Tiêu điểm

Kinh tế tuần hoàn – giải pháp cho biến đổi khí hậu

1 năm trước
Phạm Văn Thinh

Kinh tế tuần hoàn đang dần trở thành một mô hình quan trọng đối với chính phủ và các doanh nghiệp trong chuỗi các giải pháp hành động vì khí hậu.Chính sách và quyết định đầu tư trong những năm tới đây sẽ có tác động định hình tương lai nền kinh tế và khí hậu mà thế giới, trong đó có Việt Nam sẽ kế thừa.

Share
this:

Kinh tế hiện nay tại Việt Nam vẫn chủ yếu vận động theo mô hình tuyến tính, kém hiệu quả và gây ra ô nhiễm môi trường. Thời gian gần đây, chủ đề về kinh tế tuần hoàn bắt đầu nhận được sự quan tâm nhiều hơn của cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan chức năng.

Tại Hội nghị Biến đổi khí hậu Liên Hiệp Quốc lần thứ 26 (COP26) vào cuối năm 2021, Thủ tướng Chính phủ cam kết Việt Nam sẽ đưa ra những giải pháp về chống biến đổi khí hậu với mục tiêu khí thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để hiện thực mục tiêu đó, vào đầu tháng 6.2022, Thủ tướng Chính phủ chính thức ra Quyết định 687/QĐ–TTg phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Không còn thời gian để tranh luận

Biến đổi khí hậu thực sự là vấn đề đang ngày càng được quan tâm nhiều hơn khi những ảnh hưởng mạnh mẽ của thực trạng này ngày càng rõ và nghiêm trọng đối với cộng đồng, xã hội, doanh nghiệp và với mỗi cá nhân. Báo cáo Bước ngoặt (Turning Point) khu vực Đông Nam Á của Deloitte cho thấy biến đổi khí hậu có thể gây ra những thiệt hại to lớn cho nền kinh tế khu vực.

Mô hình của Deloitte xem xét kịch bản khi không có những hành động kịp thời, nhiệt độ toàn cầu có thể tăng thêm hơn 3°C vào năm 2070. Theo đó, tổn thất nền kinh tế khu vực phải gánh chịu có thể lên đến hơn 7.000 tỉ đô la Mỹ (theo giá trị hiện tại) vào năm 2050, hoặc gần 9% GDP của khu vực khi đó.

Ông Phạm Văn Thinh là CEO Deloitte Việt Nam.

Trung bình trong vòng 30 năm nữa, tới 2050, mức thiệt hại hằng năm là 4,5% GDP. Kết quả là trong vòng nửa thế kỷ tới, biến đổi khí hậu sẽ gây ra thiệt hại 28 ngàn tỉ đô la Mỹ cho khu vực (tính theo giá trị hiện tại.) Theo báo cáo bền vững mới nhất của Deloitte toàn cầu, 97% các công ty thấy được tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, và khoảng 80% các giám đốc cấp cao cho biết cá nhân họ đã phải trải qua các hiện tượng khí hậu cực đoan trong năm qua.

Việt Nam được xem là một trong các quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Theo nghiên cứu, nhiệt độ trung bình năm đã tăng trên toàn Việt Nam với mức tăng trung bình khoảng 0,89°C cho thời kỳ từ 1958 đến 2018 (~0,15°C/thập niên). Nếu không tính đến những yếu tố phi tuyến tính về kinh tế — xã hội có thể nảy sinh từ vấn đề biến đổi khí hậu, thiệt hại kinh tế trực tiếp tích lũy trung bình hằng năm sẽ rơi vào khoảng 1,8% GDP khi nhiệt độ tăng lên 1°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Thiệt hại sẽ là 4,5% GDP khi nhiệt độ tăng 1,5°C; 6,7% GDP khi nhiệt độ tăng 2°C và lên đến 10,8% GDP khi nhiệt độ tăng 3°C.

Mức nhiệt đã tăng trên toàn cầu và tác động của biến đổi khí hậu gần như không thể thay đổi do lượng khí thải ra trong quá khứ, nhưng vẫn còn cơ hội để giảm thiểu hậu quả xấu của biến đổi khí hậu và có được bức tranh kinh tế tươi sáng trong tương lai. Theo nghiên cứu của Deloitte, Đông Nam Á đang trong giai đoạn có tính bước ngoặt, đứng trước ngưỡng cửa của một kỷ nguyên kinh tế mới và sự phát triển của một hệ thống sản xuất mới nếu có ngay những hành động quyết liệt và có sự hợp tác của tất cả các bên.

Từ tư duy đến hành động

Có nhiều cách để giải quyết bài toán biến đổi khí hậu, hướng đến phát triển bền vững, trong đó có phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn. Nhiều quốc gia tại châu Âu thành công trong việc từng bước chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn với nhiều lợi ích đáng kể. Theo ước tính, kinh tế tuần hoàn có thể tạo ra lợi ích kinh tế khoảng 600 tỉ euro mỗi năm, tạo ra 580 ngàn việc làm mới và giúp giảm phát thải khí nhà kính.

Theo tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO), nền kinh tế tuần hoàn là một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người. Hoạt động theo mô hình tuần hoàn, nền kinh tế đó sẽ được phục hồi và tái tạo theo thiết kế – quan trọng hơn đó là việc tối ưu hóa lưu thông giá trị sản phẩm, bên cạnh ngăn chặn quá trình đào thải. Đây là một chu kỳ phát triển tích cực và liên tục nhằm bảo tồn và tăng cường các nguồn tài nguyên, tối ưu hóa sản lượng tài nguyên và giảm thiểu rủi ro hệ thống bằng cách quản lý nguồn dự trữ hữu hạn và dòng tái tạo.

Hiện nay, kinh tế tuần hoàn của Việt Nam đang ở mức độ rất sơ khai. Một mặt do nhận thức chưa đầy đủ của cộng đồng doanh nghiệp, mặt khác do chưa phát triển được khung pháp lý để khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng hoặc tăng cường mô hình kinh tế tuần hoàn. Việc chuyển đổi mô hình từ tuyến tính sang tuần hoàn đòi hỏi sự nỗ lực và phối hợp của tất cả các bên, từ chính phủ đến doanh nghiệp, mỗi tổ chức xã hội và từ mỗi công dân.

Khó khăn đầu tiên và lớn nhất mà các bên phải vượt qua là thay đổi tư duy, xem chi phí đầu tư vào công nghệ và vốn chính là khoản đầu tư cần thiết cho quá trình chuyển đổi. Tiếp đó, các doanh nghiệp, bộ ban ngành sẽ triển khai hành động cụ thể:

Với doanh nghiệp: Các doanh nghiệp có thể bắt đầu từ trong nội tại doanh nghiệp, hoặc kết hợp các doanh nghiệp ở trong khu vực để bắt đầu những hợp tác ban đầu. Những thay đổi sẽ bắt đầu từ những hành động nhỏ. Đơn cử như chiến lược World Climate mà Deloitte bắt đầu triển khai từ năm 2021, đã chia sẻ các tác động của biến đổi khí hậu cho 330 ngàn nhân viên và khuyến khích đưa ra những lựa chọn tích cực về khí hậu và tuần hoàn ngay tại gia đình, khuếch đại những hành động này thông qua mạng lưới Deloitte. Mỗi thành viên của Deloitte là một đại sứ để tiếp tục truyền lửa tạo ảnh hưởng tích cực đến gia đình, bạn bè, khách hàng và cộng đồng.

Các cơ quan quản lý cần tạo ra hành lang pháp lý rõ ràng để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, trong đó doanh nghiệp là động lực trung tâm, nhà nước đóng vai trò kiến tạo, các tổ chức và từng người dân sẽ đóng vai trò thực hiện.

“Di sản” bền vững cho thế hệ sau

Các chi phí kinh tế của biến đổi khí hậu là không cố định. Chúng ta vẫn còn các cơ hội để đưa ra những hành động mạnh mẽ, phân tách sự thịnh vượng kinh tế khỏi sự phát thải, đồng thời ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của tình trạng khí hậu báo động. Nhờ vào khuôn khổ kinh tế đúng đắn, những hành động này có thể xây dựng một lộ trình cho Đông Nam Á và cả thế giới để tiến đến sự tăng trưởng công bằng và sẻ chia.

Nghiên cứu của Deloitte cũng chỉ ra rằng giai đoạn từ 2021 đến 2030 là khoảng thời gian cần có những phương án hành động quyết liệt vì khí hậu bởi những năm tiếp theo sẽ tạo tiền đề cho quá trình khử carbon nhanh chóng. Các quyết định của chính phủ, cơ quan quản lý, doanh nghiệp, ngành công nghiệp và người tiêu dùng sẽ đẩy nhanh tiến độ ban đầu và tạo điều kiện thị trường để thúc đẩy quá trình khử carbon với tốc độ nhanh và quy mô lớn.

Điều này sẽ gửi tín hiệu về giá, chuyển đổi chuỗi cung ứng và đặt nền tảng cho sự chuyển dịch cơ cấu nhằm hạn chế mức tăng nhiệt toàn cầu trong khoảng 1,5°C. Nền kinh tế Đông Nam Á và Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc đầu tư đáng kể vào các công nghệ bền vững trong giai đoạn này và nhiều ngành công nghiệp của khu vực sẽ ngay lập tức trở nên tốt hơn.

Thời gian mang tính quyết định! Chính sách và quyết định đầu tư trong những năm tới đây sẽ có tác động định hình tương lai nền kinh tế và khí hậu mà thế giới, trong đó có Việt Nam sẽ kế thừa.

Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam số 107, tháng 7.2022, chuyên đề Kinh tế tuần hoàn

———————————————————–

Xem thêm
Thách thức “con đường xanh” của Việt Nam
HSBC Việt Nam: Từ toàn cầu đến địa phương
Chiến lược xây những “cỗ máy xanh” khổng lồ của Cummins
Intel cam kết phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2040
Doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội: Hướng đi của tương lai
Intel cam kết phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2040