multi-media / Megastory

Phụ nữ quyền lực: Jenny Lee tạo đòn bẩy đưa các startup thành người khổng lồ

Jenny Lee ghi dấu ấn khi đầu tư vào một số công ty khởi nghiệp công nghệ hàng đầu của Trung Quốc. Giờ đây, Đông Nam Á cũng có thể mang đến cho bà những cơ hội tương tự trong giai đoạn đầu của nền kinh tế kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng ở khu vực này.

Trong lúc phần lớn thế giới rơi vào bế tắc khi đại dịch bùng phát nặng nề vào năm 2020, nhà đầu tư mạo hiểm kỳ cựu Jenny Lee, 50 tuổi, trở về quê hương Singapore để huy động vốn cho bốn quỹ mới do công ty GGV Capital của bà khởi động.

Lee gần như không ngủ để thực hiện hơn 250 cuộc gọi qua Zoom, huy động được 2,5 tỉ đô la Mỹ trong vòng bốn tháng – ngắn hơn so với quá trình sáu tháng thông thường – và tất cả đều được thực hiện từ xa với các nhà đầu tư trên khắp thế giới.

Số tiền mà Lee và đội ngũ của bà huy động được là con số cao nhất từ trước đến nay trong lịch sử 22 năm của GGV, tăng 27% lượng tài sản mà công ty đang quản lý lên mức cao nhất mọi thời đại là 9,2 tỉ đô la Mỹ. Lee, người điều hành tất cả hoạt động huy động vốn bằng đô la Mỹ của GGV, tự hào về kết quả mình đạt được.

“Tất cả đều xứng đáng,” Lee nói trong cuộc phỏng vấn vào tháng 6.2022 tại văn phòng GGV Capital ở Singapore, “Nếu sau mỗi cuộc gọi tôi có thể huy động được 10 triệu đô la Mỹ thì tôi sẽ làm điều đó mỗi ngày.”

Niềm tin của nhà đầu tư đối với GGV được gây dựng nhờ phần đóng góp không nhỏ từ Lee, người đã được Forbes vinh danh là một trong 100 nhà đầu tư mạo hiểm (VC) hàng đầu thế giới trong 11 năm liên tiếp, kể từ lần đầu tiên bà được đưa vào Danh sách Midas năm 2012.

Danh sách năm nay cũng nhấn mạnh rằng: “Bà đã củng cố danh tiếng của mình với tư cách là một trong những nhà đầu tư mạo hiểm được kính trọng nhất trong nước và trên thế giới.” Năm nay, bà là một trong 12 phụ nữ được bình chọn, và cũng là một trong bốn phụ nữ được chọn cách đây 11 năm.

Nhờ thành công của mình, đặc biệt là trong lĩnh vực do nam giới thống trị, bà cũng đã ba lần lọt vào danh sách Phụ nữ quyền lực nhất thế giới của Forbes và có mặt trong danh sách Nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á của Forbes năm 2019.

Bà là một trong sáu giám đốc hợp danh của công ty, bao gồm cả giám đốc hợp danh toàn cầu người Singapore Jixun Foo, nổi tiếng với việc đầu tư sớm vào siêu ứng dụng Grab. Ngoài ra còn có một giám đốc hợp danh khác đang tiến hành đầu tư ở châu Á là Hans Tung, người Mỹ gốc Đài Loan, 10 lần lọt vào Danh sách Midas.

Những người khác trong đội ngũ VC cấp cao của GGV có chuyên môn cao trong các lĩnh vực như đầu tư ở Hoa Kỳ, giàu kiến thức và kinh nghiệm kinh doanh thực tế. Công ty tuyên bố các quỹ của họ mang lại tổng IRR trung bình hằng năm trên 25% kể từ khi được thành lập vào năm 2000.

354 công ty trong danh mục đầu tư của GGV gần như cân bằng giữa các công ty ở châu Á – Thái Bình Dương và châu Mỹ (GGV cho biết trong danh mục đầu tư của mình có hơn 85 công ty kỳ lân): Trung Quốc là nơi có số lượng công ty châu Á cao nhất trong danh mục đầu tư, với 77 công ty nhận đầu tư được công bố trên trang web của GGV – chỉ có Hoa Kỳ là nơi có nhiều khoản đầu tư hơn, khoảng 130 công ty.

Mặc dù Lee khởi đầu là nhà đầu tư mạo hiểm tại Morgan Stanley và Jafco Asia, nhưng Trung Quốc chính là nơi Lee tạo lập danh tiếng của mình ngay sau khi gia nhập công ty GGV có trụ sở ở Menlo Park, California và khai trương văn phòng công ty ở Trung Quốc năm 2005.

Vào thời điểm đó, nơi này là văn phòng thứ hai của GGV ở nước ngoài (công ty mở văn phòng tại Singapore vào năm 2000 và đóng cửa văn phòng này 13 năm sau đó). Đó là dấu hiệu ban đầu cho thấy công ty tin tưởng vào tiềm năng của Lee khi tiên phong ở một thị trường quan trọng.

Từ cơ sở ở Thượng Hải, bà và Foo dẫn dắt hoặc tham gia chuỗi đầu tư – thường ở giai đoạn đầu với mức định giá thấp – vào một số công ty về sau trở thành công ty công nghệ quan trọng nhất của Trung Quốc, như ByteDance, chủ sở hữu TikTok, nhà sản xuất xe điện Xpeng Motors và nhà sản xuất điện thoại Xiaomi.

Một trong những thành tích hàng đầu của Lee là đầu tư vào Kingsoft WPS năm 2013. Đây là nhà sản xuất phần mềm của Trung Quốc, cho đến nay đã tạo ra lợi nhuận gấp 55 lần cho GGV theo tính toán mới nhất hồi đầu năm nay. Năng lực thành thạo của Lee và nhóm nghiên cứu trong việc xác định các công nghệ mới nổi đã giúp họ chọn ra kỳ lân tương lai. Bà nói: “Chúng tôi đã tiến rất gần đến vị thế dẫn đầu trong công nghệ để phân tích được thay đổi lớn lao tiếp theo có thể là gì.”

Lee đến Trung Quốc ngay thời điểm nước này đang chuyển đổi từ công nghệ dựa trên PC (lúc các quán cà phê Internet đang thịnh hành) sang hệ sinh thái công nghệ dựa trên di động. Để đầu tư, Lee và nhóm nghiên cứu tại Trung Quốc của bà đã từng phân tích mổ xẻ điện thoại thông minh, xác định nhà sản xuất các thành phần quan trọng bên trong và sau đó đầu tư vào các công ty đó.

Một trong số đó là AAC Technologies có trụ sở tại Trung Quốc, nhà cung cấp chính về cảm biến âm thanh cho iPhone của Apple. “Kết quả là chúng tôi đã có thể đầu tư vào các công ty có công nghệ tiên tiến từ rất sớm,” Lee cho biết.

Lee cũng phải vượt qua thử thách khi hoạt động tại một trong những thị trường khó khăn nhất – và hứa hẹn nhất – cho đầu tư mạo hiểm. Mặc dù đã học tiếng Quan Thoại khi lớn lên ở Singapore, nhưng bà thừa nhận mình đã phải vật lộn với ngôn ngữ này khi đến đây.

Hơn nữa, bà đại diện cho một công ty không có lịch sử tại Trung Quốc và không có mạng lưới kết nối riêng. Trong cuộc phỏng vấn năm 2020 được đăng trên trang GGV, bà kể: “Chúng tôi phải học – học cách đọc các kế hoạch kinh doanh bằng tiếng Trung và học cách hiểu các thuật ngữ kỹ thuật.”

Những doanh nhân bà gặp cũng giúp đỡ bà. “Họ là những người đã dạy tôi nói, cách sử dụng các cụm từ phù hợp trong tiếng Trung, và tất nhiên, tôi đã giúp cải thiện tiếng Anh của họ.” Nhờ đó, bà tìm được con đường phía trước: “Bạn tham gia cuộc chiến, bạn nhập cuộc trong lo lắng, biết rằng mình đang bắt đầu từ con số không, từ mốc cơ bản.”

Một rào cản khác là văn hóa kinh doanh của Trung Quốc. Vào thời đó, nền kinh tế vẫn dựa trên tiền mặt, thẻ tín dụng và hình thức thanh toán trực tuyến vẫn chưa phổ biến. Lee phải mang theo tiền mặt để trả lương cho nhân viên, những người đã “gia nhập GGV bằng niềm tin,” bà kể. “Không ai biết về GGV.” Cũng trong cuộc phỏng vấn năm 2020, bà đã nhìn lại sự khắc nghiệt trong những ngày đầu tiên đó: “Có thể nói, tôi hiểu những gì các công ty khởi nghiệp phải trải qua.”

Ván cược đầu tiên vào năm 2005 là công ty Trung Quốc HiSoft (nay là Pactera), công ty dịch vụ gia công phần mềm CNTT trong lĩnh vực do các công ty Ấn Độ như Infosys thống trị. Để phát triển công ty, bà thuê chuyên gia kỳ cựu trong ngành kiêm đối tác đồng cấp người Singapore, Tiak Koon Loh, làm CEO vào năm sau.

Loh – từng quản lý hoạt động kinh doanh gia công phần mềm CNTT của Hewlett Packard ở Trung Quốc – đã đưa HiSoft niêm yết trên sàn Nasdaq vào năm 2010, giúp GGV thoái vốn với lợi tức gấp ba lần. “Jenny cảm thấy HiSoft có thể trở thành doanh nghiệp toàn cầu,” Loh, người vẫn là CEO, cho biết.

Pactera hiện thuộc sở hữu của công ty nhà nước China Electronics Corp. và là công ty gia công phần mềm CNTT lớn nhất đại lục với doanh thu hằng năm hơn một tỉ đô la Mỹ.

Việc tìm ra HiSoft là minh chứng cho thấy sự kiên trì tuân thủ các bước thẩm định kỹ lưỡng của Lee. Vào thời điểm đó, chính phủ Trung Quốc đang hỗ trợ lĩnh vực CNTT với hàng chục khu công nghệ cao nằm rải rác trên khắp đất nước.

Lee đến thăm từng khu công nghệ một cách có hệ thống, trò chuyện với các giám đốc để yêu cầu họ chọn ra những công ty hàng đầu trong khu của họ, và sau đó gặp từng công ty đó.

Bà từng phải tiệc tùng say sưa với hải sản và Bạch Tửu tại khu công nghệ ở Đại Liên, và cũng chơi golf để ký hợp đồng. “Làm những việc đó thực sự cần nỗ lực rất lớn,” bà nói. Nỗ lực của bà được đền đáp khi tìm ra được HiSoft trong số các công ty mà bà đã gặp.

Lee cũng mang lại cho Trung Quốc nền tảng kỹ thuật và kinh doanh mạnh mẽ. Lớn lên ở Singapore, Lee đến Mỹ để lấy bằng cử nhân và thạc sĩ tại Cornell, theo học ngành kỹ thuật điện và tốt nghiệp năm 1995. Cùng năm đó, bà nhận công việc kỹ sư máy bay tại ST Aerospace của Singapore, chỉnh sửa máy bay chiến đấu F-16. “Hằng ngày, tôi phơi nắng, đi chơi với các kỹ thuật viên và phi công lái máy bay chiến đấu. Thực sự rất vui,” bà kể trong bài đăng trên blog của GGV.

Là nhân tài đang tỏa sáng tại nhà thầu quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước này, bốn năm sau, bà được công ty cử đi học tại trường Quản lý Kellogg của đại học Northwestern, lấy bằng thạc sĩ Quản lý kinh doanh năm 2001. Nhưng từ lâu Lee đã khao khát trở thành nhà đầu tư mạo hiểm. Vì vậy cùng năm đó, bà bỏ việc để theo đuổi niềm đam mê của mình.

Đó là sự mạo hiểm có cân nhắc khi nền kinh tế toàn cầu đang suy thoái nặng nề hơn vào thời điểm đó – và đi kèm là cái giá quá đắt. Bà phải trả cho ST Aerospace khoản phí phạt 300.000 đô la Mỹ (khoản tiền họ đã chi trả cho bằng cử nhân, thạc sĩ và bằng MBA của bà) khi bà không hoàn tất cam kết ràng buộc trong 11 năm với công ty. Lee không hối tiếc. “Đó thực sự là quyết định tốt nhất,” bà nói.

Năm 2019, Lee và Foo – những người đã đầu tư vào Đông Nam Á từ năm 2005 – quyết định mở lại văn phòng của GGV tại Singapore, do sức hút từ nền kinh tế kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng của khu vực, nơi sản sinh ra nhiều kỳ lân hiện nay. Thật không may, việc khai trương trở lại diễn ra chỉ vài tháng trước khi đại dịch bùng phát. Ở năm tiếp theo, một trong những ưu tiên lớn nhất của bà là đợt huy động vốn lịch sử – điều mà GGV chưa thực sự tập trung kể từ năm 2018, khi đó bà gọi được 1,88 tỉ đô la Mỹ.

Văn phòng mới tại Singapore báo hiệu sự phát triển ngày càng tăng của khu vực Đông Nam Á trong ngành VC toàn cầu, khi Trung Quốc mất dần thế mạnh trong bối cảnh suy thoái và căng thẳng với Washington. Việc bổ sung thêm văn phòng tại Singapore là cơ hội lý tưởng để GGV có thể khám phá các công ty khởi nghiệp và công ty công nghệ đầy hứa hẹn trên toàn khu vực.

Theo nghiên cứu công bố hồi tháng 7.2022 của KPMG và HSBC, đảo quốc sư tử cũng có bối cảnh công nghệ ấn tượng riêng, với 12 kỳ lân và hơn 9.300 công ty khởi nghiệp, cao nhất so với bất kỳ quốc gia Đông Nam Á nào. Báo cáo viết: “Singapore đứng đầu trong nền kinh tế mới của Đông Nam Á.” Kế đến là Indonesia với nền kinh tế trị giá hơn một ngàn tỉ đô la Mỹ và các kỳ lân như GoTo và Traveloka.

GGV đã giải ngân một nửa trong số 2,5 tỉ đô la Mỹ vốn mới của mình từ năm 2020. Trong số các công ty Đông Nam Á được đầu tư có công ty fintech Thunes của Singapore, các công ty khởi nghiệp cung cấp thịt thay thế Next Gen Foods và Growthwell, cũng như các công ty edtech Ruangguru từ Indonesia và Azota từ Việt Nam.

Lee bổ sung thêm thành tích khác trong chuỗi thành tựu của mình khi Temasek bổ nhiệm bà vào hội đồng quản trị hồi tháng 1.2022, là thành viên trẻ nhất từ trước đến nay. Với vai trò của mình tại quỹ đầu tư quốc gia này, bà đang thực hiện lời cam kết với sếp cũ tại ST Aerospace, người đã khuyên bà “nên quay lại khi đất nước cần” vào thời điểm bà rời công ty năm 2001.

Lee tin rằng giờ đây bà có thể gia tăng giá trị cho Temasek khi quỹ này thúc đẩy đầu tư vào các công nghệ mới và sáng tạo trên khắp châu Á và thế giới. “Thật vinh dự khi được trở lại Singapore và đóng góp theo những cách mà tôi có thể làm được,” bà nói.

Biên dịch: Quỳnh Anh
Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam số 111, tháng 11.2022