Tiêu điểm

Đổi mới sáng tạo: Doanh nghiệp cần đề cao tính địa phương và xây dựng mô hình linh hoạt

Đại diện các quỹ đầu tư và chuyên gia cùng sẻ về các xu hướng đầu tư và các xu hướng công nghệ mới, dự báo sẽ tạo ra các thay đổi nào tại Việt Nam, cơ hội ra sao cho các quỹ đổi mới sáng tạo lẫn các công ty khởi nghiệp.

Share
this:

Phiên thảo luận Đổi mới sáng tạo và cơ hội cho Việt Nam với sự điều phối của ông Kai Yong Kang – quản lý phát triển kinh doanh cho các doanh nghiệp khởi nghiệp Đông Nam Á và Pakistan – AWS, cùng các đại diện: ông HongJin Kim – giám đốc điều hành STIC Investment; ông Nguyễn Đức Long – đại diện Trung tâm Đổi mới sáng tạo Hà Nội; ông Vinnie Lauria – đối tác quản lý, Golden Gate Ventures và ông Quang Nguyễn – giám đốc Đầu tư cao cấp, SK. (ảnh từ trái sang)





Ông Nguyễn Đức Long – đại diện Trung tâm Đổi mới sáng tạo Hà Nội: Sẵn sàng đối thoại để hỗ trợ đổi mới sáng tạo

Để phát triển kinh tế số và nâng cao chất lượng cộng đồng khởi nghiệp quốc gia, cần đặc biệt tập trung đầu tư vào một số lĩnh vực quan trọng như sản xuất thông minh, thành phố thông minh, an ninh mạng, truyền thông số, bán dẫn, và y tế.

Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia sẽ tập trung nỗ lực để giúp nhiều doanh nghiệp nhất có thể và ưu tiên xây dựng thế hệ khởi nghiệp kế tiếp. Việc phát huy thế mạnh về công nghệ của nhân lực Việt, tập trung vào đội ngũ kỹ thuật và quản lý cũng là một ưu tiên quan trọng.

Hiện nay, trung tâm đang thảo luận với một số doanh nghiệp Việt Nam tại Silicon Valley, Mỹ. Một số doanh nghiệp đang lo lắng về khủng hoảng, trong khi một số khác muốn trở lại Việt Nam.

Chúng tôi xin khẳng định rằng xây dựng bộ khung quy định về đầu tư đổi mới sáng tạo là một ưu tiên và chính phủ sẵn sàng đối thoại để hỗ trợ. Trung tâm sẽ tiếp tục điều chỉnh và tổ chức các hoạt động hỗ trợ như các diễn đàn để đạt được nhiều thành công hơn trong việc phát triển kinh tế số. Tất cả các nỗ lực này nhằm tạo ra một môi trường đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu.”

Ông Quang Nguyễn – giám đốc đầu tư cao cấp SK: Dù thị trường khó khăn vẫn không thiếu vốn cho những doanh nhân sáng tạo

Là tập đoàn lớn thứ hai của Hàn Quốc, SK đang xem Việt Nam và Indonesia là hai trụ cột tăng trưởng tiếp theo. Có mặt tại Việt Nam 5 năm qua, chúng tôi đã đầu tư vào đây 2 tỉ đô la Mỹ với đối tác là các công tỉ đô niêm yết lẫn chưa niêm yết.

Chúng tôi cũng quản lý một quỹ với tổng giá trị 2,5 tỉ đô la Mỹ. Ban đầu, chúng tôi chỉ tập trung vào các công ty có giá trị trên 100 triệu đô la nhưng hiện chúng tôi bắt đầu điều chỉnh, có thể đầu tư vào các công ty có giá trị từ 30 triệu đô la Mỹ. SK cho rằng mức giá trị này là vừa phải để có thể phát huy vai trò đối tác gia tăng giá trị một cách bền vững.

SK sẽ đi theo các xu hướng vĩ mô như tầng lớp trung lưu tăng nhanh kéo mức tiêu dùng gia tăng tương ứng. Chăm sóc sức khỏe sẽ tiếp tục là trọng tâm của SK và chúng tôi sẽ tìm cách tích hợp toàn diện theo chiều dọc giữa bán lẻ dược phẩm, kênh bệnh viện và phòng khám và bảo hiểm sức khỏe phi nhân thọ.

Môi trường vĩ mô trong 3-5 năm tới là giai đoạn công ty cần phải thích nghi với lãi suất và mức lạm phát cao hơn. Các nhà đầu tư sẽ phải quay vòng tài chính và họ sẽ theo dõi rất sát lộ trình rõ ràng dẫn đến lợi nhuận để hỗ trợ họ thoái vốn.

Những nhà khởi nghiệp, sáng lập viên nên thận trọng hơn về mặt tài chính, không nên bám lấy kỳ vọng có thể huy động nhiều vòng mới trước khi đạt được mức hòa vốn.

Nói như vậy, SK vẫn tin rằng ở Việt Nam không thiếu vốn cho những nhà sáng lập giỏi và ý tưởng kinh doanh tuyệt vời, đặc biệt là trong các lĩnh vực đã có thành tích mang lại giá trị cho các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.

Ông HongJin Kim – giám đốc điều hành STIC Investment: Cần giữ vững sản phẩm, mục tiêu ban đầu thay vì theo đuổi đầu tư mới

Chúng tôi là một trong những quỹ đầu tư lâu đời nhất tại Hàn Quốc, quản lý danh mục đầu tư trị giá khoảng 6 tỉ USD và vốn đầu tư vào khởi nghiệp khoảng 600 triệu USD/năm, trong đó khoảng 300 triệu USD đầu tư vào Việt Nam với đa dạng ngành nghề.

STIC Investment chú trọng đến các dự án về hạ tầng kỹ thuật thanh toán số, thương mại điện tử, logistics, xây dựng nền tảng, tiếp cận công nghệ và đầu tư vào quản trị nguồn nhân lực và các lĩnh vực có liên quan.

Nghiên cứu gần đây của chúng tôi cho thấy, trong thời khủng hoảng hiệu quả đầu tư luôn là tốt nhất và STIC tin rằng dòng tiền vào thị trường sẽ tăng trưởng trong trung hạn. Dòng tiền là yếu tố quyết định để duy trì một hệ sinh thái khởi nghiệp, sẽ có những ví dụ thành công tiên phong và hấp dẫn dòng tiền ở những nơi bị tắc nghẽn trên thế giới đến Việt Nam để mở ra các vòng huy động tiếp theo.

Việt Nam cần cải thiện giới hạn về luật lệ quy định khiến doanh nghiệp khó niêm yết cũng như một cơ chế giải quyết những xung đột lợi ích giữa các bên tham gia đầu tư và nhận vốn. Tôi cho rằng các doanh nhân khởi nghiệp cần nghĩ lại về mục tiêu ban đầu, nghĩ về sản phẩm thay vì theo đuổi việc tìm kiếm nhà đầu tư mới.


Ông Vinnie Lauria – đối tác quản lý, Golden Gate Ventures: Tập trung vào lĩnh vực có tính tiếp nối và mang lại giá trị bền vững

Chúng tôi đã đầu tư 250 triệu USD ở Đông Nam Á, trong đó Việt Nam, Singapore và Indonesia được xem là tam giác vàng phát triển của khu vực. Tôi tin rằng lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ trải qua một sự chuyển đổi lớn trong 10 năm tới.

Việt Nam cùng với Singapore đang ở thời điểm đặc biệt về sự giao thoa giữa các doanh nghiệp công nghệ cũng như nguồn tài năng lập trình, đặc biệt là với một số công ty đẩy mạnh về AI. Việc kết nối và đổi mới sáng tạo giữa Singapore và Việt Nam sẽ là động lực cho sự phát triển mảng AI.

Quan điểm của tôi về khởi nghiệp là nên tập trung vào một lĩnh vực có tính nối tiếp và có giá trị bền vững, vì những ý tưởng độc lạ thì vốn thường ra đời quá sớm hoặc quá muộn để có thể đầu tư vào.

Về tình hình khủng hoảng ngân hàng hiện tại, nỗi sợ đang lan từ thị trường tài chính đến các nhà đầu tư độc lập, làm cho việc gây quỹ rất khó khăn, tuy nhiên tôi tin rằng chúng ta đã ở đáy và chỉ có thể đi lên từ đây.

Việt Nam là niềm hy vọng của sự tăng trưởng cho giới đầu tư, với thị trường mở và thật sự hưởng lợi từ những căng thẳng địa chính trị, trở thành quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới hiện tại. Dự kiến Việt Nam sẽ bắt kịp Indonesia về GDP bình quân đầu người năm 2025.

Tuy nhiên, Việt Nam cần cải thiện một số trở ngại trong việc thu hút dòng vốn đầu tư xuyên biên giới và quy định liên quan đến việc thoái vốn. Với doanh nhân khởi nghiệp, tôi khuyến khích tích cực hơn nhưng đồng thời không nên làm quá nhiều thứ mà cần tập trung thực sự vào một thứ nào đó có giá trị bền vững.

Ông Orkan Akcan, phó chủ tịch Insider: Biến khách hàng hiện hữu thành đại sứ thương hiệu

Để nắm bắt các cơ hội phát triển trong xu thế dịch chuyển sang nền kinh tế số, chúng ta không thể sử dụng bài học kinh doanh thành công ở Mỹ để áp dụng tại Việt Nam và ngược lại. Mỗi thị trường đều cần mô hình kinh doanh khác nhau. Điều này đòi hỏi các công ty thể hiện tính địa phương, linh hoạt tùy chỉnh mô hình cũng như hợp tác với các công ty địa phương.

Chúng tôi chọn biến khách hàng trở thành nhân viên bán hàng cho mình, thực hiện chương trình đánh giá mức độ hài lòng của khách hàng và chia sẻ công khai. Chúng ta có thể phát huy hệ sinh thái mới của mình thông qua việc biến khách hàng hiện hữu thành đại sứ thương hiệu.

Đọc thêm:
Forbes Việt Nam khai mạc Diễn đàn Đổi mới sáng tạo 2023
Tạp chí Forbes Việt Nam số 98: Phát triển nền kinh tế số
Hai thập niên săn tìm kỳ lân
Chuyển đổi số phải bắt đầu từ những bài toán cụ thể
Jenny Lee tạo đòn bẩy đưa các startup thành người khổng lồ