Doanh nghiệp

CEO Hiker Nguyễn Tuấn Huy: Người làm game “chân trần gan thép”

Hiker nhiều lần ngấp nghé bên bờ vực phá sản. Nhưng đội ngũ vẫn không từ bỏ tham vọng chinh phục thị trường game quốc tế.

Share
this:

“7554 là tựa game mà Hiker đã ‘dành cả thanh xuân’ để phát triển vì đam mê và khát vọng tạo được sản phẩm để đời,”  ông Nguyễn Tuấn Huy, CEO Hiker Games nói với Forbes Việt Nam về game đầu tay có chi phí sản xuất lên đến một triệu đô la Mỹ, số tiền rất lớn cách đây 14 năm hướng đến thị trường nội địa.

Năm 2009, họ dồn mọi nguồn lực vào sản xuất game 7554 – tựa game viết tắt ngày 7.5.1954, lấy nguồn cảm hứng lịch sử hào hùng từ chiến thắng Điện Biên Phủ. Người chơi hóa thân vào một trong bốn người lính, hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong cuộc chiến vệ quốc kéo dài chín năm, một trong các trang sử hào hùng nhất trong lịch sử dân tộc.

Giữa lúc các dòng game nhập khẩu được người chơi nội địa ưa chuộng, đội ngũ 30 người tại Emobi Games, tiền thân của Hiker, dành trọn ba năm phát triển 7554.

Tựa game do người Việt dày công sản xuất này đã thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế lúc đó. The Economist ví 7554 là game bom tấn đầu tiên của Việt Nam trong bài viết “Gaming in Vietnam: Betting on a victory” nhưng tác giả cũng nghi ngờ khả năng thương mại hóa sản phẩm vì game chỉ khả dụng trên PC, chơi offline và thói quen sử dụng phần mềm lậu trong cộng đồng là rào cản lớn.

Người sáng lập Hiker nói nếu được quay lại thời điểm đó, họ sẽ điều chỉnh nhiều thứ cho game nhưng có thể vẫn không giúp đội ngũ tránh được thất bại vì “ngay từ khi bắt đầu chúng tôi đã sai trong cách tiếp cận thị trường.” Trong khi người chơi lúc đó thường chọn các game trực tuyến và miễn phí, 7554 lại được bán 250 ngàn đồng/bản và chỉ bán được 5.000 bản.

Ông Nguyễn Tuấn Huy nói: “So với hầu hết các game studio ở Việt Nam, Hiker thậm chí được xem là thất bại và vẫn đang trầy trật tìm cách sinh tồn. Hiker là biểu tượng của tinh thần chiến đấu chứ không phải là một biểu tượng về thành công.”

Ông Nguyễn Tuấn Huy, CEO Hiker Games (Ảnh: Tạ Hồng Phúc).

Dù vậy suốt 14 năm phát triển đội ngũ Hiker vẫn giữ nguyên hoài bão: chinh phục thị trường quốc tế với game có độ khó cao và làm sản phẩm để đời gắn với lịch sử Việt Nam. Là nhà phát triển game quy mô tầm trung tại Việt Nam với 60 nhân sự nhưng Hiker là studio hiếm hoi có tựa game thành công ở Hàn Quốc – “thánh địa” game thế giới.

Game của họ gắn liền với những câu chuyện “anh hùng bi tráng” đầy thăng trầm, những game tái hiện lịch sử hầu hết đều thất bại về doanh thu. Với 7554, họ không kỳ vọng thành công lớn về doanh số, “chỉ mong đủ trang trải chi phí cho dự án tiếp theo.” Nhưng thực tế, mức tối thiểu họ đã không đạt được. Thất bại nối tiếp thất bại.

Sau 7554, Hiker lao vào game PC và vẫn dành cho thị trường Việt Nam với tựa game 2112, ra mắt năm 2012. Tựa game này được thiết kế theo dòng midcore, có độ khó và phức tạp, kết hợp giữa thể loại chiến thuật thời gian thực và thủ thành. 2112 tiếp nối thất bại về doanh số mà theo ông Huy “không thể nhớ vì quá nhỏ trong vòng đời khai thác sáu tháng ngắn ngủi.”

Dù thất bại về tài chính nhưng các sản phẩm được đầu tư nghiêm túc từ thiết kế game, đồ họa như 7554 hay 2112 đã mang lại giá trị thương hiệu cho Hiker. “Hiker là một trong những anh cả, một ‘huyền thoại’ của làng làm game Việt Nam. Đây là một game studio táo bạo và mạnh mẽ, sẵn sàng đầu tư phát triển những sản phẩm thật sự nghiêm túc,” ông Hoàng Bảo Long, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành LacBird nhận xét.

Sau thất bại của các game chơi trên PC và dành cho thị trường nội địa kể trên, Hiker chuyển sang làm game di động, thuộc nhóm studio đời đầu phát triển mảng này trong nước. Từ thế mạnh ở dòng game chiến thuật, thẻ tướng kết hợp nhập vai, năm 2013, đội ngũ Hiker cho ra mắt “siêu phẩm” game di động Đại Minh Chủ dạng kiếm hiệp thẻ tướng. Đây là game di động nhiều người chơi nhất tại Việt Nam năm 2013 (với khoảng một triệu người) và đạt doanh thu lớn nhất trong nước vào quý 3.2013 và vòng đời khai thác đến sáu năm.

Đại Minh Chủ giúp dòng tiền của Hiker hồi sinh sau giai đoạn gồng lỗ. Nhưng theo ông Huy, sự cải tiến của Hiker không theo kịp sự lấn át của các tựa game Trung Quốc nên từ năm 2015, họ bỏ hẳn thị trường Việt Nam để dồn sức sản xuất game cho nước ngoài. Ông Huy tiếp tục gọi đây là “bước đi sai lầm” vì thị trường nội địa vẫn mang lại nguồn thu để công ty tồn tại. Đội ngũ cũng thiếu kinh nghiệm ở thị trường nước ngoài nên “tí nữa thì bỏ mạng” vì cạn kiệt dòng tiền.

Năm 2019, hầu hết các tựa game cho thị trường quốc tế không đạt kỳ vọng khiến Hiker giảm gần 40% nhân sự. Số lần thất bại quá nhiều so với số tựa game thành công khiến đội ngũ nhụt chí. “Sợ nhất là cạn kiệt niềm tin. Số lần thất bại suốt 10 năm trong ngành đủ nhiều khiến chúng tôi giật mình, nó như giọt nước tràn ly khiến mọi người thấy bất lực, không tự tin để bước tiếp,” ông Huy nhớ lại tình cảnh lúc đó khiến ông không dám đưa ra quyết định nên đi theo hướng nào.

Quay về thị trường nội địa một lần nữa là cách kéo Hiker thoát khỏi nguy cơ đóng cửa. Họ điều chỉnh tựa game Epic Odyssey phát hành năm 2019 dành cho game thủ quốc tế để mang về phát hành trong nước, đổi tên thành Tân Minh Chủ. Từ game nhập vai phiêu lưu chiến lược lấy bối cảnh thời Trung cổ, sửa thành bối cảnh võ hiệp Trung Hoa cho phù hợp thị hiếu game thủ Việt Nam và bổ sung một số tính năng theo góp ý của nhà phát hành.

Tân Minh Chủ đã giúp đội ngũ Hiker nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm” khi vào tốp lượt tải và ứng dụng có doanh thu cao nhất trên App Store ngay thời gian đầu ra mắt, là một trong những game thành công nhất của Soha Game năm 2021.

Gượng dậy sau khó khăn, Hiker điều chỉnh chiến lược: sản xuất game midcore phục vụ thị trường nội địa và dòng đơn giản (casual) cho game thủ nước ngoài. Hiện Hiker là số ít các nhà phát triển tại Việt Nam sản xuất game phục vụ người chơi trong nước.

Hiker chọn cách đi “lấy ngắn nuôi dài”, để chinh phục thị trường nước ngoài trước hết studio phải có tiền để tồn tại. Thị trường game Việt Nam còn dư địa tiêu thụ các dòng game midcore (độ khó/vốn đầu tư cao hơn, cốt truyện/đồ họa hay hơn dòng game đơn giản), vốn phần lớn thuộc được cung cấp từ các nhà sản xuất Trung Quốc, có thể mang lại nguồn thu để Hiker có đủ tiền trang trải các chi phí.

Hình chụp từ game 7554, tựa game Hiker đã ‘dành cả thanh xuân’ để phát triển dù không thành công về mặt tài chính.

Theo cục Phát thanh – Truyền hình và Thông tin điện tử, phần lớn các game được thẩm định và cấp phép phát hành tại Việt Nam là game nhập khẩu, đặc biệt các dòng game kiếm hiệp và thể thao. Khoảng 76% từ Trung Quốc và game Việt sản xuất đóng góp 12%. Khi sản xuất game cho thị trường trong nước, các studio Việt có lợi thế am hiểu văn hóa địa phương, chủ động nội dung, bản cập nhật và không nhiều studio nội địa cạnh tranh.

Theo ông Huy, mục tiêu duy nhất của Hiker thời điểm này là phải sống. Dòng game midcore cho người chơi trong nước giúp ổn định dòng tiền, tích lũy kinh nghiệm và năng lực thiết kế trong khi sản phẩm game đơn giản hơn phục vụ người chơi nước ngoài nhằm “học hỏi nhiều hơn và nhanh hơn.”

Sinh năm 1979, Nguyễn Tuấn Huy từ một học sinh chuyên toán trường Phan Bội Châu, Nghệ An, vào khoa công nghệ thông tin đại học Bách khoa Hà Nội nhưng bỏ ngang vì “chỉ thích lập trình.” Đến nay, CEO Hiker chỉ có bằng tốt nghiệp cấp 3 và chứng chỉ lập trình viên quốc tế do FPT đào tạo.

Cái tên Hiker bắt nguồn từ ý niệm: sản xuất game giống như leo núi. Vất vả leo lên được ngọn núi này sẽ lại mong muốn chinh phục ngọn núi khác. Lịch sử thành công (hoặc thất bại) của các tựa game sẽ không dễ lặp lại. Đây là hành trình không thể ngừng nghỉ dù luôn đối mặt với những khó khăn.

Một số người từng tiếp xúc gọi ông Huy là “đàn anh khá kỳ cục”, không ngạo mạn cũng không khiêm tốn. Còn CEO Hiker luôn nói: “Chúng tôi đã thành công gì đâu, vẫn đang cố gắng không bỏ cuộc.” Nhưng nếu chỉ toàn thất bại, Hiker không thể tồn tại 14 năm và được xem là anh cả phát triển game Việt Nam. Hiker có hai sản phẩm thành công về doanh thu và được đánh giá cao của người trong ngành là Mộng Võ Lâm và Caravan War.

Mộng Võ Lâm ra mắt năm 2014, thuộc dòng game midcore, doanh thu từ bán vật phẩm trong game (IAP). Trong khi game Caravan War ra mắt thị trường quốc tế năm 2018 theo mô hình doanh thu kết hợp giữa vật phẩm và quảng cáo trong game (trong đó 80% từ bán vật phẩm).

Thời gian sản xuất Mộng Võ Lâm hơn chín tháng với chi phí khoảng năm tỉ đồng. Đây là tựa game mang lại doanh thu cao nhất của Hiker tại thị trường nội địa, với vòng đời khai thác sáu năm. Ông Hoàng Bảo Long đánh giá cao Mộng Võ Lâm vì thu hút tâm trí, lôi cuốn người chơi. Điều này đến từ năng lực cao của nhà vận hành và quản lý game.

Trong khi đó, Caravan War là một thế giới tưởng tượng thời Trung Cổ, người chơi lãnh đạo và xây dựng đế chế riêng của mình. Game được sản xuất trong 14 tháng với chi phí khoảng 10 tỉ đồng, được game thủ tại các thị trường hàng đầu (nhóm Tier-1) như Bắc Mỹ, châu Âu ưa chuộng.

Một thành công ngoài dự tính là game này hấp dẫn game thủ ở hai cường quốc game Trung Quốc và Hàn Quốc. Caravan War thuộc tốp 10 game được tải nhiều nhất trên cả App Store và Google Play Hàn Quốc, thuộc tốp 10 tựa game trả phí trên App Store chỉ sau hơn 10 ngày ra mắt ở Trung Quốc.

Ông Huy quan sát, game thủ nước ngoài chấp nhận chi tiền mua sức mạnh nhưng không được lạm dụng. Họ cũng cần thời gian cân nhắc lâu hơn trước khi chi tiêu vào một game trong khi game thủ Việt Nam sẵn sàng bỏ một ít trải nghiệm từ sớm.

Chỉ sau sáu tháng phát hành ở nước ngoài, Caravan War mang về doanh thu một triệu đô la Mỹ. Tựu chung, tựa game này đã tạo ra bảy triệu đô la Mỹ doanh thu ở tất cả các phiên bản suốt vòng đời khai thác kéo dài ba năm; trong đó, ở phía nhà phát triển, Hiker nhận được dưới 50%; thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm khoảng 25% tổng doanh thu tựa game này của Hiker trên toàn cầu.

Nếu tính riêng giá trị người dùng trả phí cho game, mỗi thị trường đóng góp hơn 30%. “Thành công của Caravan War giúp Hiker có chút tiếng tăm nhưng so với thế giới thì chưa là gì,” ông Huy khiêm tốn nói.

Điểm chung của các tựa game thành công về doanh thu của Hiker như Caravan War hay Mộng Võ Lâm đều là sản phẩm sáng tạo, mang bản sắc riêng. Yếu tố này không dễ để sao chép và tái hiện vì cần tích lũy nhiều yếu tố.

Tại Việt Nam, các game Hiker sản xuất cho thị trường nội địa đều do Soha Game phát hành. Việc phát hành các sản phẩm trên nền tảng của các đối tác này tạo dòng tiền ổn định và duy trì nền móng, xây dựng tinh thần tốt cho đội ngũ Hiker.

Các nhân sự cốt cán được gọi là “vận động viên leo núi”, trong đó có 10 người gắn bó từ ngày đầu mở công ty. “Ở Hiker vẫn còn những ‘công thần lập quốc’. Họ gắn kết và chia sẻ, sẵn sàng cháy hết mình với dự án và đồng lòng từ bỏ những thứ chưa tốt. Đó là điều ít studio làm được,” ông Long đánh giá.

Tại Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ ba về số người chơi video game di động (54,6 triệu người) và doanh thu khoảng 507 triệu đô la Mỹ. Statista dự báo, riêng doanh thu thị trường video game tại Việt Nam sẽ đạt hơn 847 triệu đô la Mỹ vào năm 2023, trong đó game di động chiếm khoảng 80%. Mảng game di động được dự báo tăng trưởng 7,4% mỗi năm trong giai đoạn 2022-2025.

Thị trường game Việt Nam tiềm năng nhưng miếng bánh lớn nhất thuộc về các sản phẩm tốt từ Trung Quốc. Vì thế nếu tập trung cho thị trường nội địa, dù có sản phẩm “rất thành công thì chỉ đủ tạo một chút tích lũy” cho Hiker. Trong khi đó, họ cũng không thể tập trung hoàn toàn cho thị trường nước ngoài vì quá rủi ro. “Năng lực của mình hiện chỉ đủ để cạnh tranh ở sản phẩm tầm  trung. Mà sản phẩm tầm trung thì khả năng thành công không đủ thay đổi số phận Hiker,” ông Huy nói.

Là công ty sản xuất các tựa game, chi phí nhân sự luôn chiếm tỉ lệ cao nhất trong tổng chi phí. Tại Hiker, 30% nhân sự thuộc nhóm kỹ sư. Trong ngành game, đội ngũ kỹ sư nói chung có thể chia thành ba nhóm: kĩ thuật, hình ảnh/đồ họa và thiết kế game (game design).

Ông Huy đánh giá, nhân sự hai nhóm đầu tại Việt Nam ở mức khá đến tốt nhưng thiếu đội ngũ thiết kế game vì chưa có nhiều trường đào tạo và chủ yếu nhờ tự học. Để trở thành ngành công nghiệp có doanh thu tỉ đô trong năm năm tới, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực là rất quan trọng. “Những năm trào lưu NFT phát triển, chuyện giữ chân kỹ sư đã khó chứ chưa nói đến tuyển dụng. Ngành game về cơ bản cũng cạnh tranh khốc liệt,” ông Huy đánh giá.

Ông Huy không nhớ số lần công ty cận kề bờ vực phá sản. Những lần mất mát, đánh đổi của cá nhân được cho là “không đáng để kể” so với may mắn được các anh em trong ngành đầu tư cho Hiker tiếp tục. Họ cũng từng tiếp cận một số quỹ gọi vốn đầu tư nhưng đều nhận về cái lắc đầu vì khẩu vị không phù hợp và lo ngại rủi ro về chính sách phát triển ngành.

“Chúng tôi không hề sốt ruột khi thấy các nhà phát triển khác có các tựa game nằm trong nhiều tốp bảng xếp hạng cao toàn cầu. Mỗi công ty có hướng đi riêng. Hiker muốn có những sản phẩm để mọi người nhắc mãi hoặc giúp họ nhớ về đội ngũ, những người làm ra tựa game đó, kiểu như 7554,” ông Huy nói và trăn trở, liệu có cách nào giúp Hiker đạt thành công với những tựa game để đời?.

Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam số 122, tháng 10.2023.