Hồ sơ công ty

Elizabeth Holmes bị kết án bốn tội danh lừa đảo

Sau ba tháng xét xử, Elizabeth Holmes bị kết án bốn tội danh lừa đảo nhà đầu tư khi còn điều hành công ty xét nghiệm máu Theranos.

Share
this:

Ngày 3.1, Elizabeth Holmes, cựu CEO của công ty xét nghiệm máu Theranos, người bị cáo buộc lừa đảo nhà đầu tư, bác sĩ và bệnh nhân sử dụng máy kiểm tra máu của công ty, đã bị buộc 4 tội danh lừa đảo qua đường điện tín (wire fraud) và âm mưu lừa đảo qua đường điện tín, theo hãng tin AP.

Bồi thẩm đoàn tại tòa án liên bang San Jose, California, cũng phán quyết Holmes, 37 tuổi, không có tội với bốn tội danh bổ sung, và họ không thể thống nhất về phán quyết với ba tội danh cuối cùng sau bảy ngày xem xét cân nhắc.

Bốn tội danh bị kết án liên quan đến lừa đảo qua đường dây điện tín và âm mưu lừa đảo các nhà đầu tư. Cô không bị kết án bốn tội danh liên quan đến lừa đảo và âm mưu lừa đảo bệnh nhân và bác sĩ. Ba tội danh còn lại chưa thể phán quyết liên quan đến chuyển tiền qua ngân hàng điện tử cụ thể.


CEO Theranos Elizabeth Holmes tham gia hội nghị công nghệ của Wall Street Journal ở Laguna Beach, California vào ngày 21.10.2015. Getty Images/Forbes

Holmes không nhận hai tội danh âm mưu lừa đảo qua đường dây điện tín và chín tội danh lừa đảo qua đường dây điện tín. Những tội danh này có thể khiến cô chịu mức án cao nhất là 20 năm tù và 250.000 USD tiền phạt, cộng với tiền bồi thường cho mỗi tội danh.

Trong phiên tòa kéo dài ba tháng, các công tố viên lập luận Holmes “biết rõ” các máy của Theranos không thể thực hiện hàng chục xét nghiệm chỉ với một vài giọt máu nhưng lại quảng cáo công dụng quá mức; đã khai báo sai doanh thu của công ty và sử dụng các máy đã điều chỉnh của bên thứ ba để đánh lừa các nhà đầu tư và các tổ chức đối tác nhằm kiếm tiền và tạo danh tiếng.

Theo Wall Street Journal, các công tố viên có thể yêu cầu mở phiên tòa xét xử mới để tiếp tục xét xử và kết tội cho ba tội danh chưa được phán quyết.

Holmes trở nên nổi tiếng sau khi cô bỏ học đại học năm 19 tuổi và thành lập Theranos với sứ mệnh cách mạng hóa ngành chăm sóc sức khỏe.

Công ty nhận được sự hậu thuẫn từ những nhà đầu tư nổi tiếng bao gồm Rupert Murdoch và Henry Kissinger. Giống như Steve Jobs, Holmes trở nên nổi tiếng với chiếc áo cổ lọ màu đen đặc trưng và giọng nói trầm. Cô là một trong số ít những nữ sáng lập ở thung lũng Silicon và được ca ngợi như một nhân vật truyền cảm hứng cho các nữ doanh nhân và phụ nữ khác trong lĩnh vực STEM.

Cô được xem như là nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng lớn trên thị trường, xuất hiện trên trang bìa của tạp chí Forbes, Fortune, Inc. và T. của New York Times ,thậm chí còn được cựu Tổng thống Barack Obama gọi là đại sứ doanh nhân toàn cầu.

Wall Street Journal là tờ đầu tiên có một loạt bài phản ánh về những hành vi bị cáo buộc là lừa đảo của cô trong những năm 2015 và 2016, và được biết đến nhiều qua bộ phim tài liệu HBO nổi tiếng trong năm 2019 The Inventor: Out for Blood in Silicon Valley .

Trong phiên tòa, cựu kiểm soát viên công ty của Theranos nói rằng công ty đang gánh những khoản lỗ kỷ lục, nhưng Holmes đã thổi phồng doanh thu với một số nhà đầu tư. Luật sư bào chữa cho Holmes lập luận rằng cô mắc sai lầm, nhưng không cố tình lừa dối bệnh nhân. Trong phần tự biện hộ, Holmes thừa nhận một vài hành vi sai trái. Khi được hỏi về lý do cô sử dụng logo của Pfizer và Schering-Plough trong các báo cáo gửi đến nhà đầu tư, cô cho biết, “Tôi ước tôi có thể làm khác.”

Đối tác kinh doanh cũ và cũng là người yêu cũ của Holmes, Sunny Balwani, cũng bị cáo buộc cùng tội danh với cô, nhưng anh cũng không nhận tội. Phiên tòa xét xử anh sẽ bắt đầu từ ngày 15.2.2022. Trong phiên tòa xét xử cô, Holmes mô tả Balwani đã có những hành vi lạm dụng mình (cáo buộc Balwani bác bỏ) và nói anh đã ảnh hưởng đến quyết định của cô.

Biên dịch: Gia Nhi