Quốc tế

Neuralink của Elon Musk được phép cấy chip vào não người

9 tháng trước
Tác giả Robert Hart

Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận cho Neuralink của Elon Musk bắt đầu tiến hành thử nghiệm cấy chip vào não người.

Share
this:

Công ty là một trong những nhóm tiên phong nghiên cứu công nghệ thần kinh đang phát triển với mục tiêu kết nối con người với máy để điều trị một loạt bệnh như bại liệt, mù và trầm cảm, đồng thời tăng cường các khả năng hiện hữu như trí nhớ hoặc cho phép chúng ta tương tác với máy tính chỉ bằng ý nghĩ.

Elon Musk âm thầm thành lập Neuralink vào năm 2016 và hầu như không nổi tiếng cho đến khi trình diễn công nghệ vào năm 2019.

Neuralink của Elon Musk là một trong số nhiều công ty theo đuổi công nghệ cấy ghép não cho phép chúng ta giao tiếp trực tiếp với máy móc. Ảnh: AFP/ Getty Images/ Forbes

Công ty đang chế tạo chip “Link” có thể giao tiếp trực tiếp với não người. Theo Musk mô tả chip cấy vào não này như “chiếc dây đeo Fitbit đặt trong hộp sọ” với những dây dẫn rất nhỏ.

Chip tận dụng “những điện cực siêu nhỏ, linh hoạt được cấy trực tiếp vào mô não để ‘lắng nghe’ giao tiếp giữa các tế bào thần kinh,” Cristin Welle, nhà sinh lý học thần kinh của đại học Colorado, nói với Forbes. Chip này có thể cho phép người sử dụng kiểm soát máy tính hoặc các thiết bị khác hoặc giao tiếp chỉ đơn giản thông qua suy nghĩ.

Neuralink không phải là công ty duy nhất tiến hành nghiên cứu cấy chip vào não người hay thậm chí là công ty phát triển công nghệ cấy ghép não tiên tiến nhất. Đến thời điểm hiện tại, phương pháp đặt điện cực não sâu điều trị cho các bệnh như Parkinson được sử dụng rộng rãi.

Ngoài ra các công ty công nghệ thần kinh như Blackrock Neurotech và Synchron đã bắt đầu tiến hành thử nghiệm trên người từ nhiều thập niên trước. Tuy nhiên, chuyên gia thần kinh học người Columbia, Rafael Yuste nói với Forbes rằng thử nghiệm của Neuralink lại thu hút sự chú ý của giới truyền thông hơn vì công ty có liên quan đến Musk và được đầu tư cao chứ không phải do thiết bị mới hoặc kỹ thuật đáng kinh ngạc.

Thông qua cách cho phép bộ não con người giao tiếp trực tiếp với máy tính và các thiết bị khác, công ty công nghệ thần kinh hi vọng có thể giúp mọi người hồi phục những khả năng đã mất do chấn thương hoặc bệnh gây ra. Ví dụ như chiếc máy ảnh có thể được sử dụng để kích thích các vùng não liên quan đến thị giác để phục hồi thị lực hoặc một chi của robot có thể được kết nối với vùng não điều khiển chuyển động.

Bradley Greger, nhà thần kinh học của Arizona State University, nói với Forbes rằng có nhiều cách khác nhau để điều trị bệnh thành công, nghĩa là “vẫn còn nhiều lĩnh vực cho các công ty” phát triển.

Vào cuối tháng 5, Neuralink công bố FDA chấp thuận cho công ty tiến hành “nghiên cứu lâm sàng trên người” đầu tiên. Sự chấp thuận này “rất quan trọng” vì cho phép công nghệ của chúng tôi giúp đỡ được nhiều người,” công ty cho biết thêm.

Thật bất ngờ khi FDA chấp thuận sau nhiều lần từ chối đơn xin tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên người của Neuralink.

Các cơ quan quản lý cũng đang giám sát chặt chẽ những hoạt động nghiên cứu trên động vật của Neuralink. Hiện truyền thông đưa tin bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đang điều tra về các vi phạm tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của động vật nhưng công ty phủ nhận những hành vi đó. Bộ Giao thông vận tải cũng điều tra công ty vì bị cáo buộc vận chuyển các thiết bị ô nhiễm được lấy ra từ khỉ theo cách không an toàn.

Tầm nhìn của Musk về Neuralink vượt xa những gì mà nhiều người trong lĩnh vực này dường như đang hướng tới. Ông còn tham vọng hơn trong việc không chỉ hồi phục chức năng mất đi mà còn tăng cường hoặc thêm chức năng hoạt động mới.

Elon Musk chúc mừng Neuralink khi FDA chấp thuận cho công ty tiến hành thử nghiệm cấy ghép thiết bị vào não người.

Các chuyên gia cho biết sử dụng công nghệ thần kinh để tăng cường khả năng của con người đặt ra nhiều câu hỏi đạo đức sâu sắc hơn việc phục hồi chức năng, đặc biệt khi công nghệ được sử dụng cho những người khỏe mạnh.

Greger cho biết những mục tiêu như vậy không chỉ để phục vụ cho nghiên cứu mà còn có khả năng dùng để thực hiện những mục đích khác.

Welle, cũng nằm trong ban cố vấn khoa học của công ty công nghệ thần kinh NeuroOne, đồng tình và cho biết vẫn còn nhiều hạn chế đối với công nghệ hiện hữu, chẳng hạn như sự cố đứt điện cực và nhu cầu hiệu chỉnh lại các thuật toán thường xuyên.

Welle cho biết việc thu thập dữ liệu từ bộ não của mọi người sẽ trở thành một vấn đề quan trọng và “rất cần” phải có quy định cũng như thảo luận nhiều hơn trong lĩnh vực này, đặc biệt là đối với các công ty vì lợi nhuận lớn như Neuralink đang “kiếm được số tiền khổng lồ từ loại dữ liệu này.”

Yuste cũng tin rằng cần gấp rút đưa ra quy định để quản lý và thảo luận về tính đạo đức khi phát triển công nghệ cho điều trị những bệnh liên quan đến thần kinh. Chile là quốc gia đầu tiên có những quy định bảo vệ hoạt động lẫn thông tin từ não bộ. Yuste đề nghị các nước khác trên thế giới nên làm theo Chile.

“Bộ não không chỉ là một cơ quan con người,” ông giải thích, đồng thời cho biết thêm rằng các nhà thần kinh học “ngày càng có khả năng giải mã hoạt động của não và sử dụng thông tin đó” cho nghiên cứu cũng như trong điều trị lâm sàng. “Đây là quyền riêng tư cần được bảo vệ ở phạm vi toàn cầu.”

Neuralink chưa thông tin khi nào tiến hành thử nghiệm lâm sàng cũng như ra mắt sản phẩm. Công ty chỉ cho biết vẫn chưa bắt đầu tuyển người tình nguyện tham gia thử nghiệm và sẽ sớm “công bố thêm thông tin” về quá trình tuyển người này.

Welle, cũng là cựu quan chức của FDA, nói với Forbes rằng “đây thực sự là những giai đoạn thử nghiệm ban đầu, hay còn được gọi là nghiên cứu tính khả thi, thực hiện dưới 10 bệnh nhân” và thường kéo dài từ 6 đến 12 tháng. Nếu giai đoạn này thành công thì Neuralink bắt đầu thực hiện những giai đoạn tiếp theo của cuộc thử nghiệm trên số mẫu lớn hơn để chứng minh tính an toàn và hiệu quả trong điều trị nên có thể kéo dài nhiều năm, thậm chí nhiều thập niên.

Greger nói một khi nhận được sự phê duyệt, thì “chip này sẽ giống như máy tạo nhịp tim trở thành một lựa chọn để điều trị bệnh.”

Forbes ước tính khối tài sản Musk đang sở hữu trị giá 206,7 tỉ USD. Hiện ông là người giàu thứ hai thế giới, chỉ sau nhà đồng sáng lập tập đoàn hàng xa xỉ người Pháp Bernard Arnault.

Ngoài Neuralink, Musk còn đồng sáng lập hãng sản xuất ô tô điện Tesla, góp vào phần lớn tài sản của ông, cũng như công ty tên lửa SpaceX và công ty Boring Company. Ông cũng nắm giữ một lượng lớn cổ phần trong nền tảng truyền thông xã hội Twitter. Hồi năm ngoái, ông đã mua lại Twitter với giá gây tranh cãi 44 tỉ USD và kể từ đó ông thực hiện một loạt thay đổi mạnh mẽ khiến nhiều nhân viên cũ ra đi.

Biên dịch: Gia Nhi

———————-

Xem thêm:

FDA phê duyệt vaccine phòng RSV của Pfizer cho người lớn tuổi
Startup Axoft phát triển công nghệ cấy ghép não thế hệ mới