Từ trước đến nay, sinh viên vẫn thường gian lận, nhưng học trực tuyến do COVID-19 đã biến vấn đề nhức nhối lâu nay trở thành bệnh dịch. CHEGG, công ty có tiếng tăm lan cực nhanh, trở thành công ty công nghệ giáo dục có giá trị nhất ở Mỹ bằng cách cung cấp đáp án theo nhu cầu của sinh viên đại học.
Việc làm đó được gọi là “gian lận.” Sinh viên đại học ở khắp mọi nơi đều biết điều đó nghĩa là gì. Matt, 19 tuổi, sinh viên năm hai tại ĐH Arizona State, cho biết: “Nếu tôi không kịp thời gian hoặc gặp khó khăn với bài tập về nhà hay bài kiểm tra trực tuyến, tôi có thể gian lận.”
Ý của Matt là cậu có thể sử dụng Chegg Study, dịch vụ có giá 14,95 đô la Mỹ/ tháng mà cậu mua từ Chegg, công ty công nghệ có giá cổ phiếu đã tăng hơn gấp ba lần trong đại dịch.
Cậu dùng vài giây để tra cứu câu trả lời trong cơ sở dữ liệu của 46 triệu mảng kiến thức từ sách giáo khoa và bài thi của Chegg, sau đó biến chúng thành câu trả lời của riêng mình. Nói cách khác, Matt gian lận. (Matt yêu cầu giấu tên thật vì cậu biết mình đang vi phạm quy tắc đạo đức của trường.)
Chegg có trụ sở tại Santa Clara, California, nhưng trung tâm hoạt động lại ở Ấn Độ, nơi họ tuyển dụng hơn 70 ngàn chuyên gia có bằng cấp về toán, khoa học, công nghệ và kỹ thuật tiên tiến. Các chuyên gia, những người làm việc tự do, có mặt trực tuyến 24/7, cung cấp câu trả lời theo từng bước cho các câu hỏi do người đăng ký thuê bao đăng lên (đôi khi câu trả lời được đưa ra trong vòng chưa đầy 15 phút.)
Chegg cung cấp các dịch vụ khác mà sinh viên thấy hữu ích, bao gồm các công cụ để tạo thư mục, giải toán và cải thiện khả năng viết. Nhưng yếu tố thúc đẩy doanh thu chính đồng thời cũng là lý do khiến sinh viên đăng ký thuê bao là Chegg Study.
“Nếu tôi không muốn tìm hiểu tài liệu,” một sinh viên năm hai của ĐH Florida chuyên ngành tài chính cho biết, “tôi sử dụng Chegg để tìm câu trả lời.”
“Để công khai gian lận, tôi dùng Chegg,” một sinh viên năm cuối tại ĐH Portland tuyên bố.
Forbes đã phỏng vấn 52 sinh viên sử dụng Chegg Study. Ngoại trừ mười người (gồm sáu sinh viên mà Chegg cung cấp thông tin cho Forbes, cùng bốn người khác), những người còn lại đều thừa nhận họ sử dụng trang web này để gian lận.
Họ là những sinh viên chưa tốt nghiệp và đã tốt nghiệp tại 19 trường cao đẳng, bao gồm các trường công lập lớn và nhỏ cùng các trường đại học tư nhân danh tiếng như Columbia, Brown, Duke và NYU Abu Dhabi.
Lượng đăng ký thuê bao của Chegg tăng đột biến vì hầu hết trường đại học trên thế giới đều chuyển hướng sang trực tuyến. Trong quý 3.2020, con số tăng 69% so với năm trước, lên 3,7 triệu. Doanh thu trong chín tháng, tính đến tháng 9.2020, tăng 54% lên 440 triệu đô la Mỹ và dự kiến đạt 630 triệu đô la Mỹ cho cả năm. (Thời điểm bài báo này được xuất bản, Chegg chưa báo cáo số liệu năm 2020.) Trong khi đó, vốn hóa thị trường của Chegg tăng gần gấp bốn lần kể từ ngày 18.3.2020, khi nước Mỹ bắt đầu phong tỏa. Chegg hiện được định giá hơn 12 tỉ đô la Mỹ.
CEO Dan Rosensweig của Chegg đã thu được lợi nhuận rất lớn. Số cổ phiếu Chegg mà ông nắm giữ cùng lợi nhuận sau thuế từ việc bán cổ phiếu cộng lại lên tới 300 triệu đô la Mỹ. Rosensweig, người từ chối nói chuyện với Forbes, cho biết Chegg Study “không được tạo ra” để gian lận.
Thay vào đó, ông mô tả Chegg Study như kiểu gia sư không dạy trong trường, luôn túc trực, sẵn sàng giúp học sinh giải đáp chi tiết các vấn đề. Trong cuộc phỏng vấn năm 2019, ông cho biết giáo dục đại học cần phải điều chỉnh để phù hợp với nền kinh tế theo nhu cầu, như cách làm của Uber hay Amazon. “Tôi không biết tại sao bạn không thể tiếp nhận nền giáo dục một cách thoải mái,” ông nói.
“Quan điểm của tôi là chúng ta nhận được nền giáo dục thông qua các thiết bị mà chúng ta có.”
Hai nhân sự cấp cao của Chegg, phó chủ tịch Arnon Avitzur và Erik Manuevo, ủng hộ những tuyên bố của Rosensweig về mục đích của Chegg. Avitzur nói: “Chegg Study là nơi cung cấp dịch vụ được cá nhân hóa cho sinh viên để giúp họ thoát khỏi tình trạng khó khăn trong học tập.”
Trong tuyên bố bằng văn bản, chủ tịch Chegg, Nathan Schultz, cho biết: “Chúng tôi hiểu rằng gian lận là vấn đề. Và việc chuyển hướng ồ ạt sang học từ xa chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề đó. Chúng tôi vẫn cam kết 100% giải quyết vấn đề này và đang đầu tư nguồn lực đáng kể để thực hiện. Chúng tôi không thể làm điều đó một mình và đang hợp tác với các giảng viên và các tổ chức, đồng thời sẽ tiếp tục làm nhiều hơn nữa, bao gồm cả việc giáo dục sinh viên.”
Các khoản đầu tư của họ dường như không mang lại hiệu quả. Các sinh viên theo học khóa tài chính tại Texas A&M vào mùa thu năm ngoái đã sử dụng Chegg để gian lận trong nhiều kỳ thi trực tuyến.
Timothy Powers, người đứng đầu văn phòng hệ thống quy tắc đạo đức của trường này, cho biết hàng trăm sinh viên đã gửi câu trả lời mà họ sao chép từ Chegg còn nhanh hơn cả thời gian họ cần để đọc câu hỏi.
“Đó là một cuộc chạy đua,” Powers nói. “Chúng tôi đang cố gắng ngăn hành vi sai trái trong học tập và các sinh viên đang tự nói với mình rằng bạn bè của họ ai cũng làm vậy.”
Suốt đại dịch, các trường học đã chi hàng triệu đô la Mỹ để giám thị từ xa, một cách làm gây tranh cãi, trong đó các trường đại học trả tiền cho các công ty tư nhân như Honorlock và Examity để giám sát sinh viên khi làm bài kiểm tra. Các công ty giám thị này khóa trình duyệt web của sinh viên và theo dõi qua camera trên máy tính xách tay của họ.
Những người chỉ trích cho rằng các dịch vụ này xâm phạm quyền riêng tư của sinh viên. Các thí sinh cho biết đã đi tiểu tại chỗ, vì lo sợ sẽ bị buộc tội gian lận nếu họ đứng dậy đi vệ sinh.
Mặc dù hầu hết các sinh viên được Forbes phỏng vấn đều nói những giám thị từ xa khiến họ sợ không dám gian lận, nhưng có nhiều người cho biết họ vẫn gian lận trong các kỳ thi trực tuyến của mình bất kể có bị giám sát hay không. “Miễn là bạn không sử dụng Wi-Fi của trường, bạn sẽ không bị phát hiện,” sinh viên năm hai tại trường công lớn của bang cho biết.
Sinh viên vẫn thường gian lận. Vào thế kỷ 12, những thí sinh ở Trung Quốc đã may các bản chép tay học thuyết Nho giáo cỡ bằng bao diêm vào quần áo của họ để có thể gian lận trong khoa cử. Henry Ford II bỏ học Yale vào năm 1940 sau khi bị tố cáo là đã trả tiền cho ai đó để viết luận văn tốt nghiệp của mình.
Giáo sư Linda Treviño của ĐH Penn State, đồng tác giả cuốn Cheating in College năm 2012, cho biết quy mô của vấn đề này rất khó đo lường. Một phần khó khăn của vấn đề này là xác định những yếu tố cấu thành gian lận.
Liệu gian lận có phải là được bạn giúp lời giải bài về nhà, nhìn trộm bài trong kỳ kiểm tra, hay trả tiền để người khác làm bài cho bạn, hoặc sử dụng câu trả lời từ Chegg không? Cũng khó có thông tin đáng tin cậy.
Treviño nói: “Bạn chỉ có thể trông chờ những người gian lận đó khai thật với bạn về việc họ có lừa dối hay không.” Cuốn sách của bà viết rằng, tỉ lệ sinh viên đại học gian lận là khoảng 2/3.
Học sinh gian lận vì nhiều lý do. Ví dụ, họ muốn đạt điểm cao hơn để có thể vào học tại một trường luật hoặc y khoa ưu tú, hoặc để vượt qua các khóa học phân bổ bắt buộc (các kỹ sư buộc phải học về Shakespeare và ngược lại) mà họ không quan tâm.
Hoặc, họ làm vậy để tiết kiệm thời gian, để họ có thể chơi bóng bầu dục hoặc đi làm kiếm tiền trang trải việc học và hỗ trợ người thân. Và cũng có thể là vì họ cảm thấy rằng những người khác đều làm điều đó và họ không muốn gặp bất lợi nếu họ không gian lận.
Họ không lo bị phát hiện gian lận. Và có điều còn rắc rối hơn nữa là, họ không nghĩ mình đang làm gì sai hoặc họ không quan tâm đến đúng sai.
Một sinh viên tốt nghiệp ĐH George Washington năm 2020 đang nộp đơn vào cao học cho biết cô đã cố gắng sử dụng Chegg theo mục đích mà các giám đốc điều hành công ty tuyên bố, “giống như một công cụ hướng dẫn nhiều hơn.”
Nhưng khóa học vật lý cơ học của cô rất khó. “Tôi thấy mình như con thiêu thân bị cuốn vào ngọn lửa,” cô nói về việc gian lận bài tập vật lý của mình vào phút cuối. “Khi đã gần đến nửa đêm, vì sao không sử dụng Chegg để hoàn thành bài tập?”
Tiền thân của Chegg Study là Cramster, một công ty khởi nghiệp ở Nam California do Aaron Hawkey, sinh viên mới tốt nghiệp ngành kỹ thuật của ĐH UCLA, khi đó 24 tuổi, thành lập năm 2002. Khi học đại học, Hawkey ước mình có nơi để tra cứu câu trả lời cho những vấn đề hóc búa.
Ý tưởng của ông là xây dựng một trang web đưa ra đáp án cẩn thận cho các nội dung toán học, khoa học và kỹ thuật.
Ông và cộng sự Robert Angarita, khi đó là sinh viên 23 tuổi tại ĐH Nam California, biết rằng họ cần đưa ra rất nhiều câu trả lời chất lượng cao. Một trong những giáo sư của Angarita có người anh họ ở Ấn Độ và khuyến khích họ tuyển dụng những người làm nghề tự do có kiến thức tốt ở đó, những người sẽ trả lời các câu hỏi mà sinh viên đăng tải lên.
Hawkey cho biết: “Đó là vấn đề về chi phí và số lượng.” Cuối năm 2010, Chegg mua lại Cramster với số tiền không được tiết lộ và Cramster trở thành “con gà đẻ trứng vàng” của công ty đang gặp khó khăn này.
Chegg thành lập chỉ trước Cramster hai năm, vào năm 2000, mang tên CheggPost, chợ trời trực tuyến trong trường học, do Josh Carlson, sinh viên năm hai của ĐH Iowa thành lập, với cái tên bắt nguồn từ sự kết hợp giữa từ “chicken” và “egg.” Sau khi hợp tác với Aayush Phumbhra, một người đầy tham vọng quê ở Ấn Độ, học viên MBA tại ĐH Iowa State, Josh rút lui năm 2005. Phumbhra và đối tác mới Osman Rashid rút ngắn tên thành Chegg và chuyển đổi chiến lược sang cho thuê sách giáo khoa.
Sinh viên rất vui khi chỉ tốn 30 đô la Mỹ để thuê một cuốn sách giáo khoa trị giá 250 đô la Mỹ cho một học kỳ. Nhưng công việc mua sách, nhập kho và vận chuyển đơn hàng khiến công ty tiêu tốn tiền mặt. Tuy vậy, các nhà đầu tư mạo hiểm cũng đã đầu tư 280 triệu đô la Mỹ, và đến năm 2010, nhà đầu tư hàng đầu Ted Schlein, đối tác quản lý của công ty đầu tư mạo hiểm Kleiner Perkins ở thung lũng Silicon, đã tuyển dụng Dan Rosensweig để xoay chuyển tình thế của Chegg.
Rosensweig, 59 tuổi, đã chứng minh được khả năng lãnh đạo của mình. Ban đầu, ông công tác tại nhà xuất bản Ziff Davis ở New York, điều hành trang tin tức công nghệ ZDNet, một chương trình phụ của Ziff, vào cuối những năm 1990. Tỉ phú Nhật Bản Masayoshi Son, chủ sở hữu Ziff và là thành viên hội đồng quản trị, là nhà đầu tư vào Yahoo, cổng thông tin điện tử nổi bật vào thời điểm đó. Ông tiến cử Rosensweig vào Yahoo.
Sau khi giữ chức COO của Yahoo từ năm 2002-2007, Rosensweig làm việc một thời gian ngắn trong công ty cổ phần tư nhân và sau đó trở thành CEO của Guitar Hero, công ty sở hữu trò chơi điện tử phổ biến trong đó người dùng chơi các bản nhạc rock trên một cây đàn ghi-ta nhỏ bằng nhựa.
Mặc dù không có kinh nghiệm nào trước đó liên quan đến giáo dục hoặc sách giáo khoa, nhưng Rosensweig hay nói ông bị Chegg thu hút, vì mẹ ông dạy trường công vào thời điểm ông lớn lên ở Scarsdale, New York và ông có hai con gái chuẩn bị vào đại học.
Khi bắt đầu làm việc tại Chegg vào đầu năm 2010, ông đã thêm vào chữ ký thư điện tử của mình “Chúng tôi đặt học sinh lên hàng đầu.” Chi – Hua Chien, thời điểm đó là đối tác của Kleiner Perkins, nói: “Tôi nghĩ nó hơi sến, nhưng tầm nhìn của Dan là biến Chegg thành một nền tảng hoàn chỉnh từ đầu đến cuối dành cho việc học tập.”
Đầu tiên, Rosensweig phải huy động thêm vốn. Tháng 11.2013, với bảng cân đối kế toán chìm trong sắc đỏ và sự cạnh tranh từ Amazon, đã bắt đầu cho thuê sách giáo khoa từ năm 2012, ông tiến hành niêm yết công ty. Cổ phiếu giảm từ mức 12,50 đô la Mỹ ban đầu xuống mức thấp nhất là bốn đô la Mỹ vào đầu năm 2016. Đó là giai đoạn khó khăn đối với Rosensweig.
Trong cuộc phỏng vấn năm 2017, khi cổ phiếu tăng lên 11 đô la Mỹ, ông nhận được câu hỏi về những điều thất vọng trong sự nghiệp của mình. “Bạn sống ở thung lũng Silicon, và mọi người đều là tỉ phú, còn bạn thì không. Mọi người đều niêm yết và chí ít cũng có một thời điểm giá cổ phiếu của họ tăng lên – còn giá cổ phiếu của bạn thì không.” Ông chia sẻ lúc đó mọi việc trở nên rất tồi tệ. “Tôi đã có thời gian vô cùng căng thẳng.”
Đầu năm 2015, ông tìm ra cách để Chegg cắt lỗ từ việc kinh doanh sách giáo khoa. Nhà phân phối sách Ingram đã đồng ý mua và phân phối hàng tồn kho của Chegg trong khi Chegg tiếp tục là nhà tiếp thị cho thuê sách giáo khoa dưới thương hiệu Chegg (năm 2019, Chegg chuyển sang nhà phân phối FedEx).
Để gây dựng danh tiếng tốt cho Chegg trong giới sinh viên, ông mua lại hơn một chục công ty mà ông nghĩ sẽ phù hợp với kế hoạch cung cấp các dịch vụ mà sinh viên cần, bao gồm Internships.com và Study Blue, giúp sinh viên tạo thẻ thông tin trực tuyến. Nhưng phần lớn các công ty như vậy không tạo ra nhiều doanh thu và thậm chí, một số công ty thất bại, gồm Campus Special, trang web giảm giá hằng ngày cho sinh viên mà Chegg mua với giá 17 triệu đô la Mỹ vào tháng 4.2014 và đóng cửa cùng năm.
May mắn cho Rosensweig, Chegg Study phát triển ổn định và ít cạnh tranh. Đối thủ nặng ký duy nhất của họ, công ty tư nhân Course Hero, là doanh nghiệp nhỏ hơn nhiều, trị giá 1,1 tỉ đô la Mỹ, và hầu hết các đáp án của họ do sinh viên đưa ra.
Vào giữa tháng một, Chegg đưa ra thông cáo báo chí về chương trình mới có tên là Honor Shield. Chương trình cho phép các giáo sư và người hướng dẫn gửi trước các câu hỏi kiểm tra hoặc bài kiểm tra, “ngăn không cho câu trả lời xuất hiện trên nền tảng Chegg trong thời gian quy định dành cho bài kiểm tra.”
Mười một tháng sau khi các trường đại học chuyển sang học từ xa, chủ tịch Schultz của Chegg nói do “tác động đột ngột” của dịch, “một số sinh viên sử dụng nền tảng theo phương thức không đúng với mục đích thiết kế ban đầu.”
Không có gì chắc chắn rằng Honor Shield sẽ giảm sự gian lận của học sinh. Đã có nhiều giáo sư và người hướng dẫn từ bỏ cuộc chiến. Tại UCLA, giảng viên vật lý Joshua Samani nói rằng ông tin có “một tỉ lệ cao đến kinh ngạc” các sinh viên của ông sử dụng Chegg để gian lận trong kỳ thi và phần câu hỏi kiểm tra. Nhưng ông không cố bắt lỗi họ. “Nếu bạn dành thời gian để cố gắng chiến đấu với Chegg, bạn sẽ thua,” ông nói.
Cuối học kỳ mùa xuân năm 2020, giảng viên Tyler Johnson của ĐH North Carolina State đã bắt được 200 sinh viên sử dụng Chegg để gian lận trong kỳ thi cuối khóa của khóa học nhập môn thống kê của ông. Johnson nhận xét về Chegg Study: “Chỉ đơn giản là họ vô lương tâm. Chegg hoàn toàn biết học sinh đang làm gì.”
Tất nhiên, thật vô lý khi đổ lỗi hoàn toàn chuyện gian lận cho Chegg. Bản chất con người là mắc lỗi, đặc biệt là khi việc học ở nhà khiến gian lận khó bị phát hiện hơn rất nhiều.
Việc mạng xã hội liên tục vạch mặt sự thiếu trung thực của các lãnh đạo chính trị cũng không giúp ích được gì. Chegg đã vũ khí hóa sự cám dỗ và kiếm tiền từ bản năng tồi tệ nhất của học sinh. Nguồn công cụ kỹ thuật số và kết nối toàn cầu của chúng ta nên được triển khai để chuyển đổi nền giáo dục trở nên tốt hơn. Nhưng, thay vào đó, Chegg lại đang sử dụng chúng để thuê nhân lực tại Ấn Độ tạo nên tình trạng gian lận. Đó là một bi kịch.
Tác giả: Susan Adam
Minh họa: Matt Chase
Biên dịch: Quỳnh Anh
(Bài viết đăng trên Forbes Việt Nam số 92, xuất bản tháng 4.2021.)
3 năm trước
Startup giáo dục Marathon nhận vốn 1,5 triệu USD2 năm trước