multi-media / Megastory

Bệnh viện Mắt Sài Gòn: Từ nhãn khoa tới thương hiệu tập đoàn y khoa Sài Gòn

y khoa sài gòn

Từ nền tảng chuỗi bệnh viện chuyên khoa mắt ngoài công lập lớn nhất Việt Nam – bệnh viện Mắt Sài Gòn, tập đoàn Y khoa Sài Gòn (Medical Saigon Group-MSG) đặt tham vọng phát triển chuỗi bệnh viện đa khoa với vị thế tương tự.

Ngồi trao đổi với Forbes Việt Nam ở quán cà phê gần tòa nhà Centre Point trên đường Nguyễn Văn Trỗi (TP.HCM), nơi đặt văn phòng điều hành tập đoàn Y khoa Sài Gòn (Medical Saigon Group – MSG), tiến sĩ – bác sĩ Lý Đại Lương chợt ngừng nói nhìn vào màn hình smartphone thông báo: “Vừa có một báo cáo sự cố.”

Chỉ cần nhấn vào chức năng trên ứng dụng MSG115, nhân viên trên toàn hệ thống có thể báo cáo tức thì các sự cố từ cháy nổ, té ngã, nhân viên y tế bị hành hung cho đến sự cố cấp cứu, nhận diện sai bệnh, cấp thuốc sai… giúp lãnh đạo xử lý kịp thời các sự cố nghiêm trọng và dựa vào dữ liệu cải thiện các hoạt động chuyên nghiệp và nhanh chóng hơn.

Sinh năm 1980, bác sĩ Lương có gần 20 năm hành nghề và giảng dạy chuyên môn y khoa, hiện là giảng viên khoa Y đại học Quốc gia TP.HCM, xuất phát là một bác sĩ chuyên khoa nội tiết và tu nghiệp tiến sĩ y học tại đại học Yonsei (Hàn Quốc). Ông gia nhập MSG trong vai trò cố vấn chiến lược và giám đốc chuyên môn khối bệnh viện đa khoa. Công việc hàng ngày của bác sĩ Lương gắn nhiều với việc quản trị chất lượng y khoa, thành lập kho phác đồ điều trị, quản trị rủi ro lâm sàng, đào tạo nguồn lực.

Hệ thống đa khoa MSG với năm bệnh viện nằm ở các tỉnh thành miền Trung (Nha Trang, Phan Rang, Hà Tĩnh và Quảng Nam) có vài năm hoạt động so với tuyến chuyên khoa mắt đã 18 năm. Thách thức lớn, theo bác sĩ Lương, khu vực miền Trung là “vùng trũng” y tế, tính nông thôn còn đậm nét, chưa thể đi vào chuyên nghiệp nên khó thu hút bác sĩ giỏi.

Nhiệm vụ của ông là mang chuẩn quản trị của tập đoàn về những bệnh viện tuyến địa phương, thúc đẩy tính chuyên nghiệp và cải thiện chất lượng dịch vụ. “Khi tạo được nền tảng tốt và ổn định thì ‘đất lành chim đậu’, thành nơi thực hành cho bác sĩ giỏi. Chúng tôi tin khi một bệnh viện tư phát triển sẽ kéo mặt bằng y tế địa phương lên, như hệ thống bệnh viện chuyên khoa mắt đã làm được.”

Tháng 4.2022, chuỗi bệnh viện chuyên khoa Mắt Sài Gòn kỷ niệm 18 năm thành lập với cột mốc đón hơn 5,2 triệu bệnh nhân và thực hiện thành công hơn 667 ngàn ca phẫu thuật mắt. Nền tảng nhãn khoa ngoài công lập lớn nhất Việt Nam này đã đặt nền móng hình thành tập đoàn Y khoa Sài Gòn ngày nay với 16 cơ sở gồm 9 bệnh viện chuyên khoa mắt, 2 trung tâm nhãn khoa và 5 bệnh viện đa khoa.

Đây cũng là nơi quy tụ đông đảo chuyên gia mắt hàng đầu Việt Nam cùng đội ngũ hơn 500 nhân viên y tế giàu kinh nghiệm, trang bị cơ sở vật chất và thiết bị nhãn khoa tiên tiến. Toàn chuỗi được vận hành với gần 1.700 nhân sự, 145 giường nội trú, thu hút 420.168 lượt khám chữa trong sáu tháng đầu năm 2022.

Trong khi hệ thống đa khoa với gần 700 giường nội trú đang được vận hành với đội ngũ 650 bác sĩ và nhân viên y tế trong toàn bộ máy gần 900 nhân sự. Dữ liệu tháng 6.2022, hệ thống đa khoa đón gần 40 ngàn lượt khám và 3.200 lượt điều trị nội trú, công suất giường đạt 74%.

Bác sĩ Lương tính toán: “Bình quân mỗi bệnh viện đón 8 ngàn lượt bệnh mỗi tháng, con số còn khiêm tốn nhưng với chúng tôi là đáng khích lệ, nhất là đặt trong bối cảnh hệ thống ở giai đoạn đầu và vừa thiết lập lại sau đại dịch.”

Forbes Việt Nam thực hiện ba cuộc phỏng vấn riêng với các lãnh đạo MSG nhưng bác sĩ sáng lập Thái Thành Nam từ chối xuất hiện với tin nhắn trả lời đại diện MSG: “Hãy để tôi trở thành quá khứ”. Bác sĩ Nam vẫn là cổ đông của MSG nhưng hiện không còn tham gia điều hành lẫn chuyên môn tại đây.

Là một chuyên gia nhãn khoa hàng đầu và là bác sĩ đầu tiên thực hiện phẫu thuật Phaco tại Việt Nam, năm 2004, bác sĩ Nam thành lập Mắt Sài Gòn Lê Thị Riêng – bệnh viện chuyên khoa mắt ngoài công lập đầu tiên ở Việt Nam ứng dụng kỹ thuật tiên tiến và chất lượng y khoa được cho đạt chuẩn quốc tế thời điểm đó. Thương hiệu Mắt Sài Gòn đến nay lan tỏa đến nhiều nơi như Hà Nội, Nha Trang, Hà Tĩnh, Cần Thơ, Vinh…


Ông Huỳnh Lê Đức – CEO MSG, cho biết năm 2019 khi quỹ đầu tư Heliconia thuộc tập đoàn Temasek (Singapore) mua lại, hệ thống được tiếp tục củng cố. Bên cạnh việc nhân rộng chuỗi chuyên khoa, MSG tiếp tục phát triển chuỗi đa khoa. Tập đoàn Y khoa Sài Gòn được thiết lập nhận diện thương hiệu thống nhất MSG (viết tắt chung của Mắt Sài Gòn và Medical Saigon Group). “Hệ thống cả chuyên khoa và đa khoa rộng khắp sẽ giúp chúng tôi thu hút được nhiều nhân tài, chia sẻ và cộng hưởng tài nguyên, kinh nghiệm và kiến thức để phục vụ đông đảo người bệnh ngày một tốt hơn,” ông Đức nói.

Trước đó ông Đức từng là CEO tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ. Ông gia nhập Hoàn Mỹ năm 2013 trong vai trò giám đốc tài chính, thời điểm đó chuỗi này với 5 bệnh viện. Năm 2016, ông Đức đảm nhận vai trò tổng giám đốc điều hành và rời đi năm 2019 khi chuỗi này phát triển lên 16 bệnh viện.

Ông Đức nhớ lại, dù hai hệ thống phát triển trong cùng giai đoạn nhưng khá khác biệt giữa chuyên khoa và đa khoa. “Khi về MSG mục tiêu của tôi còn lờ mờ, liệu những kinh nghiệm có được sẽ bắt tay ở đây như thế nào, nhưng điều tôi tự tin là chuyên ngành mắt luôn tiềm năng, khi gia nhập thì nhận thấy tiềm năng càng lớn hơn mình nghĩ rất nhiều,” ông nhớ lại.

Thời điểm đó ba bệnh viện đa khoa của Mắt Sài Gòn chưa thật sự rõ nét, một cơ sở được vận hành với các dịch vụ đa khoa cơ bản, mắt vẫn là động cơ chính chiếm gần 90% doanh số, một vừa nhận giấy phép và một đang xây dang dở. Điều này giúp ông Đức nhận ra mắt sẽ là động cơ chính “dần đẩy phụ thành chính để phát triển đa khoa và vận hành song song hai mô hình.”

Họ bắt đầu định hướng hệ thống y khoa phát triển theo thị trường rộng với đội ngũ y tế hỗ trợ liền mạch trên nền tảng hệ thống chuỗi bệnh viện mắt gầy dựng được. Giữa COVID-19, MSG khai trương thêm hai bệnh viện đa khoa và đầu năm nay hoàn tất mua hai bệnh viện của nhóm Thái Bình Dương, đưa chuỗi đa khoa lên năm bệnh viện.

Chuỗi chuyên khoa mắt hiện là nguồn lực chính để MSG mở rộng hệ thống theo cả chuyên khoa và đa khoa. Ông Đức nói danh tiếng các bác sĩ hàng đầu hiện nay giúp họ thu hút được đội ngũ bác sĩ giỏi nghề và điều dưỡng tận tâm. Đây cũng là động lực chính cho chiến lược mở rộng, cả đầu tư, mua lại hoặc xây mới. “Nếu cơ duyên đến, chúng tôi không chỉ đẩy mạnh nhánh đa khoa, tăng tốc chuỗi chuyên khoa mắt mà còn tính tới mở các bệnh viện chuyên khoa khác,” ông Đức cho biết.

Ông Huỳnh Lê Đức, CEO MSG cùng bác sĩ, nhân viên y tế tại bệnh viện Mắt Sài Gòn Ngô Gia Tự (TP.HCM)


Bác sĩ Trần Văn Kết – một trong những bác sĩ nhãn khoa đầu ngành tại Việt Nam, trò chuyện với Forbes Việt Nam từ Cần Thơ qua Microsoft Team: “Tôi bỏ bệnh viện nhà nước theo bác sĩ Nam từ năm 2010, ra Bắc vào Nam khắp nơi. Bác Nam cho tôi cơ hội ra biển lớn, được học nhiều hơn, phát triển nhiều hơn.” Bác sĩ Kết hiện là giám đốc điều hành bệnh viện Mắt Sài Gòn Cần Thơ và là phó chủ tịch hội đồng chuyên môn của tập đoàn Y khoa Sài Gòn.

Bác sĩ Kết kể lại, những năm 2000 các bác sĩ từ Mắt Sài Gòn đã thực hiện các chương trình phẫu thuật hỗ trợ cộng đồng mang lại ánh sáng cho hàng chục ngàn bệnh nhân nghèo. Riêng bác sĩ Kết mỗi ngày đã mổ 50-70 ca đục thủy tinh thể, chỉ dùng bảo hiểm nhà nước và bác sĩ Thái Thành Nam hỗ trợ 100% kinh phí còn lại. Mắt Sài Gòn từ sớm đã là cái nôi điều trị về tật khúc xạ của Việt Nam, chữa trị cận viễn loạn cho hàng trăm ngàn người.

Vị bác sĩ 64 tuổi dày dặn kinh nghiệm của ngành mắt Việt Nam không giấu vẻ tự hào: “Tôi vừa mổ vừa đào tạo các bác sĩ trẻ, bệnh viện chúng tôi là cái nôi thực hành, đi đến đâu nôi thực hành theo đó. Chúng tôi không chỉ mang thương hiệu tốt về cho MSG mà còn kỹ thuật vững vàng, nơi đào tạo nhân lực cho cả ngành y tế.”

Nhiều bác sĩ đi cùng người sáng lập Mắt Sài Gòn hiện là những ‘tay dao cứng’ đã thực hiện hàng chục ngàn ca phẫu thuật Phaco, Lasik (kỹ thuật vi phẫu giác mạc bằng laser), Smile (phẫu thuật tật khúc xạ), ghép giác mạc… Đặc biệt đây là nơi tập trung các chuyên gia mổ Phakic hàng đầu Việt Nam với ba bệnh viện ở TP.HCM, Hà Nội và Cần Thơ đã triển khai từ hai năm trước. Phakic là kỹ thuật mới điều trị giác mạc mỏng do cận thị từ 18 độ không thể điều trị bằng các phương pháp khác, chỉ những bác sĩ chuyên môn giỏi, kinh nghiệm mổ nhiều ngàn ca Phaco mới được đào tạo.

Mỗi bác sĩ đầu đàn trong hệ thống Mắt Sài Gòn đồng thời là CEO quản trị bệnh viện, bộ máy với các trợ lý hỗ trợ vận hành, nắm rõ tình hình y tế ở khu vực bệnh viện mình hoạt động, chịu trách nhiệm chuyên môn và tham vấn cho tập đoàn. “Các bệnh viện chuyên khoa thì bác sĩ là CEO, các bệnh viện đa khoa thì có bác sĩ là giám đốc chuyên môn. Thời bác Nam chúng tôi chỉ tập trung chuyên môn, khi phát triển mô hình tập đoàn, chúng tôi được phân quyền và đào tạo quản lý, chịu trách nhiệm tại bệnh viện của mình,” bác sĩ Kết nói.

Quy chuẩn quản lý và chuyên môn được đặt ra, ngoài việc báo cáo hằng ngày hằng tuần để kiểm soát rủi ro, xử lý sự cố, phân tích chuyên môn thì hằng quý các CEO cùng họp điểm lại trong quý làm được gì và những gì sai sót, tham mưu kỹ thuật, dược, tài chính, máy móc thiết bị… cho tập đoàn và nghe báo cáo phân tích từ tập đoàn. Theo đó hoạch định cho hoạt động của cơ sở mình dưới sự điều hành chung.

Ông Đức cho rằng bác sĩ Thái Thành Nam đã để lại một tổ chức có nền tảng vững vàng, nhờ đó họ dễ dàng trong việc tiếp tục phát triển thương hiệu nhãn khoa hàng đầu, đồng thời những “cây đại thụ” chuyên môn nhiều uy tín giúp họ xây dựng nguồn lực cho mục tiêu mở rộng.

Trước kia việc đào tạo bác sĩ trẻ được đưa về TP.HCM thì hiện các bệnh viện đã đủ năng lực đào tạo trực tiếp với các bác sĩ đầu ngành ngay tại chỗ. “Chúng tôi liên tục mở rộng khiến thị trường nhãn khoa sôi động hẳn lên, buộc các bác sĩ phải tự trau dồi kiến thức và học hỏi liên tục để cạnh tranh, càng cạnh tranh bệnh nhân càng hưởng lợi, theo đó ngày càng nâng cao tầm ảnh hưởng của MSG không chỉ ở Việt Nam mà còn cho mục tiêu gần là mở rộng sang các thị trường lân cận,” bác sĩ Kết nói.

Tại bệnh viện Mắt Sài Gòn Cần Thơ, bác sĩ Kết xây dựng mô hình 3T (Trung tâm đào tạo – Trung tâm nghiên cứu khoa học và Trung tâm thực hành). Trung tâm đào tạo liên kết với ĐH Cần Thơ thành bệnh viện thực hành đào tạo bác sĩ chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 và nội trú, đồng thời đào tạo chuyên khoa sơ bộ cho các bệnh viện khác.

Hằng năm họ cấp chứng chỉ cho bác sĩ mổ Phaco và hiện đã đủ điều kiện cấp chứng chỉ mổ Lasik. Bệnh viện Mắt Sài Gòn Ngô Gia Tự cũng liên kết với đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đào tạo phẫu thuật khúc xạ, cung cấp nguồn lực cho cả nước, kể cả các bệnh viện công chứ không chỉ riêng hệ thống MSG.

Song song đó họ thiết lập chương trình đào tạo kế thừa trong hệ thống vững mạnh, không chỉ về chuyên môn mà cả kỹ năng giao tiếp, điều phối. “Chúng tôi kế thừa nền tảng từ bác sĩ Nam và nâng tầm, phát triển năng lực kỹ thuật để giữ vững thương hiệu. Gắn với thực hành, chúng tôi không lẫn lộn với bất cứ nơi đào tạo nào khác,” bác sĩ Kết tự hào nói.

Hàng trăm bác sĩ đang hành nghề nhãn khoa trưởng thành từ “lò bác sĩ Kết” nhưng ông nói: “Tôi dạy những thứ cơ bản, thực hành, còn muốn phát triển phải không ngừng nghiên cứu. Sách mới là thầy. Tuy nhiên đạo đức người thầy thuốc là trước tiên, người dở có thể dạy thành giỏi nhưng người thiếu đạo đức không tài nào đào tạo được.”

y tế
Bác sĩ Trần Văn Kết, phó chủ tịch hội đồng chuyên môn tập đoàn Y khoa Sài Gòn, đang phẫu thuật cho bệnh nhân.

Hiện MSG đang xây dựng đội ngũ đa khoa, sự cân bằng của hai hệ thống dù khác nhau nhưng theo ông đều dựa trên giá trị “lấy bệnh nhân làm cốt lõi”. Điều này là thước đo thương hiệu hỗ trợ việc mở rộng chứ không gói gọn trong lĩnh vực nhãn khoa. “Năng lực của một tổ chức y tế không thể dựa vào một “ngôi sao” mà cần một “tập thể ngôi sao”, có bác sĩ đầu đàn dẫn dắt nhưng muốn phát triển bền vững cần đủ kiềng ba chân: nhà đầu tư – giới chuyên môn – bệnh nhân,” ông nói.

Bác sĩ Lương chia sẻ ngành y tế Việt Nam còn nhiều thứ để làm, bản thân ông còn nhiều thứ để thử thách, tiếp cận những sắc màu đa dạng của cuộc sống. “Trong một ngày tôi có thể gặp một bác chạy xe không có tiền chữa bệnh cho đến vị đại gia ngàn tỉ, sắc màu vô cùng đa dạng trong bối cảnh y tế Việt Nam nhiều biến động như hiện nay.” Điều này cho ông những cung bậc trải nghiệm để thực hiện mong muốn đưa những bệnh viện đa khoa do mình quản lý lên mặt bằng chất lượng cao hơn “vì mình là y tế tư nhân không bị nhiều cơ chế ràng buộc.”

Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Lớp người từ 60 tuổi trở lên chiếm gần 12% tổng dân số năm 2019 và đến năm 2050 sẽ tăng lên hơn 25%. Năm 2036, Việt Nam sẽ chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già.” Ông Đức cho rằng ngân sách nhà nước khó tăng kịp, nếu tiếp tục rót ngân sách chạy đua với tốc độ già hóa dân số sẽ không hiệu quả bằng dành ngân sách bảo vệ sức khỏe ban đầu cho người dân hoặc tập trung cho những người nghèo hơn.

“Thị trường sức khỏe của người Việt theo chúng tôi là thị trường đại chúng cần đảm bảo chất lượng và an toàn. Khối tư nhân sẽ khai thác, phát triển và mở rộng công suất phù hợp với tốc độ và nhu cầu thị trường. Không phải cứ bệnh viện tư nhân là đắt tiền,” ông Đức nêu quan điểm và cho biết MSG dự báo cơ hội mở rộng là chia đều cho việc phát triển chuyên khoa hay đa khoa. Sau đại dịch ông kỳ vọng tăng tốc nhanh hơn, dự kiến hàng năm mở mới 1-2 bệnh viện, nếu quy trình thuận lợi sẽ đầu tư hoặc mua lại 5-6 cơ sở mỗi năm.

Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam số 109, tháng 9.2022

—————————–

Xem thêm:
Công nghệ y tế ở Việt Nam: Lạc quan chừng mực
Cách nữ tỉ phú Judy Faulkner thống lĩnh kinh doanh hồ sơ y tế điện tử tại Mỹ
Đổi mới y tế: Công nghệ sinh học phòng vệ
Nadiah Wan đưa TMC Life Sciences thành công ty chăm sóc sức khỏe hàng đầu khu vực
Amazon, Apple hay Spotify: Ai sẽ thống lĩnh cuộc đua âm nhạc cho sức khỏe?