multi-media / Megastory

Con đường thành công của tỷ phú ống nước nhựa Walter Wang

Walter Wang đã vay tiền từ cha mình, vị tỉ phú huyền thoại ở Đài Loan (Trung Quốc), để mua lại một doanh nghiệp sản xuất ống nhựa. Qua thời gian, ông đã phát triển việc kinh doanh của công ty này lên gấp bảy lần và tự gây dựng nên khối tài sản hàng tỷ USD. Câu chuyện thành công của Walter Wang là một minh chứng sống động cho khái niệm “giấc mơ Mỹ.”

Vào đầu tháng 10.2024, Tổng thống Joe Biden đã thông báo quy định mới từ Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA), yêu cầu thay thế gần như toàn bộ đường ống dẫn nước làm bằng chì trên khắp nước Mỹ trong vòng 10 năm. Đây là một nỗ lực nhằm cải thiện chất lượng nước sinh hoạt. Hưởng lợi nhiều nhất từ quy định này là JM Eagle, một trong những nhà sản xuất ống nhựa hàng đầu thế giới có trụ sở tại Los Angeles.

Trong năm 2024, Walter Wang (59 tuổi), chủ sở hữu kiêm CEO tại JM Eagle, lần đầu tiên gia nhập danh sách Forbes 400, bảng xếp hạng 400 người giàu nhất nước Mỹ, ở vị trí thứ 374 và sở hữu khối tài sản ròng 3,6 tỷ USD. Phần lớn giá trị tài sản của ông đến từ JM Eagle, công ty có doanh thu 2,3 tỷ USD cùng hai ngàn nhân sự làm việc tại ba quốc gia khác nhau.

JM Eagle được Forbes định giá ở mức 2,8 tỷ USD (Walter Wang còn là cổ đông lớn của PTM, một công ty sản xuất ống nhựa ở Mexico). Walter Wang cho biết quy định mới sẽ giúp doanh thu của JM Eagle tăng từ 20-25%.

Theo báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường IBISWorld, JM Eagle hiện nắm thị phần 10%, con số lớn nhất trong ngành sản xuất ống nhựa tại Mỹ (97% doanh thu của JM Eagle đến từ khu vực Bắc Mỹ, trong đó thị trường Mỹ đóng góp 90%). Kinh doanh trong lĩnh vực thường cạnh tranh chủ yếu về giá như sản xuất ống nhựa, Walter Wang cho biết JM Eagle tạo nên sự khác biệt bằng mô hình “one-stop shop” (cửa hàng một điểm đến).

Công ty cung cấp ống nhựa cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau, bao gồm sản phẩm làm từ hai vật liệu nhựa phổ biến nhất hiện nay là polyvinyl chloride (PVC) và polyethylene (PE), được sản xuất tại 22 nhà máy của JM Eagle ở khắp Bắc Mỹ.

Hiện JM Eagle đang cung cấp sản phẩm phục vụ cơ sở hạ tầng về điện, nước và khí đốt tại nhiều tiểu bang và khu vực tự quản ở Mỹ. Ống nhựa PVC của công ty này có mặt ở khắp mọi nơi, từ vườn quốc gia Joshua Tree và công viên Disneyland (California), khu bảo tồn người da đỏ Fort Peck (phía Đông Montana) đến nhà máy siêu lớn chuyên sản xuất pin xe điện của Tesla (Austin, Texas) và vườn quốc gia Grand Canyon.

Hồi đầu tháng 10.2024, JM Eagle đã được Home Depot và Lowe’s đặt hàng cung cấp ống nhựa cho các cửa hàng ở khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ cơn bão Helene. Hai thương hiệu bán lẻ về dụng cụ sửa chữa, cải tạo nhà ở này đang nỗ lực khôi phục việc kinh doanh của mình sau thiên tai.

Walter Wang

Gần đây, Forbes đã thực hiện buổi phỏng vấn với Walter Wang tại căn hộ của ông ở Manhattan, New York. Từ đây có thể quan sát toàn cảnh các công trình kiến trúc của New Jersey qua khung cửa sổ liền mạch từ sàn đến trần. Doanh nhân này trả lời phỏng vấn khi đang ngồi trước laptop để báo giá sản phẩm cho khách hàng, công việc mà ông chia sẻ mình thường thực hiện mỗi ngày từ ba đến bốn giờ.

Khi buổi phỏng vấn kéo dài đến trưa, Walter Wang vừa thưởng thức bữa ăn vừa lý giải vì sao một lãnh đạo như ông lại đích thân làm việc này. Walter Wang cho biết ông muốn hiểu rõ mọi khía cạnh trong hoạt động của công ty và thị trường hơn bất kỳ ai khác. “Là chủ doanh nghiệp, tôi sẵn sàng tham gia nhiều phần việc khác nhau,” ông nói.

JM Eagle là tên tuổi lớn trên thị trường, nhưng với Walter Wang, quản lý công ty này giống như việc kinh doanh của gia đình. Tuy vậy, ông không sở hữu JM Eagle theo cách truyền thống.

Thực chất, Walter Wang mua lại JM Eagle (tiền thân là J-M Manufacturing) từ cha ông, cố tỷ phú người Đài Loan (Trung Quốc) Wang Yung-ching, hay còn gọi là Y.C Wang, vào năm 2005. Ông đã vay 30 triệu USD từ chính Y.C Wang và vay thêm 300 triệu USD từ các ngân hàng để thực hiện thương vụ này. Từ đó đến nay, ông đã phát triển việc kinh doanh của JM Eagle lên gấp bảy lần.

Khi lên chín tuổi, Walter Wang cùng mẹ rời Đài Loan (Trung Quốc) chuyển đến Mỹ sinh sống tại Berkeley, California. Vào thời điểm đó, chị gái Cher Wang của ông đang học tại Đại học California, Berkeley. (Bà là người sáng lập tập đoàn điện thoại thông minh HTC Corp. và có thời gian ngắn dẫn đầu danh sách những người giàu nhất đặc khu kinh tế này cùng chồng Chen Wenchi vào năm 2011).

Ở Mỹ, ba người đã thuê một ngôi nhà với giá năm ngàn USD, chi trả bằng tiền tiết kiệm của mẹ ông và số tiền dành làm của hồi môn cho chị gái sau này. Mỗi tháng, họ được người cha tỷ phú của Walter Wang cấp cho khoản phí sinh hoạt 800 USD. Vì vậy, phải đợi đến khi người chú Wang Yung-tsai ghé thăm, hai chị em Walter Wang mới có khoản tiền năm ngàn USD để mua xe mới. Xe cũ gặp phải sự cố quá nhiệt và động cơ nhả khói trong lúc Wang Yung-tsai cùng hai người cháu đi trên cầu vượt vịnh San Francisco-Oakland. Sau khi trở về Đài Loan (Trung Quốc), ông đã yêu cầu anh trai Y.C Wang cho hai cháu tiền mua xe mới.

Y.C Wang

Walter Wang vẫn luôn muốn được tiếp quản Formosa Plastics, tập đoàn sản xuất nhựa do cha mình Y.C Wang và người chú Wang Yung-tsai đồng sáng lập, hiện có vốn hóa thị trường hơn chín tỷ USD. Y.C Wang xuất thân từ một gia đình làm nghề trồng chè vào thời kỳ Đài Loan còn là thuộc địa của Nhật Bản, về sau trở thành một trong những doanh nhân nổi tiếng nhất châu Á. Dù chỉ mới học hết tiểu học, nhưng Y.C Wang vẫn gây dựng thành công Formosa Plastics và đưa công ty vào hàng ngũ những doanh nghiệp hóa dầu lớn nhất châu Á.

Là một trong hai người con trai của Y.C Wang, Walter Wang ngưỡng mộ cha mình và nhận thức rõ về trách nhiệm đối với bậc sinh thành. “Tôi quyết định về làm cho cha vì đó là nghĩa vụ của con cái. Ở châu Á rất trọng chữ “hiếu” đấy. Ông ấy đã kỳ vọng rằng tôi sẽ gia nhập công ty,” Walter Wang cho biết.

Sau khi tốt nghiệp tại UC Berkeley, Walter Wang khởi đầu sự nghiệp từ vị trí nhân viên vận hành máy móc tại một trong những nhà máy của cha ông. Vào năm 1990, khi dự tiệc sinh nhật của một người bạn, Walter Wang đã làm quen với Shirley Fan, cử nhân Đại học California, Los Angeles (UCLA) khi ấy mới trở về Đài Loan (Trung Quốc) được hai tuần.

Chia sẻ với Forbes hồi năm 2014, Shirley cho biết: “Ở Đài Loan (Trung Quốc) mọi người hay khịa những người giàu có, kiêu ngạo rằng ‘Nghĩ mình là ai vậy? Con trai của Y.C Wang ư?’ Nhưng Walter lại không giống thế. Thực tế, anh ấy còn không có ô tô riêng.” Shirley nói những người bạn ở UCLA đều cho rằng bà sẽ là người lập gia đình muộn nhất trong nhóm. Nhưng rồi Walter Wang và Shirley Fan đã đính hôn sau đó sáu tháng.

Walter Wang từng bước thăng tiến lên vị trí quản lý tại J-M Manufacturing, công ty con của Formosa Plastics ở Mỹ. Nhưng khi ông muốn chuyển vào văn phòng chủ tịch, người cha Y.C Wang đã yêu cầu Wang ra ngoài, khẳng định rằng ông chưa phải tổng giám đốc chính thức.

Cơ hội để Walter Wang tạo dựng sự nghiệp riêng xuất hiện vào năm 2003 khi cha ông ngỏ ý bán lại J-M Manufacturing thuộc Formosa Plastics. Lúc bấy giờ J-M Manufacturing được định giá 300 triệu USD. Tuy nhiên, Y.C Wang lại ra điều kiện Walter Wang phải tự huy động tài chính để mua công ty này.

Đây là thử thách đối với Walter Wang, khi thu nhập hằng năm của ông lúc đó chỉ vào khoảng 100 ngàn USD. “Không ngân hàng nào đồng ý cho tôi vay tiền cả,” ông cho biết. Chưa kể, Y.C Wang còn yêu cầu con trai mình trả thêm 30 triệu USD. “Sao cha có thể làm thế với con trai của mình chứ?” Walter nhớ mình đã hỏi lại cha như thế.

Y.C Wang nói rằng chính vì có quan hệ cha con nên ông mới làm vậy. Sau nhiều tháng chật vật xoay xở nguồn vốn, cha của Walter Wang đã đồng ý cho ông vay số tiền 30 triệu USD, khoản còn lại huy động từ 13 ngân hàng khác nhau.

Nhưng chỉ bốn ngày sau khi chính thức ký thỏa thuận mua lại J-M Manufacturing (trong năm 2005), Walter Wang, khi đó 40 tuổi, phát hiện mình có một khối u nhỏ ở cổ họng và phải làm xét nghiệm sinh thiết. Mười ngày sau, ông nhận kết quả chẩn đoán mắc bệnh ung thư vòm họng giai đoạn cuối và chỉ còn sống thêm một năm nữa. Vì thế, Walter Wang cùng vợ Shirley đã bay đến Hong Kong (Trung Quốc) để thực hiện các đợt xạ trị kéo dài 195 giờ đồng hồ và 37 buổi hóa trị trong hơn sáu tháng.

Nhận thấy các phương pháp điều trị này không mang lại hiệu quả, vợ chồng Walter Wang đã tìm đến hình thức “nói tiếng lạ” (speaking in tongues – một dạng cầu nguyện bằng âm thanh giống như lời nói, được cho là ngôn ngữ mà người nói không biết) theo lời khuyên từ người bạn. “Khi cận kề cái chết, bạn sẵn sàng làm mọi thứ để níu kéo sự sống,” Walter Wang cho biết.

Năm 2006, Walter Wang trở về Mỹ với giấy xác nhận sức khỏe ổn định, một kỳ tích mà ông tin là nhờ vào đức tin với đạo Cơ Đốc. Walter Wang đã sẵn sàng điều hành J-M Manufacturing, công ty lúc này đặt trụ sở tại New Jersey. Tuy nhiên con đường đến thành công của ông phải trải qua nhiều gian nan, trắc trở. Trong năm 2006, JM Eagle (tên gọi mới của J-M Manufacturing sau khi mua lại PW Eagle vào năm 2007) vướng vào vấn đề kiện tụng, diễn ra vào thời điểm Walter Wang vẫn đang tiến hành hóa trị.

Người tố giác JM Eagle là một kỹ sư mà công ty sa thải sau khi bị khách hàng khiếu nại vì có hành vi đòi tiền để xử lý yêu cầu bảo hành sản phẩm. Người này cho biết việc mình nhận trát sa thải thực chất là do anh ta đã báo cáo rằng công ty không trung thực về chất lượng ống nhựa bán ra thị trường.

Vụ kiện này được tiến hành theo hình thức tố tụng Qui Tam, trong đó cho phép người tố giác thay mặt chính phủ đệ đơn kiện nhằm thu hồi số tiền đã mất do hành vi gian lận. Vụ việc này đã kéo dài hơn 14 năm và ảnh hưởng đến ba tiểu bang, 42 thành phố và các cơ quan cấp nước thuộc chính phủ.

Vào năm 2013, chánh án liên bang kết luận JM Eagle cố tình sản xuất và cung cấp ống nhựa chưa đạt chuẩn cho các tổ chức, cơ quan chính phủ. Nhưng đến năm 2020, thẩm phán tòa án quận lại phán quyết công ty không phải trả bất kỳ khoản bồi thường nào. Phillips & Cohen, công ty luật đại diện cho người tố giác, không đưa ra bình luận về kết quả khi đó.

“Không có bằng chứng thực tế nào được đưa ra để chứng minh sản phẩm bị lỗi. Nguyên cáo đã không thay những đường ống này và vẫn thu lợi từ điều đó trong nhiều năm qua,” thẩm phán cấp cao George Howping Wu (George H. Wu) đưa ra kết luận. Ông cho biết người kỹ sư này đã không kiểm tra đường ống để tiến hành thay thế, sửa chữa.

“Tôi không làm gì sai cả,” Walter Wang khẳng định. Do vậy, ông đã từ chối thỏa thuận dàn xếp kể cả khi Formosa Plastics, công ty cũng vướng vào vụ kiện và sau đó nộp khoản tiền phạt 22,5 triệu USD, đồng thời thanh toán các chi phí pháp lý vào năm 2014.

JM Eagle tiếp tục gặp rắc rối khác khi vấp phải đơn kiện từ một công ty điện lực ở Minnesota hồi tháng 8.2024. Nhưng không chỉ JM Eagle, đơn kiện còn nhắm vào Westlake, doanh nghiệp sản xuất ống nhựa PVC mà gia đình Chao (các thành viên đứng thứ 256 trong danh sách Forbes 400) nắm giữ phần lớn cổ phần. Cụ thể, công ty điện lực này cáo buộc JM Eagle và Westlake đã thông đồng với nhau trao đổi thông tin thông qua ấn phẩm có tên Oil Price Information Service (OPIS) để cung cấp ống nhựa cho các khách hàng doanh nghiệp và chính phủ với giá đắt đỏ.

“Đặc quyền tố tụng cho phép mọi cá nhân đưa ra bất kỳ tuyên bố nào, cho dù có đúng sự thật hay không, về công ty hoặc bên thứ ba mà không bị kiện tội phỉ báng,” Walter Wang cho biết trong thông cáo báo chí gửi qua mail. Westlake từ chối đưa ra bình luận về vụ kiện. OPIS không phản hồi yêu cầu đưa ra bình luận.

“Bỏ qua các vấn đề về kiện tụng, chúng tôi vẫn tin rằng nước Mỹ là nơi tốt nhất để mọi người bắt đầu thứ gì đó, bất kể xuất phát điểm ra sao,” người vợ Shirley Wang nói. Hiện không giữ vai trò nào tại JM Eagle, nhưng Shirley là đồng sáng lập kiêm CEO tại Công ty sản xuất cửa làm từ sợi thủy tinh Plastpro có trụ sở tại Los Angeles.

“Hãy xác định niềm đam mê và kiên trì theo đuổi đến cùng. Đừng từ bỏ khi bạn tin rằng mình đang làm điều đúng đắn,” Walter Wang đưa ra lời khuyên cho những doanh nhân khác. Sau khi đọc tin tức về khủng hoảng nguồn nước tại Flint, Michigan, Walter Wang đã bay đến đó và tham dự phiên họp của hội đồng thành phố diễn ra vào tháng 2.2016. Tại đây, ông đã đề nghị thay thế miễn phí toàn bộ đường ống dẫn nước dân dụng và thương mại làm bằng chì hiện có. “Anh ấy đã vô cùng sốc khi biết rằng mọi người sử dụng nguồn nước bị nhiễm chì,” Shirley kể.

Tuy nhiên, sau nhiều tháng nghiên cứu và thảo luận, Flint đã từ chối đề xuất từ Walter Wang và lựa chọn loại ống đồng, sản phẩm có giá đắt hơn từ 140 triệu USD trở lên. Trong khi đó, thành phố giáp ranh Burton tiết kiệm được 2,2 triệu USD nhờ sử dụng ống nhựa PVC do JM Eagle cung cấp (thị trưởng thành phố Flint, Karen Weaver, sau đó lý giải rằng quyết định này dựa trên “những lo ngại về độ bền của ống nhựa dưới điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở Michigan.”)

Walter Wang cho biết, không giống trường hợp của Flint, những nơi khác lại cởi mở hơn với lời đề nghị của ông. JM Eagle từng cung cấp ống nhựa PE để hỗ trợ các kỹ sư ở Honolulu (Hawaii) thi công hai tuyến đường ống dẫn nước. Việc này được thực hiện sau sự cố vỡ đường ống lớn vào năm 2006, gây ra tình trạng 181 triệu lít nước thải tràn ra đại dương khiến bãi biển Waikiki phải tạm thời đóng cửa.

Trên thế giới, JM Eagle đã cung cấp các ống nhựa có tổng chiều dài khoảng 644km tại tám quốc gia ở châu Phi, bao gồm Kenya, Uganda và Rwanda. Đây là một phần trong dự án Millennium Villages (Tạm dịch: dự án Những ngôi làng Thiên niên kỷ) do Viện Trái đất thuộc Đại học California khởi xướng giai đoạn 2005-2015, hướng tới mục tiêu cung cấp nguồn nước sạch.

Y.C Wang qua đời vào năm 2008, một bất ngờ đối với Walter Wang và gia đình mặc dù cha ông khi đó đã 91 tuổi. “Ông ấy từng mong sẽ sống thọ đến 100 tuổi,” Walter Wang chia sẻ, ám chỉ việc cha mình không để lại di chúc. Rút kinh nghiệm từ sự việc này, ông và vợ thống nhất rằng họ cần lập kế hoạch cho tương lai.

Từ khoảng năm năm trước, Walter Wang đã đưa ba người con của ông (hiện đều ở độ tuổi 20) đến các nhà máy của JM Eagle để truyền dạy kiến thức về cách điều hành. Bên cạnh đó, họ cũng thảo luận về những nguyên tắc trong gia đình và chia sẻ góc nhìn liên quan đến việc thừa kế. Walter Wang muốn đi ngược lại văn hóa không bàn luận về chuyện kế nghiệp ở châu Á.

“Liệu vợ chồng có phải ký hợp đồng tiền hôn nhân không? Có nên cho người nhà tham gia việc kinh doanh không? Nếu làm như vậy, quá trình sẽ diễn ra như thế nào?” Walter Wang nêu hàng loạt câu hỏi mà gia đình ông đã thảo luận. Tỷ phú chia sẻ rằng mình có “tư duy đa thế hệ” trong phát triển doanh nghiệp và tin rằng đó là yếu tố mang lại thành công. “Không chỉ năm hay mười năm, tôi sẽ cống hiến cả đời cho việc kinh doanh này,” Walter Wang khẳng định.

Nội dung đã được đăng trên Tạp chí Forbes Việt Nam số 136 tháng 12/2024

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/con-duong-thanh-cong-cua-ty-phu-ong-nuoc-nhua-walter-wang)