Tiêu điểm

Việt Nam có thể trở thành cường quốc về game trong tương lai

Ông Vũ Quốc Huy – giám đốc trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) – bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ quan sát về sự phát triển của ngành game Việt Nam trong mười năm qua.

Share
this:

Forbes Việt Nam: Ở góc độ đổi mới sáng tạo, ông đánh giá sự phát triển ngành công nghiệp game Việt Nam trong khoảng 10 năm qua như thế nào?

Vũ Quốc Huy: 10 năm qua ngành công nghiệp game Việt Nam có những bước tiến vượt bậc. Chúng ta thấy điều này qua những con số, doanh thu ngành game Việt Nam đã vượt 500 triệu đô la Mỹ và đứng thứ năm tại Đông Nam Á, hơn một nửa dân số Việt Nam tiếp cận giải trí với sản phẩm game.

Theo tôi, thành công bước đầu này nhờ hai yếu tố. Thứ nhất, xã hội đã dần nhận thức được game không chỉ là trò chơi giải trí mà là ngành công nghiệp sáng tạo mang lại giá trị lớn cho nền kinh tế. Thứ hai là nỗ lực phát triển không ngừng của các thành phần trong hệ sinh thái bao gồm các nhà phát hành, nhà phát triển, nhà giáo dục và các cơ quan quản lý.

Ở mảng phát hành, những lá cờ đầu có thể kể đến như VNG, Amanotes, VTC đã đặt nền móng cho thị trường game nội địa và từng bước khẳng định vị thế Việt Nam trên trường thế giới. Năm 2005, VNG ký hợp đồng với Kingsoft mang về tựa game Võ Lâm Truyền Kỳ mở ra kỷ nguyên mới cho game trực tuyến trong nước. Năm 2020, Amanotes đạt hơn một tỉ lượt tải về cho tựa game Magic Tiles 3 và trở thành nhà phát hành game lớn nhất Đông Nam Á.

Ông Vũ Quốc Huy, giám đốc trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC)- Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Ảnh: NIC).

Đối với mảng phát triển, bước tiến rõ rệt của các nhóm phát triển độc lập. Năm 2014, cả thế giới đã xôn xao với hiện tượng Flappy Bird, sau này các studio chuyên nghiệp xây dựng các sản phẩm có tính chất đột phá như Axie Infinity của Sky Mavis. Các studio game cũng bắt đầu sử dụng chất liệu Việt Nam làm nguồn cảm hứng cho các tựa game, sản phẩm nhận được sự hưởng ứng từ cộng đồng trong nước và quốc tế.

Về giáo dục, nhận thấy tiềm năng phát triển to lớn của ngành, các viện, trường đại học trong nước và quốc tế đã triển khai các chương trình đào tạo chính quy, từ các khóa lập trình cho đến đào tạo cử nhân thiết kế game.

Về mặt quản lý, cơ quan nhà nước cũng cho thấy sự quan tâm cao hơn đến ngành công nghiệp game. Chẳng hạn vào tháng 4 năm nay, ngày hội Game (Gameverse) đầu tiên tại Việt Nam được tổ chức với sự tham gia của hơn 15 ngàn người.

Chúng tôi nhận định ngành game Việt Nam có thể cạnh tranh ở quy mô toàn cầu và Việt Nam có thể trở thành cường quốc về game trong tương lai. Đây là lý do NIC đưa diễn đàn Quốc gia về ngành game vào sự kiện Triển lãm Quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 nhằm kết nối hệ sinh thái và định hướng phát triển ngành cho 10 năm tiếp theo.

Forbes Việt Nam: Bên cạnh giá trị tích cực, còn những lo ngại những mặt tiêu cực của game như dễ gây nghiện, ảnh hưởng thời gian học tập và sức khỏe của bộ phận thanh thiếu niên… Theo ông, cần làm gì để hạn chế các mặt tiêu cực?

Vũ Quốc Huy: Tôi cho rằng bên cạnh các chính sách quản lý nhà nước nhằm hạn chế tiêu cực, các nhà làm game có thể cùng biến thách thức thành cơ hội để thay đổi định kiến về game.

Thứ nhất, đặc điểm cốt lõi của game là tạo sự hấp dẫn người chơi, có thể tận dụng đặc điểm này để truyền tải các nội dung hữu ích, “game hóa” trong giáo dục. Ví dụ tại Việt Nam, Monkey Junior đã áp dụng phương pháp “học qua trò chơi” để dạy tiếng Anh, duy trì sự tập trung và là động lực học tập của trẻ em.

Thứ hai, bản chất game là một nội dung số, có thể biến game thành kênh truyền tải nội dung tích cực một cách sống động. Những năm gần đây, không ít các game thử nghiệm về sức khỏe, tâm lý hoặc sử dụng các chất liệu mang bản sắc văn hóa dân tộc. Lacbird đã phát triển trò chơi Lạc Việt Adventures là một ví dụ, giúp người chơi trải nghiệm các nét đẹp văn hóa như áo dài và lễ hội đua thuyền truyền thống của Việt Nam.

Tôi cho rằng với sự quyết tâm của hệ sinh thái ngành game Việt, chúng ta có thể cùng nhau hạn chế các tiêu cực và phát huy các mặt tích cực của game cho xã hội.

Forbes Việt Nam: Thời gian vừa qua một số công ty game đã thành lập công ty mẹ ở nước ngoài,  còn studio chính và đội ngũ phát triển sản phẩm là người Việt Nam, hoạt động làm việc tại Việt Nam. Theo ông, làm sao để khuyến khích và giữ chuỗi giá trị ngành game nằm tại Việt Nam?

Vũ Quốc Huy: Rất nhiều studio game lớn tại Việt Nam đưa  công ty mẹ đặt trụ sở ở Singapore, Sri Lanka, Đài Loan hay thậm chí bán đảo Fiji với nhiều lý do khác nhau, nhưng nhìn chung là tại đó họ được hưởng ưu đãi thuế và có nhiều cơ hội tiếp cận các nhà đầu tư quốc tế dễ dàng hơn. Điển hình là Singapore và Đài Loan tạo ra nhiều ưu đãi thuế và cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành game, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn nhỏ từ châu Âu, châu Mỹ cho tới các nước Trung Á.

Để giữ toàn chuỗi giá trị ngành, chúng ta cần từ hành lang pháp lý của chính phủ và cả hành động từ các doanh nghiệp. Chính phủ xây dựng cơ sở pháp lý và ưu đãi thuế hợp lý để thúc đẩy doanh nghiệp sáng tạo và phát triển, cùng một hệ thống minh bạch để các công ty theo dõi và tuân thủ.

Forbes Việt Nam: Ngành game là một phần của ngành công nghiệp phần mềm, là lĩnh vực có thế mạnh của Việt Nam. Theo ông, chính sách quản lý như thế nào để khuyến khích sáng tạo và phát triển cũng như tạo đà cho nhiều kỳ lân mới xuất hiện?

Vũ Quốc Huy: Tôi cho rằng chính phủ đóng vai trò nền tảng trong việc khai phá tiềm năng của ngành game Việt Nam.

Theo kinh nghiệm của Phần Lan khi đưa Helsinki thành thủ phủ game di động thế giới. Các phương tiện truyền thông nước ngoài ước tính bên cạnh tổng giá thị thương mại khoảng 143 tỉ đô la Mỹ, Phần Lan trở thành ngôi nhà của những nhà sản xuất game di động nổi tiếng thế giới như Supercell hay Phanthom Gamelabs. Ba yếu tố quan trọng từ vai trò chính phủ Phần Lan:

1. Với truyền thống lâu đời về phát triển các sản phẩm đổi mới sáng tạo kết hợp với văn hóa “mê game” của người dân, Phần Lan trở thành nơi truyền cảm hứng cho các nhà sản xuất game khắp thế giới. Chính các game trên điện thoại Nokia huyền thoại như Rắn săn mồi (Snake) là động lực cho các nhà phát triển game di động sau này.

2. Chính phủ có cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo như hỗ trợ vốn tín chấp để thành lập công ty, trợ cấp cho sản phẩm và ý tưởng mới, tài trợ cơ sở hạ tầng lẫn tài chính để mở cơ sở game tại Phần Lan. Có tới 30% nhà phát triển game tại Helsinki là các công ty đến từ các nơi khác nhau trên thế giới.

3. An sinh xã hội ổn định và sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống là điểm cộng lớn trong thu hút nhân tài. Cùng với đó là thành lập hệ thống hỗ trợ vững chắc từ trường học đến y tế đã tạo môi trường lý tưởng để họ sống hết mình với đam mê phát triển game tại Helsinki.

Việt Nam hiện có nhiều ưu thế để phát triển ngành công nghiệp game như địa chính trị Việt Nam ổn định, nguồn nhân lực trẻ dồi dào am hiểu công nghệ và có khả năng sáng tạo, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam phát triển nhanh, cơ sở hạ tầng số có tốc độ tăng trưởng ấn tượng và hiện đại… Chúng ta cần tận dụng những lợi thế này để tạo bước ngoặt cho ngành công nghiệp game.

Trong mười năm qua, Việt Nam đã có vài doanh nghiệp game phát triển nhanh nhưng xét toàn ngành thì vẫn chậm. Vì Việt Nam chưa hình thành một hệ sinh thái game thực sự, các công ty không đi cùng nhau nên không tận dụng được lợi thế của nhau. Kỹ sư công nghệ giỏi làm game thì thiếu kinh nghiệm phát hành nên khó tiếp cận đông đảo người dùng, nhà phát hành có kinh nghiệm thì không tìm được nhiều game Việt chất lượng. Nếu đánh giá chất lượng sản phẩm trên nhiều tiêu chí như tính phức tạp, cảm giác game, đồ họa… thì chúng ta vẫn còn khoảng cách khá xa nhóm hàng đầu thế giới.

Tại Diễn đàn quốc gia về ngành game Việt Nam sắp tới, chúng tôi mời các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ kinh nghiệm, tham luận và xây dựng chiến lược, lộ trình cùng với hệ sinh thái ngành game Việt. Chúng tôi kỳ vọng đưa ra được giải pháp thiết thực kết nối các nguồn lực để không chỉ giữ được chuỗi giá trị ngành game tại Việt Nam mà còn thu hút các studio game và nhân tài quốc tế chọn Việt Nam làm điểm đến, hiện thực hóa giấc mơ trở thành trung tâm phát triển game toàn cầu.

Ông Vũ Quốc Huy,  giám đốc trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) – bộ Kế hoạch và Đầu tư. Với kỳ vọng đưa ra giải pháp thiết thực kết nối các nguồn lực, thúc đẩy sự phát triển và giữ chuỗi giá trị ngành nằm tại Việt Nam, NIC sẽ tổ chức hội thảo Vietnam Gaming Submit trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 kéo dài từ 28.10–1.11.2023.

Bản in theo Tạp chí số 122: Ngành công nghiệp game.