Hội nghị Phát triển Bền vững 2023 (Sustainability Leaders’ Summit) với chủ đề Con đường màu xanh – sự kiện được Forbes Việt Nam tổ chức năm thứ hai, chính thức khai mạc chiều nay 13.4 tại TP.HCM.
Các chuyên gia và lãnh đạo từ các doanh nghiệp đang dẫn dắt thị trường sẽ có mặt tại Hội nghị để cùng thảo luận về các chủ đề thời sự nhất hiện nay như giảm phát thải carbon, xử lý rác thải, chống biến đổi khí hậu, nền kinh tế tuần hoàn… Các diễn giả cũng chia sẻ những kinh nghiệm thực hành giúp doanh nghiệp chuyển dịch mô hình hoạt động trong lúc vẫn duy trì tăng trưởng, thúc đẩy phát triển kinh doanh bền vững.
Phát triển bền vững là chủ đề rất rộng, liên quan đến nhiều vấn đề xã hội, kinh tế, con người và môi trường. Sự phồn vinh của một quốc gia không thể chỉ được đo lường qua thành tựu kinh tế mà còn phải là tính bền vững của xã hội, cân bằng môi trường và hệ sinh thái. Sau cam kết “net-zero” vào năm 2050 của chính phủ Việt Nam tại COP-26 và các hiệp định thương mại thế hệ mới, việc phát triển bền vững ngày càng được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm.
Trong bài trình bày Thế giới mong manh, diễn giả Denis Depoux, tổng giám đốc toàn cầu công ty Tư vấn Roland Berger, chia sẻ về các tác động tiêu cực và không thể đảo ngược của biến đổi khí hậu tới nền kinh tế Việt Nam nếu không nỗ lực chung tay và hành động quyết liệt, kịp thời.
Chuyên gia Đặng Hồng Hạnh, tổng giám đốc Energy Environment Climate sẽ trình bày về Lộ trình cắt giảm khí gây hiệu ứng nhà kính, với thông điệp việc giảm thiểu khí thải carbon đang cần sự tham gia hành động của cả cộng đồng.
Phiên thảo luận Giảm thiểu khí thải carbon sẽ trao đổi về các giải pháp, lựa chọn hành động và biện pháp thực hành để giảm lượng carbon phát thải ra môi trường với lãnh đạo các doanh nghiệp đầu ngành: bà Đặng Huỳnh Ức My – phó chủ tịch TTC AgriS; ông Đồng Mai Lâm – CEO Schneider Electric Việt Nam – Campuchia và ông Joseph Low – chủ tịch Keppel Land Việt Nam.
Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đang kinh doanh dựa trên mô hình tuyến tính, nguyên vật liệu đầu vào được sử dụng một lần, không chỉ gây lãng phí mà còn làm ảnh hưởng đến sự cân bằng sinh thái tự nhiên. Bài trình bày Từ tuyến tính đến tuần hoàn từ ông Binu Jacob, tổng giám đốc Nestlé Việt Nam sẽ phác họa tổng quan về lợi ích và các hiệu quả lâu dài của nền kinh tế tuần hoàn. Kinh nghiệm của doanh nghiệp khi chuyển dịch sang kinh tế tuần hoàn với chu trình sản xuất khép kín, tiết kiệm nguyên liệu và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Theo thống kê của bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó hơn một nửa thải ra biển. Hiện đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp hoặc đốt, chỉ 10% được tái chế. Đã có nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó tái chế và cắt giảm là phương pháp bền vững hướng đến mục tiêu để lại hành tinh xanh cho thế hệ tương lai.
Tại phiên thảo luận Xử lý rác thải nhựa, lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu cùng chia sẻ các biện pháp thực hành nhằm nỗ lực giảm thiểu rác thải và tái chế vật liệu. Các diễn giả gồm ông Lê Anh – giám đốc Phát triển bền vững, công ty Nhựa tái chế Duy Tân; ông Romain Vidal – giám đốc Kinh doanh số, Decathlon Vietnam; ông Leonardo Garcia – CEO Coca Cola Vietnam & Cambodia; bà Trần Phương Nga – tổng giám đốc điều hành Thiên Long, với sự điều phố của bà Đỗ Thị Thanh Huyền, nhà sáng lập Gaia Nature Conservation.
Phiên thảo luận trên cũng khép lại Hội nghị Phát triển Bền vững 2023 của Forbes Việt Nam. Các chuyên gia và doanh nghiệp sẽ cùng đồng hành với Forbes Việt Nam trong sự kiện tiếp theo mang tên “The Next Gen Summit” sẽ diễn ra vào tháng 5.2023, dành cho các nhà lãnh đạo thế hệ kế tiếp tại Việt Nam.
————————————–
Xem thêm:
Forbes Việt Nam khai mạc Hội nghị Kinh doanh tạo tác động 2022
Thỏa thuận JETP tạo đòn bẩy 15,5 tỉ USD cho chuyển đổi xanh
Thực thi kinh tế tuần hoàn là đầu tư bền vững cho tương lai
Doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội: Hướng đi của tương lai
Phát triển bền vững là bệ phóng cho tăng trưởng xuất khẩu dài hạn
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/forbes-viet-nam-khai-mac-hoi-nghi-phat-trien-ben-vung-2023)
2 năm trước
Hành trình doanh nghiệp kiến tạo sự thay đổi1 năm trước
Ngành dệt may xanh hóa đến đâu?