Doanh nghiệp

Công ty edtech Byju’s tiếp tục đối mặt với khó khăn

10 tháng trước
Tác giả Anu Raghunathan

Deloitte Haskins & Sells đã dừng việc kiểm toán cho Byju’s khi công ty edtech trì hoãn báo cáo kết quả tài chính trong thời gian dài.

Share
this:

Think & Learn, chủ sở hữu của công ty công nghệ giáo dục (edtech) Byju, từng là doanh nghiệp edtech giá trị nhất thế giới với mức định giá 22 tỉ USD, tiếp tục đối mặt với một cuộc khủng hoảng khác.

Trong tuần này, Deloitte Haskins & Sells đã dừng vai trò kiểm toán cho Byju’s, với lý do công ty kéo dài việc báo cáo kết quả tài chính của năm tài khóa tính đến ngày 31.3.2022.

Ngay sau thông tin trên, Byju’s đưa ra thông báo chỉ định BDO (MSKA & Associates) trở thành đơn vị kiểm toán tiếp theo trong vòng 5 năm tới, bắt đầu từ kiểm toán lại báo cáo cho năm tài khóa 2022.

Cũng có những thông tin cho rằng ba thành viên trong ban lãnh đạo đã rời đi sau thông báo của Deloitte Haskins & Sells. Tuy vậy, Byju’s phủ nhận thông tin trên và cho biết điều này hoàn toàn mang tính suy đoán.

Trong một thông báo về đơn vị kiểm toán mới, Byju’s lưu ý rằng “BDO sẽ kiểm toán báo cáo tài chính của Think and Learn và các công ty con quan trọng như Aakash Education Services Limited, đồng thời xử lý kết quả hợp nhất của cả tập đoàn. Việc kiểm toán như vậy sẽ mang đến góc nhìn toàn diện về ‘sức khỏe’ tài chính của Byju’s và đảm bảo tính minh bạch trong cơ cấu tổ chức.”

Trong một lá thư gửi tới bộ Doanh nghiệp Ấn Độ, Deloitte cho biết Byju’s đã trì hoãn báo cáo kết quả tài chính trong thời gian dài. Theo quy định, việc báo cáo kết quả tài chính phải được trình bày trước các cổ đông trước ngày 30.9.2022. Deloitte cho biết công ty đã gửi mail kiểm toán cho báo cáo tài chính năm 2022 tới nhà sáng lập, Byju Raveendran vào ba tháng 9, 11 và 12.2022.

“Chúng tôi cũng chưa tiếp nhận bất kỳ thông báo nào về việc điều chỉnh báo cáo kiểm toán đối với năm tài khóa kết thúc vào ngày 31.3.2021, tình trạng sẵn sàng kiểm toán báo cáo tài chính cũng như sổ sách và hồ sơ cơ bản cho năm tài khóa tính đến ngày 31.3.2022. Chúng tôi không thể ký báo cáo tài chính đúng hạn. Điều này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến khả năng lập kế hoạch, chuẩn bị, thực hiện và hoàn thành kiểm toán theo các tiêu chuẩn kiểm toán hiện hành,” Deloitte cho biết.

Đây là thử thách mới nhất trong một loạt vấn đề về pháp lý mà công ty có trụ sở tại Bangalore, Ấn Độ đang phải đối mặt. Byju’s đã bị một nhóm chủ nợ đệ đơn kiện lên tòa Mỹ vì khoản vay hơn 1,2 tỉ USD. Vào tháng 6.2022, Byju’s đã từ chối thanh toán khoản tiền lãi 40 triệu USD và đệ đơn kiện với cáo buộc rằng một nhóm nhà đầu tư đang muốn lấy tiền của công ty.

Hồi đầu tháng 5.2023, đại diện của những người cho công ty vay số tiền 1,2 tỉ USD – thực hiện vào năm 2021 với thời hạn 5 năm – đã đệ đơn kiện Byju’s lên tòa án ở Delaware, Mỹ. Những chủ nợ này cáo buộc công ty “che giấu” số tiền 500 triệu USD.

Trong tháng 4.2023, Ủy ban Thực thi Ấn Độ, cơ quan trực thuộc chính phủ nước này tập trung vào điều tra các vụ án rửa tiền, đã tiến hành khám xét ba cơ sở liên quan đến Byju Raveendran. Đây là một phần trong quá trình điều tra về các cáo buộc liên quan đến vi phạm ngoại hối.

Byju’s cho biết công ty sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, đồng thời nói rằng đây là một phần của “quá trình điều tra thường xuyên.”

Hai nhà sáng lập của Byju’s, Byju Raveendran và vợ Divya Gokulnath không phản hồi cuộc gọi từ Forbes.

Các nhà phân tích nhận định một vài vấn đề của Byju’s đến từ việc công ty chưa đủ nhanh trong việc chuyển đổi mô hình hoạt động, từ nền tảng trực tuyến sang hình thức hybrid kết hợp cả học trực tiếp và trực tuyến.

Trong giai đoạn dịch COVID-19, Byju’s có gần 100 triệu học viên đăng ký ứng dụng của công ty. Tuy vậy, mô hình dạy học trực tuyến của Byju’s đã giảm dần sức hút khi các trường học mở cửa trở lại.

Ganesh Natarajan, chủ tịch công ty tư vấn và đầu tư số 5F World, nhận định “Mô hình hoạt động của Byju’s không còn phù hợp với tình hình sau dịch COVID-19. Công ty có rất ít sự thay đổi và đã quá trễ để làm điều đó. Do vậy, toàn bộ nhà đầu tư đều sẽ phải chịu khoản lỗ lớn.”

BlackRock, cổ đông thiểu số của Byju’s, đã hai lần hạ giá trị vốn hóa thị trường của công ty xuống 11,5 tỉ USD và 8,4 tỉ USD lần lượt vào tháng 10.2022 và tháng 5 vừa qua.

Khối tài sản ròng của Byju Raveendran còn 1,3 tỉ USD, giảm từ mức đỉnh 2,9 tỉ USD ghi nhận vào tháng 3.2022.

Trong năm tài khóa kết thúc vào ngày 31.3.2021, Byju’s báo cáo doanh thu giảm 3% và khoản lỗ thuần 45,6 tỉ rupee (573 triệu USD). Trong khi đó, chi phí hoạt động tăng gấp đôi.

Do cựu giáo viên Byju Raveendran thành lập vào năm 2011, Byju’s có những nhà đầu tư tên tuổi gồm các tập đoàn vốn sở hữu tư nhân như Tiger Global và Sequoia, bên cạnh Mark Zuckerberg.

Biên dịch: Minh Tuấn