Quốc tế

CEO Marco Bizzarri rời Gucci

CEO Marco Bizzarri của Gucci sẽ rời khỏi nhà mốt sau gần 19 năm gắn bó điều hành, góp phần phát triển công ty mẹ Kering.

Share
this:

Bizzarri đã dẫn dắt công ty vượt qua khủng hoảng sau khi Tom Ford từ chức vào năm 2004, sẽ rời khỏi vị trí điều hành này vào tháng 9 này, trong bối cảnh nhà mốt thay đổi lãnh đạo cấp cao. Công ty đã có giám đốc sáng tạo mới vào đầu năm nay và giờ bổ nhiệm hai phó tổng giám đốc cho công ty mẹ Kering.

New York Times gọi Bizzari là “một trong những giám đốc điều hành được kính trọng nhất trong ngành kinh doanh hàng xa xỉ toàn cầu.” Bizzari từ chức sau một năm nhà mốt ghi nhận doanh thu giảm và tuyển Sabato De Sarno, trước đây từng làm cho Dolce & Gabbana, Prada và Valentino, thay thế giám đốc sáng tạo Alessandro Michele. Ông đã rời đi sau 8 năm làm việc ở đây.

Marco Bizzarri tham gia liên hoan Phim quốc tế Venice lần thứ 79 vào ngày 5.9.2022 tại Venice, Ý. Ảnh: Pascal Le Segretain/ Getty Images/ Forbes

Theo Wall Street Journal, trong tuần này, Kering công bố thay đổi lãnh đạo cấp cao. Francesca Bellettini, CEO của Yves Saint Laurent và Jean-Marc Duplaix, CEO của công ty mẹ, hiện là phó tổng giám đốc cho François-Henri Pinault và Jean-François Palus ở Kering sẽ cùng nhau điều hành Gucci tại Milan.

WSJ cho biết trong năm ngoái, doanh số của Gucci thấp hơn so với các đối thủ như Louis Vuitton và Dior, cả hai đều thuộc LVMH của Bernard Arnault.

Đế chế Kering – xếp thứ 328 trong danh sách Global 2000 của Forbes với giá trị thị trường gần 74 tỉ USD – cũng sở hữu nhiều thương hiệu Balenciaga, Bottega Veneta, Alexander McQueen, Yves Saint Laurent, Puma và Cobra.

Kết quả kinh doanh của 5 thương hiệu thời trang cao cấp hàng đầu trong năm 2022

Hermès báo cáo doanh thu 12,9 tỉ USD (11,6 tỉ EUR) vào năm 2022, tăng 23% so với năm 2021. Báo cáo tài chính của thương hiệu cho biết mức tăng trưởng ở châu Mỹ “đặc biệt cao,” sau khi mở nhiều cửa hàng mới ở Austin và trên đại lộ Madison ở New York.

Hermès không có đại sứ thương hiệu là người nổi tiếng và thay vào đó, hãng dựa chủ yếu vào tính độc quyền và các sản phẩm nổi bật, như túi Birkin, để tạo ra doanh thu.

Chiếc túi Birkin Faubourg nhỏ của Hermes. Ảnh: Edward Berthelot/ Getty Images 

Prada – thương hiệu thời trang Ý, cũng sở hữu Miu Miu- ghi nhận doanh thu tăng 21% vào năm 2022 lên 4,4 tỉ USD (4,2 tỉ EUR). Theo báo cáo của công ty, doanh số bán lẻ tăng 24%, trong đó thị trường châu Á- Thái Bình Dương đóng góp phần lợi nhuận cao nhất.

Doanh số ở châu Âu cũng tăng 59% và 37% ở châu Mỹ. Hồi tháng 1, thương hiệu có CEO mới, Andrea Guerra, thay thế cho Patrizio Bertelli và Miuccia Prada. Nữ diễn viên Letitia Wright và Scarlett Johansson, cũng như người mẫu Hunter Schafer, là đại sứ thương hiệu của Prada.

Những chiếc túi xách và giày mang tính biểu tượng của Prada dành riêng cho lễ Giáng sinh được trưng bày tại cửa hàng Prada trên phố mua sắm nổi tiếng Via Condotti của Rome, Ý vào ngày 3.12.2022. Ảnh: Franco Origlia/ Getty Images/ Forbes 

Louis Vuitton – lần đầu tiên ghi nhận doanh thu vượt qua 22,4 tỉ USD (20 tỉ EUR) vào năm 2022 và mặc dù công ty mẹ LVMH – Moët Hennessy Louis Vuitton – không báo cáo doanh thu theo từng thương hiệu cụ thể, nhưng công ty cho biết doanh thu của bộ phận thời trang & đồ da của công ty mẹ có mức tăng trưởng 20%.

Theo báo cáo tài chính, thương hiệu đạt được mức doanh thu cao như thế này nhờ mở hai xưởng mới ở Pháp, một vài cửa hàng mới và bộ sưu tập kỷ niệm 20 năm đồng hồ Tambour, dòng Tambour Twenty, với gương mặt đại diện của Bradley Cooper.

Zendaya và J-Hope là đại sứ thương hiệu trong năm nay. Đại diện của LVMH không phản hồi lời đề nghị cung cấp dữ liệu chi tiết của từng thương hiệu như Louis Vuitton, Tiffany & Co. hoặc Dior.

HoYeon Jung cùng với các người mẫu trình diễn bộ sưu tập thời trang nữ xuân/hè 2023 của Louis Vuitton trong khuôn khổ Tuần lễ thời trang Paris vào ngày 4.10.2022 tại Paris, Pháp. Ảnh: Peter White/ Getty Images/ Forbes

Chanel – nhà mốt Pháp báo cáo doanh thu 17,2 tỉ USD vào năm 2022, tăng 17% so với năm 2021. Trong tháng này, Chanel khởi động chương trình bảo trợ giám tuyển trong ba năm tại bảo tàng nghệ thuật đương đại M+ ở Hong Kong và mở một cửa hàng thực phẩm rộng 2.787 m2 ở Beverly Hills. Một số đại sứ thương hiệu nổi tiếng, bao gồm nam diễn viên Timothée Chalamet, nữ diễn viên Whitney Peak và ngôi sao K-pop Minji, đại diên cho Chanel.

Một người phụ nữ đi ngang qua cửa hàng Chanel đã đóng cửa ở Moscow vào ngày 10.3.2022. Ảnh: AFP via Getty Images/ Forbes

Gucci – thương hiệu báo cáo năm 2022 đạt doanh thu đạt 11,7 tỉ USD (10,5 tỉ EUR), tăng 8% so với 2021, năm đó nhà mốt ra mắt bộ phim House of Gucci và hợp tác mở những cửa hàng bán lẻ theo mùa với các thương hiệu như The North Face.

Cho đến nay, Gucci thực hiện một cuộc triển lãm mang tên Gucci Cosmos, diễn ra trong ba tháng tại Thượng Hải và ra mắt Gucci Salon, cửa hàng mua sắm siêu sang chỉ dành cho khách hàng cao cấp theo lịch hẹn. Harry Styles, Dakota Johnson, nữ diễn viên Ấn Độ Alia Bhatt và Hanni của nhóm nhạc K-pop NewJeans là đại sứ thương hiệu.

Người mẫu trình diễn bộ sưu tập thời trang Gucci trong Tuần lễ thời trang Milan vào ngày 13.1.2023 tại Milan, Ý. Ảnh: Victor Virgile/ Gamma-Rapho via Getty Images/ Forbes

Bernard Arnault, điều hành đế chế 75 thương hiệu thời trang và mỹ phẩm của LVMH, hiện là người giàu thứ hai trên thế giới. Forbes ước tính ông sở hữu khối tài sản ròng trị giá 235 tỉ USD. François Pinault, chủ sở hữu kiêm chủ tịch danh dự của Kering, có tài sản ước tính khoảng 40,3 tỉ USD.

Biên dịch: Gia Nhi

———————–

Xem thêm:

Gucci đẩy mức tăng trưởng doanh thu của Kering lên 35,2%
Tom Ford trở thành tỉ phú sau khi bán thương hiệu cho Estée Lauder
Nhiều thương hiệu xa xỉ tổ chức những buổi trình diễn thời trang ở địa danh văn hóa, lịch sử