Start-up

Startup giữa khó khăn: Học cách thích nghi thay vì gọi vốn bằng mọi giá

Giữa “mùa đông” của dòng vốn đầu tư, các startup cho rằng học hỏi các khả năng tự sống sót chuẩn bị nguồn lực cho mục tiêu dài hạn thay vì suốt ngày đi gọi vốn đầu tư bằng mọi giá.

Share
this:


Tại phiên thảo luận “Biến khủng hoảng thành cơ hội”, đại diện các startup cùng thảo luận về cách thức các công ty khởi nghiệp ứng biến linh hoạt và vượt qua thách thức như thế nào để tận dụng cơ hội phát triển khi nền kinh tế phục hồi. Bà Valerie Vũ – sáng lập Ansible Ventures điều phối cùng các diễn giả: ông Đặng Hoàng Minh – đồng sáng lập Cooky; ông Nguyễn Bá Cảnh Sơn – sáng lập Dat Bike và ông Trần Vũ Quang – sáng lập OnPoint. (Ảnh từ trái sag)



Trần Vũ Quang – sáng lập kiêm CEO OnPoint: Cẩn trọng hơn trong giai đoạn kinh tế khó khăn

OnPoint đã gọi đầu tư 60 triệu đô la Mỹ. Trong quý 1.2023, công ty tăng trưởng 60% so với năm ngoái và vẫn vận hành bình thường nhưng về triển vọng sắp tới, cần cẩn trọng hơn khi kinh tế vĩ mô thay đổi liên tục. Những thứ lãng phí không cần thiết mình theo dõi sát sao để cắt giảm.

Trần Vũ Quang, sáng lập kiêm CEO OnPoint

Năm nay OnPoint không có kế hoạch gọi vốn. Quay lại bài toán cơ bản trong kinh doanh với hai vế cung – cầu, startup của bạn liệu cần vốn đến đâu và có lựa chọn khác không.

Sẽ có nhiều startup ngoài kia phải chấp nhận down round (giá trị của công ty được định giá thấp hơn so với vòng gọi vốn trước đó). Tuy nhiên định giá công ty là chỉ số mang tính thời điểm, điều quan trọng là tạo giá trị cho khách hàng, khi có dòng tiền tốt thì định giá sẽ tăng lên.

OnPoint may mắn hoạt động trong mảng thương mại điện tử, lĩnh vực có nhiều cơ hội phát triển. Chúng tôi cũng đang tìm kiếm các cơ hội M&A cả với nhãn hàng (kênh online và offline), các công ty trong lĩnh vực marketing… để gia tăng giá trị cho chuỗi giá trị của mình.

Đặng Hoàng Minh, đồng sáng lập kiêm CEO Cooky: Tập trung làm tốt thay vì gọi vốn

Cooky mới tham gia vào thị trường 1,5 năm, trong lĩnh vực đồ ăn và đang giao từ 500-1.000 món đã được chuẩn bị sẵn (ready to cook) đến khách hàng. Chúng tôi đặt mục tiêu hỗ trợ người tiêu dùng mua thực phẩm có giá tốt nhất và nấu nhanh nhất có thể (5-10 phút). Tham vọng trong tương lai Cooky mở rộng hơn, vừa giao thực phẩm tận nhà vừa xây dựng hệ sinh thái cho nông hộ.

Đặng Hoàng Minh, đồng sáng lập kiêm CEO Cooky

Xuất phát từ mạng xã hội cho phụ nữ chia sẻ công thức nấu ăn, Cooky ban đầu gọi 1,5 triệu đô la Mỹ và năm ngoái gọi 4,5 triệu đô la Mỹ. Hiện tại Cooky tập trung vào việc thu hút khách hàng, tìm kiếm đơn hàng và không để bị thua lỗ. Sẽ khó trong thời điểm hiện tại để mơ mộng có vài triệu người sử dụng hàng tháng.

Trong mảng giao nhận thực phẩm, trên cả thế giới gần như tất cả các công ty giống Cooky đều đang gặp khó khăn. Tuy nhiên vẫn có điểm sáng là có vài công ty không bị lỗ và có công ty có lợi nhuận. Mình đang học hỏi cách các công ty có khả năng tự sống sót thay vì suốt ngày đi gọi vốn đầu tư.

Nhìn sang thị trường Hàn Quốc, có một công ty tương tự là Oasis với chuỗi cửa hàng bán thực phẩm với 50% từ online, đã có lãi, sẽ niêm yết trong năm nay hoặc năm sau. Trong khi có, có những công ty thua lỗ nặng hoặc định giá bị giảm đi. Ở mảng của Cooky, nếu làm nghiêm túc và chi tiết sẽ có lợi nhuận.

Nguyễn Bá Cảnh Sơn, sáng lập kiêm CEO Dat Bike: Tạo giá trị ngắn hạn cho mục tiêu dài hạn

Với sản phẩm là xe điện hai bánh, Dat Bike muốn chuyển đổi người dùng ở Việt Nam và Đông Nam Á từ sử dụng xe xăng sang xe điện. Khoảng 250 triệu người dùng xe xăng tại Đông Nam Á đang tạo ra thị trường tiềm năng. Chúng tôi làm từ nghiên cứu phát triển đến sản xuất và bán hàng. Sau hơn ba năm ra đời, Dat Bike đã cho ra mắt ba mẫu xe và gọi vốn đầu tư hơn 16 triệu đô la Mỹ.

Nguyễn Bá Cảnh Sơn, sáng lập kiêm CEO DatBike

Tất cả vòng vốn từ trước đến nay của Dat Bike, từ lúc gọi 200.000 đô la Mỹ đến vài triệu đô la Mỹ, đều để tập trung vào hai việc là nghiên cứu để có sản phẩm tốt hơn và nâng cao quy mô sản xuất, tiếp cận khách hàng.

Dat Bike không bị sức ép về ngắn hạn và đang tăng trưởng đều nhưng chúng tôi thận trọng để quan sát. Tất cả startup đều muốn thay đổi thế giới bằng một cách nào đó (thông qua mục tiêu dài hạn) nhưng tài nguyên, nguồn lực hữu hạn nên phải chọn lựa là hiện nay cần đạt mục tiêu ngắn hạn hay dài hạn.

Với tôi, vấn đề doanh nghiệp bị giảm định giá không quan trọng lắm nhưng cần xem xét, điều này có làm nhà đầu tư bị ảnh hưởng không, mối quan hệ giữa mình và nhà đầu tư có bị ảnh hưởng không.

Tôi thấy một số startup thay vì chấp nhận giảm định giá, họ chọn tạo giá trị ngắn hạn, chuyển hướng sang làm việc khác để kiếm tiền, nhưng sự lựa chọn này cần phải tính toán kỹ vì chi phí cơ hội là rất lớn, có thể ảnh hưởng lớn đến con đường dài hạn của công ty.








Ông Vũ Quốc Huy, giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo
Quốc gia (NIC): Cầu nối cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo


Chính phủ đã thành lập trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư với chức năng thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia và thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp.
NIC có 5 lĩnh vực hoạt động liên quan gồm ứng dụng thúc đẩy công nghệ; hoàn thiện cơ chế chính sách; phát triển nguồn nhân lực; mở rộng thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá truyền thông và thúc đẩy nguồn vốn.
NIC trở thành cầu nối giữa cơ quan hoạch định chính sách với doanh nghiệp thông qua việc đề xuất thể chế, chính sách. Sắp tới bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi nghị định 94 về đổi mới sáng tạo, NIC sẽ tập hợp thông tin để bổ sung cơ chế ưu đãi, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp hoạt động và đầu tư tại Việt Nam.
Tuy nhiên, còn nhiều thách thức cần vượt qua để thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, còn nhiều việc phải làm để hướng tới mục tiêu đến năm 2030 nền kinh tế số chiếm 30% GDP.
NIC xác định một số nhóm ngành nghề, lĩnh vực tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp như sản xuất thông minh, thành phố thông minh, an ninh mạng, truyền thông số, bán dẫn, công nghệ y tế…






Bà Lê Hoàng Uyên Vy, giám đốc điều hành Do Ventures: Các startup cần tập trung vào giá trị cốt lõi

Năm 2022, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tổng số vốn đầu tư vào Việt Nam ở lĩnh vực công nghệ đạt 634 triệu USD, giảm 56% so với con số kỷ lục 1,44 tỉ USD của năm 2021. Số lượng thương vụ còn 134, giảm so với 165 thương vụ của năm 2021.

Các thương vụ đầu tư dưới 10 triệu USD giảm nhưng không nhiều bằng mức trên 10 triệu. Tuy nhiên, vòng đầu tư từ 10-50 triệu USD lại tăng so với 2021, điều đó cho thấy các doanh nghiệp ở vòng Pre-A và Series A đã trưởng thành và tiếp tục gọi được vốn.

Tính chung, Việt Nam đứng thứ ba về số thương vụ nhưng thứ tư về giá trị trong khu vực. Ngành tăng trưởng và thu hút đầu tư nhiều nhất là dịch vụ tài chính, tăng tới 249% so với năm 2021. Kế tiếp là các ngành y tế, giáo dục.

Bà Lê Hoàng Uyên Vy, giám đốc điều hành Do Ventures.

Tổng số nhà đầu tư vào Việt Nam trong năm 2022 là 137, giảm so với 2021 nhưng điều đặc biệt là lần đầu tiên nhóm nhà đầu tư nội địa vươn lên dẫn đầu và đang hoạt động khá tích cực. Trong 134 thương vụ thì các nhà đầu tư nội địa tham gia 64 vụ với tổng số vốn 287 triệu USD. Các nhà đầu tư nội địa đã thể hiện vai trò quan trọng và là nguồn động lực để hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phát triển.

Các nhà đầu tư đều tin tưởng vào tương lai Việt Nam với nền kinh tế vững chắc, lực lượng dân số trẻ am hiểu công nghệ và sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ về đổi mới sáng tạo. Họ cho biết sẽ giữ nhịp đầu tư như hiện nay, thậm chí một số sẽ giải ngân cao hơn vì có nhiều cơ hội.

Các nhà đầu tư xem đây là thời kỳ quan trọng, kỳ vọng các startup tập trung vào những yếu tố cốt lõi, xây dựng được những công ty bền vững và có sự uyển chuyển để vươn lên trong khó khăn.

—————————-

Đọc thêm:
Đổi mới sáng tạo: Doanh nghiệp cần đề cao tính địa phương và xây dựng mô hình linh hoạt
Forbes Việt Nam khai mạc Diễn đàn Đổi mới sáng tạo 2023
Tạp chí Forbes Việt Nam số 98: Phát triển nền kinh tế số
Hai thập niên săn tìm kỳ lân
Chuyển đổi số phải bắt đầu từ những bài toán cụ thể
Jenny Lee tạo đòn bẩy đưa các startup thành người khổng lồ