Chuyển đổi số

Tập trung vào cốt lõi, đầu tư cho công nghệ để duy trì tăng trưởng

8 tháng trước
Tác giả Minh Tâm

Tại phiên thảo luận Thách thức mới – cơ hội mới do bà Nguyễn Lan Anh – giám đốc quốc gia, Endeavor Việt Nam điều phối, lãnh đạo các doanh nghiệp gồm ông Lưu Trung Thái – chủ tịch ngân hàng MB; ông Lê Hồng Việt – tổng giám đốc FPT Smart Cloud; ông Bruce Delteil – giám đốc điều hành, McKinsey Việt Nam; ông Nguyễn Anh Đức – tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) nhấn mạnh, những đầu tư cho công nghệ và thay đổi mô hình đầu tư đã giúp công ty duy trì được đà tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Share
this:

Phiên thảo luận do bà Nguyễn Lan Anh – giám đốc quốc gia, Endeavor Việt Nam điều phối cùng các lãnh đạo đến từ các doanh nghiệp gồm ông Lưu Trung Thái – chủ tịch ngân hàng MB; ông Lê Hồng Việt – tổng giám đốc FPT Smart Cloud; ông Bruce Delteil – giám đốc điều hành, McKinsey Việt Nam và ông Nguyễn Anh Đức – tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op).

Chia sẻ trải nghiệm tại một công ty công nghệ như FPT, ông Lê Hồng Việt cho biết, các doanh nghiệp là những khách hàng của FPT ở các ngành nghề khác nhau trước những khó khăn của thị trường bắt đầu thu hẹp hoạt động kinh doanh, bảo tồn vốn.

Các lựa chọn đầu tư cho công nghệ hiện cũng thay đổi, doanh nghiệp chuyển từ đầu tư để sở hữu, khấu hao trong thời gian dài thành tìm kiếm đối tác để đồng hành thông qua những mô hình thông minh hơn, giúp bảo toàn được vốn và linh hoạt hơn.

FPT hiện đang cung cấp nền tảng sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) với trung tâm chăm sóc khách hàng (contact center) cho các công ty tài chính, với 80% được tự động hóa và 20% được vận hành bởi con người. Ông Việt cho biết, các doanh nghiệp đã chú trọng nhiều hơn vào việc cải tiến, nâng cao năng suất lao động thông qua các đầu tư cho công nghệ.

Dù kinh tế khó khăn khiến doanh nghiệp cắt giảm chi phí nhưng bảy tháng qua FPT vẫn giữ được mức tăng trưởng 22,5% doanh thu và 9% lợi nhuận. “Một trong những lý do là nhờ doanh nghiệp thay đổi cách thức đầu tư: giảm thiểu những dự án lớn, chuyển sang mô hình cho thuê, khách hàng dùng đến đâu trả tiền đến đó…”, ông Việt cho biết.

Ở góc độ của một doanh nghiệp bán lẻ, ông Nguyễn Anh Đức cho biết, ngành đang chịu những tác động lớn khi các quốc gia có quan hệ giao thương mật thiết với Việt Nam đều đang tăng trưởng âm, sức tiêu dùng suy giảm. Trước bối cảnh này, Saigon Co.op phải tập trung tăng trưởng vào chiều sâu, hy sinh những mặt hàng, dịch vụ đang làm không tốt, bạn hàng đang hợp tác không tốt để tập trung vào những gì hiệu quả dựa trên dữ liệu.

Nhờ vậy, giữ tốc độ tăng trưởng trong sáu tháng đầu năm tương đối khả quan. Đồng thời, Saigon Co.op cũng phải cải tổ hiệu suất bên trong, tiết kiệm theo phương châm “Do more with less” (Làm nhiều hơn với ít công hơn) và thực hiện nghiên cứu sâu để tận dụng những lợi ích của các chính sách hỗ trợ gần đây nhằm tạo cú hích cho các sản phẩm, ngành hàng hay địa bàn kinh doanh.

Ở lĩnh vực nóng như tài chính ngân hàng, chủ tịch MB Lưu Trung Thái cho biết, khi các khách hàng là doanh nghiệp khó khăn, khả năng chống chịu giảm đi, tăng trưởng chậm lại, nhu cầu đầu tư thấp thì nợ xấu, nợ quá hạn bắt đầu xuất hiện. Điều này kéo theo chi phí dự phòng rủi ro tăng rất nhanh.

“MB phải lập tức giảm chi phí, thận trọng hơn trong quyết định cho vay, nghĩ tất cả phương án đầu tư, nhất là đầu tư công nghệ để tăng năng suất và duy trì hiệu quả. Nhờ vậy, ngân hàng duy trì được kết quả ‘không đến nỗi tệ’,” ông Thái cho biết.

Từ góc độ của đơn vị tư vấn doanh nghiệp, ông Bruce Delteil nhấn mạnh, trong giai đoạn càng khó khăn thì doanh nghiệp càng phải bắt buộc hành động. Bên cạnh việc bảo vệ dòng tiền, cắt giảm chi phí thì vẫn cần phải đầu tư đổi mới công nghệ để tiến về phía trước. 

“Đầu tư vào trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số là những đầu tư ‘không hối tiếc’, không chỉ giúp các công ty vượt qua khủng hoảng mà tạo đà cho tăng trưởng giai đoạn sau,” theo đại diện McKinsey Việt Nam.