Cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ tại COP26 về mục tiêu đạt cân bằng phát thải vào năm 2050 đã đặt ra không ít thách thức nhưng cũng nhiều cơ hội để các doanh nghiệp đồng hành cùng Việt Nam.
Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, nỗ lực ứng phó với vấn đề mang tính toàn cầu này thực sự có ý nghĩa chiến lược cho sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Năng lượng là ngành mang tính quyết định thành bại cho mục tiêu cân bằng phát thải của Việt Nam. Để hiện thực hóa cam kết, Việt Nam hướng tới áp dụng mô hình phát triển kinh tế bền vững, chú trọng chuyển dịch sang nguồn năng lượng sạch và dần từ bỏ nhiên liệu hóa thạch. Năng lượng đang chiếm đến 60% lượng phát thải tại Việt Nam, chủ yếu từ sản xuất điện năng, theo bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2020. Con số này theo ngân hàng Thế giới (WB) hiện đã tăng lên 65%.
Thách thức với Việt Nam là vừa phải phát triển lĩnh vực năng lượng đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu điện năng ngày một tăng cao, vừa đảm bảo hiện thực hóa tham vọng “net–zero”. Việt Nam là một trong những nước có nhu cầu năng lượng tăng nhanh nhất thế giới, WB ước tính công suất toàn hệ thống cần tăng gấp đôi trong vòng mười năm tới để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế.
Quy hoạch điện VIII là bước cải cách quan trọng hướng đến mục tiêu chuyển đổi sang năng lượng xanh và sạch với cơ cấu năng lượng phù hợp hơn. Tổng nhu cầu điện của Việt Nam được dự báo vượt 100GW vào năm 2025 và đến 150GW vào năm 2030. Nhu cầu năng lượng tái tạo bình quân sẽ chiếm hơn 30% trong tổng nhu cầu năng lượng, tương ứng 36GW và 50GW năng lượng tái tạo vào năm 2025 và 2030.
Theo đó, Việt Nam cần đầu tư 116 tỉ đô la Mỹ xây nhà máy điện mới và mở rộng lưới điện tới năm 2030 và cần 227,4 tỉ đô la Mỹ tới năm 2045 với công suất lắp đặt dự kiến 329GW giai đoạn 2021–2030. Quy hoạch điện VIII khuyến khích phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo (ngoài thủy điện) từ khoảng 13% hiện nay lên gần 30% năm 2030 và 44% năm 2045. WB ước tính Việt Nam cần khoảng 12–14 tỉ đô la Mỹ mỗi năm cho quá trình chuyển đổi năng lượng. Con số này có thể vượt quá khả năng cho vay của nhiều ngân hàng trong nước.
Chính phủ cũng chủ trương xanh hóa nền kinh tế qua Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021–2030 và tầm nhìn 2050. Theo đó, Việt Nam khuyến khích các mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Mục tiêu đến năm 2030, tiêu hao năng lượng sơ cấp trên GDP bình quân giai đoạn 2021–2030 giảm từ 1–1,5%/năm; tỉ trọng năng lượng tái tạo trên tổng cung cấp năng lượng sơ cấp đạt 15–20%; kinh tế số đạt 30% GDP; tỉ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%; và ít nhất 30% tổng diện tích cây trồng cạn có tưới được áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.
Chiến lược cũng đặt mục tiêu xây dựng lối sống xanh, đến năm 2030, tỉ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 95%; tỉ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý bảo đảm tiêu chuẩn quy định lần lượt đạt trên 50% đối với đô thị từ loại II trở lên và 20% đối với các loại đô thị còn lại; tỉ lệ xe buýt sử dụng năng lượng sạch tại các đô thị đặc biệt đạt ít nhất 15% tổng số xe buýt đang hoạt động; tỉ lệ mua sắm công xanh trong tổng mua sắm công đạt ít nhất 35%; ít nhất 10 đô thị phê duyệt và thực hiện Đề án tổng thể về phát triển đô thị tăng trưởng xanh theo hướng đô thị thông minh bền vững…
Chính phủ cũng ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, có hiệu lực từ 18.1.2022. Theo đó, sáu lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính gồm: năng lượng; giao thông vận tải; xây dựng; các quá trình công nghiệp; nông – lâm nghiệp và sử dụng đất; chất thải. Trong hành trình này, sự hợp tác là chìa khóa thành công, đặc biệt là các doanh nghiệp trong cùng hệ sinh thái/chuỗi cung ứng cùng tìm ra những giải pháp mang lại lợi ích cho nhiều bên và cho xã hội nói chung.
Kể từ khi đưa ra cam kết tại COP26, Chính phủ đã nỗ lực trên nhiều phương diện nhằm thúc đẩy mục tiêu cân bằng phát thải. Những thay đổi nhất định đã diễn ra trong doanh nghiệp và người dân. Thể hiện rõ nhất trong các lĩnh vực vận tải, tiêu dùng và sản xuất. Đầu năm nay, VinFast công bố chiến lược phát triển mới, dừng sản xuất xe xăng và tập trung vào các dòng xe thuần điện. HSBC đã hợp tác với một số ngân hàng khác cung cấp khoản vay hợp vốn xanh đầu tiên cho Vingroup. Giao dịch này đã nhận được sự quan tâm lớn từ thị trường tài chính, nhiều bên tham gia giúp tăng quy mô khoản vay lên 500 triệu đô la Mỹ.
Trước đó, HSBC cũng đã ký hợp đồng tài trợ tín dụng xanh cho dự án nhà máy nhựa tái chế của Nhựa Duy Tân, nơi đầu tiên tại Việt Nam áp dụng công nghệ tái chế “Bottles to Bottles” (công nghệ tái chế chai nhựa cũ thành hạt nhựa nguyên liệu để tiếp tục sản xuất chai nhựa). Nhà máy ứng dụng công nghệ tái chế hiện đại hàng đầu thế giới với công suất thiết kế 100.000 tấn/năm này trong dài hạn hướng đến tái chế được tất cả sản phẩm rác thải từ nhựa.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tính toán mỗi tháng mỗi gia đình Việt Nam sử dụng khoảng 1kg túi ni lông. Theo thống kê của hiệp hội Nhựa Việt Nam, từ 1990–2015, lượng nhựa tiêu thụ đã tăng từ 3,8kg/người lên 41kg/người/năm. Trong khi đó lĩnh vực xử lý và tái chế nhựa chưa phát triển nên đa số rác thải được chôn lấp, đốt hoặc thải ra môi trường.
Những ví dụ nói trên nằm trong khuôn khổ cam kết của HSBC thu xếp 12 tỉ đô la Mỹ cho các dự án bền vững của các doanh nghiệp tại Việt Nam đến năm 2030. Nguồn tín dụng xanh đã cấp cho các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, tòa nhà xanh, vận tải sạch, sử dụng năng lượng hiệu quả… giúp HSBC đạt 10% khoản tài chính cam kết, cho thấy sự hưởng ứng của các doanh nghiệp tại Việt Nam là khá tích cực.
Không chỉ các doanh nghiệp chủ động hơn trong công cuộc chuyển dịch, ngày càng nhiều người dân nhận thức rõ vai trò cá nhân trước các vấn đề chung của xã hội, hiểu rõ tầm quan trọng của mỗi lựa chọn, mỗi hành vi, mỗi giao dịch mua sắm. Các chuỗi cà phê lớn chuyển sang dùng ống hút hay ly giấy, nhà hàng đóng gói thực phẩm bằng hộp làm từ bã mía, siêu thị dùng túi tự hủy… đều là những tín hiệu tích cực, cần nhân rộng và thực hiện lâu dài.
Trong 10 năm tới, theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, khoảng 30% người tiêu dùng thuộc thế hệ Millennials (sinh từ 1981–1996) và Gen Z (1997–2012). Thế hệ này trở thành nòng cốt của thị trường với nhiều điểm khác biệt về lối sống, hành vi, mua sắm cũng như những trăn trở của họ. Nhiều khảo sát cho thấy họ quan tâm hơn các vấn đề môi trường và xã hội, trở thành động lực và áp lực khiến doanh nghiệp phải thay đổi tư duy và hành động để thích nghi với thời cuộc.
Để chuyển dịch sang mô hình kinh tế xanh, cần rất nhiều cải cách và thay đổi trên diện rộng, trong đó không thể không nhắc đến vai trò nòng cốt của ngành tài chính. Lĩnh vực tài chính xanh phát triển mới góp phần tạo sự bứt phá trong các ngành kinh tế khác. Những doanh nghiệp sớm bắt nhịp xu thế sẽ có cơ hội tiếp cận nguồn vốn nhiều ưu đãi trong giai đoạn tài chính xanh đang được thúc đẩy.
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành đề án Phát triển Ngân hàng Xanh đến 2030 với mục tiêu hướng dòng tín dụng vào các dự án thân thiện môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ, tiêu dùng xanh. Tính đến cuối năm 2021, có 67 tổ chức tín dụng cho vay các dự án xanh về năng lượng tái tạo, nông nghiệp sạch, vệ sinh môi trường, dệt may và nhiều lĩnh vực khác. Dư nợ tín dụng cho các dự án xanh chiếm hơn 4% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, tăng 0,46% so với năm 2020. Rõ ràng, tiềm năng phát triển của lĩnh vực tài chính xanh rất rộng lớn.
Việt Nam là điểm sáng trong khu vực về tiềm năng phát triển kinh tế, phục hồi nhanh sau đại dịch và cam kết mạnh mẽ trong COP26, nên việc tiếp cận thị trường vốn quốc tế cho phát triển xanh đang theo chiều hướng có lợi. Hiện vốn quốc tế cho phát triển xanh, đặc biệt là năng lượng tái tạo vẫn ở giai đoạn sơ khởi bởi nhà tài trợ còn dè dặt do hợp đồng mua bán điện chưa đủ vững mạnh, môi trường pháp lý và luật lệ để tái tài trợ các dự án đã vận hành ổn định vẫn còn nhiều giới hạn. Chính phủ cần cân nhắc tạo môi trường thông thoáng về cơ chế và luật định để tận dụng hiệu quả được nguồn vốn này.
Với nhu cầu chuyển dịch mạnh mẽ của nền kinh tế, chắc chắn tài chính xanh sẽ vươn đến mọi ngành, đồng hành cùng Việt Nam hướng đến mục tiêu cân bằng phát thải, vì một tương lai bền vững cho mai sau.
(*) Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc định nghĩa kinh tế xanh là “nền kinh tế vừa mang lại cuộc sống ổn định cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các rủi ro về môi trường và suy giảm sinh thái. Đó là một nền kinh tế phát thải carbon thấp, sử dụng hiệu quả tài nguyên và đảm bảo hòa nhập xã hội”. Liên minh Kinh tế Xanh (GEC) định nghĩa kinh tế xanh là “một nền kinh tế vững vàng mang đến một cuộc sống chất lượng hơn cho mọi người trong giới hạn sinh thái của hành tinh.”
Theo Forbes Việt Nam số 107, tháng 7.2022, chuyên đề Kinh tế tuần hoàn
———————————————————–
Xem thêm
Kinh tế tuần hoàn – giải pháp cho biến đổi khí hậu
HSBC Việt Nam: Từ toàn cầu đến địa phương
Chiến lược xây những “cỗ máy xanh” khổng lồ của Cummins
Intel cam kết phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2040
Doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội: Hướng đi của tương lai
Intel cam kết phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2040
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/thach-thuc-con-duong-xanh-cua-viet-nam)
2 năm trước
Hành trình doanh nghiệp kiến tạo sự thay đổi2 năm trước
DEEP C: Lập chuẩn mực mới cho kinh tế xanh