Quốc tế

Ba tỉ phú cùng xây dựng phòng thí nghiệm AI ở Paris

Ngày 17.11, các tỉ phú Eric Schmidt, Xavier Niel và Rodolphe Saadé đã công bố thành lập một phòng thí nghiệm phi lợi nhuận mới để thực hiện những nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (AI) ở Paris nhằm cạnh tranh với các công ty công nghệ tại thung lũng Silicon.

Share
this:

Hai tỉ phú người Pháp – “ông trùm” vận tải Saadé của CMA CGM SA, và Niel, người sáng lập tập đoàn viễn thông Pháp Iliad – mỗi người sẽ đầu tư 100 triệu EUR (khoảng 108 triệu USD), trong khi Schmidt, cựu CEO Google, tài trợ một khoản tiền thông qua quỹ từ thiện của ông, Schmidt Futures.

Nỗ lực này có thể đặt nền móng cho ngành trí tuệ nhân tạo phát triển ở châu Âu.

Eric Schmidt (trong hình) cùng với tỉ phú Eric Schmidt, Xavier Niel góp vốn xây dựng phòng thí nghiệm AI ở Paris. Ảnh: Chip Somodevilla / Getty Images/ Forbes

Theo TechCrunch, tại hội nghị ai-Pulse ở Paris vào ngày 17.11, những nhà sáng lập nói rằng Iliad đã mua 1.000 GPU Nvidia H100 cho phòng thí nghiệm Kyutai để hỗ trợ nghiên cứu.

Phòng thí nghiệm sẽ hoạt động như một tổ chức phi lợi nhuận và cung cấp mô hình ngôn ngữ mã nguồn mở như sứ mệnh ban đầu của OpenAI khi mới thành lập ở Hoa Kỳ. Tổ chức phi lợi nhuận mới này đã công bố một số nhà khoa học đầu tiên, bao gồm các nhân viên cũ của Microsoft, Goldman Sachs và Meta.

Niel là một “ông trùm” viễn thông ở Pháp, cũng sở hữu cổ phần của tờ báo Le Monde và công ty bất động sản Unibail-Rodamco-Westfield, trong khi Saadé, cùng với các anh chị em, thừa kế hãng vận tải container lớn thứ ba thế giới, CMA CGM, từ người cha.

Bloomberg đưa tin cả hai đều đầu tư rất nhiều vào hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực AI ở Pháp. Niel và Saadé đầu tư vào Mistral tại Paris, đối thủ cạnh tranh với OpenAI ở California, và Poolside AI, startup của Hoa Kỳ mở rộng sang Pháp với kế hoạch chuyển trụ sở chính đến đó.

Hiện châu Âu có nhiều công ty đang cố gắng bắt kịp những đổi mới trong lĩnh vực AI của Hoa Kỳ. Theo Bloomberg, startup Aleph Alpha GmbH ở Đức cố gắng định vị trở thành “công ty giống như OpenAI.”

Tuy nhiên, trong khi cộng đồng doanh nghiệp đang chạy đua đổi mới, chính phủ ở châu Âu nỗ lực ban hành những quy định quản lý AI. CNN đưa tin rằng hồi tháng 6, các nhà lập pháp EU đã thông qua dự thảo của Đạo luật AI. Đây là đạo luật quan trọng đầu tiên trên thế giới để quản lý AI.

Theo New York Times, OpenAI đã phát hành bot ChatGPT vào năm 2022 và từ đó thu hút sự quan tâm rộng rãi của công chúng đối với AI. Công ty nhận được 13 tỉ USD từ Microsoft. ChatGPT được tích hợp vào công cụ tìm kiếm Bing và các phần mềm khác của Microsoft.

Google – công ty con của Tập đoàn Alphabet – cũng ra mắt công cụ trò chuyện (chatbot) Bard, đồng thời đầu tư 300 triệu USD vào Anthropic, startup AI do nhân viên cũ của OpenAI thành lập.

Trong cuộc phỏng vấn với Reuters, Scott Kessler, chuyên gia phân tích và giám đốc khu vực toàn cầu về công nghệ truyền thông và viễn thông tại Third Bridge, ước tính rằng Google đầu tư “hơn 200 tỉ USD vào lĩnh vực AI trong thập niên qua.” Ước tính Hoa Kỳ có hàng ngàn startup AI.

Forbes ước tính Schmidt sở hữu khối tài sản trị giá 19,9 tỉ USD, nhờ đó ông trở thành người giàu thứ 89 trên thế giới. Khối tài sản ròng của Niel trị giá 6,6 tỉ USD. Saadé sở hữu khối tài sản trị giá 9,8 tỉ USD.

Biên dịch: Gia Nhi

———————-

Xem thêm:

Microsoft ra mắt chip AI tùy chỉnh để cạnh tranh Nvidia và Google
Tỉ phú Robin Li tập trung toàn lực vào công nghệ AI