multi-media / Megastory

Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền hồi sinh nhờ chuyển sang mô hình sinh thái

Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền được xây dựng theo mô hình khu công nghiệp xanh không khói bụi, thực hiện chu trình kinh tế tuần hoàn.

Chị Nguyễn Thị Nhung chạy xe máy bon bon trên quốc lộ 10 rồi rẽ vào khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, hướng về phía khu vườn theo phong cách Nhật Bản. Cậu bé năm tuổi con chị háo hức được chơi đùa cùng đàn cá koi. Sát bên hồ cá là nhà máy luyện thép Việt Nhật nhưng không nghe tiếng động cơ máy chạy rền rĩ, cũng không thấy những ống xả khói đen kịt như một số khu công nghiệp khác.

“Chỉ mất trăm ngàn cho hai vợ chồng với con trong một buổi đi chơi ở khuôn viên rộng rãi lại không bị giới hạn thời gian thì thoải mái hơn ra trung tâm thương mại,” chị Nhung, người sống cách Nam Cầu Kiền (Hải Phòng) khoảng 5km chia sẻ.

Với diện tích quy hoạch 263 héc ta, khu công nghiệp Nam Cầu Kiền nằm trên địa bàn bốn xã thuộc huyện Thủy Nguyên. Ông Phạm Hồng Điệp, chủ tịch công ty cổ phần Shinec, đang chuyển đổi khu công nghiệp tổng hợp này thành khu công nghiệp sinh thái, nơi ba mối quan hệ cộng sinh công nghiệp được hình thành. “Nam Cầu Kiền không chỉ tạo mối quan hệ cộng sinh giữa các doanh nghiệp mà tạo giá trị cho người dân địa phương. Đây sẽ là khu công nghiệp sinh thái đầu tiên do người Việt Nam đầu tư,” ông Phạm Hồng Điệp vừa đi vừa nói với Forbes Việt Nam ở tuyến đường nội khu.

Chỉ về hướng rặng cây cổ thụ bao quanh bờ rào các công ty sản xuất, ông Điệp cho biết đây là những vách ngăn bụi bặm và tiếng ồn với cộng đồng dân cư xung quanh. Các nhà đầu tư được Shinec miễn tiền dịch vụ cơ sở mỗi năm 15.000 đồng/m2, nếu chủ động trồng thêm cây xanh phủ quanh mặt dựng nhà máy. Như vậy, tương đương doanh nghiệp thuê hai héc ta có thể tiết kiệm 300 triệu đồng tiền dịch vụ cơ sở hằng năm.

Đây là một trong những cách Shinec thực hiện để 31% diện tích đất Nam Cầu Kiền được sử dụng cho các công trình cây xanh, vượt 6% theo tiêu chí xác định một khu công nghiệp sinh thái trong Điều 42, Nghị định số 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.

Phát triển khu công nghiệp sinh thái là một giải pháp thực hiện quy trình kinh tế khép kín (kinh tế tuần hoàn) theo khuyến nghị của tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO). Theo tổ chức này, việc thực hiện quy trình nêu trên sẽ đóng góp 0,8%–7% vào tăng trưởng GDP và giảm 8%–70% lượng khí thải của một quốc gia.

Ông Phạm Hồng Điệp, chủ tịch công ty cổ phần Shinec (chủ đầu tư Nam Cầu Kiền).

Tại Việt Nam, Nghị định 82 được xem là kim chỉ nam dù đến nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn. Đang có tám khu công nghiệp được chọn để thí điểm chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp sinh thái thuộc dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam” do bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng UNIDO điều phối.

Nam Cầu Kiền không nằm trong danh sách tám khu công nghiệp này. Ông Điệp chọn con đường tự nghiên cứu các mô hình khu công nghiệp sinh thái trên thế giới rồi tùy chỉnh trước khi áp dụng. Ông tự hào đến nay Shinec không nhận viện trợ vốn từ tổ chức nào, cũng không vay tiền từ nhà băng mà bằng nguồn lực tự có để hình thành mô hình kinh tế chia sẻ trong Nam Cầu Kiền.

Năm 2008, thời điểm chính quyền địa phương kêu gọi các nhà đầu tư, trừ ông Điệp, không mấy ai tỏ ra quan tâm đến một khu công nghiệp nằm cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 12km, như Nam Cầu Kiền. Việc chọn đầu tư ở quê nhà Thủy Nguyên đã không thuận lợi như ông dự tính. “Từng có doanh nghiệp Nhật dù ký thuê 5.000m2, với giá 55 đô la Mỹ/m2 nhưng khi đến họ lắc đầu rồi bỏ đi và nói rằng họ không thấy sức sống trong khu công nghiệp,” ông Điệp nhớ lại câu chuyện thường diễn ra trong sáu năm đầu hoạt động của Nam Cầu Kiền.

“Nếu không chuyển đổi, Nam Cầu Kiền không thể tồn tại,” ông Điệp nói, rồi nhắc đi nhắc lại về mối quan hệ cộng sinh giữa các chủ thể và cho đây là nguồn lực quan trọng hàng đầu giúp Nam Cầu Kiền chuyển đổi mô hình.

Dựa trên tám tiêu chí xác định khu công nghiệp sinh thái trong Nghị định 82, Shinec chọn đầu mối doanh nghiệp thuộc nhóm dẫn dắt ba mối quan hệ cộng sinh trong khu, rồi vận động thành lập Câu lạc bộ Eco Nam Cầu Kiền. Đến nay, câu lạc bộ này có sự tham gia của lãnh đạo 70 doanh nghiệp trong khu, từ bảy quốc tịch gồm Ý, Hà Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc (bao gồm cả Đài Loan, Hong Kong) và Việt Nam nhằm đưa “đầu ra của doanh nghiệp này là đầu vào của doanh nghiệp khác.”

Để đạt mục tiêu 100% chất thải trong khu công nghiệp đều phải được xử lý nội khu, ông Điệp lên kế hoạch thu hút công ty TNHH Tân Thuận Phong, công ty TNHH Phát triển Thương mại và Sản xuất Đại Thắng, công ty cổ phần Thành Đại Phú Mỹ về Nam Cầu Kiền mở nhà máy. Đến nay, Đại Thắng và Tân Thuận Phong phụ trách xử lý, tái chế chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp cho toàn bộ doanh nghiệp trong Nam Cầu Kiền và các dự án lớn bên ngoài như LG, Samsung… với công suất trung bình từ 500-1.500 kg/tiếng/quy trình.

Trong khi đó, Thành Đại Phú Mỹ xử lý và tái chế phụ phẩm ngành luyện kim, với công suất lên tới 300.000 tấn/năm. Về Thành Đại Phú Mỹ, ông Điệp phải trực tiếp đến trụ sở chính của công ty ở khu công nghiệp Phú Mỹ I, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tìm hiểu về công nghệ thu gom, tái chế và thành phẩm rồi thuyết phục họ đặt nhà máy tại Nam Cầu Kiền.

Hai năm sau khi xây dựng nhà máy, Thành Đại Phú Mỹ đi vào hoạt động tại Nam Cầu Kiền từ năm 2020. Doanh nghiệp này xử lý khoảng 10.000 tấn nguyên liệu đầu vào mỗi tháng. Ông Nguyễn Văn Vũ, phó giám đốc kinh doanh Thành Đại Phú Mỹ (Hải Phòng) cho biết khoảng 92% xỉ thép đầu vào sau khi xử lý được dùng để làm phụ gia xi măng.

Nhà máy xử lí nước thải tập trung nhìn trên cao tại Nam Cầu Kiền Hải Phòng.

Trong Nam Cầu Kiền, chuỗi cộng sinh tuần hoàn ngành thép với 16 doanh nghiệp tham gia đang phát triển nổi bật hơn hẳn hai chuỗi còn lại. Xỉ thép, tạp chất tách từ phế liệu kim loại của ngành sẽ được phân loại để thu hồi kim loại. Sắt tồn dư đưa trở lại nhà máy thép để luyện phôi. Phần xỉ thép không chứa kim loại được nghiền, sàng tái chế đá nhân tạo ecoslag làm phụ gia xi măng, vật liệu xây dựng thay đá tự nhiên và tạo ra các sản phẩm khác như gạch không nung, cấu kiện bê tông,…

Ông Bùi Văn Bình, giám đốc Tân Thuận Phong cho biết các loại chất thải sẽ được xử lý, tái chế thành kẽm sunfat dùng cho ngành sản xuất phân bón, thức ăn chăn nuôi. Các kim loại quý như vàng, bạc, đồng sẽ được thu hồi từ các loại chất thải điện tử. Ông Bình tự tin nói Tân Thuận Phong “có dây chuyền công nghệ thu hồi hết phế liệu, làm ra các sản phẩm và rác thải gần như bằng 0.”

Còn với chuỗi cộng sinh ngành nhựa có tám đơn vị tham gia, 65% nguyên liệu đến từ doanh nghiệp nội khu với khoảng cách 1km và 85% nhựa phế liệu được tái chế. Trong khi đó, chuỗi cộng sinh ngành phụ trợ có 20 doanh nghiệp tham gia đang dần phát triển rõ nét hơn, đến từ nhiều mảng như phụ trợ ô tô, điện – điện tử, chế biến nông sản.

Theo Nghị định 82, khu công nghiệp sinh thái phải thực hiện ít nhất một liên kết cộng sinh, còn ở Nam Cầu Kiền hiện nay có ba liên kết. Shinec đang chuẩn bị cho vòng tuần hoàn thứ tư liên quan đến năng lượng tái tạo, đặt mục tiêu trung hòa carbon toàn khu vào năm 2024. Theo tính toán, tổng công suất tại toàn bộ hệ thống điện mái tại đây có thể đạt 45MW và hệ sinh thái mua, bán điện cho các nhà máy trong khu sẽ được hình thành.

Bất động sản công nghiệp là ngành dịch vụ thông qua khai thác không gian. Vì vậy, dù vốn đầu tư vào hạ tầng khu công nghiệp sinh thái ước tính cao hơn so với khu công nghiệp truyền thống khoảng 130% nhưng nhà đầu tư có thể mở rộng các loại dịch vụ tiện ích và thu phí suốt vòng đời 50 năm.

Tỉ lệ lấp đầy theo diện tích đất được giao giai đoạn 1 tại Nam Cầu Kiền đạt mức tối đa và giai đoạn hai mới được cấp 60 héc ta đang là nơi các doanh nghiệp trong ngành sản xuất module – bảng điện, điện gia dụng, thực phẩm chức năng… từ Hà Lan, Nhật Bản… gấp rút xây dựng nhà máy.

Trong tương lai, tổng diện tích đất Shinec sẽ triển khai mở khu công nghiệp khoảng 1.000 héc ta. Thách thức đến từ việc nhân rộng mô hình ra các tỉnh thành có đặc thù kinh tế – xã hội và nhân khẩu khác nhau.

Ví dụ tại Gia Lai, Shinec sẽ đầu tư liên cụm công nghiệp khoảng 150 héc ta và kêu gọi các nhà sản xuất trong lĩnh vực công nghệ chế biến nhằm đưa tỉ lệ nông sản được chế biến từ 3% như hiện nay lên ít nhất 50%. “Chúng tôi không bê Nam Cầu Kiền Hải Phòng đi nhân rộng mà chỉ có thể mang theo nguyên lý phát triển. Đó là kinh tế tuần hoàn, trung hòa carbon, đề cao yếu tố cộng đồng gắn với văn hóa và giá trị địa phương,” ông Điệp cho biết.

Theo vụ Quản lý các khu kinh tế (bộ Kế hoạch và Đầu tư), cả nước có gần 400 khu công nghiệp và khu kinh tế. Trong đó, 13% khu công nghiệp đang hoạt động chưa xây dựng nhà máy xử lý nước thải. Tại Nam Cầu Kiền, hệ thống xử lý nước thải tập trung có công suất 2.000 m3/ngày đêm. Hệ thống quan trắc khí thải, nước thải, bụi thải online và cứ mỗi năm phút, dữ liệu lại được truyền về sở Tài nguyên và Môi trường.

Hồ nuôi cá Koi bằng nước thải đã qua xử lý trong Nam Cầu Kiền.

Ông Điệp kỳ vọng lượng nước thải công nghiệp sau khi đã xử lý có thể được cung cấp ngược lại cho máy móc trong các nhà máy thay vì chỉ được dùng để rửa đường, tưới cây hay xả đi như quy định hiện nay. Nhờ sự hỗ trợ về kiến thức, công nghệ trong giảm phát thải khí nhà kính và xử lý nước thải từ thành phố Kitakyushu (Nhật Bản), ông Điệp tin tưởng điều này khả thi.

“Thành phố Kitakyushu đã nghiên cứu tính khả thi của việc lắp đặt thiết bị từ Nhật Bản để đạt được quy hoạch khu công nghiệp sinh thái tại Nam Cầu Kiền, với sự hỗ trợ của bộ Môi trường Nhật Bản,” đại diện thành phố Kitakyushu chia sẻ với Forbes Việt Nam qua email.

Theo ban Quản lý khu công nghiệp – khu kinh tế Hải Phòng, trên địa bàn thành phố, diện tích hai khu công nghiệp đi theo hướng sinh thái là DEEP C và Nam Cầu Kiền, chiếm 16% trên tổng diện tích khoảng 5.000 héc ta của 12 khu công nghiệp đang triển khai. Mô hình khu công nghiệp sinh thái được cho là hướng đi quan trọng để thành phố này phát triển bền vững.

Theo ông Điệp, khu công nghiệp sinh thái là lối đi theo hướng thị trường ngách, khi mà các chủ đầu tư e ngại việc định dạng khu công nghiệp theo hướng sinh thái. Vì không ai muốn tăng quy hoạch diện tích trên 25% đất cho cây xanh, cảnh quan. Trong khi đó, Shinec lại đang chứng minh điều ngược lại ở Nam Cầu Kiền.

Chủ tịch Shinec nói khu công nghiệp sinh thái là “sản phẩm” đặc biệt, như một thỏi nam châm thu hút doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khó tính. Thị trường nhập khẩu sản phẩm của các doanh nghiệp này đều yêu cầu khắt khe về bảo vệ môi trường, giảm sử dụng tài nguyên. Vì vậy, chủ đầu tư như Shinec tham gia hỗ trợ nhà đầu tư trong khu đạt chứng chỉ xanh, một loại giấy thông hành về phát triển bền vững.

Chuyển sang mô hình khu công nghiệp sinh thái không chỉ giúp Nam Cầu Kiền hồi sinh mà còn tăng tiền thuế mà họ đóng vào ngân sách nhà nước. Ông Điệp cho biết số thuế mà Nam Cầu Kiền đóng cho thành phố Hải Phòng cao nhất trong tất cả các khu công nghiệp trên địa bàn, từ 825 tỉ đồng năm 2019 lên hơn 1.000 tỉ đồng vào năm ngoái. Lý do là Nam Cầu Kiền không được hưởng ưu đãi về thuế như các khu công nghiệp nằm trong khu kinh tế.

“Ngày xưa, Nam Cầu Kiền loay hoay thu hút nhà đầu tư. Bây giờ, nhiều khu công nghiệp có lợi thế khi được ưu đãi về thuế đang phải cạnh tranh với một khu không nằm trong khu kinh tế do người Việt đầu tư, có quy mô nhỏ bé như chúng tôi,” ông Điệp nói.

Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam số 107, tháng 7.2022, chuyên đề Kinh tế tuần hoàn