Tiêu điểm

Ứng dụng giáo dục Byju’ định mua lại U2 với giá 2 tỉ USD

Share
this:

Mặc cho những cáo buộc liên quan đến tình hình tài chính, ứng dụng Edtech Byju vẫn hướng đến thương vụ mua lại công ty 2U trị giá 2 tỉ USD.

Gần đây đã có rất nhiều biến động trong Byju’, doanh nghiệp khổng lồ về công nghệ giáo dục (EdTech) đặt tại Bangalore (Ấn Độ) được hậu thuẫn từ những nhà đầu tư như Tencent và Facebook của Mark Zuckerberg, với mức định giá mới nhất 22 tỉ USD vào tháng 3.2022. Công ty đang phải đối mặt với nhiều cáo buộc từ các đơn vị truyền thông liên quan đến tình hình tài chính.
Các thông tin đáng chú ý là Sumeru Ventures chưa giải ngân khoản đầu tư vào Byju’ trong vòng gọi vốn trước đó; Byju’ đã tạm hoãn việc thanh toán cho thương vụ mua lại lớn thực hiện trong năm 2021 và đơn vị kiểm toán vẫn chưa ký báo cáo tài chính cho năm tài khóa kết thúc vào tháng 3.2021. Byju’ phủ nhận mọi thông tin trên.

Bên cạnh đó, cũng có những thông tin trên báo chí về đợt cắt giảm nhân sự hàng loạt (gần 2.500 nhân sự trong toàn bộ các công ty trực thuộc). Tuy vậy, Byju’ xác nhận chỉ giảm 500 nhân viên và lưu ý đó là 1% trong tổng số 50.000 nhân sự.

Không bị tác động bởi những diễn biến không thuận lợi như vậy, nhà sáng lập Byju Raveendran quyết tâm vươn ra thế giới và hướng đến thương vụ mua lại lớn nhất lịch sử công ty. Byju’ đã đưa ra lời đề nghị mua lại 2U niêm yết trên sàn Nasdaq và định giá công ty xấp xỉ 2 tỉ USD, cao gấp đôi so với giá trị vốn hóa thị trường hiện nay 944 triệu USD. 2U, có trụ sở tại Maryland (Mỹ), báo cáo doanh thu và khoản lỗ thuần trong năm 2021 lần lượt là 946 triệu USD và 195 triệu USD. Trong năm 2022, công ty dự báo đạt 1,1 tỉ USD doanh thu và thua lỗ từ 240-260 triệu USD.

2U cung cấp hơn 4.000 khóa học trực tuyến từ các chương trình phát triển chuyên môn cho đến khóa học trực tuyến. Công ty có gần 44 triệu học sinh, hợp tác với hơn 230 trường đại học, cao đẳng và các công ty như trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London (LSE), đại học Syracuse và UC Davis. Vào tháng 11.2021, 2U hoàn tất việc mua lại edX, nhà cung cấp khoá học trực tuyến mở do đại học Harvard và viện Công nghệ Massachusetts (MIT) thành lập với mức giá 800 triệu USD.

Các nguồn tin cho biết, Byju’ đã nhận khoản cam kết tài chính 2,4 tỉ USD từ một ngân hàng Mỹ để chốt lại thỏa thuận mua lại 2U. Trong 18 tháng qua, công ty mẹ của Byju’ Think & Learn đã đầu tư gần 2,6 tỉ USD để liên tục mua lại nhiều công ty trên toàn thế giới. Danh sách này bao gồm công ty luyện thi Aakash Educational Services (Ấn Độ) vào tháng 4.2021; Great Learning, ứng dụng về nâng cao kỹ năng đặt tại Singapore vào tháng 7.2021 và ứng dụng dạy toán GeoGebra của Áo trong tháng 12.2021.

Vào thời điểm đỉnh dịch COVID-19, Byju’ và những công ty khác trong lĩnh vực Edtech đã thu hút thêm hàng triệu học sinh muốn học trực tuyến hoặc nâng cao các kỹ năng chuyên môn. Tuy vậy, khi đại dịch hạ nhiệt và trường học mở cửa trở lại, các công ty Edtech gặp khó khăn trong việc chuyển sang hình thức hybrid kết hợp cả học trực tiếp và trực tuyến. 

Nhà sáng lập của Byju, Byju Raveendran phát biểu tại Hội nghị Đầu tư châu Á của Credit Suisse vào năm 2019. Ảnh: Paul Yeung/Bloomberg

Trong bối cảnh lĩnh vực Edtech đang có sự điều chỉnh, việc cắt giảm nhân sự đã diễn ra không chỉ trong Byju’, mà còn các công ty cạnh tranh nội địa như Vedantu và Unacademy. Các bản tin cho biết hai công ty con của Byju’ về lập trình White Hat Jr và luyện thi Toppr đã sa thải gần 2.500 nhân sự. Tuy vậy, người phát ngôn của Byju’ xác minh chỉ cắt giảm 500 nhân viên từ tổng số 50.000 nhân sự trong toàn bộ các công ty trực thuộc.

“Để điều chỉnh những ưu tiên kinh doanh và đẩy nhanh quá trình tăng trưởng dài hạn, chúng tôi đang tối ưu hóa nguồn nhân lực trên toàn tập đoàn. Byju’ tiếp tục tuyển dụng nhân sự ở mọi vị trí cho nhiều mảng kinh doanh, phòng ban và chức năng khác nhau,” người phát ngôn của Byju’ cho biết.

Các nhà phân tích cho biết thời điểm này đã được dự báo và thể hiện những gì đang diễn ra trong những lĩnh vực cụ thể khác. “Các mô hình kinh doanh chứng kiến những khó khăn lớn từ đại dịch COVID-19, bao gồm Edtech, khám bệnh từ xa và sản phẩm phòng chống COVID-19, đã ghi nhận doanh thu giảm sâu,” K. Ganesh, nhà đầu tư vào nhiều startup trong các lĩnh vực bán lẻ, chăm sóc sức khỏe tại nhà, thiết kế nội thất nhà cửa và trang sức, cho biết.

“Đây là những ngày ‘quay về với thực tại’ sau những tiện ích công nghệ ra đời trong thời dịch COVID-19. Chỉ những công ty Edtech mang lại giá trị thực sự từ mô hình học hybrid sẽ thu về thành công,” Ganesh Natarajan, chủ tịch của công ty tư vấn số và đầu tư 5F World nhận định.

Là công ty đứng đầu thị trường Edtech, Byju’ đã nhanh chóng áp dụng hình thức học hybrid. Vào tháng 2.2022, Byju’ mở 100 trung tâm dạy thêm kết hợp cả học trực tiếp và dạy kèm trực tuyến, cũng như đặt mục tiêu đạt 1 triệu học sinh thuộc nhóm lớp 4-10 và tuyển dụng thêm 10.000 giáo viên.

Trong khi đó, một bản tin gần đây cáo buộc vòng huy động vốn trị giá 800 triệu USD do Sumeru Ventures đặt tại Los Angeles (Mỹ) dẫn dắt là “giả mạo” và vẫn chưa rót vốn. Nhưng người phát ngôn của Byju’ phủ nhận cáo buộc này và xác nhận đang tiến hành vòng gọi vốn và đã rót phần lớn trong khoản đầu tư 800 triệu USD, cũng như bảng cân đối kế toán cũng sẽ sớm được công bố. Bản thân Byju Raveendran đã đầu tư 400 triệu USD trong vòng huy động vốn này.

Vào tuần trước, các bản tin cũng cho biết Byju’ đã trì hoãn thanh toán khoản tiền 900 triệu USD mua lại công ty luyện thi Aakash Educational Services. Song người phát ngôn của Byju’ bác bỏ thông tin trên và làm rõ công ty đã hoàn tất việc chi trả trong khung thời gian được thống nhất.

Nhà đồng sáng lập Byju và vợ của Byju Raveendran, Divya Gokulnath. Ảnh: Stephen Mccarthy/Sportsfile Via Getty Images

Một mối lo ngại khác là Byju’ chưa công bố báo cáo tài chính cho năm tài khóa kết thúc vào ngày 31.3.2021, dẫn đến suy đoán về việc công ty và đơn vị kiểm toán Deloitte Haskins & Sells có sự khác nhau về mục đích. “Chúng tôi phản đối mạnh mẽ những cáo buộc về việc Deloitte chưa ký vào báo cáo của công ty. Chúng tôi sẽ công bố báo cáo cho năm tài khóa 2021 vào ngày 15.7,” người phát ngôn của Byju’ cho biết.

Công ty mẹ Think & Learn báo cáo doanh thu hợp nhất cho năm tài khóa kết thúc vào tháng 3.2020 đạt 24 tỉ rupee (325 triệu USD) với mức tăng trưởng 82% so với năm 2019. Tuy vậy, công ty ghi nhận khoản lỗ thuần tăng lên 2,6 tỉ rupee (32,7 triệu USD).

Các nhà phân tích cho biết Think & Learn tiếp tục đạt doanh thu gần 100 tỉ rupee trong năm tài khóa kết thúc vào ngày 31.3.

Byju Raveendran và vợ Divya Gokulnath, thành lập Think & Learn vào năm 2011, đồng sở hữu khối tài sản ròng 3,5 tỉ USD. Divya Gokulnath từng nằm trong danh sách Nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á 2020 (Asia’s Power Businesswomen 2020) của Forbes.

Xem thêm: Ứng dụng giáo dục Byju’s phát triển trong giai đoạn bình thường mới

Biên dịch: Minh Tuấn