Heineken Việt Nam kéo dài vòng đời sử dụng nguyên vật liệu theo tầm nhìn “không có tài nguyên nào là vô tận”.
Những ngày này, nhà máy bia Vũng Tàu của công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam (Heineken Việt Nam) nằm tại khu công nghiệp Mỹ Xuân A, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu rất nhộn nhịp. Các đơn vị thi công đang tăng tốc sau nhiều tháng bị gián đoạn do COVID-19 bùng phát năm 2021, để hoàn thành các hạng mục còn dang dở, kịp cho nhà máy chính thức khánh thành vào cuối năm nay. Sau sáu năm mua lại từ công ty bia Carlsberg và hai lần tăng vốn, nhà máy này khi đưa vào vận hành sẽ trở thành nhà máy lớn nhất của Heineken tại châu Á – Thái Bình Dương với công suất 1,1 tỉ lít mỗi năm.
Điểm nhấn, đây là nhà máy “xanh” nhất của hãng bia Hà Lan tại khu vực này khi sử dụng năng lượng sinh khối để nấu bia, 100% nước được xử lý đạt chuẩn, không có rác thải chôn lấp. Heineken Việt Nam đặt mục tiêu sẽ sử dụng 100% năng lượng tái tạo, gồm điện năng và nhiệt năng tại nhà máy này. “Đến thời điểm này, cơ chế thí điểm mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa khách hàng sử dụng điện và đơn vị phát điện năng lượng tái tạo vẫn chưa được ban hành. Việc thực hiện kinh tế tuần hoàn có những thách thức nhất định,” bà Holly Bostock, giám đốc Ngoại vụ cấp cao Heineken Việt Nam nói với Forbes Việt Nam trong một cuộc gặp vào trung tuần tháng 6.2022.
Hướng tới mục tiêu tác động đến môi trường bằng 0, một trong ba trụ cột chính trong chiến lược “Vì một Việt Nam tốt đẹp hơn”, Heineken Việt Nam, doanh nghiệp từng đóng góp gần 1% GDP cả nước, 200 ngàn việc làm trực tiếp và gián tiếp trước đại dịch, đang áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong các quy trình sản xuất, hoạt động kinh doanh cũng như dẫn dắt chuỗi cung ứng chuyển đổi xanh hơn.
Báo cáo bền vững năm 2021 được Heineken Việt Nam công bố đầu tháng 6.2022 ghi nhận hiệu suất sử dụng nước tại nhà sản xuất bia có thị phần hàng đầu tại Việt Nam này hiện đạt 2,65hl/hl, so với mức bình quân của ngành là 3,04hl/hl. Nước thải tại 6/6 nhà máy đặt tại Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam, TP.HCM, Tiền Giang và Bà Rịa – Vũng Tàu đều đạt, đủ tiêu chuẩn nuôi cá, 8% nước thải sau khi xử lý ở nhà máy Vũng Tàu được tái sử dụng ở các khâu không liên quan đến sản phẩm.
Toàn bộ các nhà máy đều không có chất thải chôn lấp. Điều đó có nghĩa phế phẩm và phụ phẩm hiện được tái chế, tái sử dụng. Tỉ lệ này với Heineken toàn cầu là 99%. Các nhà máy của Heineken Việt Nam cùng với Hà Lan, Mexico, Anh, New Zealand được đánh giá điển hình, tiêu biểu về phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, theo bà Holly. So với mục tiêu đến năm 2025 sử dụng 100% năng lượng tái tạo, 100% nước được bù hoàn và không còn chất thải chôn lấp thì Heineken Việt Nam đạt được một trong ba mục tiêu.
Mô hình kinh tế tuần hoàn được ứng dụng ở các khâu sản xuất, kinh doanh. Trong đó, các két nhựa chứa bia được sử dụng liên tục trong 5–10 năm và tái chế khi hỏng; 97% vỏ chai bia được thu hồi về nhà máy để làm sạch và tái sử dụng, có thể lên đến hơn 30 lần rồi mới nghiền nát để sản xuất lại khi hết hạn sử dụng.
Từ nhiều năm nay, bã hèm được bán cho các trang trại chăn nuôi gia súc để làm thức ăn, bùn thải từ khu xử lý nước thải dùng để sản xuất gạch và phân bón. Công ty cũng dùng các container cũ làm thành các khu vực uống cà phê, giải lao cho nhân viên. Các tủ lạnh cung cấp cho điểm bán là loại tiết kiệm điện. Trong năm 2021, lượng nhôm dùng để sản xuất bia lon giảm tương đương 468 triệu lon nhờ được thiết kế theo tiêu chí giảm nguyên liệu. Lon nhôm sử dụng 40% nhôm tái chế và có thể tái chế 100%.
Là thành viên của một tập đoàn lớn, bà Holly thừa nhận Heineken Việt Nam có lợi thế để áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Đó là chiến lược và kế hoạch dài hạn, chỉ dẫn về chuyên môn, kỹ thuật, công nghệ và ngân sách đầu tư. Các nước có thể học tập kinh nghiệm của nhau. Tất nhiên, là một doanh nghiệp lớn, sự thay đổi cũng sẽ cần thời gian lâu dài hơn.
Tuy nhiên, giống như nhiều doanh nghiệp đang theo đuổi những mục tiêu về tái chế, Heineken Việt Nam chưa thể áp dụng triệt để. Lấy ví dụ ở dòng bia lon. Vỏ bia sau khi sử dụng xong đều được những người nhặt ve chai thu gom, bán cho cửa hàng thu mua phế liệu rồi được đập bẹp để làm thành tấm nhôm, quay lại sản xuất vỏ. Tuy nhiên, Việt Nam hiện chỉ làm được hai phần ba quy trình: thu gom và đập dẹp.
Phần tái chế nằm ở ngoài biên giới. Heineken Việt Nam đang phải nhập các tấm tái chế từ Thái Lan, Trung Quốc về dập lon. “Chúng tôi muốn phối hợp thực hiện tái chế toàn bộ lon nhôm tại Việt Nam, nhưng vẫn chưa có đơn vị thực hiện được việc này,” bà Holly nói và nhấn mạnh đây là ví dụ cho thấy để có thể thực hiện kinh tế tuần hoàn, chỉ nhà sản xuất thôi là chưa đủ, cần sự phát triển và phối hợp đồng bộ từ tất cả các bên liên quan trong toàn bộ chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị.
Tương tự, các doanh nghiệp cũng chưa thể sử dụng 100% điện sạch như điện gió, điện mặt trời dù có thể sản xuất (lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái) hoặc có nguồn cung. Cho đến hiện tại, dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn với các trình tự thủ tục, ràng buộc pháp lý… vẫn đang được bộ Công thương lấy ý kiến hoàn thiện.
Nhìn rộng hơn, bà Holly cho rằng, các quy định pháp luật của Việt Nam chưa theo kịp sự phát triển của kinh tế tuần hoàn. Luật Bảo vệ Môi trường 2020 là một bước tiến vượt bậc với điều khoản 54 quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), trong đó nhà sản xuất phải có trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc tái chế bao bì sản phẩm. Nhưng, các quy định vẫn chỉ nhắm vào nhà sản xuất và nhập khẩu chứ chưa bao quát toàn bộ chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị. Tương tự, việc phân loại rác tại nguồn vẫn chưa có những chế tài kèm theo.
Bối cảnh chung đang có nhiều thay đổi để mọi việc có cơ hội tốt lên. Tại COP26, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết Việt Nam sẽ đưa mức phát thải về 0 đến năm 2050. Chính phủ, các bộ đang định hướng chiến lược thực thi và hành động cụ thể để hướng tới mục tiêu tham vọng này. Tháng 10.2021, bộ Tài nguyên và Môi trường kết hợp với chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) ra mắt Mạng lưới Kinh tế Tuần hoàn Việt Nam. Người tiêu dùng trẻ có xu hướng giảm thiểu rác thải, tái sử dụng và tái chế, ủng hộ các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp có trách nhiệm với môi trường.
Áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn đòi hỏi những chuyển đổi từ thiết kế sản phẩm cho đến quy trình sản xuất, vận hành, cách sử dụng nguyên vật liệu và có thể dẫn đến thay đổi thói quen của người tiêu dùng… Như vậy, doanh nghiệp phải đầu tư lớn về tài chính và con người, bên cạnh cam kết lâu dài.
Theo bà Holly, các lợi ích doanh nghiệp nhận được (như doanh số tăng, tình cảm yêu mến của người tiêu dùng với thương hiệu) chưa dễ đo đếm chính xác. Nhưng bà đã nhận được các tín hiệu phản hồi tích cực từ các ứng viên tiềm năng, khi họ nói muốn làm việc cho doanh nghiệp có trách nhiệm. Như vậy, phát triển bền vững có ý nghĩa với việc xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng, tạo cơ hội cho doanh nghiệp có được nhân tài.
“Lợi ích kinh tế sẽ đến,” bà Holly chia sẻ các doanh nghiệp nhỏ, những đơn vị đang có lợi thế hơn các tập đoàn lớn là họ bắt đầu bằng quy mô nhỏ, có thể thử và sai, có thất bại cũng dễ dàng sửa chữa…, có thể tin vào điều này để đầu tư cho kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững.
Năm 2021, Heineken Việt Nam xếp thứ hai trong tốp các doanh nghiệp bền vững nhất Việt Nam ở lĩnh vực sản xuất theo chương trình đánh giá và xếp hạng các doanh nghiệp bền vững Việt Nam do phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD) tổ chức và có sáu năm liên tiếp nằm trong tốp 3. Vị trí của nhà sản xuất bia này cũng thay đổi qua từng năm.
Theo bà Holly, điều này rất tốt bởi cạnh tranh phát triển bền vững là cạnh tranh lành mạnh và có lợi cho nhiều bên, cần đi cùng nhau để đi được xa hơn. “Dù còn nhiều khó khăn, không phải lúc nào cũng thuận lợi nhưng chúng tôi không ngại đi đầu và sẽ tiếp tục giữ vững cam kết của mình. Chúng tôi tin vào xanh hơn mỗi ngày. Để tạo ra thay đổi, chúng ta cần nỗ lực lâu dài,” bà Holly nói.
Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam số 107, tháng 7.2022, chuyên đề “Nền kinh tế tuần hoàn”. Tựa gốc: “Xanh hơn mỗi ngày”
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/hanh-trinh-xanh-hon-moi-ngay-cua-heineken-viet-nam)
1 năm trước
1 năm trước
1 năm trước
Forbes Việt Nam số 119: Nền kinh tế tuần hoàn9 tháng trước