Doanh nghiệp

Kinh nghiệm: Doanh nghiệp thực hành giảm thiểu rác thải nhựa và tái chế vật liệu như thế nào?

Nỗ lực giảm rác thải nhựa thông qua tái chế, tạo vòng đời mới cho sản phẩm được các doanh nghiệp chia sẻ tại Diễn đàn Phát triển bền vững 2023 của Forbes Việt Nam chiều 13.4.

Share
this:

Theo một báo cáo do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố tháng 7.2022, tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 3,1 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra đất liền và ít nhất 10% trong số đó đổ ra đại dương. WB đánh giá phần lớn nhựa gây ô nhiễm nguồn nước ở Việt Nam là những loại nhựa sử dụng một lần, có giá trị thấp như túi nhựa, hộp đựng thức ăn và ống hút.

Tại phiên thảo luận Xử lý rác thải nhựa, các doanh nghiệp dẫn đầu trong một số ngành tại Việt Nam đang chủ động thực hiện nhiều giải pháp nhằm góp phần giảm sử dụng nhựa, đồng thời tạo vòng đời mới cho các sản phẩm thông qua tái chế.

Ông Lê Anh, giám đốc phát triển bền vững công ty Nhựa tái chế Duy Tân


Với nhà máy công suất 30.000 tấn/năm, chúng tôi thu gom chai nhựa trong nước và đưa vào tái chế, sản xuất thành hạt nhựa. Có những sản phẩm được tái chế 20 lần, góp phần tạo vòng đời mới cho rác thải nhựa.

Tái chế nhựa là quá trình dài mất đến 2-3 năm. Đặc biệt là giai đoạn chúng tôi cùng các đối tác thử nghiệm sản phẩm, có khi phải mất đến hai năm để đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, giá trị sử dụng so với nhựa thường.

Sản phẩm của chúng tôi đạt 15 tiêu chuẩn trên thế giới, kể cả tiêu chuẩn của cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA). Không chỉ vậy, các đối tác, nhãn hàng còn đưa ra các tiêu chuẩn riêng cần phải đáp ứng, bởi đối với họ, đảm bảo an toàn sức khỏe người tiêu dùng là yêu cầu lớn nhất.

Bà Trần Phương Nga, tổng giám đốc điều hành công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long


Ngay từ khâu thiết kế, chúng tôi có đội ngũ nghiên cứu và phát triển nội bộ để tìm cách tạo ra sản phẩm mỏng hơn, giảm chi tiết thừa, sử dụng các nguyên vật liệu sinh học.

Thiên Long kéo dài vòng đời sản phẩm như bút lông viết bảng sau một thời gian sử dụng sẽ hết mực. Thay vì bỏ, chúng tôi tạo ra ống mực riêng giúp khách hàng dễ dàng bơm mực mới.

Ngoài sáp nặn còn có sản phẩm bột nặn làm từ nguyên liệu chính là bột mì, đạt các tiêu chuẩn an toàn trong nước cũng như ở châu Âu, Mỹ…

Trong mục tiêu hướng đến việc giảm rác thải nhựa trong năm năm tiếp theo, Thiên Long sẽ mở rộng các dòng sản phẩm thân thiện môi trường như sản xuất bút từ chai nhựa. Trong từng hoạt động của quá trình sản xuất, kinh doanh cũng phải xem lại để tìm ra những gì có thể tối ưu.

Đồng thời, chúng tôi quyết tâm truyền tải những thông tin mà mình có được về phát triển bền vững đến học sinh để không chỉ sản xuất, mà sử dụng sản phẩm cũng cần có trách nhiệm.

Ông Leonardo Garcia, tổng giám đốc Coca Cola Việt Nam và Campuchia


Trong kinh doanh, chúng tôi muốn tạo ra sự khác biệt và điều đó đến từ việc chọn mục tiêu phát triển bền vững thông qua các trụ cột chính như thiết kế, thu gom rác thải, hợp tác với các đối tác khác.

Về thiết kế, gần đây chúng tôi thay chai Sprite từ màu xanh lá sang trong suốt. Cả chai nhựa màu xanh hay trong suốt đều có thể tái chế nhưng quy trình tái chế chai màu xanh phức tạp hơn.

Ngoài ra, chúng tôi còn đưa ra những hành động cho mục tiêu đến 2030, tất cả bao bì sản phẩm được bán ra thị trường sẽ được thu gom lại và 50% các chai nhựa sản phẩm là nhựa tái chế. Để thực hiện những mục tiêu này, chúng tôi cũng cần tìm kiếm được những đối tác có năng lực trong chuỗi giá trị để có thể đáp ứng tiêu chuẩn của mình.

Ông Romain Vidal, giám đốc kinh doanh số Decathlon Việt Nam


Chúng tôi đang cố gắng kéo dài vòng đời sản phẩm. Ví dụ như Decathlon bán rất nhiều ba lô có thời gian bảo hành lên đến 10 năm, khuyến khích khách hàng sử dụng lâu dài.

Ngày nay, nhiều người tiêu dùng chỉ sử dụng thời gian ngăn sẽ bỏ đi nên chúng tôi sẽ kết nối với họ để thu gom lại và tạo ra vòng đời mới cho sản phẩm cũ.

Khi Decathlon mở cửa hàng bán lẻ ở Việt Nam hơn bốn năm trước, chúng tôi đã không đựng bằng đồ nhựa xài một lần dù khi ấy người tiêu dùng vẫn có thói quen này.

Đây là thách thức nhưng Decathlon vẫn chọn giữ vững lập trường, chúng tôi huấn luyện đội ngũ, truyền thông đến thị trường. Đến nay khách hàng đã hiểu vấn đề và họ không dùng đồ đựng một lần mà thường sử dụng lại các túi đựng.

Ở bộ phận dịch vụ khách hàng, chúng tôi khảo sát sự hài lòng của họ và đo lường được những phản hồi tích cực về lựa chọn không sử dụng đồ nhựa một lần, đặc biệt với những khách hàng trẻ. Đó là hành trình khi mà ban đầu khách hàng cảm thấy bất tiện và bây giờ cảm nhận được sự tích cực.

Với chúng tôi, đạt hiệu quả kinh doanh là ưu tiên hàng đầu nhưng quá trình kinh doanh không được tổn hại đến hành tinh. Đây là hai mục tiêu song song.

————————————–

Xem thêm:
Từ tuyến tính đến tuần hoàn: Doanh nghiệp cần dẫn dắt chuyển đổi
Doanh nghiệp cần xem giảm phát thải là lợi thế cạnh tranh
Forbes Việt Nam khai mạc Hội nghị Phát triển Bền vững 2023
Forbes Việt Nam khai mạc Hội nghị Kinh doanh tạo tác động 2022
Thỏa thuận JETP tạo đòn bẩy 15,5 tỉ USD cho chuyển đổi xanh
Thực thi kinh tế tuần hoàn là đầu tư bền vững cho tương lai