multi-media / Megastory

Business Forum 2021: Doanh nghiệp linh hoạt trong biến động

Diễn đàn kih doanh

Các doanh nghiệp cùng chia sẻ cách thức xoay chuyển kinh doanh trong dịch bệnh, vượt qua giai đoạn khó khăn để đưa ra các quyết định cân bằng giữa mục tiêu ngắn hạn và tạo sức bật trong tương lai.

Các lãnh đạo doanh nghiệp gồm bà Nguyễn Bạch Điệp – chủ tịch HĐQT FPT Retail; ông Nguyễn Quốc Kỳ – chủ tịch Vietravel Holdings; ông Trần Xuân Ngọc – CEO Nam Long Group và ông Đặng Tất Thắng – CEO Bamboo Airways, cùng tham dự phiên thảo luận về sự “Linh hoạt trong biến động”. Phiên thảo luận với sự điều phối của bà Đặng Phạm Minh Loan, CEO IDP.

Bà Nguyễn Bạch Điệp, chủ tịch FPT Retail chia sẻ, hai chuỗi cửa hàng bán lẻ của họ trong dịch bệnh bị ảnh hưởng với hai tình thế “may và không may”. Chuỗi bán hàng kỹ thuật số phải đóng 50% số cửa hàng trong khi chuỗi dược phẩm lại có cơ may mở rộng vì là sản phẩm thiết yếu. FPT Retail tìm cách đảm bảo chuỗi cung ứng, huy động toàn bộ nhân viên bán hàng trực tuyến, mở nhiều kênh tiếp cận khách hàng để vực dậy hoạt động kinh doanh nhanh nhằm giảm thiểu thiệt hại khi chuỗi ICT bị ảnh hưởng nặng.

“Tháng đầu tiên giãn cách, tác động ngay lập tức đến doanh thu, thu nhập cán bộ quản lý giảm 20-30% nhưng không cắt giảm lương nhân viên, chúng tôi tổ chức làm việc xoay tua và chia sẻ khó khăn. Nhân viên từ bộ phận bán lẻ ICT chuyển sang hỗ trợ chuỗi dược phẩm, làm mọi cách để họ có công việc và duy trì thu nhập,” bà Điệp cho biết.

Bà Đặng Phạm Minh Loan, CEO IDP điều phối phiên thảo luận “Linh hoạt trong biến động”
Bà Nguyễn Bạch Điệp: Doanh nghiệp đã tích lũy được những kinh nghiệm quý giá, vì vậy tiếp tục con đường phía trước sẽ không còn quá khó khăn. Việc đầu tiên là luôn đảm bảo sức khỏe an toàn cho nhân viên để mọi người yên tâm làm việc.

Du lịch và hàng không là các lĩnh vực chịu thiệt hại nặng nề trong đại dịch. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, chủ tịch Vietravel Holdings đưa ra số liệu: Việt Nam với hệ thống lưu trú nửa triệu phòng, 19 triệu du khách nước ngoài và 82 triệu khách nội địa trong năm 2019. Cả ngành có 2.300 doanh nghiệp lữ hành và hàng chục ngàn hướng dẫn viên hành nghề. Tất cả bị ngưng trệ.

“Khi dịch diễn ra, doanh thu Vietravel mỗi ngày trung bình từ 1,5 triệu USD lập tức về 0, mức thiệt hại chưa từng trải qua và chưa từng có kinh nghiệm, kể cả dịch SARS năm 2002 hay khủng hoảng kinh tế 2008-2010 cũng không so sánh được,” ông Kỳ nói.

Ông Kỳ chia sẻ “sau khoảng 10 ngày hoảng loạn” thì bắt đầu lên giải pháp để doanh nghiệp không rơi vào trạng thái “ngủ đông”, tổ chức các hoạt động để giữ giá trị cốt lõi bằng cách tập trung vào công tác xã hội, thể hiện vai trò dẫn dắt ngành của mình và giải quyết vấn đề truyền thông tiếp thị, nhắc khách hàng nhớ đến mình, nhớ đến các trải nghiệm du lịch để khi trở lại bình thường mới có thể phục hồi kịp thời.

“Du lịch là nền kinh tế tổng hợp, phụ thuộc vào các hạ tầng dịch vụ và vào tâm lý xã hội, khi tất cả các ngành phục hồi thì ngành du lịch cần độ lùi sau đó khoảng 3-4 tháng,” ông Kỳ nói.

Ông Trần Xuân Ngọc: Điều tôi và đội ngũ nhận ra qua đại dịch lần này là liên tục có kế hoạch cho các tình thế. Trước đây, thường chỉ có một kế hoạch nhưng khi dịch xảy đến thì không chỉ A, B mà còn C và kế hoạch còn cần phải rất chi tiết.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ: Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, chỉ phục hồi khi xã hội an toàn, mọi người cảm thấy muốn đi. Doanh nghiệp phải giải quyết các câu chuyện ở giai đoạn mới để thích ứng với hành vi sống sau dịch và đưa ra những sản phẩm phù hợp.
Ông Đặng Tất Thắng: Năm 2022 chúng ta sống chung với dịch. Những gì đã chuẩn bị thời gian qua là tiền đề để quay về quỹ đạo bình thường.

Bamboo Airways hoạt động được ba năm thì mất hai năm đối phó với COVID-19. Ông Đặng Tất Thắng, CEO Bamboo Airways cho biết: hàng không bị ảnh hưởng ngay lập tức, khi không thể hoạt động đồng nghĩa gánh khoản chi phí khủng khiếp mỗi ngày. Tuy nhiên Bamboo vẫn tăng đội tàu bay và tăng tuyến bay theo chiến lược phủ tất cả các đường bay nội địa để giảm thiệt hại khi đóng cửa hàng không quốc tế.

Nguồn thu sụt giảm nhưng vẫn phải duy trì nguồn lực, tiết giảm chi phí, xin giãn nợ, khai thác các khoản thu ở bộ phận thương mại và tìm nguồn thu mới bằng cách chuyển máy bay sang chở hàng hóa. “Việc chuẩn bị thời gian qua là tiền đề để hãng quay về quỹ đạo khi các hoạt động hàng không quốc tế và nền kinh tế hồi phục,” ông Thắng nói.

Có lịch sử 29 năm hoạt động, ông Trần Xuân Ngọc, CEO Nam Long Group chia sẻ, năm 2021 công ty lên kế hoạch với nhiều tham vọng – bởi là năm bản lề trong chiến lược 10 năm tiếp theo. Tình hình kinh doanh đang rất thuận lợi nhưng dịch bùng phát, các công trường dừng lại khiến kế hoạch bán hàng sáu tháng cuối năm cũng dừng lại.

“Thời gian đầu tâm lý lo lắng và có chút hoảng loạn, Nam Long sau đó thành lập ban chỉ đạo đối phó Covid-19 bằng “cuộc chiến mang lại những giá trị tốt nhất có thể cho xã hội”. Công ty lập quỹ đóng góp cho các tỉnh thành, những nơi họ có dự án, giữ 100% phúc lợi cho nhân viên song song với việc linh động phân công lao động. Nam Long xác định đây là thời gian hoàn thiện quy trình làm việc, tập trung vào trọng tâm là khâu thiết kế, giải quyết vấn đề hồ sơ pháp lý, sẵn sàng để có thể chạy tốt sau khi các hoạt động trở lại bình thường

“Mọi người bận rộn, khối lượng công việc còn nhiều hơn bình thường, mọi người vui, đoàn kết và sáng tạo hơn,” ông Ngọc chia sẻ. Nhờ đó khi giãn cách chấm dứt các hoạt động nhanh chóng trở lại bình thường.

————————————————————————-

Xem thêm
Dự báo tương lai kinh tế Việt Nam hậu đại dịch
Forbes Việt Nam khai mạc Diễn đàn Kinh doanh 2021: Hướng tới tương lai
Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam 2021
Trang thông tin chính thức của sự kiện Diễn đàn Kinh doanh 2021