Doanh nghiệp

Sila xây dựng nhà máy sản xuất cực dương silicon cho pin xe điện

Cựu kỹ sư của Tesla xây dựng nhà máy sản xuất cực dương silicon khi Mỹ đẩy mạnh sản xuất pin xe điện trong nước.

Share
this:

Sila, startup nguyên vật liệu sản xuất pin do một trong những kỹ sư đầu tiên của Tesla đồng sáng lập và được Mercedes-Benz hậu thuẫn, đang xây dựng nhà máy quy mô lớn ở Washington để sản xuất cực dương pin sử dụng silicon thay vì graphite.

Công ty cho biết đang nhắm đến sản xuất pin xe điện tiết kiệm năng lượng và giá rẻ hơn.

Đồng sáng lập và CEO của Sila, Gene Berdichevsky phát triển vật liệu cực dương có thể nâng cao mật độ năng lượng và giảm chi phí trong sản xuất pin xe điện. Ảnh: Sila/Forbes

Công ty ở Alameda, California, do CEO Gene Berdichevsky dẫn đầu, đang chuyển đổi tòa nhà công nghiệp rộng 55,7 m2 trên 64 ha ở Moses Lake, Washington, thành nhà máy công nghệ cao sẽ sản xuất đủ nguyên vật liệu cực dương của pin có thể cung cấp cho nửa triệu xe điện mỗi năm trong giai đoạn đầu.

Theo thời gian, nhà máy sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2024, có thể mở rộng quy mô để sản xuất đủ cực dương từ silicon cho pin của hàng triệu xe điện. Nguồn điện cho nhà máy này sẽ không phát thải khí carbon do lưới điện thủy điện của Washington cung cấp.

Đầu tư trong giai đoạn đầu sẽ “thấp hơn chín con số” và sẽ “hơn 1 tỉ USD” để hoàn thiện nhà máy, Berdichevsky nói với Forbes nhưng không nói thêm chi tiết.

Công ty cho biết Daimler và BMW sẽ là những khách hàng đầu tiên sử dụng nguyên vật liệu của công ty trong các mẫu xe điện cao cấp.

“Trước hết, chúng tôi nâng cao mật độ năng lượng của pin, dự kiến cực dương của Sila giúp cải thiện tới 20% hiệu suất năng lượng so với pin lithium-ion tốt nhất hiện nay khi cực dương sản xuất bằng than chì được thay thế.

Chúng cũng có thể tạo điều kiện sạc nhanh hơn hoặc giảm chi phí nhờ vào giảm số lượng viên pin cần thiết để chạy cùng một quãng đường.

“Nếu chiếc xe của bạn có 1.000 viên pin, giúp xe chạy được quãng đường xa hơn khi mỗi pin tích trữ thêm 20% năng lượng, bạn có thể giảm xuống từ 1,000 viên pin xuống còn 800 viên pin. Giờ đây, xe nhẹ hơn và giá thành rẻ hơn.”

Nhà máy Moses Lake của Sila ở Washington sẽ được xây tại tòa nhà công nghiệp và dự kiến bắt đầu sản xuất thương mại cực dương silicon vào năm 2025. Ảnh: Sila/Forbes

Tin tức về Sila được công bố sau một ngày bộ Năng lượng Hoa Kỳ cho biết trích 3,1 tỉ USD trong quỹ liên bang thông qua dự luật cơ sở hạ tầng của lưỡng đảng để đẩy mạnh sản xuất trong nước các loại pin và nguyên vật liệu tiên tiến cho ô tô và xe tải điện.

Chính quyền Tổng thống Biden muốn số lượng xe điện chiếm một nửa trong tổng doanh số bán ô tô ở Hoa Kỳ vào năm 2030 và hy vọng mở rộng sản xuất xe và pin ở nước này sẽ giúp đạt được mục tiêu đó.

Sila có thể sẽ xin tài trợ vốn từ quỹ liên bang cho dự án xây dựng nhà máy ở Moses Lake giúp bộ Năng lượng thực hiện được những yêu cầu trên.

Tesla hiện là nhà sản xuất pin xe điện lớn nhất ở Mỹ, sản xuất pin tại nhà máy Gigafactory khổng lồ ở Nevada và tăng sản lượng nhờ vào nhà máy Giga Texas mới ở Austin, với pin có kích thước 46x 80mm mới, lớn hơn, đi kèm với xe.

General Motors, Ford, Volkswagen và các nhà sản xuất ô tô khác cũng công bố kế hoạch xây dựng nhà máy pin mới, trong khi các nhà cung cấp pin bao gồm Samsung, LG và Panasonic cũng đang tăng sản lượng ở Mỹ.

“Khoản đầu tư lịch sử của Tổng thống Biden vào sản xuất và tái chế pin rất cần thiết để làm thay đổi chuỗi cung ứng nội địa của chúng ta trở nên an toàn hơn và ít phụ thuộc hơn vào các quốc gia khác — đẩy mạnh nền kinh tế năng lượng sạch, tạo việc làm có thu nhập tốt và đạt được mục tiêu giảm lượng phát thải CO2 trong lĩnh vực giao thông vận tải,” bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm cho biết trong ngày 2.5.

Berdichevsky là nhân viên thứ bảy của Tesla, được thuê vào năm 2004 và từ đó trở thành kỹ sư pin chính cho Roadster, mẫu xe điện đầu tiên của công ty.

Vào thời điểm ra mắt xe điện, ông tập trung nhiều vào nghiên cứu tìm ra những cách mới sản xuất loại pin lithium-ion rẻ và hiệu suất cao hơn rất nhiều.

Ông đồng sáng lập Sila vào năm 2011 và huy động được 925 triệu USD trong 10 năm qua, bao gồm khoảng 600 triệu USD vào đầu năm 2021, để phát triển công nghệ về silicon và đầu tư vào giai đoạn đầu của nhà máy ở Washington.

CEO Sila Gene Berdichevsky, (ở giữa), cùng Ryan Su, của nhóm dự án vốn, (trái) và giám đốc dự án cấp cao Mark Patterson. Ảnh: Sila/Forbes

Cực dương là một trong bốn thành phần chính của pin, cùng với cực âm, vật liệu phân cách và chất điện phân. Vật liệu cực dương thường là graphite, giúp dòng điện chạy qua mạch bên ngoài và hấp thụ các ion lithium từ cực âm.

Berdichevsky cho biết hiện nay, hầu hết vật liệu cực dương cho pin lithium-ion đều được sản xuất ở châu Á.

“Đây sẽ là nhà máy đầu tiên có quy mô lớn nhất thế giới của chúng tôi. Chúng tôi sẽ sử dụng mô hình này như bản thiết kế và mở rộng ở Hoa Kỳ, trên khắp thế giới, ở châu Á và châu Âu,” ông cho biết. “Chúng tôi sẽ bắt đầu sản xuất pin cho các loại xe cao cấp và hợp tác với BMW và Mercedes. . . nhưng khi sản lượng tăng lên, pin sẽ cung cấp cho các nhà sản xuất thiết bị gốc để sử dụng trong nhiều hãng xe khác.”

 Cùng với Mercedes-Benz, các nhà đầu tư khác vào Sila bao gồm 8VC, Bessemer Venture Partners, Canada Pension Plan Investment Board, Coatue, In-Q-Tel, Matrix Partners, Sutter Hill Ventures và T. Rowe Price.

Biên dịch: Gia Nhi

Xem thêm:

GM thêm dòng xe lai Corvette vào năm 2023 và phiên bản xe điện
Các tập đoàn Hàn Quốc chạy đua sản xuất pin xe điện
Honda đầu tư 40 tỉ USD phát triển xe điện trong 10 năm tới
Elon Musk khánh thành nhà máy sản xuất xe điện lớn nhất ở Mỹ
VinFast xây nhà máy sản xuất xe điện 2 tỉ USD tại Mỹ