J.P. Morgan hiện đại hóa hệ thống để cạnh tranh với công ty cung cấp dịch vụ thanh toán dựa vào công nghệ điện toán đám mây.
Kế hoạch mua Renovite Technologies của J.P. Morgan cho thấy ngân hàng Hoa Kỳ dẫn đầu trong lĩnh vực xử lý thanh toán đang đẩy mạnh cạnh tranh với các công ty fintech (công nghệ tài chính) nhanh lẹ như Block (tên cũ là Square) và Stripe trong khi cố gắng mở rộng hoạt động ra thị trường quốc tế.
Ngày 12.9, ngân hàng công bố động lực chính cho thỏa thuận này là giải pháp thanh toán dựa trên đám mây của Renovite sẽ tạo điều kiện cho J.P. Morgan xử lý các hình thức thanh toán mới. Giải pháp thanh toán hiện hữu của các ngân hàng dẫn đầu phải sửa đổi tốn thời gian cũng như tốn kém để có thể xử lý những hình thức thanh toán khác ngoài số thẻ 16 chữ số làm token thanh toán, được sử dụng trong giao dịch như một biện pháp bảo mật để bảo vệ số tài khoản ngân hàng.
Giải pháp thanh toán dựa trên đám mây của Renovite dễ dàng hỗ trợ các hình thức thanh toán như mua ngay, trả sau hoặc tiền mã hóa vì mọi thứ từ email đến địa chỉ ví đều có thể trở thành một token thanh toán.
Renovite có trụ sở chính tại Fremont, California, với các văn phòng tại Ấn Độ và Vương quốc Anh. Công ty làm việc với J.P. Morgan từ năm 2021 và khi hoàn thành thỏa thuận sẽ tích hợp vào J.P. Morgan Payments. Công ty không tiết lộ những điều khoản trong giao dịch.
“Trong thời đại mới, có rất nhiều sự đổi mới ở điểm tiếp xúc với khách hàng, cho dù đó là thương mại điện tử, điểm bán hàng, máy ATM với những phương thức thanh toán hay các loại giao dịch mới khác,” Viren Rana, CEO của Renovite cho biết. “Giải pháp của chúng tôi giải quyết được vấn đề đó, vì vậy chúng tôi sở hữu kiến trúc linh hoạt, giúp khách hàng tích hợp các phương thức thanh toán mới, những loại thanh toán cũng như giao dịch mới chỉ trong một giây.”
Những công ty fintech bao gồm Block và Stripe sở hữu nhiều lợi thế hơn so với những ngân hàng xử lý thanh toán dẫn đầu như J.P. Morgan cho các doanh nghiệp nhỏ và thương mại điện tử nhờ tạo ra trải nghiệm đơn giản với nhiều lựa chọn thanh toán và tùy chỉnh. Ngay từ khi thành lập, các công ty này sử dụng công nghệ đám mây để quản lý tài khoản kỹ thuật số, giúp khách hàng thực hiện giao dịch trơn tru cũng như hỗ trợ lựa chọn nhiều hình thức thanh toán hơn.
Vào năm 2020, Goldman Sachs nắm bắt đúng xu hướng và ra mắt dịch vụ ngân hàng giao dịch dựa trên đám mây để cạnh tranh với hoạt động kinh doanh dịch vụ quản lý nguồn vốn doanh nghiệp của J.P. Morgan. Mặc dù hoạt động kinh doanh này của J.P. Morgan rất mạnh, nhưng nếu không nâng cấp hệ thống của mình thì sẽ thất thế trong cuộc đua tranh giành thị phần so với những đối thủ cung cấp dịch vụ dựa trên đám mây đang mở rộng thị phần trong thời gian tới, David Donovan, phó chủ tịch điều hành dịch vụ tài chính của công ty tư vấn kỹ thuật số Publicis Sapient, nhận xét.
“Khi nhu cầu thanh toán của khách hàng trở nên phức tạp, đa dạng và toàn cầu hơn, bạn đang nhìn thấy cho dù J.P. Morgan vẫn chiếm ưu thế vì thương hiệu, quy mô cũng như đa dạng hoạt động kinh doanh trong nhiều thập niên qua, nhưng ngân hàng này sẽ mất dần khách hàng vào Square, Stripe và Goldman Sachs Transaction Banking, vốn là những công ty có hệ thống công nghệ hiện đại hơn,” Donovan nói.
J.P. Morgan dẫn đầu trong xử lý thanh toán tại Hoa Kỳ trong tám năm liên tiếp, theo báo cáo của Nilsen. Riêng trong năm 2021, JPMorgan xử lý số lượng giao dịch trị giá 1,7 ngàn tỉ USD. So sánh với các đối thủ, giá trị giao dịch Stripe xử lý đạt 640 tỉ USD vào năm 2021 và Adyen có trụ sở tại Amsterdam xử lý số lượng giao dịch trị giá 516 tỉ USD.
Ngân hàng có trụ sở tại New York này nâng cấp công nghệ có thể tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực thanh toán, đặc biệt trong thương mại điện tử. Người tiêu dùng có thể bắt đầu nhìn thấy nhờ vào những công ty fintech, ngày càng có nhiều phương thức thanh toán để lựa chọn.
“Tiền mã hóa hoặc bitcoin cũng đã được chấp nhận tại điểm bán hàng hoặc khoản thanh toán bán lẻ trực tuyến,” Rana cho biết. “Đó là một ví dụ hoàn hảo. Giả sử nếu một token thanh toán mới như tiền mã hóa xuất hiện, sẽ mất nhiều thời gian để sử dụng chúng thanh toán trên nền tảng lạc hậu. Nhưng đối với chúng tôi, cho dù có một token thanh toán mới khác nữa, chúng tôi đều có thể xử lý thanh toán.”
Giải pháp thanh toán này cũng giúp J.P. Morgan mở rộng phạm vi xử lý những giao dịch thanh toán quốc tế dễ dàng hơn nhờ cho phép ngân hàng hỗ trợ thói quen thanh toán trong khu vực. Ví dụ, ở Ấn Độ, Unified Payments Interface (UPI), là lựa chọn theo thời gian thực cho phép khách hàng gửi tiền trực tiếp từ tài khoản ngân hàng đến người bán.
UPI dẫn đầu hình thức thanh toán trong nước, với giá trị giao dịch 940 tỉ USD, chiếm 31% GDP của Ấn Độ, được xử lý vào năm 2021. Sản phẩm của Renovite có thể giúp J.P. Morgan thực hiện các giao dịch như vậy thông qua số tài khoản ngân hàng, thay vì số thẻ, dưới dạng token thanh toán. Mercado Payments ở Argentina hoặc Boleto Payments ở Brazil cũng tích hợp giải pháp này vào trong nền tảng của họ.
Thương vụ mua lại Renovite là thương vụ mới nhất J.P. Morgan thực hiện sau khi mua một loạt công ty fintech với mục tiêu hiện đại hóa hệ thống. Năm ngoái, ngân hàng này mua lại hoặc đầu tư vào khoảng 30 công ty, theo báo cáo của Reuters.
Trong đó, có những thỏa thuận mua lại nền tảng trợ giúp tài chính cho sinh viên đại học Frank ở Hoa Kỳ , công ty quản lý tài sản kỹ thuật số Nutmeg ở Vương quốc Anh và 40% cổ phần trong ngân hàng kỹ thuật số C6 ở Brazil. Tuy nhiên, J.P. Morgan đối mặt với nhiều thách thức khi nâng cấp cơ sở hạ tầng đã có trong hàng thập niên qua.
Biên dịch: Gia Nhi
Xem thêm:
DỊCH VỤ THANH TOÁN PAYMONGO: “SÁT THỦ” TIỀN MẶT Ở PHILIPPINES
Tessa Wijaya, bước chuyển thành công từ ngân hàng đầu tư sang startup thanh toán
Zventures dẫn đầu vòng đầu tư 4 triệu USD vào startup thanh toán tiền mã hóa ở Singapore
Strike tích hợp với Shopify, hợp tác với NCR và Blackhawk để thanh toán bitcoin đến người bán hàng
Cách tin tặc rút tài khoản ngân hàng từ ứng dụng thanh toán trên Apple và Samsung
1 năm trước
Uber hợp tác với Google và Oracle