Vừa qua, vương quốc Bhutan thừa nhận đã âm thầm triển khai dự án khai thác bitcoin khi xuất hiện những thông tin bí ẩn xoay quanh khoản đầu tư ban đầu của quốc gia này.
Nằm dưới dãy Himalaya, những dòng sông được nuôi dưỡng từ các sông băng cổ đại đã mang đến vương quốc Bhutan nguồn thủy điện dồi dào.
Năng lượng tái tạo đã trở thành động cơ tăng trưởng kinh tế của quốc gia này, đóng góp 30% GDP và là nguồn nhiên liệu cho gần 800.000 hộ gia đình. Nhưng trong một vài năm qua, chính phủ Bhutan đã nghĩ ra hướng đi mới trong việc vận dụng nguồn thủy điện sẵn có: cung cấp nguồn điện để vận hành mỏ khai thác bitcoin của chính quốc gia này.
Cụ thể, theo một số nguồn tin thân cận chia sẻ với Forbes về dự án phát triển mỏ khai thác bitcoin, chính phủ Bhutan thảo luận từ năm 2020, nhưng cho đến tuần vừa qua vẫn chưa tiết lộ về kế hoạch của mình.
Bhutan đã tìm cách tận dụng các nhà máy thủy điện để cung cấp nguồn điện vận hành máy đào tiền mã hóa sử dụng thuật toán phức tạp cho việc khai thác bitcoin.
Một khi dự án hoàn tất, Bhutan sẽ cùng El Salvador trở thành hai quốc gia hiếm hoi trên thế giới có dự án mỏ đào bitcoin thuộc sở hữu của chính phủ.
Ngày 29.4, vài ngày sau khi Forbes liên hệ với các quan chức Bhutan để đặt câu hỏi về dự án khai thác bitcoin, người đại diện của chính phủ đã xác nhận tới đơn vị báo chí địa phương The Bhutanese rằng vương quốc này đã triển khai “từ một vài năm trước đó với tư cách là một trong những cái tên tham gia thị trường sớm, vào thời điểm giá trị của bitcoin chỉ loanh quanh 5.000 USD. Bộ tài chính Bhutan đã không phản hồi các câu hỏi từ Forbes về quy mô của dự án.
Chưa có thông tin về thời điểm bắt đầu, vị trí vận hành và liệu dự án này có tạo ra lợi nhuận hay không (Tính từ thời điểm ra mắt, bitcoin có giá trị 5.000 USD vào tháng 4.2019). Cũng không rõ vì sao Bhutan lại chưa bao giờ công bố dự án cho người dân hoặc các đối tác quốc tế.
Bhutan cũng đang đàm phán với Bitdeer – một trong những công ty khai thác tiền mã hóa lớn nhất thế giới có trụ sở tại Singapore do cựu tỉ phú Trung Quốc Wu Jihan thành lập. Trong tháng 4.2023, Bitdeer trong báo cáo về giá cổ phiếu thông tin tới các nhà đầu tư rằng công ty này đã tiến hành đàm phán để đảm bảo quyền tiếp cận trung tâm dữ liệu khai thác bitcoin công suất 100MW tại Bhutan, dự kiến khởi công xây dựng trong quý 2.2023. Vào đầu tháng 4 vừa qua, Bitdeer đã thực hiện thương vụ sáp nhập trị giá 1,1 tỉ USD với một công ty séc khống để niêm yết cổ phiếu trên sàn Nasdaq. Cả Bitdeer và quan chức Bhutan đều không phản hồi yêu cầu đưa ra bình luận từ Forbes về thỏa thuận hợp tác trên.
“Điều đáng lo ngại là Bhutan đã âm thầm đầu tư nguồn lực.”
Việc hợp tác với Bhutan sẽ giúp Bitdeer, công ty lớn thứ hai thị trường khai thác tiền mã hóa với 12% thị phần, xếp sau Core Science có trụ sở tại Texas (công ty đã phá sản trước đó), nâng cao năng suất. “Chúng tôi kỳ vọng sẽ tạo ra 100MW trong 500MW công suất vận hành tại Bhutan, quốc gia sẽ bắt đầu xây dựng trung tâm dữ liệu khai thác bitcoin vào quý 2.2023 và hoàn tất trong quý 3.2024,” Bitdeer cho biết trong báo cáo gửi tới các nhà đầu tư vào ngày 19.4. Thông báo này không đưa ra cụ thể cá nhân/doanh nghiệp nào sẽ quản lý dự án.
Có vị trí địa lý nằm giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Nepal, Bhutan được biết đến với biểu tượng “rồng sấm” Druk, các tu viện Phật giáo và sử dụng chỉ số “Tổng hạnh phúc Quốc gia” để làm thước đó cho sự phát triển thay vì tổng sản phẩm quốc nội.
Tuy vậy, Bhutan đã dành nhiều năm để xây dựng danh mục đầu tư quan trọng vào lĩnh vực tiền mã hóa. Trước đó, Forbes từng đưa tin Druk Holding & Investments – công ty trực thuộc chính phủ đã bí mật rót hàng triệu USD vào tiền mã hóa, thông tin vô tình được các công ty cho vay tiền mã hóa BlockFi và Celsius (đã phá sản) tiết lộ. Tuy các khoản đầu tư này thực hiện bởi một doanh nghiệp nhà nước, được thành lập thay mặt mọi người quản lý tài sản, người dân Bhutan không hề biết đến điều này.
Trong những năm gần đây đã xuất hiện các tin đồn về việc chính phủ Bhutan đầu tư vào mỏ khai thác bitcoin, với một người dân tin rằng các dự án này đang được triển khai và “chủ yếu là thử nghiệm” khi chia sẻ với Forbes. Trong LinkedIn, nhân viên của Druk đã để thông tin vai trò của họ là vận hành và quản lý mỏ khai thác tiền mã hóa, cũng như máy đào từ Bitmain.
Dữ liệu hải quan cũng đưa ra sản lượng nhập khẩu vi xử lý của Bhutan ghi nhận mức tăng phi mã trong nhiều năm gần đây. Những người ủng hộ Bhutan trên thế giới tỏ ra thận trọng về việc quốc gia này ngày càng hứng thú với tiền mã hóa và thể hiện quan ngại rằng đầu tư số tiền 193 triệu USD vào vi xử lý khiến thâm hụt thương mại lớn hơn và kéo theo sự sụt giảm mạnh của nguồn dự trữ ngoại tệ.
“Điều đáng lo ngại là Bhutan đã âm thầm đầu tư nguồn lực vào tiền mã hóa, lĩnh vực mang tính rủi ro và biến động cao, với ảnh hưởng lớn đến môi trường,” một cựu nhà cố vấn quốc tế chia sẻ. Vị này yêu cầu không tiết lộ danh tính.
Quy mô khai thác bitcoin của Bhutan
Bên cạnh Bitdeer, có vẻ như chính phủ Bhutan cũng đang cân nhắc hợp tác với các công ty khai thác tiền mã hóa khác. Những người trong cuộc từ các công ty cạnh tranh, nơi thợ đào kết hợp nhiều máy tính với nhau để giải chuỗi khối bitcoin nhanh hơn, cho biết họ có lợi thế trong quá trình đàm phán với những quan chức cấp cao của chính phủ Bhutan, bao gồm cả Druk, về việc xây dựng và vận hành mỏ khai thác bitcoin với nguồn điện cung cấp từ thủy điện.
Chia sẻ với Forbes, các chuyên gia tư vấn từng tham vấn cho chính phủ Bhutan về chiến lược khai thác bitcoin trước khi Bitdeer đưa ra thông báo cho biết, Bhutan từng hỏi về sử dụng một trong những nhà máy thủy điện của quốc gia này để cung cấp điện cho dự án khai thác bitcoin công suất 100MW.
Mức đầu tư này sẽ tương đương với một trung tâm dữ liệu có kích thước bằng một vài sân bóng đá.
Để so sánh, công suất 100MW của Bhutan thấp hơn rất nhiều so với các mỏ đào quy mô lớn như mỏ khai thác 450MW tại Rockdale, Texas, nhưng tương đương với hàng loạt dự án lớn khác như mỏ Bitriver, Nga hay dự án của Pow.re tại Paraguay (đang lên kế hoạch), lấy nguồn điện từ một trong những con đập lớn nhất thế giới.
Dữ liệu hải quan đã gợi ý về quy mô của dự án khai thác bitcoin của Bhutan, quốc gia với hoạt động giao thương nội địa chủ yếu là xăng, thép và gạo. Nhưng theo dữ liệu được bộ Tài chính nước này công bố, sản lượng vi xử lý có giá trị hàng triệu USD dẫn đầu kim ngạch nhập khẩu trong hai năm 2021 và 2022.
Trong năm 2022, Bhutan đã nhập khẩu số lượng vi xử lý có tổng giá trị vào khoảng 142 triệu USD, chiếm 10% trong tổng giá trị nhập khẩu 1,4 tỉ USD và tương đương với khoảng 15% ngân sách chính phủ hằng năm 930 triệu USD. Để so sánh, giá trị nhập khẩu vi xử lý trong năm 2021 đạt 51 triệu USD và 1,1 tỉ USD năm 2020 theo ghi nhận từ cơ quan hải quan.
Với việc chi phí đầu tư vào dàn máy đào bitcoin biến động theo giá trị của tiền mã hóa này, những người hoạt động trong lĩnh vực khai thác cho biết kể cả khi trong thời điểm giá trị bitcoin đạt đỉnh, mức đầu tư này sẽ tương đương với một trung tâm dữ liệu có kích thước bằng một vài sân bóng đá.
Dữ liệu thương mại phân loại các vi xử lý theo nhãn hàng hóa nhập khẩu được các nhà sản xuất máy đào bitcoin sử dụng, và cho biết phần lớn nhập từ Trung Quốc và Hong Kong. Tuy vậy, chưa có thông tin về cá nhân/đơn vị nhập những vi xử lý này.
Bộ Tài chính Bhutan lưu ý tổng giá trị nhập khẩu của quốc gia này trong năm 2022 tăng mạnh, một phần từ việc Druk Holdings & Investment mua các vi xử lý này cho các “dự án đặc biệt.” Các quan chức Bhutan không trả lời câu hỏi phần cứng được sử dụng như thế nào.
Bhutan đã cởi mở về mối quan tâm dành cho blockchain và xem lĩnh vực này như một lợi ích kinh tế. Năm 2021, quốc gia này đã triển khai thử nghiệm “đồng tiền kỹ thuật số” của ngân hàng trung ương với sàn giao dịch Ripple. Nhưng Bhutan vẫn giữ kín thông tin về các khoản đầu tư vào tiền mã hóa, ngay cả khi các đồng tiền mã hóa này liên quan đến những công ty đã phá sản. Druk trước đó chia sẻ với Forbes rằng công ty không thể đưa ra bình luận về mối liên hệ với BlockFi vì “những lý do về bảo mật.” Báo cáo gần đây của công ty này không đề cập đến danh mục tài sản kỹ thuật số, hay hoạt động khai thác bitcoin.
Chia sẻ với đơn vị truyền thông địa phương, Ujjwal Deep – CEO của Druk cho biết công ty đã vay tiền mã hóa từ BlockFi và Celsius để thực hiện các khoản đầu tư khác, và doanh thu từ hoạt động đào bitcoin cho thấy công ty không thu lỗ từ việc rót vốn vào tài sản số.
Vì sao Bhutan tham gia lĩnh vực tiền mã hóa?
Khai thác bitcoin ngày càng giống như hoạt động công nghiệp, thường xuyên sử dụng nguồn vi xử lý chuyên biệt do các công ty Trung Quốc như Bitmain và Canaan cung cấp. Các máy đào cũng được lắp đặt trong những trung tâm dữ liệu cần đến nguồn năng lượng khổng lồ.
Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm tiền mã hóa vào năm 2021, trong khi Kazakhstan và Thụy Điển có động thái hạn chế và đánh thuế những người/công ty khai thác tiền mã hóa, buộc nhiều thợ đào phải chuyển sang quốc gia khác có mức phí sử dụng điện thấp hơn. Ngược lại, Mỹ, Na Uy và Paraguay, cũng có nguồn thủy điện dồi dào như Bhutan, trở thành điểm đến thu hút các công ty khai thác tiền mã hóa. Dẫu vậy, một vài doanh nghiệp khai thác tiền mã hóa quy mô lớn như Core Science và Compute North đã đệ đơn phá sản, theo sau bitcoin lao dốc và giá điện tăng cao trong một năm qua.
Nhà phân tích về hoạt động khai thác bitcoin của Luxor, Jaran Mellerud nhận định “Các công ty khai thác bitcoin xuất hiện tại Bhutan không phải điều bất ngờ. Quốc gia này có nguồn thủy điện rất lớn so với quy mô dân số nhỏ, tạo ra lượng điện tiêu thụ trên đầu người tương đương với Mỹ. Nguồn năng lượng sẵn có và giá rẻ chắc chắn đã thu hút những người đào tiền đến quốc gia này.”
Theo nguồn tin thân cận chia sẻ với Forbes, đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy quan chức cấp cao của Bhutan ngồi vào đàm phán với các công ty đào bitcoin và đơn vị cung cấp thiết bị. Bhutan, bắt đầu mở cửa cho khách quốc tế từ năm 1974 và tạm thời đóng cửa biên giới để bảo vệ 800.000 người dân trước COVID-19 cách đây gần hai năm trước (trong thời gian này, Bhutan trở nên nổi tiếng khi kiểm soát thành công dịch COVID-19 tại đây chỉ vài tháng sau khi ghi nhận ca mắc đầu tiên là du khách Mỹ vào tháng 1.2021).
Tuy chỉ ghi nhận 21 trường hợp tử vong, song dịch COVID-19 đã giáng đòn nặng nền lên ngành du lịch nước này, nguồn lực cốt lõi trong phát triển kinh tế của Bhutan. Bhutan từng dẫn đầu một vài chỉ số quốc tế như tổng hạnh phúc quốc gia (GHD) và du lịch cao cấp, với những du khách giàu có đóng khoản phí thị thực 200 USD/ngày.
Hiệp hội Singapore-Bhutan, một nhóm gồm các doanh nhân người Trung Quốc, Singapore và thành viên trong hoàng gia Bhutan, đã đưa ra một đề xuất vận hành các công cụ khai thác bitcoin trong container vận chuyển, theo tài liệu giới thiệu gần đây được Forbes ghi nhận. Đề xuất cam kết hỗ trợ từ hoàng gia Bhutan và chi phí sử dụng điện năng thấp cho các nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra số tiền 800.000 USD lắp đặt dàn máy đào bitcoin công suất 700KW trong các thùng container
“Nguồn năng lượng sẵn có và giá rẻ chắc chắn đã thu hút những người đào tiền đến quốc gia này.”
Dasho Ugen Tsechup Dorji, hoàng thân của quốc vương Bhutan Jigme Khesar Namgyel Wangchuck, cho biết hiện quốc gia này đang tạm dừng dự án. Chia sẻ với Forbes, ông Dorji cho biết chính phủ Bhutan “chưa cho phép khu vực tư nhân tham gia lĩnh vực khai thác tiền mã hóa.” Humphery Chan, thành viên hiệp hội Singapore-Bhutan cho biết FTX sụp đổ, khó khăn để vận chuyển và vận hành dàn máy đào tại Bhutan, đã làm giảm đi sự quan tâm từ nhà đầu tư.
Các nhà phân tích cảm thấy lo ngại về khả năng duy trì dự án đào bitcoin quy mô lớn của Bhutan. Trong khi Bhutan hằng năm xuất khẩu gần 75% sản lượng điện năng sang Ấn Độ, những con sông thường khô cạn vào mùa đông và nước này phải nhập khẩu năng lượng từ các quốc gia láng giềng.
Theo Alex de Vries, nhà nghiên cứu kinh tế của đại học Vrije Universiteit Amsterdam và tác giả của Digiconomist, những người/công ty khai thác tiền mã hóa sẽ thiệt hại đáng kể trong khoảng thời gian mùa khô diễn ra.
“Nếu dừng hoạt động mỏ đào trong thời gian dài, rất khó để họ bù lại số vốn đã bỏ ra. Máy đào không hoạt động đồng nghĩa với việc không có nguồn thu,” ông cho biết.
Biên dịch: Minh Tuấn
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/bhutan-da-dau-tu-vao-bitcoin-trong-nhieu-nam-qua)