Điều kiện cách ly xã hội và thông tin thật giả trong đại dịch COVID-19 đã khiến bác sĩ, những người vốn kín tiếng trên mạng xã hội trở thành các KOL khi người dùng mạng xã hội tìm kiếm sự chính xác trong thông tin y tế.
Vào tháng 8.2021 khi cả xã hội và lực lượng y tế đang căng mình chống chọi với đại dịch COVID-19, câu chuyện về một bác sĩ đã lay động trái tim hàng chục ngàn người dùng mạng xã hội Việt Nam.
Nền tảng này lan truyền về “bác sĩ Khoa”, người đã rút ống thở của ba mẹ mình khi đang trở bệnh nặng do COVID để cứu sống một sản phụ song thai: “Ba mẹ em không qua khỏi, đừng phí hai máy. Nhiều người cần” – ảnh chụp màn hình Khoa nhắn đồng nghiệp. Nhưng câu chuyện mua nước mắt này mau chóng hạ màn sau một đêm. Người dùng mạng xã hội và sở Y tế TP.HCM xác định đây là câu chuyện hoàn toàn thêu dệt.
Trong câu chuyện “tin giả” trên, nhiều bác sĩ đã nghi vấn ngay từ đầu. Bác sĩ Cao Hữu Thịnh, công tác tại Bệnh viện An Sinh, cho biết hình ảnh em bé sơ sinh trong bài viết đó là của ông.
Bác sĩ Nguyễn Tri Thức – giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, kiêm giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 (TP. Thủ Đức, TP.HCM) lên tiếng xác nhận bệnh viện không có bác sĩ nào tên Khoa, không có trường hợp nào như thông tin phản ánh. Các cơ quan tiến hành điều tra và xử phạt với một số chủ tài khoản Facebook chia sẻ thông tin sai sự thật. Vụ việc này tiếp tục được điều tra do có dấu hiệu trục lợi trong hỗ trợ công tác phòng chống dịch tại TP.HCM.
Điều kiện cách ly xã hội và thông tin thật giả trong đại dịch COVID-19 khiến bác sĩ lên tiếng trước các thông tin y tế sai lệch lan truyền trên mạng xã hội, một số trở thành những người có sức ảnh hưởng (KOL) trong lĩnh vực y tế. Trong khi đó người dùng mạng xã hội đã bắt đầu chủ động tìm đến các bác sĩ uy tín như một kênh tham khảo đáng tin cậy. Điều này chưa từng có trước đây.
Một trong số các gương mặt nổi bật là bác sĩ Trương Hữu Khanh, công tác tại bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM). Trong thời gian dịch bệnh, ông miệt mài livestream, viết status chia sẻ cách phòng tránh nhiễm COVID-19, cách tự chăm sóc khi đã nhiễm. Thông qua những nội dung chia sẻ trên Facebook, số tài khoản theo dõi bác sĩ Khanh, người được ví von là “bác sĩ quốc dân” tăng không ngừng.
Theo SocialLift, nền tảng đo lường và đánh giá người ảnh hưởng sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo của YouNet Media, trong tháng 7.2021, mỗi bài đăng trên trang cá nhân của bác sĩ Khanh có trung bình 12.500 tương tác. Tài khoản này thu hút hơn 1 triệu tương tác và có thêm 157.098 người theo dõi. Ở thời điểm tháng 8.2022, với hơn 669.000 tài khoản theo dõi và mỗi bài đăng của bác sĩ có trung bình 7.000 tương tác.
Từ bảy năm trước, bác sĩ Khanh dùng Facebook để chia sẻ thông tin về cách phòng ngừa, tư vấn miễn phí về một số loại bệnh. Ban đầu, ông chỉ chia sẻ về các bệnh theo mùa thường xảy ra với trẻ em. Nhưng từ khi các đợt dịch bệnh có mức độ lan rộng và nhanh như tay chân miệng hay đại dịch COVID-19 xuất hiện, ông phải dành nhiều thời gian hơn để tìm hiểu trước khi chia sẻ chuyên môn trên mạng xã hội.
“Làm nghề này thì phải làm cho chu đáo. Khi chữa bệnh, thấy họ lo cái gì thì mình phải giải quyết nỗi lo cho người ta. Chữa bệnh quan trọng mà phòng bệnh cũng rất quan trọng,” bác sĩ Trương Hữu Khanh nói. Với ông, bác sĩ có trách nhiệm với người dân trước khi họ phải tìm đến cơ sở khám chữa bệnh.
Trong buổi trao đổi với Forbes Việt Nam, cứ khoảng 15 phút, điện thoại của bác sĩ Khanh lại rung lên vì có người gọi đến xin tư vấn. Vị bác sĩ, trưởng phòng Công tác xã hội, cố vấn khoa nhiễm – thần kinh bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết trong giai đoạn bùng phát dịch tại TP.HCM, ông nhận “cả ngàn tin nhắn một ngày”.
Có những câu hỏi về đại dịch COVID-19 lặp đi lặp lại đã thôi thúc ông viết một status tổng hợp tất cả câu trả lời, thiết kế ảnh minh họa thu hút gần 1 triệu lượt thích, 3.600 lượt chia sẻ và 3.900 lượt bình luận. Theo sở Y tế TP.HCM, tính đến năm 2020, TP.HCM có 20 bác sĩ / 10.000 dân, là địa phương có tỉ lệ cao nhất cả nước.
Dù “không thích dùng Facebook nói chuyện chuyên môn” nhưng bác sĩ Khanh đánh giá công cụ này lan tỏa thông tin nhanh nhất đến nhiều người dân cùng một thời điểm dù ở tỉnh, thành khác nhau, đặc biệt trong thời kỳ thông tin dịch bệnh hỗn loạn.
Các nền tảng truyền thông xã hội đã cung cấp không gian và công cụ cho bất kỳ ai muốn chia sẻ kiến thức. Trong tình trạng bệnh viện quá tải vì đại dịch, nó cũng được các bác sĩ sử dụng nhằm phản biện những sai lầm thường xảy ra trong quá trình phòng, chữa bệnh, đặc biệt tình trạng lạm dụng các loại thuốc cần chỉ định của bác sĩ.
Vào ngày 7.8.2021, bác sĩ Ngô Đức Hùng, làm việc tại khoa cấp cứu A9 bệnh viện Bạch Mai đã dùng Facebook để chia sẻ về việc sử dụng corticoid bừa bãi sẽ khiến gia tăng tỉ lệ tử vong ở nhóm bệnh nhân COVID-19 nhẹ. Bởi loại thuốc này chỉ nên dùng trong trường hợp bệnh nhân có can thiệp hô hấp, với tác dụng kìm hãm bớt phản ứng viêm nếu diễn biến tổn thương phổi nặng.
Bác sĩ Hùng trích dữ liệu từ hiệp hội Y khoa Massachusetts về nguy cơ tử vong trong 28 ngày điều trị của hơn 6.000 bệnh nhân COVID-19 cho thấy, corticoid hạn chế tử vong trong nhóm bệnh phải can thiệp hô hấp (nghĩa là nhóm phải thở oxy trở lên). Ngược lại, nó sẽ làm gia tăng nguy cơ tử vong ở nhóm bệnh COVID-19 nhẹ. “Lạm dụng corticoid gây ra hệ lụy rất lớn, đôi khi làm tăng tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân COVID-19 nếu không dùng đúng,” bác sĩ Hùng nói.
Khi có lượng lớn người theo dõi trên mạng xã hội, một số bác sĩ có thể trở thành đối tượng bị chỉ trích khi thông tin gốc của mình bị tam sao thất bản do các bên hiểu sai hoặc cố tình xuyên tạc.
Vào cuối tháng 7.2022, khi “đậu mùa khỉ” trở thành cụm từ được người dân quan tâm, một trong những nội dung mà bác sĩ Trương Hữu Khanh chia sẻ đã bị các bên thứ ba diễn giải sai. Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), 98% trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện kể từ khi bùng phát vào tháng 5.2022 là ở những người đồng tính nam, lưỡng tính và nam giới có quan hệ tình dục đồng giới.
Trên trang cá nhân, bác sĩ Khanh đưa ra thông tin: “Bây giờ đa số người mắc là nam đồng tính, còn các nhóm đối tượng khác vô cùng hiếm. Hiếm nhưng có”. Tuy nhiên, nội dung này đã bị diễn giải sai trên truyền thông thành “Nguyên nhân chính lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ là từ quan hệ đồng giới”. Hàng loạt tài khoản có hàng ngàn người theo dõi lên tiếng và chỉ trích bác sĩ Khanh phát ngôn chưa chính xác, phân biệt giới tính, đồng thời cho rằng, cơ quan chức năng cần vào cuộc để chấn chỉnh.
Bác sĩ Phạm Lê Duy, tiến sĩ Y khoa về dị ứng – miễn dịch, hiện làm việc tại bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho rằng, tình trạng thông tin bị các bên diễn giải sai lệch ý gốc, gây nên sự hiểu lầm thường diễn ra. Và lần này, bác sĩ Khanh trở thành nạn nhân.
“Việc hiểu thông tin ra sao phụ thuộc vào kiến thức nền tảng của đối tượng tiếp cận thông tin. Ngoài ra, nếu không sàng lọc, không tìm hiểu kỹ hơn hoặc hỏi lại người trong ngành mà tin tuyệt đối vào thông tin đầu tiên được tiếp cận, họ sẽ mặc định những thông tin sau đó về cùng một vấn đề là sai,” bác sĩ Duy cho biết.
Mọi việc đều có hai mặt. Khi các bác sĩ nổi tiếng trên mạng xã hội cũng là lúc các rắc rối xuất hiện. Ví dụ hình ảnh bác sĩ bị cắt ghép vào những áp phích quảng cáo mà không xin phép. Bác sĩ Trương Hữu Khanh và bác sĩ Ngô Đức Hùng đều là nạn nhân của tình trạng này.
Bác sĩ Khanh cho biết trong suốt quá trình làm nghề, ông chỉ cố gắng “làm sao phục vụ được nhiều tầng lớp, đặc biệt người yếu thế”. Dù có nhiều lời đề nghị hợp tác quảng cáo nhưng ông đều từ chối. Trong khi đó, bác sĩ Hùng cho rằng, tất cả các trang lấy hình ảnh bác sĩ đi bán thuốc mà không xin phép đều là hành vi lừa dối khách hàng.
Theo Nghiên cứu về các thuật toán vô hình trong nguồn cấp tin tức (Reasoning about invisible algorithms in the news feed), hơn 60% người dùng hoàn toàn không biết cách Facebook tuyển, lọc thông tin. Họ tin rằng mọi tin tức từ bạn bè và những trang họ theo dõi sẽ hiện trên trang tin của mình. Tuy nhiên, các thông tin mà họ nhìn thấy trên nền tảng đều đã được chọn lọc theo thuật toán dựa trên dữ liệu từ hành vi được cá nhân hóa.
Vì vậy, tính đa dạng trong thông tin bị giảm bớt, còn hướng tìm kiếm và ghi nhớ những thông tin phù hợp với điều họ kỳ vọng lại gia tăng. “Bác sĩ chia sẻ kiến thức y khoa là để cung cấp thông tin, điều chỉnh lại phương pháp sai lệch trong phòng, chữa bệnh. Nhưng việc này cũng như con dao hai lưỡi nên cần cẩn trọng trong lựa chọn ngôn từ và cách thể hiện,” bác sĩ Phạm Lê Duy, người có gần 16.000 tài khoản theo dõi trên Facebook chia sẻ.
Theo Forbes Việt Nam số 109, chuyên đề: Ngành y tế sau đại dịch.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/bac-si-tro-thanh-kol-de-giam-thieu-tin-gia-tin-that-thiet)
2 năm trước
Nhật Bản mở cửa trở lại hoàn toàn từ 11.103 năm trước
Mỗi giờ Vietnam Airlines lỗ 2 tỉ đồng