Start-up

Startup Dongnae góp phần thay đổi bất động sản Hàn Quốc

Share
this:

Startup Dongnae của Matthew Shampine đang góp phần định hình lại thị trường bất động sản, với các giao dịch nhà ở phần nhiều qua hình thức jeonse.

Là thành viên sáng lập WeWork Labs, “vườn ươm” khởi nghiệp của doanh nghiệp văn phòng chia sẻ khổng lồ WeWork, Matthew Shampine đã góp phần đổi mới lĩnh vực bất động sản thương mại. Giờ đây, anh đang từng bước định hình lại thị trường bất động sản nhà ở chủ yếu giao dịch qua việc đặt cọc tại Hàn Quốc.

Hai nhà sáng lập của startup Dongnae (từ trái sang): Matthew Shampine và Insong Kim. Ảnh: Forbes

Khi cùng vợ và cô con gái mới sinh chuyển đến Seoul, Matthew Shampine – đồng sáng lập và giám đốc điều hành (CEO) của Dongnae, startup cung cấp dịch vụ căn hộ cho thuê – nhìn thấy cơ hội thay đổi hiện thực “phũ phàng” sống trong những căn hộ chật hẹp, không đủ khả năng chi trả của nhiều người trưởng thành tại Hàn Quốc.

Trong cuộc phỏng vấn trực tuyến, Matthew Shampine, 39 tuổi, chia sẻ “Tôi thực sự muốn làm điều gì đó có sức ảnh hưởng tới nhiều người nhất. Bạn có thể hỏi bất kỳ ai, nhưng người Hàn Quốc có mối gắn kết mạnh mẽ với bất động sản nhà ở. Chúng tôi có thể thay đổi toàn bộ trải nghiệm sống và đáp ứng nhu cầu của họ.”

Shampine sinh ra tại Hàn Quốc, nhưng được nhận nuôi và lớn lên tại New Jersey, Mỹ. Năm 2007, anh trở về Hàn Quốc để tham dự Hội thảo Nhận con nuôi Mỹ-Hàn (Korean-American adoptee conference – KAAC) và tìm được cha mẹ đẻ của mình. Từ đó, Shampine đặt ra sứ mệnh trở về hoàn toàn và làm những điều tốt đẹp cho Hàn Quốc.

Vào năm 2011, Shampine gia nhập WeWork và đồng sáng lập WeWork Labs. Năm 2018, anh trở thành tổng giám đốc của WeWork Hàn Quốc và quen biết Insong Kim – giám đốc chiến lược (CSO) và đồng sáng lập Dongnae sau này. Vào năm 2020, cả hai thành lập Dongnae và đặt trụ sở tại Seoul, đề ra mục tiêu giúp căn hộ có mức giá hợp lý và dễ dàng tiếp cận hơn nữa với sản phẩm chủ lực Dongnae FLEX.

Dongnae FLEX cung cấp dịch vụ bất động sản cho thuê ngắn hạn, đầy đủ tiện nghi với khoản đặt cọc thấp, thu hút nhóm khách hàng là các sinh viên mới tốt nghiệp hoặc khách du lịch không đủ khả năng chi trả khoản tiền cọc cao ngất ngưỡng, tương đương 350 tháng tiền thuê nhà, thường là yêu cầu dành cho các căn hộ tại Hàn Quốc.

Các thành viên thuộc ban lãnh đạo Dongnae (từ trái sang): Suzie Lee (giám đốc doanh thu – CRO); Matthew Shampine (đồng sáng lập và CEO); Insong Kim (đồng sáng lập và giám đốc chiến lược (CSO) và Sunju Yook (giám đốc tài chính – CFO). Ảnh: Courtesy of Dongnae

“Từ việc ra mắt sản phẩm, chúng tôi đã thực sự giúp mọi người được sống trong căn hộ như họ mong muốn. Chúng tôi đưa ra toàn bộ lựa chọn mới này vì bạn không bị giới hạn về số tiền gửi tích lũy,” Shampine cho biết.

Đến nay, Dongnae đã huy động tài chính từ các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Vào tháng 3.2022, startup này huy động thành công 21 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A từ các nhà đầu tư gồm NFX – hậu thuẫn tài chính cho Lyft and Doordash, và công ty công nghệ bất động sản (proptech) MetaProp, vốn rót vào Airbnb, bên cạnh quỹ đầu tư lâu đời nhất Hàn Quốc Daol Investment và Hana Financial.

Vòng huy động tài chính mới nhất nâng tổng số vốn đầu tư Dongnae nhận được lên xấp xỉ 34 triệu USD, theo sau 4,1 triệu USD từ vòng hạt giống vào tháng 12.2020 và vòng tiền hạt giống trị giá 700.000 USD trong năm 2019.

Dongnae từ chối tiết lộ về vốn hóa thị trường hiện tại.

“Bất động sản nhà ở là loại tài sản lớn nhất tại Hàn Quốc. Dongnae với tốc độ tăng trưởng ấn độ và thiết lập các mối quan hệ hợp tác vững chắc với những tổ chức tài chính hàng đầu tạo sức hút cho khoản đầu tư này,” Kyung Kuk-hyun, giám đốc quản lý Daol Investment, cho biết trong thông cáo báo chí về vòng gọi vốn mới nhất của Dongnae.

Hơn 80% giá trị tài sản của các hộ gia đình tại Hàn Quốc nằm trong bất động sản, cao hơn nước Mỹ với tỷ lệ gần 35%. Dẫu vậy, ngày càng khó có cơ hội sở hữu nhà ở xứ sở kim chi, với mức giá trung bình cho một căn hộ tại thủ đô Seoul, thành phố đông dân nhất Hàn Quốc, tăng gấp đôi lên hơn 1 triệu USD trong giai đoạn 2017-2021.

Vì vậy, vấn đề nhà cửa đã trở thành nội dung trọng tâm trong phiên tranh luận tổng thống Hàn Quốc, khi tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol cam kết hạ nhiệt thị trường bất động sản và xây dựng thêm 2,5 triệu căn nhà trong nhiệm kỳ 5 năm của ông.

Tuy vậy, không phải lúc nào thuê nhà cũng là giải pháp thay thế dễ dàng hơn.

Một nhóm người dân biểu tình phản đối các chính sách bất động sản của Hàn Quốc. Ảnh: Chris Jung/Nurphoto Via Getty Images

Thị trường thuê nhà ở tại Hàn Quốc chủ yếu giao dịch qua jeonse, hay “tiền thuê ngoại ngạch”, hình thức thanh toán đặc thù chỉ có ở quốc gia này khi người thuê nhà đóng khoản tiền cọc lớn. Những khoản tiền gộp này lên đến 80% giá trị căn nhà, với mức giá trung bình cho một căn hộ jeonse tại Seoul vào tháng 8.2022 là 516.000 USD, trong khi một số quận có thể chạm mốc 572.400 USD, theo thống kê từ KB Kookmin Bank.

Mức độ phổ biến từ hình thức cho vay dài hạn áp dụng trong jeonse đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nợ nộ gia đình tại Hàn Quốc, chiếm tới 104% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia này vào tháng 6.2022. Trong 5 loại hình cho vay lớn nhất Hàn Quốc, nợ từ jeonse vào tháng 6.2022 có giá trị 106,4 tỉ USD, tăng từ 37.8 tỉ USD trong cùng kỳ năm 2017. Hơn một nửa dư nợ, tương đương 63 tỉ USD, từ những người trưởng thành trong độ tuổi từ 20-30.

Theo Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc (MOLIT), nhiều người Hàn Quốc đang từ bỏ việc thanh toán khoản tiền cọc lớn để thuê nhà, với 50,4% trong tổng số 258.313 giao dịch vào tháng 4.2022 là cho thuê hằng tháng thay vì jeonse. Kể từ năm 2011, đây là tháng đầu tiên jeonse không dẫn đầu các hình thức giao dịch.

Matthew Shampine đưa ra dẫn chứng cho việc nhiều người từ bỏ hình thức jeonse từ sự phát triển nhu cầu của nhóm các chuyên gia trẻ, những người đang nhìn nhận lại các quan điểm truyền thống về hôn nhân, nuôi dạy trẻ và sở hữu nhà cửa. Bên cạnh đó, một cuộc sống không phải gánh nợ và thuê nhà ngắn hạn mở ra cơ hội từ nhóm người trưởng thành này trong việc tìm ra cách điều chỉnh cuộc sống linh hoạt và độc lập hơn, đồng thời dành sự ưu tiên cho việc phát triển sự nghiệp hoặc các mối quan hệ bạn bè.

“Căn hộ trong học khu không quan trọng bằng việc ở gần nơi làm việc hay trong khu dân cư tuyệt vời,” anh cho biết.

“Với những người trong độ tuổi từ 20-30 tuổi, việc tách khỏi gia đình và sống tự lập với sống một mình là hai khái niệm khác nhau. Bạn có thể làm việc cùng nhau và sở hữu một căn hộ tuyệt vời. Trước đây, tại Hàn Quốc, bạn chỉ có lựa chọn sống trong căn hộ chật hẹp hoặc Officetel (tòa nhà kết hợp hai loại hình căn hộ dân cư và văn phòng) thiếu thốn tiện nghi,” Shampine cho biết.

Khi mới thành lập, Dongnae hoạt động như nền tảng lập danh sách những người thuê nhà tiềm năng để đặt lịch tham quan ngôi nhà với các đại lý bất động sản, nhưng không thu về nhiều thành công. Shampine nhận định đội ngũ nhân sự tại Dongnae đã không lường trước được “động lực xã hội” kìm hãm nhu cầu dành cho sản phẩm của công ty.

“Chúng tôi nhận ra rằng ở Hàn Quốc, rất dễ để tới bất kỳ khu chung cư xung quanh thành phố hoặc chỉ cần liên hệ với nhà môi giới bất động sản để đặt lịch tham quan vào bất kỳ thời điểm nào bạn muốn. Do vậy, ý tưởng về ứng dụng đặt lịch tham quan ngôi nhà trong nhiều tuần tới không thực sự hấp dẫn cho lắm,” anh cho biết.

Shampine cho biết, tuy thất bại nhưng điều này lại thúc đẩy suy nghĩ về “lối sống lành mạnh”, thể hiện qua mô hình kinh doanh. Những cuộc trò chuyện với khách hàng, nhà môi giới và đội ngũ nhân sự giúp Dongnae hình thành mục tiêu “trở thành nhà cung cấp, thay vì đi tìm nguồn cung”. Vào tháng 6.2021, Dongnae chuyển đổi mô hình kinh doanh từ lập danh sách sang căn hộ dịch vụ. Trước thời điểm diễn ra vòng gọi vốn gần nhất, startup này cho biết đã mở rộng các khu chung cư từ 60 lên 80 ở khắp 12 quận của Seoul.

Trong tương lai, Dongnae có kế hoạch mở rộng dịch vụ nhà ở cho người dân, tiến vào thị trường nội thất và sản phẩm về phong cách sống đang phát triển mạnh của Hàn Quốc. Các startup phát triển giải pháp về không gian sống khác đã có được thành công đáng kể. Vào tháng 5.2022, nền tảng thiết kế nội thất oHouse đã huy động thành công 182 triệu USD và trở thành startup mới nhất của Hàn Quốc đạt danh hiệu kỳ lân, với vốn hóa gần 1,6 tỉ USD.

Các khu chung cư nằm ở phía Nam và khu vực sông Hàn của thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Ed Jones/Afp Via Getty Images

Matthew Shampine hi vọng sẽ mang đến sự thay đổi văn hóa rộng rãi hơn nữa. “Khi suy nghĩ về cách WeWork thay đổi thị trường bất động sản ở Hàn Quốc từ thuê không gian làm việc chung thành môi trường sinh hoạt thực sự bên trong văn phòng, tôi hi vọng rằng Dongnae có thể làm điều tương tự từ góc nhìn của người dân Hàn Quốc. Từ đó, mang đến trải nghiệm tốt hơn cho những nhà môi giới, người cho thuê và đặc biệt là người thuê nhà,” Shampine cho biết.

Biên dịch: Minh Tuấn