Thương hiệu trang sức Đan Mạch Kinraden của Sarah Müllertz hiện tăng trưởng hai con số mỗi năm nhờ vào quan điểm thiết kế trang sức bền vững.
“Bất kể thời tiết như thế nào, mỗi ngày tôi đều bơi ngay khi thức dậy. Cảm giác cơ thể chạm nước giúp tôi tràn đầy năng lượng suốt cả ngày,” Sarah Müllertz, nhà sáng lập kiêm giám đốc sáng tạo của thương hiệu trang sức Đan Mạch, Kinraden, cho biết. “Dù mưa hay nắng, bơi trong nước lạnh cũng như thực hiện nhiều hoạt động ngoài trời trở thành một phần quan trọng trong lối sống của người Copenhagen.”
Có thể những hoạt động đó giúp tăng cường lưu thông máu vào buổi sáng, suy nghĩ thông suốt cần cho công việc thiết kế trang sức tỉ mỉ và chính xác, hoặc có thể đó là di sản thiết kế của quốc gia bà, nhưng chính sự hạn chế và sang trọng của đồ trang sức Kinraden tạo nên sức hấp dẫn cao.
Suy nghĩ sâu sắc và chú ý đến từng chi tiết cũng giống như bữa ăn ở La Banchina, nhà hàng bên bờ sông không xa địa điểm ngâm mình yêu thích vào buổi sáng của Müllertz.
Tất cả mọi thức ăn trên đĩa đều hữu cơ cũng như được trồng ở địa phương, chẳng hạn như chanh, dầu ô liu và chocolate được thay thế bằng những nguyên liệu địa phương sáng tạo ngon miệng. Cũng giống như nhà hàng, Kinraden được xây dựng dựa trên những nguyên tắc đảm bảo tính bền vững lẫn tuần hoàn, xuất phát từ niềm tin của người sáng lập rằng các doanh nghiệp hiện đại cần có trách nhiệm tạo ra sự khác biệt.
Müllertz học về chuyên ngành kiến trúc. Bà điều hành công ty thiết kế riêng và là đối tác của Henning Larsen, cho đến khi bà quyết định thay đổi tốc độ để tập trung phát triển thương hiệu trang sức vào năm 2019.
“Tôi thành lập Kinraden vì muốn làm việc ở quy mô nhỏ. Cách tôi thiết kế trang sức giống như thiết kế kiến trúc — cũng có ba yếu tố chính cần quan tâm: địa điểm, vật liệu và chức năng; chỉ khác: địa điểm ở đây là đeo trên cơ thể và chức năng làm đẹp.”
Bộ sưu tập mới nhất của bà, Two Worlds, nâng giá trị của gỗ đen Mpingo lên bằng giá trị của kim loại quý. Lấy cảm hứng từ vở Triadic Ballet của nghệ sĩ nổi tiếng Oskar Schlemmer ở Bauhaus, bộ sưu tập thể hiện lại những bộ trang phục kẻ sọc được nghệ sĩ múa cũng như khách mời mặc, sau đó được Kansai Yamamoto sử dụng làm trang phục biểu diễn cho David Bowie. Các sọc Mpingo đậm chia đôi bạc và vàng trên những chiếc nhẫn to bản, hoa tai, vòng đeo tay với tỉ lệ cân đối hoàn hảo. Nhà thiết kế mất hơn một năm để hoàn thiện chúng.
“May mắn thay, tôi là người rất kiên trì,” bà cười.
Theo truyền thống của người Scandinavi, hình thức cũng như chức năng chính là tâm điểm được chú trọng trong bộ sưu tập. Các mắt xích ăn khớp với nhau theo độ chính xác của đồ gỗ Nhật Bản; trong khi đó những đường nét chạm khắc tinh xảo trong đôi bông tai Gemini bằng kim loại hỗn hợp dưới sự hợp tác với nhãn hiệu thời trang Đan Mạch MKDT.
Bà bắt đầu thành lập Kinraden vào năm 2014 như một dự án phụ, nhưng hiện lại mang về nguồn doanh thu cao, với mức tăng trưởng đạt được hai con số mỗi năm. Cái tên này bắt nguồn từ ‘kindred,’ thể hiện mơ ước thiết kế cho “những người có cùng quan điểm với tôi, những người thích sự đơn giản” đồng thời tuân thủ những nguyên tắc đạo đức và tiết giảm vật liệu trong chế tác trang sức, thương hiệu chỉ sử dụng ba vật liệu; bạc lẫn vàng tái chế từ các ngành công nghệ, còn gỗ Mpingo cắt ra từ quá trình sản xuất nhạc cụ bằng gỗ.
Vật liệu cứng nhất thế giới, Mpingo lần lượt được đánh bóng như ngọc trai và mài giác như đá quý đính vào đồ trang sức. Và khi gỗ trở thành carbon, rồi trở thành kim cương, vật liệu linh hoạt này hoàn toàn thay đổi được quan niệm về sự quý giá.
Đối với Müllertz, trong bối cảnh các nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt – tất cả vàng lẫn bạc sẽ được khai thác hết vào năm 2030 – thợ kim hoàn buộc phải quan tâm đến tính tuần hoàn, thu thập từng mảnh quý giá để sử dụng lại.
“Mọi lựa chọn chúng ta đưa ra đều đi kèm với hậu quả. Bắc buộc phải tìm kiếm vật liệu mới. Chúng ta cần liên tục sáng tạo,” Müllertz cho biết.
Chắc chắn, công nghệ AI hiện đang được nhân loại nỗ lực phát triển cũng sẽ được sử dụng vào quá trình sáng tạo trang sức. Müllertz tin rằng công nghệ “sẽ được tích hợp vào mọi hoạt động sinh hoạt hằng ngày của chúng ta trong vòng chưa đầy ba năm. Điều quan trọng là cần biết có bao nhiêu lĩnh vực đang ứng dụng công nghệ này; còn trong lĩnh vực thiết kế trang sức, chúng ta cần suy nghĩ cẩn thận. Tôi sẽ chờ EU ban hành đạo luật trí tuệ nhân tạo để ứng dụng công nghệ AI.”
Cùng với sự phát triển không ngừng của công nghệ, Kinraden mong muốn mở rộng dựa vào tốc độ tăng trưởng hiện tại, với chiến lược ưu tiên môi trường bán lẻ độc đáo cùng với các đối tác hợp tác chặt chẽ, thay vì những thị trường tăng trưởng mục tiêu.
Gần đây, thương hiệu vừa ra mắt tại Đức, sau khi tìm được cửa hàng phù hợp ở Andrea Murkudis, và trong vòng hai tuần, cửa hàng thu hút nhiều khách hàng quay trở lại đặt hàng. Thương hiệu báo cáo lượng hàng bán ra chiếm 25% trong tổng số hàng sản xuất ra. Có lẽ, tính bền vững của Kinraden sẽ đại diện cho cách chúng ta sống hiện nay.
Biên dịch: Gia Nhi
———————
Xem thêm:
Nhiều nhà thiết kế trang sức ra mắt bộ sưu tập thân thiện môi trường
Ở tuổi 65, Bobbi Brown khởi nghiệp lại, thành TikToker nổi tiếng
Thai Randolph muốn nâng cao vị thế của phụ nữ da màu trong ngành giải trí
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/kinraden-tang-truong-nho-thiet-ke-trang-suc-ben-vung)
2 năm trước
Những bộ trang sức đẹp nhất Grammy 2022