multi-media / Megastory

Xu hướng: Đổi mới trước tình thế bất lực

Thế giới đang bị ảnh hưởng vì nước Nga cắt đứt nguồn cung ứng xăng dầu. Điểm tốt của sự việc này là gì? Tình trạng thiếu hụt trên diện rộng và mức giá hơn 2 đô la Mỹ/lít xăng sẽ gây sức ép khiến thế giới phải nghiêm túc đầu tư vào các lựa chọn thay thế, thậm chí vào cả những nguồn nhiên liệu ít được chú ý như hạt nhân và gỗ.

Tháng 2.2020, khi các lệnh hạn chế đi lại vẫn chưa ảnh hưởng đến châu Âu, những ông lớn trong ngành dầu mỏ đã họp tại tuần lễ Dầu khí quốc tế ở London. Trong bữa tối chỉ dành cho khách mời, nhà giao dịch hàng hóa Pierre Andurand đưa ra một dự đoán đáng kinh ngạc: Khi đại dịch COVID-19 lan rộng, các quốc gia sẽ phong tỏa, thùng chứa sẽ đầy và giá dầu sẽ về 0.

Nhà toán học sinh ra ở Pháp, học tại Oxford, nghiên cứu các báo cáo y tế ban đầu ở Vũ Hán, Trung Quốc, và chắc chắn về viễn cảnh này đến mức các quỹ đầu cơ của ông, hiện quản lý 1,7 tỉ đô la Mỹ, đã giữ các vị thế bán khống lớn trong hợp đồng dầu thô tương lai. Vào thời điểm giá dầu giảm xuống dưới 0 ngày 20.4.2020, các quỹ của Andurand Capital thu được lợi nhuận từ 60% đến 155%.

Hồi đầu tháng hai năm nay, nhà giao dịch này đưa ra lời tuyên bố gây chú ý khác: Vào năm 2022, dầu thô sẽ tăng lên 150 đô la Mỹ/thùng do nhu cầu sau đại dịch, nhờ sự hỗ trợ từ các gói kích thích của ngân hàng trung ương. Việc đó tạo nên tình trạng trái ngược với sụt giảm đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch nhiều năm qua và tình trạng đầu tư dưới mức vào những lựa chọn năng lượng thay thế. Đó là trước khi Vladimir Putin bất ngờ cắt đứt nguồn cung khi tấn công Ukraine ngày 24.2.2022.

Andurand, công ty sở hữu quỹ lớn nhất tăng trưởng thêm đến 112% tính đến tháng tư năm nay, hiện dự kiến giá dầu sẽ tăng cao hơn nữa, có thể lên đến 200 đô la Mỹ/thùng – ở các khu vực trung tâm dọc bờ biển, tương đương 0,47 đô la Mỹ/lít tại trạm xăng. Ông nói: “Putin quyết định tấn công ngay thời điểm này vì thị trường có lượng giao dịch cao.”

“Cuộc chiến leo thang đẩy chúng ta tiến gần đến thiếu hụt. Mọi chuyện sẽ trở nên tồi tệ hơn từ đây,” tỉ phú John Goff, chủ tịch Crescent Energy, cho biết từ thành phố Fort Worth, Texas. Từ năm 2019, ông đã nhanh chóng thu mua những tài sản liên quan đến dầu mỏ. “Thế giới đang thiếu đầu tư trầm trọng, những chính sách chuyển đổi năng lượng còn ngây thơ và nhu cầu vẫn chưa đạt đỉnh,” ông bổ sung. “Tôi hoàn toàn ủng hộ năng lượng xanh, nhưng chúng ta cần một kế hoạch thực thụ.”

Nhóm hoài nghi có thể phản bác rằng vào cuối tháng năm, tròn ba tháng sau cuộc tấn công của Putin, giá dầu tương lai vẫn dao động quanh mức 110 đô la Mỹ/thùng. Nhưng đó chỉ là vì Trung Quốc thắt chặt lệnh phong tỏa do đại dịch COVID-19, tạm thời làm giảm nhu cầu, và Mỹ đang xả hàng triệu thùng mỗi ngày từ nguồn dự trữ chiến lược của mình. Trên thực tế, điều duy nhất có thể cứu thế giới khỏi giá dầu 200 đô la Mỹ/thùng là cuộc suy thoái tồi tệ và đây không phải là tin tốt.

Tuy vậy, khi nhìn vào cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, có góc nhìn khác hứa hẹn hơn: Khủng hoảng này có thể thúc đẩy nhóm nhà đầu tư lớn nhất xúc tiến nhanh những giải pháp sáng tạo và buộc giới chính trị gia phải đứng ngoài cuộc. Điều đó có nghĩa là phải thực hiện mọi thứ, từ bật đèn xanh cho những thiết kế nhà máy hạt nhân mới, đến chế tạo những loại pin tốt hơn, xây dựng mạng lưới điện tốt hơn để lưu trữ và phân phối năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Thậm chí còn một giải pháp dễ dàng hơn là dùng viên gỗ nén thay vì đốt than.

Đây là sự đảo chiều so với những năm gần đây, khi đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch sụt giảm, Đức và Nhật đóng cửa nhà máy hạt nhân, và nhóm nhà hoạt động NIMBY (not-in-my-backyard – nhóm phản đối những dự án phát triển tại địa phương, đồng thời ủng hộ những quy định sử dụng đất nghiêm ngặt) phản đối hàng trăm trang trại điện gió chỉ riêng tại Hoa Kỳ.

John Arnold, người đã rút khỏi hoạt động kinh doanh năng lượng cách đây một thập niên ở tuổi 38, cho biết: “Đây sẽ là thập niên tăng giá của thị trường năng lượng. Thời điểm này có nhiều sức ép hơn, và mọi người đang cố bù đắp cho bảy năm thiếu đầu tư.” Trong những năm gần đây, tỉ phú từ thiện này đã đầu tư vào những trang trại năng lượng mặt trời, phản ứng tổng hợp hạt nhân, giàn khoan dầu nước sâu và nhiều giải pháp khác. Ông đặc biệt ủng hộ chỉnh lại quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp phép kết nối lưới điện giữa thành thị và nông thôn, nơi sản xuất năng lượng gió và mặt trời. “Chúng ta cần hành động như vậy nếu thực sự cảm thấy biến đổi khí hậu là mối đe dọa hiện hữu với xã hội. Bạn không thể bác mọi dự án.”


NẠP NĂNG LƯỢNG CHO CHÂU ÂU


Thách thức trước mắt đối với phương Tây là thay thế nguồn khí đốt tự nhiên của Nga, nơi đang cung cấp năng lượng cho phần lớn khu vực châu Âu để các nhà máy vẫn tiếp tục hoạt động và nhà cửa được giữ ấm vào mùa đông tới. Vào cuối năm nay, lục địa này hi vọng sẽ thay thế 2/3 lượng dầu nhập khẩu của Nga trước chiến tranh là 155 tỉ m3 (5,4 ngàn tỉ ft3) mỗi năm.

Việc nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới sẽ đáp ứng được một nửa nhu cầu đó, trong khi năng lượng tái tạo chỉ đáp ứng được 20%. Để sản xuất LNG, khí được làm lạnh xuống âm 260 độ F, biến thành chất lỏng có thể được vận chuyển qua đại dương trong các tàu chở dầu cách nhiệt khổng lồ. Người châu Âu đang chuẩn bị tiếp nhận LNG trên các kho chứa nổi.

Tìm đủ LNG để mua (và các tàu chở dầu để vận chuyển) sẽ rất khó khăn. Michael Smith, tỉ phú chủ tịch, CEO kiêm chủ sở hữu 63% của Freeport LNG, khu phức hợp tại Texas – cơ sở lớn thứ hai của Hoa Kỳ, cho biết: “Tôi nghĩ rằng chẳng có nhà vận hành LNG nào trên thế giới mà lại không muốn chế biến hết mọi phân tử mà họ có.” Ông đã bán phần lớn sản lượng của mình cho châu Á theo các hợp đồng dài hạn, mặc dù phần lớn lượng LNG đó hiện được bán lại cho châu Âu. Nhưng như thế chưa đủ.

Tháng 3.2022, tổng thống Joe Biden và chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã ký thỏa thuận để Hoa Kỳ gửi thêm 525 tỉ ft3 LNG tới châu Âu trong năm nay và thậm chí nhiều hơn nữa trong tương lai. Hoa Kỳ có thể xuất khẩu nhiều LNG hơn. Nhưng sẽ mất thời gian và cần nguồn vốn mới. Quốc gia này đã chuyển từ nhà nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch lớn nhất thế giới vào năm 2005 thành nhà xuất khẩu ròng nhờ áp dụng nhanh chóng các kỹ thuật khoan ngang và nứt vỡ thủy lực (fracking).

Vào năm 2015, các công ty khai thác dầu khí của Mỹ đã khoan quá nhiều dầu và khí đốt đến mức giá năng lượng sụt giảm. Một số người chơi bị phá sản, trong khi những người sống sót chịu áp lực lớn từ các nhà đầu tư buộc họ phải trả nợ và từ các nhà hoạt động môi trường yêu cầu họ làm sạch hoạt động khai thác. Theo chuyên gia tư vấn Wood Mackenzie, trong năm năm qua, đầu tư của Hoa Kỳ vào nhiên liệu hóa thạch chỉ đạt trung bình 400 tỉ đô la Mỹ một năm, giảm so với mức 750 tỉ đô la Mỹ trong thời kỳ hoàng kim của fracking.

Châu Âu cũng có địa chất đá phiến sét, nhưng họ chưa bao giờ tham gia vào công cuộc khai thác bằng phương pháp nứt vỡ thủy lực. Ở lục địa đó, các chính phủ, không phải chủ đất tư nhân, thường giữ quyền khai thác khoáng sản. Các chính trị gia không có động cơ gì để ủng hộ phương pháp fracking khi họ có thể mua khí đốt của Nga. Bây giờ, đó chẳng còn là điều có thể lựa chọn nữa.

Tỉ phú Wesley Edens là người mới trong thị trường LNG đang mang đến nguồn vốn cho cuộc chơi. Là người đồng sở hữu đội NBA Milwaukee Bucks, Edens, 60 tuổi, kiếm được khối tài sản đầu tiên của mình khi đồng sáng lập Fortress Investment Group, quỹ đầu tư mà ông bán cho SoftBank năm 2017. Hiện ông là CEO của công ty đại chúng New Fortress Energy, đang phát triển Fast LNG. Các hệ thống hóa lỏng khí tự nhiên theo mô-đun được xây dựng trong một nhà máy đóng tàu và lắp đặt trên các giàn khai thác dầu ngoài khơi được tái sử dụng. “Chúng tôi đang cố gắng theo đuổi mô hình nhà máy Model T cho LNG,” Edens, người có 35% cổ phần tại New Fortress trị giá hơn ba tỉ đô la Mỹ cho biết.

Ông dự tính đặt nhà máy Fast LNG đầu tiên cách Grand Isle, Louisiana khoảng 25km, và nói rằng hoạt động xa bờ sẽ giúp thủ tục phê duyệt nhanh hơn. Edens cho biết nếu Nhà Trắng tuân thủ chính sách hợp lý hóa các giấy phép như đã hứa hẹn, ông có thể xuất xưởng những chuyến hàng đầu tiên vào đầu năm sau. Đó là lúc thu lợi nhuận – người châu Âu đang trả 22 đô la Mỹ/ ngàn ft3 cho khí đốt tự nhiên, gấp hai lần rưỡi giá của Hoa Kỳ. “Thứ duy nhất bạn không thể mua là thời gian,” Edens nói.

Rất nhiều thời gian đã bị phí phạm. Vào năm 2015, nhà đầu tư tỉ phú Carl Icahn buộc người tiên phong trong lĩnh vực LNG Charif Souki, hiện 69 tuổi, rời khỏi vị trí CEO của Cheniere Energy, công ty Souki thành lập vào năm 1996. Ông ấy đã làm sai điều gì? Thay vì trả cổ tức lớn hơn cho các cổ đông như Icahn thì Souki, người tin rằng sắp xảy ra tình trạng thiếu hụt, lại muốn xây thêm một khu phức hợp LNG đắt tiền khác. Bảy năm sau, công ty mới của Souki, Tellurian Energy, cuối cùng cũng bắt đầu xây dựng giai đoạn đầu trị giá 12 tỉ đô la Mỹ của một dự án tương tự trên diện tích hơn bốn triệu m2 ven biển Louisiana, phía nam hồ Charles. Thời điểm ông có thể bắt đầu giao hàng sớm nhất là năm 2026.

Có lẽ đến lúc đó sẽ có nhiều khí tự nhiên hơn để hóa lỏng. Sản xuất đang hồi phục. Vào giữa tháng 5.2022, có 750 giàn khoan đang hoạt động tại Hoa Kỳ, tăng so với 453 giàn của một năm trước nhưng vẫn giảm 2/3 so với con số hai ngàn giàn khoan hoạt động trong thời kỳ bùng nổ khai thác fracking. Các hoạt động khoan bị hạn chế do thiếu đội thợ khoan lành nghề, thiếu giàn khoan, cát khoan và nợ nần chồng chất.

Tỉ phú dầu mỏ Harold Hamm, 76 tuổi, cùng gia đình sở hữu 80% cổ phần của Continental Resources, một trong những tập đoàn khai thác dầu mỏ lớn nhất quốc gia, cho biết: “Sẽ mất sáu tháng để đẩy nhanh hoạt động.” Vì chi phí khoan tăng 15% một năm, ông có ý định tận dụng việc giá dầu và khí đốt tăng để trả nợ. Ông có lợi thế về thời gian.

Sản lượng ba triệu thùng/ ngày thiếu hụt từ Nga sẽ không thể được bù đắp nhanh chóng. Bernstein Research ước tính OPEC hiện chỉ có thể bổ sung thêm 1,5 triệu thùng/ ngày. Saudi Aramco dự kiến tăng thêm một triệu thùng/ ngày nữa vào năm 2027. Ở bất kỳ thời điểm nào, lịch sử đều đã cho thấy phương Tây sẽ thật thiếu khôn ngoan khi trở nên phụ thuộc quá nhiều vào một quốc gia.


NĂNG LƯỢNG HẠT NHÂN


Jay Royan, giám đốc hợp danh của Mithril Capital – quỹ đầu tư của tỉ phú đầu tư mạo hiểm Peter Thiel, nói: “Không ai tin điều đó cho đến lúc mọi chuyện thành sự thật.” Năm 2014, Mithril đầu tư khoảng một triệu đô la Mỹ vào công ty Helion Energy có trụ sở tại Everett, Washington, một trong số ít các công ty hiện đang tiến gần hơn đến giấc mơ kéo dài hàng thập niên qua về việc tạo ra năng lượng thông qua phản ứng tổng hợp hạt nhân (là quá trình các nguyên tử hydro bắn vào nhau với tốc độ cao, bị nghiền và tạo ra nguyên tử heli – đó là phản ứng nhiệt hạch được diễn ra trong lòng mặt trời.) Helion có các nhà đầu tư gồm đồng sáng lập Facebook Dustin Moskowitz, cùng đồng sáng lập Reid Hoffman của LinkedIn và gần đây đã huy động được 500 triệu đô la Mỹ với mức định giá ba tỉ đô la Mỹ.

Cũng tham gia vào cuộc đua nhiệt hạch là công ty Commonwealth Fusion Systems có trụ sở tại Cambridge, Massachusetts. Công ty huy động được 1,8 tỉ đô la Mỹ từ một nhóm tỉ phú khác bao gồm Bill Gates, Laurene Powell Jobs, John Doerr, George Soros và John Arnold. CEO của cả Helion và Commonwealth đều dự đoán rằng phản ứng tổng hợp hạt nhân sẽ sản xuất năng lượng thương mại trong vòng một thập niên tới.

Cùng với những nỗ lực mạnh mẽ này, các tỉ phú cũng đang đổ tiền vào các thiết kế mới hơn, an toàn hơn cho các lò phản ứng phân hạch hạt nhân vì thời kỳ phục hưng của hạt nhân dường như đang rõ ràng hơn bao giờ hết.

Điều đó có ý nghĩa quan trọng, vì bất chấp mọi sự quan tâm đến các lựa chọn thay thế, nhiên liệu hóa thạch – khí đốt, dầu và than đá – vẫn chiếm 80% tổng năng lượng được sử dụng trên toàn thế giới, không giảm nhiều so với hai thập niên trước. Một trong những nguyên nhân là điện hạt nhân – một phần của năng lượng thế giới – không chỉ ngừng phát triển mà còn thực sự thu hẹp – từ 7% xuống còn 5% – trong cùng kỳ. Sau thảm họa tại nhà máy hạt nhân Fukushima năm 2011, Nhật Bản và Đức đã ngừng hoạt động các lò phản ứng hạt nhân, ngược lại với sự tăng trưởng hạt nhân ở Trung Quốc. Tại Hoa Kỳ, các nhà máy hạt nhân mới phần lớn đã bị đình trệ kể từ sau vụ tai nạn trên đảo Three Mile năm 1979.

Các xu hướng chính trị đang thay đổi. California đang tranh luận về việc liệu có nên “cứu” lò phản ứng Diablo Canyon, dự kiến ngừng hoạt động vào năm 2025 dù tuổi thọ của nó còn hàng chục năm. Nhật Bản đang dần đưa một số lò phản ứng của họ hoạt động trở lại. Pháp, với công suất hạt nhân lớn nhất ở Tây Âu, đang chuyển sang phục hồi ngành công nghiệp của mình. 1/5 trong số 56 lò phản ứng của nước này đang ngừng kết nối với hệ thống trung tâm.

Bill Gates là người ủng hộ phát triển năng lượng hạt nhân. Ông mô tả đó là nguồn năng lượng không chứa carbon duy nhất có thể hoạt động hầu như ở bất kỳ đâu, 24 giờ một ngày. Năm 2008, ông đồng sáng lập TerraPower, công ty hợp tác với GE Hitachi Nuclear Energy phát triển lò phản ứng Natrium. Đây là lò phản ứng nhanh được cung cấp nhiên liệu bằng uranium có nồng độ thấp được đặt trong một bể muối nóng chảy có thành bể không bị ăn mòn, tăng gấp đôi khả năng lưu trữ năng lượng lâu dài.

Năm 2018, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Trung Quốc, chính phủ Hoa Kỳ đã bác bỏ kế hoạch của Terra Power xây dựng lò phản ứng Natrium đầu tiên ở Trung Quốc. Nhưng hiện giờ bộ Năng lượng đã đồng ý hỗ trợ tới hai tỉ đô la Mỹ – gần một nửa chi phí – để xây dựng lò phản ứng Natrium quy mô thương mại đầu tiên ở Wyoming tại khu vực đặt máy phát điện chạy bằng than đang ngừng hoạt động, thuộc sở hữu công ty con của tập đoàn Berkshire Hathaway của tỉ phú Warren Buffett.

Những người khác cũng ủng hộ sự nhiệt tình của Gates. Năm 2018, Brookfield Business Partners do tỉ phú quản lý tài sản người Canada, Bruce Flatt, điều hành, chi 4,6 tỉ đô la Mỹ cho các hoạt động hạt nhân trên toàn thế giới của Toshiba, bao gồm cả công ty Westinghouse Electric khi đó đã phá sản. Westinghouse đang hoàn thiện hai lò phản ứng AP1000 mới cho công ty Southern có trụ sở tại Atlanta ở Georgia và có bốn lò theo đơn đặt hàng từ Trung Quốc (công ty đã xây dựng bốn lò ở đó), cùng một hợp đồng gồm sáu lò phản ứng ở Ba Lan.

AP1000 là lò phản ứng nước áp lực, tương tự như gần 100 lò phản ứng hiện hoạt động ở Hoa Kỳ, nhưng được coi là an toàn hơn vì có thiết kế đơn giản hơn và nhiều hệ thống an toàn hơn. Lò AP1000 dựa vào trọng lực và nước (không phải nguồn điện dự phòng) để chứa và làm dịu tình trạng nóng chảy hạt nhân, như vậy sẽ khiến các chính trị gia và cử tri cảm thấy yên tâm hơn.


MẶT TRỜI, GIÓ, GỖ

———————

Không chỉ có phản ứng tổng hợp hạt nhân mới đòi hỏi sự kiên nhẫn và túi tiền rủng rỉnh. Phil Anschutz, nhà đại tư bản Denver, cho biết: “Bạn không thể chỉ ra ngoài và bật công tắc rồi chuyển sang năng lượng tái tạo.” Ông đã dành 16 năm để lấy được tất cả các giấy phép và quyền sử dụng đất để xây dựng 700 tuabin gió trên diện tích khoảng 404 triệu m2 ở Wyoming, cộng với một đường dây điện cao áp để đưa năng lượng gió đến Las Vegas. Ông cần giấy phép để giết một số con đại bàng vàng và quyền sử dụng đất để xử lý môi trường sống của những chú gà gô to lớn, nhưng rồi cuối cùng cũng bắt tay vào xây dựng.

Năng lượng gió tăng 12% và năng lượng mặt trời tăng 21% trên toàn thế giới vào năm ngoái. Như vậy chưa đủ nhanh. Nhưng có một số phát triển đầy hứa hẹn, bao gồm những đột phá trong công nghệ pin rất trọng yếu để lưu trữ năng lượng mặt trời và năng lượng gió được tạo ra không liên tục. Tuy nhiên, các nhà sản xuất pin phải đối mặt với tình trạng thiếu đồng, niken và lithium trên toàn cầu.

Charles Koch, người sở hữu hãng lọc dầu lớn Koch Industries, gần như không nổi tiếng trên phương diện bảo vệ môi trường. Nhưng nếu có cơ hội cho năng lượng sạch, thì chủ nghĩa thực dụng và động cơ vì lợi nhuận sẽ thống trị. Hiện 86 tuổi, Koch, người giàu thứ 21 thế giới, đã đầu tư 1,7 tỉ đô la Mỹ kể từ đầu năm 2021 vào các giải pháp pin và năng lượng mặt trời (bao gồm tái chế pin, sử dụng sắt thay vì coban và pin 3D) để giảm nhu cầu về các vật liệu lạ và có thể mở rộng quy mô lên.

Jeffrey Ubben tuyên bố khi nói đến các lựa chọn thay thế, “sự hoàn hảo là kẻ thù của những điều tốt đẹp.” Năm 2020, ở tuổi 58, Ubben nghỉ việc ở ValueAct, quỹ đầu cơ trị giá 12,5 tỉ đô la Mỹ mà ông điều hành suốt 20 năm, để quản lý công ty đầu tư Inclusive Capital Partners có tài sản ba tỉ đô la Mỹ. Ông cũng ngồi trong hội đồng quản trị của ExxonMobil, thúc đẩy các sáng kiến hấp thụ carbon và Enviva, công ty lớn nhất thế giới về sản xuất viên gỗ nén.

10 nhà máy của họ ở sáu bang phía đông nam lấy cây và phế liệu từ các hoạt động lâm nghiệp bền vững rồi ép chúng thành sáu triệu tấn gỗ dạng viên dài 7,6cm mỗi năm, được vận chuyển đến các khách hàng ở Vương quốc Anh và Nhật Bản, để đốt trong các nhà máy điện thay cho than. “Khu vực Đông Nam là Saudi Arabia của gỗ,” Ubben so sánh vui.

Giám đốc điều hành Enviva, John Keppler, cho biết ông có thể tăng gấp đôi sản lượng vào năm 2027. Các nhà bảo vệ môi trường tỏ ra e ngại, nhưng Ubben coi đây là giải pháp ngắn hạn thông minh. Ông nói: “Tôi không nghĩ viên nén gỗ là giải pháp cuối cùng.”

Có một cách “khắc phục” ngắn hạn tự nhiên khác: Khi nguồn năng lượng từ Nga biến mất khỏi thị trường, giá sẽ tăng cho đến khi nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại để giảm nhu cầu. Theo thời gian, vấn đề sẽ được giải quyết, nhưng vẫn sẽ tồn tại các giải pháp ngắn hạn và tình trạng đầu tư ồ ạt – đặc biệt là vào nhiên liệu không hóa thạch. Cơ quan Năng lượng quốc tế cho rằng thế giới cần phải tăng gấp đôi chi tiêu hiện tại vào năng lượng thay thế và đầu tư tổng cộng 12 ngàn tỉ đô la Mỹ vào năm 2030 để cố gắng giữ cho mức độ nóng lên toàn cầu ở mốc 2 độ C.

Tuy nhiên, theo John Arnold, vẫn có thể lạc quan, nếu chúng ta chấp nhận tiếp cận tất cả lựa chọn thay thế nói trên và không để các quy định quá mức của chính phủ và những nhóm hoạt động NIMBY cản đường. Về dài hạn, ông nhận xét “xã hội đã làm rất tốt trong việc cung cấp năng lượng ngày càng rẻ hơn.”

Biên dịch: Quỳnh Anh
Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam số 107, tháng 7.2022