multi-media / Megastory

Bí quyết Wang Chuanfu đưa BYD đuổi kịp Tesla trên thị trường xe điện thế giới

Người đứng đầu Wang Chuanfu của công ty BYD chia sẻ cách làm giúp nhà sản xuất ô tô điện này đuổi kịp Tesla trong thị trường xe điện đang phát triển bùng nổ.

Công ty tại Thâm Quyến của ông đã vượt đối thủ Hoa Kỳ trong nửa đầu năm 2022, bán được khoảng 641.000 xe chạy điện và hybrid plug-in (PHEV – xe sử dụng song song điện chạy bằng pin và xăng/dầu), so với con số 564.000 xe của Tesla. Nhờ đó, doanh số của BYD tăng gấp bốn lần so với đầu năm, bất chấp sự gián đoạn của ngành do các đợt phong tỏa vì COVID-19 ở Thượng Hải.

BYD tiến lên vị thế dẫn đầu nhờ danh mục công nghệ tiên tiến của mình. Wang cho biết: “BYD đã nắm vững các công nghệ cốt lõi của toàn bộ chuỗi công nghiệp sản xuất phương tiện năng lượng mới, chẳng hạn như pin, động cơ và điều khiển điện tử.”

Danh mục đó cũng bao gồm cả thiết bị bán dẫn – BYD có bộ phận sản xuất chip, BYD Semiconductor, chuyên sản xuất chip sử dụng trong xe điện, cho phép công ty khắc phục tình trạng thiếu hụt chip ảnh hưởng đến doanh số của các nhà sản xuất xe điện khác.

Trong thị trường EV toàn cầu được dự đoán sẽ đạt 824 tỉ đô la Mỹ vào năm 2030 (với tỉ lệ tăng trường kép hằng năm – CAGR – 18%) – theo phân tích của công ty nghiên cứu Allied Market Research tại Portland – “sự tích hợp theo chiều dọc đang mang lại cho BYD sức mạnh lâu dài trong khi các đối thủ nhỏ hơn vẫn chưa làm được điều đó,” Bill Russo, CEO của công ty tư vấn đầu tư Automobility ở Thượng Hải cho biết.

Trong chín tháng đầu năm 2022, lợi nhuận ròng của BYD tăng gần gấp bốn lần lên mức kỷ lục 1,3 tỉ đô la Mỹ so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ doanh số bán xe điện mới tăng vọt 250% lên 1,2 triệu trong khoảng thời gian đó. Giá trị vốn hóa thị trường của công ty vào khoảng 100 tỉ đô la Mỹ, mặc dù thấp hơn Tesla, nhưng tương đương với tổng giá trị thị trường của các công ty có tiếng của Hoa Kỳ là Ford Motor và General Motors.

Nhờ đó, Wang có khối tài sản ròng trị giá 17,7 tỉ đô la Mỹ và xếp thứ 11 trong danh sách 100 người giàu nhất Trung Quốc. Ngoài Wang, BYD còn giúp sản sinh ra hai tỉ phú khác: Người đồng sáng lập và cũng là em họ của Wang, Lu Xiangyang, giám đốc không điều hành tại BYD, xếp thứ 18 với khối tài sản trị giá 12,7 tỉ đô la Mỹ, cùng giám đốc Xia Zuoquan, mặc dù ông này không đủ tài sản tối thiểu để vào danh sách.

BYD là cái tên quen thuộc ở Trung Quốc, thị trường đóng góp gần 70% doanh số của BYD. Wang đang theo đuổi cú hích mạnh mẽ hơn trên toàn cầu. Tại châu Á, gần đây doanh nghiệp 56 năm tuổi này đã ra mắt các mẫu xe điện mới ở Nhật Bản, Thái Lan và Ấn Độ, đồng thời có kế hoạch xây dựng nhà máy ở Thái Lan và Ấn Độ.

Vào tháng 10.2022, BYD giới thiệu ba mẫu xe điện tại Paris Auto Show, là một phần trong kế hoạch lớn hơn dành cho châu Âu. Công ty với hơn 30 cơ sở sản xuất trên toàn thế giới, cho biết họ dự kiến  bán được ít nhất 1,5 triệu xe điện trong năm nay, với mục tiêu đạt doanh số bốn triệu xe vào năm 2023.

Theo ông Wang, khi đã nắm vững bí quyết, chiến lược sẽ trở thành “phương hướng thành công của doanh nghiệp.” Ông chia sẻ: “Trước tiên, công nghệ phục vụ chiến lược và kế đến là hỗ trợ sản phẩm. Công nghệ có thể làm cho chiến lược của doanh nghiệp chính xác hơn và cũng có thể giúp doanh nghiệp nhìn cao hơn, xa hơn và sâu hơn.”

Ông nói thêm rằng cái giá phải trả cho một chiến lược sai lầm thường bị đánh giá thấp. “Nếu một mẫu xe bị hỏng, có thể chỉ tốn vài trăm triệu nhân dân tệ, nhưng nếu định hướng chiến lược sai lầm, có thể mất từ ba đến năm năm và tiền không thể mua được quãng thời gian đã mất.”

Một ví dụ về thành công khi kết hợp giữa công nghệ và chiến lược tại BYD là sự phát triển sản phẩm mà hãng gọi là pin blade (các tế bào pin dài, mỏng được xếp sát nhau đảm bảo tính toàn vẹn về cấu trúc cho loại pin LFP), một giải pháp thay thế không chứa coban cho các loại pin lithium-ion có khả năng sạc và xả ở tốc độ cao khác, được cho là an toàn và ổn định hơn. BYD không chỉ lắp pin đó cho ô tô của mình mà còn bán chúng cho các nhà sản xuất ô tô khác.

Một phần khác trong chiến lược của BYD là tạo ra những mẫu xe có giá cả phải chăng hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc Nio và XPeng nhắm đến thị trường hạng sang với những chiếc xe có mức giá cao hơn. Phần lớn dòng sản phẩm của BYD được bán với giá từ 13.200 đến 46.700 đô la Mỹ.

Trong khi đó, các mẫu xe Tesla có giá khởi điểm khoảng 50.000 đô la Mỹ trước khi được giảm giá thời gian gần đây. BYD cũng có bề dày hoạt động tại thị trường Trung Quốc đầy cạnh tranh và đã tiến ra nước ngoài lần đầu cách đây gần một thập niên với một nhà máy sản xuất xe buýt điện ở California.

Tu Le, người sáng lập Sino Auto Insights, công ty tư vấn theo dõi ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc, cho biết: “Họ đã giành được một số khách hàng khó tính, giúp họ có được bản lĩnh và bề dày kinh nghiệm.”

Ông Wang lớn lên ở một trong những tỉnh nghèo nhất đất nước. Ông rời quê để lấy bằng cử nhân và thạc sĩ về công nghệ pin rồi làm phó giám sát viên tại viện Nghiên cứu Kim loại màu Bắc Kinh.

Ở độ tuổi 20, Wang đến Thâm Quyến, trung tâm khởi nghiệp của Trung Quốc và vào năm 1995, cùng với người em họ Xiangyang, thành lập công ty sản xuất pin điện thoại di động mang tên BYD – từ viết tắt của “Build Your Dreams” – cung cấp pin cho những công ty như Dell. Ông mở rộng sang lĩnh vực ô tô vào năm 2003 với việc mua một công ty nhỏ tên là Tsinchuan Automobile.

Nhưng chính khoản đầu tư từ “nhà tiên tri xứ Omaha” mới thực sự đưa BYD góp mặt trên bản đồ đầu tư toàn cầu. Năm 2007, Berkshire Hathaway của Warren Buffett mua 10% cổ phần với giá tám đô la Hong Kong/ cổ phiếu (nay là khoảng 7% cổ phần trị giá hơn năm tỉ đô la Mỹ) khi tìm cách chen chân vào thị trường nhu cầu ô tô ngày càng tăng ở Trung Quốc. Tuy BYD thành công, nhưng ông Wang vẫn là người kín tiếng, hiếm khi xuất hiện trước công chúng.

Nhu cầu ngày càng tăng trên thị trường xe điện có thể có lợi cho các nhà sản xuất xe điện của Trung Quốc, đặc biệt là BYD, công ty mà báo cáo nghiên cứu gần đây của HSBC đã dự đoán doanh thu sẽ tăng gấp ba lần lên 699 tỉ nhân dân tệ (khoảng 100 tỉ đô la Mỹ) vào năm 2024 từ 216 tỉ nhân dân tệ (khoảng 31 tỉ đô la Mỹ) vào năm 2021.

Bên cạnh thị trường xe điện đang phát triển – theo IEA (cơ quan Năng lượng Quốc tế), vào cuối năm 2021 có 16,5 triệu ô tô điện được sử dụng, và dự kiến sẽ tăng lên 300 triệu vào năm 2030, với xe điện chiếm 60% doanh số bán ô tô mới – ngành công nghiệp xe điện đang chuyển sang tương lai mới trong đó ô tô được sạc như điện thoại di động.

Russo của công ty Automobility cho biết, các công ty Trung Quốc bắt kịp xu hướng này để tìm cách vượt qua các công ty phương Tây đang dẫn đầu. Trung Quốc, nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới và là thị trường ô tô lớn nhất, cũng dẫn đầu thế giới về sản xuất pin xe điện.

Ông Wang nhấn mạnh rằng, cần phải tự đột phá công nghệ của chính mình trước khi người khác làm điều đó. Ông nói: “Để có ý thức đổi mới của người đi tiên phong, chúng ta cần liên tục khám phá những lĩnh vực chưa biết và tiến về phía trước thận trọng.” Và quá trình đó không hề dễ dàng.

Ông chia sẻ: “BYD đã cống hiến hết mình để nghiên cứu các công nghệ năng lượng mới, vượt qua các điểm “thắt cổ chai” và đối phó với rất nhiều khó khăn. Sự kiên trì là một phần quan trọng của tinh thần kinh doanh.”

Điều đó rất hữu ích để khắc phục những khó khăn trên chặng đường phát triển. Công ty đã phải tạm dừng giao hàng BYD ATTO 3 tại Úc do vấn đề tuân thủ quy định về ghế trẻ em vào tháng 10.2022. Đồng thời, BYD nằm trong số các nhà sản xuất xe điện đã niêm yết bị tác động lớn do tình trạng bất ổn kinh tế và chính trị gần đây.

Cổ phiếu của họ lao dốc sau khi chủ tịch Tập Cận Bình tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có tiền lệ trong đại hội Đảng lần thứ 20 của Trung Quốc (cổ phiếu BYD hiện đã phục hồi). Dưới sự lãnh đạo của ông Tập, các công ty công nghệ đã phải đối mặt với các quy định chặt chẽ hơn, và dự kiến sẽ còn nhiều hạn chế hơn nữa.

Thành công trong một ngành đang thay đổi nhanh chóng có nghĩa là “đưa ra quyết định linh hoạt và hiệu quả,” ông Wang nói. “Hiện nay, tốc độ thay đổi của thị trường và vòng lặp công nghệ ngày càng nhanh, tốc độ phản ứng của doanh nghiệp với thị trường phải theo kịp sự thay đổi của thời đại. Nếu doanh nghiệp quyết định chậm sẽ khó thành công.”

Biên dịch: Quỳnh Anh
Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam số 113, tháng 1.2023