multi-media / Megastory

Ngành dệt may xanh hóa đến đâu?

Ngành dệt may Việt Nam đang xanh hóa như thế nào để đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu của khách hàng và các hiệp định thương mại thế hệ mới?

Nằm trong khuôn viên khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh, thành phố Thái Bình (tỉnh Thái Bình), khung cảnh bên ngoài nhà máy Tân Đệ 1 giống một làng quê Bắc bộ hơn là một nhà máy may xuất khẩu. Các lối đi trải nhựa quanh co chạy men theo những thảm cỏ xanh mướt, những luống hoa nhiều màu sắc trồng xen kẽ những tán cây xanh cao thấp đủ loại. Bên hồ nước yên tĩnh, thi thoảng bị phá vỡ bởi tiếng cá quẫy đuôi có những gốc cây có đường kính to cỡ hai người ôm. Ở một góc nhà máy, những giàn bầu bí trĩu quả, đu đưa trong gió.

Là một trong chín nhà máy may của công ty cổ phần Sản xuất hàng thể thao Tân Đệ (May Tân Đệ), Tân Đệ 1 được xây dựng theo mô hình xanh với tỉ lệ cây cối chiếm 40% tổng diện tích. Thành lập năm 2004, May Tân Đệ chuyên gia công các mặt hàng thể thao cho các thương hiệu lớn như The North Face, Under Armour, REI, Black Diamond.

“Đứng ở ngoài cửa chỉ thấy một khu rừng, xanh đến mức không thấy nhà máy đâu. Cả khuôn viên nhà máy Tân Đệ rộng gần 10 héc ta nhưng có chưa tới 3 ngàn lao động,” ông Vũ Đức Giang, chủ tịch hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) miêu tả ngắn gọn khi chia sẻ về câu chuyện xanh hóa ngành dệt may với Forbes Việt Nam trong cuộc phỏng vấn cuối tháng 6.2023.

Ông khẳng định: “Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã chủ động và thích ứng rất nhanh với những đòi hỏi, áp lực của thị trường, của những nhà mua hàng.”

Thông tin này dường như trái ngược với những tin tức xuất hiện trên truyền thông nhiều tháng qua về việc ngành dệt may Việt Nam đang tự tụt hậu so với các đối thủ láng giềng như Campuchia hay Bangladesh do chậm triển khai các tiêu chuẩn sản xuất xanh. Các hiệp định thương mại thế hệ mới nâng cao tiêu chuẩn sản xuất hướng đến xanh hóa khiến ngành dệt may Việt Nam đang đi thụt lùi. Thực hư việc này ra sao?

Ngành dệt may là lĩnh vực phát thải carbon cao. Sản xuất ngành dệt may, bao gồm cả trồng bông, sử dụng khoảng 93 tỉ m3 nước hàng năm và chiếm khoảng 4% lượng khai thác nước ngọt trên toàn thế giới. 20% ô nhiễm nước công nghiệp toàn cầu là phát sinh từ các hoạt động dệt nhuộm, một mắt xích quan trọng trong chuỗi dệt may.

Theo một nghiên cứu tại EU, ngành dệt may đứng thứ tư trong các ngành có tác động tiêu cực đối với môi trường và biến đổi khí hậu, đứng thứ ba trong việc tiêu thụ nước và sử dụng đất. Tại EU, hằng năm có khoảng 5,8 triệu tấn sản phẩm cũ hàng may mặc thải loại ra môi trường, tương đương khoảng 11 kg/người dân.

Sản xuất hàng dệt may cũng tiêu tốn năng lượng để vận hành nhiều loại thiết bị, tạo ra hơi và nhiệt cho các quy trình xử lý khác nhau. Tại Việt Nam, tính toán cho thấy, ngành dệt may chiếm khoảng 8% nhu cầu năng lượng của toàn bộ ngành công nghiệp và phát thải khoảng năm triệu tấn CO2 mỗi năm. Đồng thời, các quy trình xử lý ướt hàng dệt may (sợi, vải và hàng may) với các khâu giặt, giũ, tiền xử lý, nhuộm sử dụng lớn lượng nước và nhiều loại hóa chất, phải được xử lý khi thải ra môi trường.

Sản lượng dệt may toàn cầu gần như tăng gấp đôi từ năm 2000 đến năm 2015, tiêu thụ quần áo và dệt may dự kiến tăng 63% vào năm 2030, đạt mức 102 triệu tấn từ mức 62 triệu tấn hiện nay, đồng nghĩa với các vấn đề môi trường và phát triển bền vững bị đe dọa nghiêm trọng hơn.

Xanh hóa chuỗi sản xuất trong ngành dệt may đang là xu thế toàn cầu mà doanh nghiệp bắt buộc phải triển khai để đáp ứng đòi hỏi cụ thể của các nhà mua hàng và được hưởng ưu đãi thuế quan theo các hiệp định thương mại thế hệ mới đã có hiệu lực như EVFTA, CPTPP…

Rộng hơn là để hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết tại COP26. “Hướng dẫn xanh hóa ngành dệt may ở Việt Nam” do tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) Việt Nam phát hành nhấn mạnh, khái niệm xanh hóa trong dệt may mang ý nghĩa là ngành sẽ hoạt động theo hướng sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên và giảm chất thải, loại bỏ các chất gây lo ngại và loại trừ phát sinh vi sợi; biến đổi cách thức thiết kế quần áo, bán và sử dụng sao cho có thể giảm thải ra tự nhiên; cải thiện triệt để khả năng tái chế bằng cách thay đổi thiết kế, thu hồi và tái sản xuất; hướng tới sử dụng nguyên nhiên liệu tái tạo.

Ông Trần Như Tùng, chủ tịch hội đồng quản trị công ty cổ phần Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (Thanh Cong Textile) cho biết, yêu cầu về phát triển bền vững, trong đó có yếu tố về môi trường đã được các khách hàng yêu cầu từ lâu. Năm năm trở lại đây, mức độ thúc đẩy của họ ngày càng cao, nhất là các nhà mua hàng từ châu Âu, Mỹ. Đây là áp lực trực diện, tạo động lực để doanh nghiệp chuyển đổi.

“Chúng tôi từng gặp tình huống với một khách hàng Anh đang có nhu cầu gia tăng đơn hàng. Họ yêu cầu lấy chất bùn thải để kiểm nghiệm và kết quả phát hiện có chất gây nguy cơ lên da của người mặc. Chúng tôi mất ròng rã hai năm trời tìm kiếm nguyên nhân. Cuối cùng, phát hiện chất đó không đến từ hóa chất trong quá trình nhuộm mà từ nước rửa chén dùng ở nhà bếp công ty, cũng xả vào nguồn nước thải chung,” ông Tùng kể và lý giải, chính áp lực của khách hàng đã thúc đẩy Thành Công theo đuổi vụ việc. Áp lực từ từng khách hàng rất khác nhau nên mức độ chuyển đổi của các doanh nghiệp sẽ khác nhau. Có những doanh nghiệp đã chú trọng phát triển bền vững từ sớm nhưng cũng có những công ty chưa bắt đầu.

Từ năm 2015, với lợi thế có trung tâm nghiên cứu và phát triển kinh doanh (R&BD) đầu tư trước đó, Thành Công đã nghiên cứu và thử nghiệm các loại vải từ những vật liệu tái chế, vật liệu thiên nhiên. Thanh Cong Textile mua các loại sợi tái chế, như polyester làm từ chai nhựa, mía và bắp của các nhà cung cấp trong nước và nước ngoài, phối với các loại sợi truyền thống để sản xuất vải. Tỉ trọng các loại vải tái chế đã tăng dần trong các năm qua và hiện chiếm trên 10% doanh thu vải, theo báo cáo năm 2022.

Năm 2018, Thành Công đầu tư hệ thống tuần hoàn nước giúp sử dụng lại 30% nước thải đã qua xử lý đạt tiêu chuẩn cho khâu nhuộm tại nhà máy ở khu công nghiệp Tân Bình (TP.HCM). Trong năm 2023, lò hơi tại nhà máy này cũng đang được chuyển đổi nhiên liệu từ than đá thành vỏ trấu. Tại hai nhà máy may ở Vĩnh Long, công ty sử dụng điện từ hệ thống điện mặt trời áp mái. “Tính chung mỗi năm, chúng tôi chi khoảng một triệu đô la Mỹ chuyển đổi, đầu tư máy móc, thiết bị cho mục tiêu phát triển bền vững,” ông Tùng nói.

Theo báo cáo của tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), một số công ty thành viên mà tập đoàn đang nắm giữ trên 51% cổ phần đã đầu tư và đưa vào sử dụng điện mặt trời áp mái. Tính đến hết năm 2022, tổng công ty cổ phần May Việt Tiến có hệ thống với công suất hơn 7 triệu kW; tổng công ty Việt Thắng là 4 triệu kW; tổng công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ mức 3,3 triệu kW; tổng công ty cổ phần Dệt may Hà Nội có gần 6 triệu kW.

Ông Vũ Đức Giang cho biết, hiện đã có khoảng 80% doanh nghiệp trong ngành dệt may đầu tư điện mặt trời áp mái. Nhiều doanh nghiệp đã áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, chẳng hạn như  May 10, một doanh nghiệp lớn phía Bắc đã xây dựng hệ thống thu gom nước mưa, chuyển về hồ điều hòa và xử lý để sử dụng cho nhiều mục đích.

Những công nghệ mới giảm tác hại với môi trường cũng đã được áp dụng như sử dụng khí ozone để làm phai màu vải denim giúp tiết kiệm nước, dùng lò hơi điện thay cho than đá ở các nhà máy nhuộm. Bên cạnh đó đã có những nhà sản xuất vải từ sợi gai thiên nhiên…

Kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam năm 2022 đạt 44,7 tỉ đô la Mỹ, tăng 10,6% so với cùng kỳ nhưng tốc độ tăng trưởng bắt đầu chậm lại vào những tháng cuối năm và kéo dài cho đến hiện tại. Việt Nam giữ vị trí thứ ba trong các quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới, sau Trung Quốc (323 tỉ đô la Mỹ) và Bangladesh (45,7 tỉ đô la Mỹ). Điểm đặc biệt là kim ngạch xuất khẩu dệt may của Bangladesh năm 2022 tăng gần 26% so với năm 2021, đưa quốc gia này lấy lại vị trí thứ hai đã rơi vào tay Việt Nam trong năm 2021.

Đặc biệt, trong giai đoạn từ giữa năm 2022 đến quý 1.2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Bangladesh tăng 14% ở thị trường châu Âu và 35% ở các thị trường không truyền thống khác, theo cục Xúc tiến xuất khẩu (EPB) của bộ Thương mại Bangladesh. Xuất khẩu dệt may Bangladesh có năm tháng tăng trưởng dương liên tiếp và chỉ mới giảm tốc từ tháng 3.2023. Tính chung quý 1.2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may Bangladesh tăng hơn 6% so với cùng kỳ.

Theo số liệu của Vitas, trong năm tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt 14,5 tỉ đô la Mỹ, giảm 21% so với cùng kỳ. Yếu tố lạc quan là hàng cao cấp chiếm tỉ trọng 85% và tăng trên 10% so với năm ngoái. Bức tranh tương phản giữa dệt may Bangladesh và Việt Nam đang đặt ra câu hỏi: tại sao đối thủ của ngành dệt may Việt Nam đang vươn lên mạnh mẽ dù chịu những tác động chung của kinh tế toàn cầu suy thoái, lạm phát?

“Thời gian qua Bangladesh có nhiều đơn hàng vì họ chú trọng phát triển xanh,” ông Tùng, cũng là phó chủ tịch Vitas nhận định và so sánh, số lượng nhà máy đạt chứng nhận LEED Platinum tại đất nước Nam Á lên con số hàng trăm, trong khi Việt Nam đếm trên đầu ngón tay và chủ yếu là doanh nghiệp FDI. Ông Tùng cho biết, những tiêu chí về phát triển xanh đều nằm trong các bảng đánh giá của nhà mua hàng với các nhà máy. Nếu làm tốt việc này, tổng điểm càng cao và nhà máy càng được “rót” nhiều đơn hàng.

Điều này không chỉ đúng giữa các nhà máy thuộc các doanh nghiệp khác nhau mà còn áp dụng ngay trong cùng một công ty. “Như tại Thành Công, nhà máy ở Vĩnh Long sử dụng điện mặt trời áp mái được các công ty đưa đơn hàng về nhiều hơn,” ông Tùng dẫn chứng. Ở giai đoạn tình hình đơn hàng căng thẳng hiện tại, Thành Công sụt giảm khoảng 20% đơn hàng, thấp hơn tình hình chung và có thêm khách hàng mới, một phần nhờ “có lợi thế từ những đầu tư về phát triển xanh,” theo ông Tùng.

Trong bài viết đăng trên website của Vinatex, ông Lê Tiến Trường, chủ tịch tập đoàn này cho rằng giải thích lý do chính xác thì khó nhưng có những dấu hiệu cần phải xem xét để nhìn nhận vì sao quốc gia này lại sự bứt phá rất tốt về thị phần, thị trường như vậy. Từ năm 2018, Bangladesh đầu tư số tiền rất lớn cho các công nghệ sản xuất xanh đáp ứng những tiêu chuẩn cao nhất.

Kết quả là đến năm 2022, có khoảng 85-90% nhà máy may đạt tiêu chuẩn LEED Platinum, tiêu chuẩn sản xuất xanh cao nhất do hiệp hội các nhà đầu tư xây dựng Mỹ chứng nhận. Ngoài ra, Bangladesh còn có 500 nhà máy may khác đang chờ đợi để được đánh giá đạt tiêu chuẩn LEED. Yếu tố này cùng với việc ổn định lao động, nâng cao chất lượng, năng suất, trong khi vẫn khai thác triệt để lợi thế chi phí lao động rẻ, đồng tiền phá giá sâu trong năm 2022 đã giúp nước này duy trì được đà tăng trưởng.

Theo ông Trường, tại Việt Nam, các nhà máy đạt chứng nhận LEED chủ yếu nằm ở khu vực FDI hoặc có quy mô lớn như Việt Tiến, doanh nghiệp xuất khẩu dẫn đầu ngành dệt may với doanh thu 8.000-9.000 tỉ đồng hằng năm. Khi tuân thủ theo chuẩn LEED, doanh nghiệp phải đầu tư rất lớn về mặt tài chính, nhân lực để đáp ứng các tiêu chí rất chi li như lượng khí tươi, tỉ lệ cây xanh trên một người lao động, màu sơn sử dụng để tránh áp lực tâm lý cho công nhân.

Đây là một bài toán cần cân nhắc giữa khả năng tài chính và thực tế hoạt động của các nhà máy hiện tại. Bởi vì nhà máy đang tồn tại vẫn phải hoạt động, phải trả lương cho người lao động, không thể dừng lại hoàn toàn để thay thế cho đạt tiêu chuẩn LEED. Tuy nhiên, để tồn tại trong dài hạn, doanh nghiệp cần phải chuyển đổi khi sức nóng cạnh tranh đã cận kề.

Ông Tùng chia sẻ, ngành dệt may Việt Nam có rất nhiều việc phải làm để đúng với từ xanh hóa. Bản thân các doanh nghiệp muốn chuyển đổi phải cân đối được bài toán tài chính vì đây là khoản đầu tư không thấy hiệu quả ngay nhưng lập tức tác động đến con số lợi nhuận, cổ tức của cổ đông, thậm chí là giá cổ phiếu.

“Đây là cuộc chơi mang tính toàn cầu, anh nào đủ năng lực, khả năng tài chính, con người, quyết tâm thì phải đầu tư. Còn ai nói rằng mình nhỏ, không đủ khả năng, không làm thì sẽ bị đào thải,” ông Giang kết luận.

———————————

Bản in đăng trên Tạp chí Forbes Việt Nam số 119 có chủ đề “Nền kinh tế tuần hoàn”.