được phát hành để huy động đầu tư vào chính Telegram.
Theo văn phòng báo chí của Telegram, cả hai là những dự án tách biệt nhau về mặt pháp lý nhưng trên thực tế dự án Toncoin đang tạo ra nhiều tranh cãi cho nhiều nhà đầu tư vào Gram. Giống như Gram trước đó, Toncoin là tiền mã hóa gốc được ứng dụng nhắn tin Telegram sử dụng.
Vào tháng 1.2022, có khoảng 200 ngàn ví đang hoạt động nắm giữ Toncoins. Tính đến cuối tháng 5, số lượng tăng lên gần 600 ngàn.
TON Blockchain là một trong những dự án công nghệ có lợi nhuận cao nhất từng được tạo ra bằng nguồn vốn và sức mạnh khối óc do Nga hậu thuẫn. Pavel Durov là tâm điểm của chương trình, được khen ngợi như một lập trình viên tài giỏi vì đã đánh sập bộ máy tình báo Nga nổi tiếng với tên viết tắt là FSB trước khi đi tị nạn.
Giống như nhiều nhà sáng lập mạng xã hội khác, Durov đã nảy ra ý tưởng thực hiện đợt phát hành tiền mã hóa đầu tiên vào năm 2018 để tạo ra nền tảng thương mại kỹ thuật số của riêng Telegram trên ứng dụng nhắn tin, một trong những nền tảng lớn nhất thế giới, chỉ kém WhatsApp và WeChat.
Telegram huy động được 1,7 tỉ USD từ 171 nhà đầu tư, trong đó có các tỉ phú người Nga Roman Abramovich và Yuri Milner; nhà sáng lập Qiwi Sergei Solonin; doanh nhân Nga Said Gutseriev; đồng sáng lập hãng sữa khổng lồ của châu Âu Wimm-Bill-Dann, David Yakobashvili, và những nhà đầu tư khác, để phát triển dự án – chủ yếu hệ sinh thái thương mại điện tử do Telegram điều hành, lựa chọn sử dụng đồng Gram trong giao dịch.
Tuy nhiên, SEC ra lệnh tạm dừng bán Gram và buộc Telegram phải trả lại tiền cho các nhà đầu tư.
Vào ngày 26.6.2020, tòa án phê duyệt thỏa thuận giữa SEC và Telegram Group Inc. lẫn công ty con, TON Issuer Inc. để giải quyết cáo buộc mã token kỹ thuật số (Gram) của Telegram vi phạm luật chứng khoán liên bang Hoa Kỳ. Telegram đồng ý trả lại 1,2 tỉ USD cho các nhà đầu tư và nộp phạt 18,5 triệu USD.
Telegram đề nghị hoàn lại tiền cho các nhà đầu tư vào Telegram Open Network hồi năm 2018 thông qua hình thức nhận ngay 72% tổng số tiền đầu tư hoặc cho Telegram vay trong một năm, sau đó được trả thêm 10% bằng tiền mặt, Gram hoặc một đồng tiền mã hóa khác.
Tuy nhiên, chỉ có khoảng 70% được hoàn trả lại. Phần còn lại thì không. Nhiều nhà đầu tư tổ chức bị mất vốn, trong đó có các nhà đầu tư Nga Zotobi Management Limited (Igor Chuprin) – mất 280.000 USD – và Da Vinci Capital – mất 20 triệu USD, theo Forbes Russia.
Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư Hoa Kỳ nhận lại được 72% tổng số tiền đầu tư và thoát khỏi dự án mã token Gram. Còn những nhà đầu tư ở nước khác được trả 110% tổng số tiền đầu tư. Đây dường như là quyết định của Telegram, không phải là quyết định của SEC.
Tuy nhiên sau đó, dự án Gram biến thành dự án TON ( viết tắt của cụm từ là “The Open Network”) nên những nhà đầu tư thắc mắc tại sao không được trả lại tiền đầu tư từ khoản thu được trong dự án TON thay vì buộc họ phải chịu lỗ. Vốn hóa thị trường của Toncoin khi đã hoàn toàn pha loãng ở mức khoảng 5 tỉ USD, mặc dù số vốn này được huy động từ những cá nhân đầu tư vào tiền mã hóa, trong đó có cả các nhà đầu tư bán lẻ.
Theo một số nhà đầu tư vào Telegram, muốn giấu tên do công ty đang bị cáo báo cuộc pháp lý, TON Network hoạt động nhờ vào khoản tiền đầu tư vào Gram. Các nhà đầu tư hiện đang kiện Telegram vì không nhận được khoản lợi nhuận nào từ khoản đầu tư này. Đây là mấu chốt của câu chuyện.
“Các nhà phát triển Toncoin có nguy cơ bị những nhà đầu tư trước đó của nền tảng blockchain Telegram yêu cầu hoàn trả lại khoản tiền thua lỗ,” Slava Semenchuk, nhà đầu tư dự án tiền mã hóa và đầu tư mạo hiểm nổi tiếng của Nga nói với Forbes Russia. “Các nhà đầu tư đã không nhận lại được toàn bộ số tiền của mình. Không có gì thay đổi trong TON, ngay cả mã,” ông cho biết thêm.
Nhưng theo văn phòng phụ trách báo chí của Telegram, TON Network là dự án tách biệt với Gram. TON không liên quan, như Durov đã nói trên phương tiện truyền thông xã hội của mình. Ngay cả từ “Telegram” cũng không nằm trong tên của dự án. Một số nhà đầu tư cảm thấy hoài nghi.
Vào ngày 12.5.2020, Durov tuyên bố chấm dứt dự án TON. Nhưng vào ngày 23.12.2021, anh cho biết ủng hộ Toncoin trên kênh tiếng Anh thuộc ứng dụng nhắn tin này.
Toncoin dành cho công chúng, trong khi Gram chỉ dành cho một số nhà đầu tư được phép giao dịch chứng khoán.
Tuy nhiên, Toncoin cũng giống như bất kỳ loại tiền mã hóa nào để đầu tư vào.
Tại Nga, hồi tháng 1 rapper nổi tiếng Morgenshtern thông báo đang mua Toncoin. Giống như Elon Musk thông báo đang mua Dogecoin, giá Toncoin tăng 20% sau khi rapper chào bán tiền mã hóa anh sở hữu. Cùng thời gian đó, Morgenstern mở một kênh tin tức trên Telegram, được quảng cáo tích cực trong ứng dụng nhắn tin và thu hút 1,3 triệu người xem chỉ trong vài tuần. Kênh ca ngợi về sự phổ biến của Telegram và Toncoin như nơi đầu tư cho các nhà bán lẻ tiền mã hóa.
“Vào một vài thời điểm, cộng đồng Telegram thông báo TON Network không còn là một mạng thử nghiệm nữa mà đang hoạt động cũng như đổi tên mạng thử nghiệm Grams thành Toncoin”, Forbes Russia đưa tin vào năm ngoái.
Những người không nhận lại đầy đủ khoản đầu tư sau khi đợt phát hành tiền mã hóa đầu tiên bị hủy, đang kiện để được trả lại tiền từ TON Network vì tuyên bố mình là những nhà đầu tư đầu tiên vào dự án.
“Những nhà đầu tư này không có cơ hội đổi Grams lấy Toncoins,” một đại diện từ nhóm nhà đầu tư muốn giấu tên cho biết. “Giao dịch đổi Gram lấy Toncoin như vậy sẽ thu hút sự chú ý của SEC cho dù chỉ ở mức thử nghiệm dự án thì SEC cũng sẽ chấm dứt toàn bộ vụ lừa đảo liên quan đến Gram nếu Gram bây giờ đổi thành Toncoin.”
Có một nhóm nhà đầu tư sở hữu đến 4,9 tỉ đồng Toncoins, chiếm 99% trong tổng số năm tỉ Toncoins. Hầu hết các đồng tiền được giữ trong khoảng 100 ví của những nhóm ẩn danh.
Telegram thông báo chính thức ra mắt dịch vụ thanh toán tiền mã hóa trên ứng dụng nhắn tin hồi tháng 5 và tiền mã hóa duy nhất để giao dịch trên ứng dụng là Toncoin, cho dù còn có nhiều đồng tiền khác. Vậy rõ ràng Telegram đầu tư và quản lý TON Network.
Kế hoạch biến Toncoin trở thành đồng tiền Telegram chính thức được công bố ngay sau khi TON Foundation bổ sung đồng nghiệp cũ Andrew Rogozov của Durov, một người bạn thân từ những ngày còn làm tại VKontakte – nền tảng truyền thông xã hội lớn nhất của Nga.
“Facebook không thể phát hành tiền mã hóa Libra, nhưng Pavel và Telegram đã phát hành thành công,” một trong những người biết rõ về những dự án trên nhưng không muốn tiết lộ tên cho biết. “Hóa ra tất cả những gì cần làm là đổi tên Gram thành Toncoin và đưa ra vài lời tuyên bố Telegram không liên quan gì đến điều này. Nhưng sự thật lại cho thấy điều ngược lại – không có loại tiền mã hóa nào khác có được cơ hội sử dụng trên Telegram như Toncoin.”
Telegram không xác nhận cũng như không phủ nhận có một vài nhà đầu tư không được hoàn trả lại tiền đầu tư. Họ cho biết công ty “thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo hợp đồng mua bán với tất cả các nhà đầu tư trong năm 2020. Ngoài ra, có nhiều nhà đầu tư được trả lại 110% khoản tiền đầu tư ban đầu trong năm 2021. Tất cả các nhà đầu tư vào TON nổi tiếng thế giới mà chúng tôi đã nói chuyện đều hiểu rõ bản chất của rào cản chúng tôi gặp phải và đánh giá cao cách giải quyết.”
Telegram có quy phạm thỏa thuận giải quyết với SEC không? Thỏa thuận giải quyết đó yêu cầu Telegram trả lại tiền cho các nhà đầu tư, nộp phạt và yêu cầu Telegram đưa ra thông báo về các dịch vụ kỹ thuật số trong tương lai. Toncoin là cách giải quyết phù hợp trong trường hợp này. Đó là những gì mà các nhà đầu tư không nhận lại đồng nào cho biết khi tin vào một trong những nhà sáng lập công nghệ nổi tiếng nhất thế giới cũng như hy vọng lựa chọn đó sẽ thay thế cho WhatsApp. Điều này xảy ra ngay đúng thời điểm tiền mã hóa đang bị giảm giá mạnh và cũng để kiểm tra sự kiên nhẫn của nhà đầu tư.
Hiện tại Telegram có nguy cơ bị SEC truy tố lại do những hậu quả gây ra cho cả công ty và những nhà đầu tư. Telegram cũng khiến những nhà bán lẻ Toncoin gặp rủi ro vì những tuyên bố mới từ SEC sẽ tạo ra một làn sóng bán tháo dẫn đến giá của tất cả các loại tiền mã hóa sụt giảm mạnh thêm ở thời điểm hiện tại.
Biên dịch: Gia Nhi
Xem thêm:
Snapchat, Signal và Telegram hưởng lợi từ sự cố sập mạng toàn cầu của Facebook
Hơn 1 tỉ USD bị chiếm đoạt từ các vụ lừa đảo tiền mã hóa
20 tỉ phú công nghệ giàu nhất thế giới từ đầu năm 2022
2 năm trước
Những gương mặt tỉ phú mới nổi bật nhất năm 2021