Tiêu điểm

Phát triển bền vững là bệ phóng cho tăng trưởng xuất khẩu dài hạn

2 năm trước
Tác giả Linh Chi

Phát triển bền vững là nội dung trọng tâm được thảo luận giữa các doanh nghiệp đại diện cho những nhóm ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Phiên thảo luận tại diễn đàn thường niên lớn nhất hàng năm do Forbes Việt Nam tổ chức với chủ đề “Con đường phía trước”

Share
this:

Phiên thảo luận có sự tham gia của ông Nguyễn Hoài Bảo, phó chủ tịch HĐQT Scansia Pacific – doanh nghiệp xuất khẩu nội thất; ông Trần Như Tùng – chủ tịch HĐQT CTCP Dệt May Đầu tư Thương mại Thành Công; ông Phan Minh Thông – sáng lập và CEO Phúc Sinh; và CEO của Bosch Việt Nam Guru Mallikarjuna. Phiên thảo luận với sự điều phối của ông Trần Vinh Dự – phó tổng giám đốc Chiến lược và Giao dịch tài chính, E&Y, xoay quanh chủ đề “Cơ hội mới, thách thức mới”.

Tất cả các diễn giả thừa nhận hoạt động sản xuất và kinh doanh ở doanh nghiệp của họ “có rất nhiều thay đổi” so với trước dịch. Ông Trần Như Tùng, người đứng đầu Thành Công Group – nơi có hơn 4000 nhân công, thừa nhận đội ngũ lãnh đạo đã phải ra quyết định khó khăn giữa “làm hay đóng cửa” khi đợt dịch lần 4 bùng nổ. Ông cho biết ban lãnh đạo đã có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc nhanh chóng thích ứng và thay đổi, đội ngũ nhân sự nói chung đã tăng cường kết nối sau khi thực hiện 3 tại chỗ.

Ông Phan Minh Thông từ Phúc Sinh cho biết doanh nghiệp của họ đã may mắn khi không bị ảnh hưởng, thậm chí doanh thu năm nay dự kiến còn cao hơn 2020 nhờ hai yếu tố: Nhu cầu với các sản phẩm thiết yếu như nông sản ở những thị trường châu Âu và Mỹ gia tăng, nhờ sự chuẩn bị kỹ càng của doanh nghiệp từ nhiều năm trước.

Tương tự, ông Guru từ Bosch nói rằng những đồng nghiệp người Đức không thể tưởng tượng được viễn cảnh ăn, làm việc và nghỉ ngơi ngay tại nhà máy ở Việt Nam. “Chúng tôi tương đối thành công khi vẫn tiếp tục sản xuất để duy trì việc cung ứng cho toàn cầu. Ngoài ra, tôi và các đồng nghiệp đã học được nhiều bài học quý giá, đặc biệt là việc linh hoạt thay đổi để thích ứng,” đại diện Bosch Việt Nam chia sẻ.

Khi nhìn về tương lai, đại diện các doanh nghiệp bày tỏ góc nhìn tích cực về tốc độ tăng trưởng của những mặt hàng xuất khẩu chủ lực từ Việt Nam. Câu chuyện của ngành gỗ được ông Nguyễn Hoài Bảo cập nhật con số dự kiến 15 tỉ USD doanh thu xuất khẩu dự kiến toàn ngành trong năm 2021. “Tốc độ tăng trưởng của ngành trung bình trên thế giới là 3-5%/năm, tại Việt Nam gấp khoảng ba lần, riêng năm nay ngành gỗ dự kiến tăng trưởng khoảng 15%,” ông Bảo chia sẻ.

Từ trái sáng, ông Trần Vinh Dự điều phối phiên thảo luận, ông Nguyễn Hoài Bảo, ông Trần Như Tùng , ông Phan Minh Thông và ông Guru Mallikarjuna. Ảnh: Forbes Việt Nam.

Những động lực hỗ trợ cho đà tăng trưởng của ngành kinh doanh truyền thống này, theo ông Bảo là các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký với những thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới, sự chủ động trong nguồn cung và chi phí lao động tương đối thấp là lợi thế trong khoảng 5 -10 năm tới.

Trong khi ông Trần Như Tùng khẳng định việc tận dụng lợi thế nhân công giá rẻ sẽ không thể là con đường phát triển bền vững cho ngành dệt may ở Việt Nam. Ông dẫn báo cáo mới nhất từ tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam đã vượt Banglagesh để trở thành quốc gia xuất khẩu dệt may lớn thứ hai toàn cầu.

Tuy nhiên, để tiếp tục đà tăng trưởng tích cực, doanh nghiệp dệt may sẽ phải lưu tâm tới cụm từ ESG (Environmental Social Governance), đồng nghĩa với việc cần thiết lập một chuỗi sản xuất bền vững từ khâu dệt, nhuộm cho tới các chính sách dành cho người lao động. “Phát triển dệt may Việt Nam là câu chuyện đường dài, cần nhiều nỗ lực của doanh nghiệp,” ông Tùng nói.

Nhờ hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp cách đây khoảng mười năm, ông Phan Minh Thông cho biết họ chấp nhận đổi một phần lợi nhuận để xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với nông dân – những đối tác quan trọng trong chuỗi giá trị đối với công ty xuất khẩu nông sản như Phúc Sinh. Thay vì xuất thô, Phúc Sinh tập trung xây dựng nhiều nhà máy để tạo lợi thế cạnh tranh trong chế biến, nâng giá trị nông sản xuất khẩu.

Hai năm qua cho thấy cách thức này đã giúp Phúc Sinh không bị ảnh hưởng bởi nguồn cung đầu vào, các đối tác thông cảm và sự uy tín giúp họ vượt qua đại dịch với mức tăng trưởng rất tích cực. “An toàn thực phẩm và phát triển bền vững trong nông nghiệp sẽ là xu hướng không thể thay đổi. Các thị trường khó tính có những quy định rất ngặt nghèo đối với sản phẩm nông nghiệp, nhưng đó là đòn bẩy tích cực thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp Việt Nam,” ông Thông khẳng định.  

Bàn về khả năng gia nhập chuỗi giá trị công nghệ cao của doanh nghiệp Việt Nam khi nhiều năm nay ngành điện tử là quán quân về xuất khẩu, ông Guru cho rằng bài toán cần giải sẽ là tích hợp và tạo ra giá trị cho cả hai bên – doanh nghiệp Việt trong vai trò là đơn vị cung ứng và các tập đoàn FDI đặt trụ sở ở Việt Nam.

—————————————————————————

Xem thêm
Business Forum 2021: Doanh nghiệp linh hoạt trong biến động

Dự báo tương lai kinh tế Việt Nam hậu đại dịch
Forbes Việt Nam khai mạc Diễn đàn Kinh doanh 2021: Hướng tới tương lai

Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam 2021
Trang thông tin chính thức của sự kiện Diễn đàn Kinh doanh 2021